CHƯƠNG MỞ ĐẦU
ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
VÀ
Ý NGHĨA HỌC TẬP MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
I. ĐỐI
TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1.
Khái niệm tư tưởng và tư tưởng Hồ Chí Minh
a. Khái niệm tư tưởng
Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là
biểu hiện quan hệ của con người với thế giới chung quanh. Trong thuật ngữ tư
tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm tư tưởng có ý nghiã ở tầm khái quát triết học. Tư
tưởng ở đây không phải dùng với ý nghĩa tinh thần – tư tưởng, ý thức, tư tưởng
của một cá nhân, một cộng đồng mà với nghĩa là một hệ thống những quan điểm,
quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một nền tảng triết học ( thế giới quan
và phương pháp luận ) nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của một giai
cấp, một dân tộc, được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định và trở lại chỉ
đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.
Khái niệm tư tưởng liên quan trực tiếp đến khái niệm
nhà tư tưởng. Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi người đó biết cách giải
quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về
tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát.
b. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh
Quá trình nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí
Minh đi từ thấp đến cao, từ những vấn đề cụ thể đến hệ thống hoàn chỉnh.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII ( tháng 6 –
1991 ) đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ
Chí Minh. Đảng ta đã khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Văn kiện của Đại hội
định nghĩa: “ tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta, và trong thực tế tư tưởng
Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân
tộc ”.
Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của
Đảng, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được tiến hành nghiêm túc và đạt
được những kết quả quan trọng. Những kết quả nghiên cứu đó đã cung cấp luận cứ
khoa học có sức thuyết phục để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và XI của Đảng xác định khá toàn diện
và có hệ thống những vấn đề cố yếu thuộc nội hàm khái niệm tư tưởng Hồ Chí
Minh. “ Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ
thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt
đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô
cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp
cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi “
Trong định nghĩa này, Đảng
ta đã làm rõ được:
- Bản chất cách mạng, khoa học và nội dung của tư tưởng Hồ
Chí Minh: đó là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản
của cách mạng Việt Nam, phản ánh những vấn đề có tính quy luật của cách mạng
Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng và dân tộc Việt Nam.
- Nguồn gốc tư tưởng, lý luận
của tư tưởng Hồ Chí Minh: chủ nghĩa Mác – Lênin; giá trị văn hóa dân tộc; tinh
hoa vân hoa nhân loại.
- Giá trị, ý nghĩa, sức hấp dẫn, sức sống lâu bền của tư
tưởng Hồ Chí Minh: tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc, mãi mãi soi
đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Dựa trên định hướng cơ bản các văn kiện đại hội của
Đảng Cộng sản Việt nam, các nhà khoa học đã đưa ra định nghĩa:
“ Tư tưởng Hồ
Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản
của cách mạng Việt Nam; từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã
hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác
– Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc
và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng
con người “
Dù định nghĩa theo cách nào, tư tưởng Hồ Chí Minh đều
được nhìn nhận với tư cách là một hệ thống lý luận. Hiện nay, tồn tại hai
phương thức tiếp cận hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh đuợc
nhận diện như một hệ thống tri thức tổng hợp, bao gồm: tư tưởng triết học, tư
tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, tư tưởng văn hóa, đạo đức
và nhân văn.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ
thống các quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao gồm: tư
tưởng về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về đại đoàn kết
dân tộc và đoàn kết quốc tế, về dân chủ, nhà nước của dân; do dân; vì dân, về
văn hóa, đạo đức…
Giáo trình này vận dụng phương thức tiếp cận thứ hai
để giới thiệu và nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là một hệ thống lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh có cấu
trúc lôgic chặt chẽ và có hạt nhân cốt lõi, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc,
dân chủ và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nhằm
giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
2. Đối tượng và nhiệm vụ của môn học Tư tưởng Hồ Chí
Minh
a.
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh
bao gồm hệ thống các quan điểm, quan niệm, lý luận về cách mạng Việt Nam trong
dòng chảy của thời đại mới mà cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội. Các quan điểm cơ bản của hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được phản ánh trong các bài nói,
bài viết, mà còn được thể hiện qua quá trình chỉ đạo thực tiễn cách mạng phong
phú của Người; được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo qua
các giai đoạn cách mạng.
Như vậy, đối tượng của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh
không chỉ là bản thân hệ thống các quan điểm, lý luận được thể hiện trong toàn
bộ di sản của Hồ Chí Minh mà còn là quá trình vận động, hiện thực hóa các quan
điểm, lý luận đó trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là quá trình mang tính
quy luật, bao gồm hai mặt thống nhất biện chứng: sản sinh tư tưởng và hiện thực
hóa tư tưởng theo các mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội; giải
phóng dân tộc; giải phóng giai cấp; giải phóng con người.
b.
Nhiệm vụ nghiên cứu
Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu, môn học Tư tưởng Hồ
Chí Minh có nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu làm rõ các nội dung sau.
- Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó khẳng
định sự ra đời của tư tưởng Hồ Chí Minh là một tất yếu khách quan và giải đáp
các vấn đề lịch sử dân tộc đặt ra.
- Các giai đoạn hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh
- Nội dung, bản chất cách mạng, khoa học, đặc điểm của
các quan điểm trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí
Minh
- Vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của
tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam
- Quá trình nhận thức, vận dụng, phát triển tư tưởng
Hồ Chí Minh qua các giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhà nước ta
- Các giá trị tư tưởng, lý luận của Hồ Chí Minh đối với kho tàng tư tưởng, lý luận cách
mạng thế giới của thời đại.
3. Mối quan hệ với môn học Những nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mác – Lênin và môn học Đường lối cách Mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh có quan hệ chặt chẽ với
Hồ Chí Minh học, các khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là với môn học lý
luận chính trị.
a. Mối quan hệ với môn học Những nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mac – Lênin
Chủ nghĩa Mac – Lênin là cơ sở thế giới quan, phương
pháp luận, nguồn gốc tư tưởng, lý luận trực tiếp quyết định bản chất cách mạng,
khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người trung thành, vận dụng
và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng
Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh và sự nghiệp của Đảng ta, của
cách mạng Việt Nam, thông qua tổng kết thực tiễn, đã góp phần làm phong phú, bổ
sung và phát triển các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mac – Lênin, là
sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin vào điều kiện thực tế
Việt Nam, vì vậy, môn họcTư tưởng Hồ Chí
Minh với môn học Những nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mac – Lênin có mối quan hệ chặt chẽ. Muốn nghiên cứu tốt,
giảng dạy và học tập tốt tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải nắm vững kiến thức về
những nguyên lý của chủ nghĩa Mac – Lênin.
b. Mối quan hệ với môn học Đường lối cách mạng của
Đảng Cộng sản Việt Nam
Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam;
người sáng lập, giáo dục, rèn luyện và là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bản thân Hồ Chí Minh là người tìm kiếm, lựa chọn con đường, vạch ra đường lối
cách mạng đúng đắn cho dân tộc và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam theo
mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong quan hệ với môn
học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản
Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận tư tưởng của Đảng, nhưng với
tư cách là bộ phận nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng, là cơ sở
khoa học cùng với chủ nghĩa Mac – Lênin để xây dựng đường lối, chiến lược, sách
lược cách mạng đúng đắn. Như vậy, môn học tư
tưởng Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, giảng
dạy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm trang bị cơ sở thế giới quan, phương
pháp luận khoa học để nắm vững kiến thức về đường lối cách mạng của Đảng Cộng
sản Vệt Nam.
II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Với tư cách là một môn học
có tính độc lập trong hệ thống các môn lý luận chính trị,
Tư tưởng Hồ
Chí Minh có cơ sở phương pháp luận và
các phương pháp nghiên cứu riêng.
1. Cơ sở phương pháp
luận
Nghiên cứu, giảng dạy, học tập môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh phải trên cơ sở thế
giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mac – Lênin và bản thân các
quan điểm có giá trị phương pháp luận của Hồ Chí Minh.
Trong đó, các nguyên lý triết học Mac – Lênin với tư
cách là phương pháp luận chung của các ngành khoa học cần phải được sử dụng như
một công cụ tư duy quan trọng. Dưới đây là một số nguyên tắc phương pháp luận
trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh.
a. Bảo đảm sự thống nhất nguyên tắc tính đảng và tính
khoa học
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải đứng trên lập
trường, quan điểm, phương pháp luận chủ nghĩa Mac – Lênin và quan điểm, đường
lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo đảm tính khách quan khi phân tích, lý giải
và đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa hoặc hiện
đại hóa tư tưởng của Người. Tính đảng và tính khoa học thống nhất với nhau
trong sự phản ánh trung thực, khách quan tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở lập
trường, phương pháp luận và định hướng chính
trị.
b.
Quan điểm thực tiễn và nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn
Chủ nghĩa Mac – Lênin cho rằng, thực tiễn là nguồn
gốc, là động lực của nhận thức, là cơ sở và là tiêu chuẩn của chân lý. Trong
cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn bám sát thực tiễn cách
mạng dân tộc và thế giới, coi trọng tổng kết thực tiễn như là biện pháp không
chỉ nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, mà còn là điều kiện để nâng cao
trình độ lý luận. Đồng thời, Người cũng đặc biệt coi trọng việc kết hợp lý luận
với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm. Hồ Chí Minh khẳng định: thực tiễn
không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng, dễ mắc bệnh chủ quan;
lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Hồ Chí Minh là người
luôn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mac – Lênin vào thực tiễn đất nước, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lãnh
đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng
lợi vẻ vang.
Vì vậy, nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần
phải quán triệt tư tưởng lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành,
phải biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, thực tiễn, phục vụ cho
sự nghiệp cách mạng của đất nước
c. Quan điểm lịch sử - cụ thể
Cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta cần
vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí
Minh. Trong nghiên cứu khoa học, chúng ta không được quên mối liên hệ lịch sử
căn bản, nghĩa là phải xem xét một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch
sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu
nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở
thành như thế nào? Nắm vững quan điểm này giúp chúng ta nhận thức được bản chất
tư tưởng Hồ Chí Minh.
d. Quan điểm toàn diện và hệ thống
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn
diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Một yêu cầu về
khoa học khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện tổng thể hay từng
bộ phận là phải luôn luôn quán triệt mối liên hệ qua lại của các yếu tố, các
nội dung khác nhau trong hệ thống tư tưởng đó phải lấy hạt nhân cốt lõi là tư
tưởng độc lập, tự do, dân chủ, và chủ nghĩa xã hội. Lênin đã từng chỉ rõ: Muốn
thực sự hiểu được sự vật thì cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các
mặt, tất cả mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Trong nghiên cứu
tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nắm vững và đầy đủ hệ thống các quan điểm của Người.
Nếu tách rời một yếu tố nào đó khỏi hệ thống sẽ dẫn tới hiểu sai tư tưởng Hồ
Chí Minh. Chẳng hạn, tách rời độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là xa rời tư
tưởng Hồ Chí Minh.
e. Quan điểm kế thừa và phát triển
Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự vận dụng và phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người
đã bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin trên nhiều lĩnh vực quan
trọng và hình thành nên một hệ thống các quan điểm lý luận mới. Nghiên cứu, học
tập tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ biết kế thừa, vận dụng mà còn phải
biết phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong điều kiện lịch sử mới, trong
bối cảnh cụ thể của đất nước và quốc tế.
g. Kết hợp nghiên cứu các tác phẩm với thực tiễn chỉ
đạo cách mạng của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là một nhà lý luận – thực tiễn. Người xây
dựng lý luận, vạch ra cương lĩnh, đường lối, chủ trương cách mạng và trực tiếp
tổ chức, lãnh đạo thực hiện. Từ thực tiễn, Người tổng kết, bổ sung để hoàn
chỉnh và phát triển lý luận, cho nên tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính cách mạng,
luôn luôn sáng tạo, không lạc hậu, giáo điều. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh
không chỉ căn cứ vào các tác phẩm, bài viết, bài nói mà còn coi trọng hoạt động
thực tiễn của Người, thực tiễn cách mạng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng
do Người đứng đầu. Vì vậy, chỉ căn cứ vào các bài viết, bài nói, tác phẩm của
Người là hoàn toàn chưa đầy đủ. Kết quả hành động thực tiễn, chủ nghĩa anh hùng
cách mạng trong chiến đấu và xây dựng của nhân dân Việt Nam chính là lời giải
thích rõ ràng giá trị khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh
Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Sự sáng tạo
cách mạng của Hồ Chí Minh trước hết là sự sáng tạo về tư duy lý luận, về chiến lược, về đường lối cách
mạng. Điều đó giữ vai trò quyết định hàng đầu dẫn đến thắng lợi cách mạng giải
phóng dân tộc. Tư tưởng, lý luận cách
mạng của Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú thêm và phát triển lý luận cách
mạng của thời đại, trước hết là về cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng Hồ
Chí Minh đã tỏa sáng vượt ra ngoài biên giới quốc gia Việt Nam, đến với các dân
tộc và nhân dân lao động thế giới.
2. Các phương pháp cụ
thể
Với ý nghĩa chung nhất, phương pháp được hiểu là cách
thức đề cập tới hiện thực, cách thức nghiên cứu các hiện tượng của tự nhiên và
của xã hội. Phương pháp là hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh nhận thức và hoạt
động cải tạo thực tiễn xuất phát từ các quy luật vận động của khách thể được
nhận thức.
- Giữa phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu có mối
liên hệ mật thiết và chi phối lẫn nhau; phương pháp phải trên cơ sở vận động
của bản thân nội dung; nội dung nào phương pháp ấy. Vì vậy, ngoài các nguyên
tắc phương pháp luận chung, với một nội dung cụ thể cần phải vận dụng một
phương pháp nghiên cứu cụ thể phù hợp. Trong đó, việc vận dụng phương pháp lịch
sử và phương pháp logic một cách tổng quát nhằm tìm ra được cái bản chất vốn có
của sự vật, hiện tượng là hết sức cần thiết trong nghiên cứu, giảng dạy, học
tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Vận dụng phương pháp liên
ngành trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Là
một nhà khoa học, nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của
mình như một hệ thống, bao quát nhiều lĩnh vực: tư tưởng triết học, tư tưởng
kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng quân sự, tư tưởng văn hóa, tư tưởng đạo
đức…Trong mỗi lĩnh vực lại có thể tìm thấy những hệ thống nhỏ. Trước một đối
tượng nghiên cứu đa dạng và phong phú nhiều mặt như vậy thì không một lĩnh vực
nào có đủ năng lực bao quát hết để đưa ra một bức tranh tổng thể về tư tưởng Hồ
Chí Minh. Vì thế, cần thiết phải áp dụng các phương pháp liên ngành khoa học xã
hội nhân văn, lý luận chính trị để
nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như mỗi tác phẩm lý luận riêng
biệt của Người.
- Để nghiên cứu tư tưởng Hồ
Chí Minh đạt được trình độ khoa học ngày một cao hơn cần phải đổi mới và hiện
đại hóa các phương pháp nghiên cứu cụ thể, trên cơ sở không ngừng phát triển,
hoàn thiện về lý luận và phương pháp luận khoa học nói chung. Trong nghiên cứu
hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, các phương pháp cụ thể thường được áp
dụng có hiệu quả là: phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê trắc
lượng, văn bản học, điều tra điền dã, phỏng vấn nhân chứng lịch sử….Mỗi phương
pháp khi vận dụng vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh có những đặc điểm và đặt
ra các yêu cầu khác nhau. Việc vận dụng các phương pháp và kết hợp các phương
pháp cụ thể phải căn cứ vào nội dung nghiên
cứu.
III. Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỌC TẬP MÔN HỌC ĐỐI VỚI SINH
VIÊN
Đối với sinh viên, trí thức tương lai của nước nhà,
việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh
tế tri thức, hội nhập quốc tế.
1. Nâng cao năng lực tư duy lý luận và phương pháp
công tác
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng và nhân dân
Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh. Thông qua việc làm rõ và truyền thụ nội dung hệ thống quan điểm
lý luận Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam đã làm cho sinh
viên nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đời
sống cách mạng Việt Nam; làm cho tư tưởng của Người ngày càng giữ vai trò chủ
đạo trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ nước ta.
Thông qua học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để
bồi dưỡng, củng cố cho sinh viên, thanh niên lập trường, quan điểm cách mạng;
kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tích cực chủ
động đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và
nhà nước ta; biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề đặt
ra trong cuộc sống.
2. Bồi dưỡng phẩm chất cách mạng
và rèn luyện bản lĩnh chính trị
Tư tưởng Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm
chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên và toàn dân biết sống hợp đạo lý, yêu cái
tốt, cái thiện, ghét cái ác, cái xấu. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh giúp nâng
cao lòng tự hào về Người, về Đảng Cộng sản, về tổ quốc Việt Nam, tự nguyện “
Sống, chiến đấu, lao động, và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại “
Trên cơ sở kiến thức đã được học, sinh viên vận dụng
vào cuộc sống, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hoàn thành tốt chức trách của
mình, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng theo con đường mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn.
CHƯƠNG I
CƠ SỞ, QUÁ TRÌNH
HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT
TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. Cơ sở khách quan
a.Bối cảnh lịch sử
- Bối cảnh lịch
sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Hồ Chí Minh sinh ra và lớn
lên trong hoàn cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động.
Trong nước, chính quyền triều Nguyễn đã từng bước
khuất phục trước cuộc xâm lược của tư bản Pháp, lần lượt ký kết các hiệp ước
đầu hàng, thừa nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam.
Cho đến cuối thế kỷ XIX, các cuộc khởi nghĩa vũ trang
dưới khẩu hiệu Cần vương do các sĩ phu, văn thân lãnh đạo cuối cùng đã thất
bại. Hệ tư tưởng phong kiến tỏ ra lỗi thời trước các nhiệm vụ lịch sử.
Các cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp khiến
cho xã hội nước ta có sự chuyển biến và phân hóa, giai cấp công nhân, tầng lớp
tiểu tư sản và tư sản bắt đầu xuất hiện, tạo ra những tiền đề bên trong cho
phong trào yêu nước giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Cùng vào thời điểm lịch sử đó, các “tân thư”, “tân
văn”, “tân báo” và những ảnh hưởng của trào lưu cải cách ở Nhật Bản, Trung quốc
tràn vào Việt Nam, phong trào yêu nước của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng
dân chủ tư sản.
Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, các sĩ phu
Nho học có tư tưởng tiến bộ, thức thời, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Chu
Trinh đã cố gắng tổ chức và vận động cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp theo
mục tiêu và phương pháp mới. Song chủ trương cầu ngoại viện, dùng bạo lực để
khôi phục độc lập của Phan Bội Châu đã thất bại. Chủ trưởng “ỷ Pháp cầu tiến
bộ”, khai thông dân trí, nâng cao dân trí trên cơ sở đó mà lần lần tính chuyện
giải phóng….của Phan Chu Trinh cũng không thành công. Còn con đường khởi nghĩa
của người anh hùng Hoàng Hoa Thám thì vẫn mang nặng “cốt cách phong kiến”, chưa
phải là lối thoát rõ ràng, hướng đi đúng đắn. Phong trào cứu nước của nhân dân ta muốn giành được thắng lợi phải đi
theo một con đường mới.
-Bối cảnh
thời đại
Trong khi con thuyền Việt Nam còn lênh đênh chưa rõ bờ
bến phải đi tới, việc cứu nước như trong đêm tối “không có đường ra” thì lịch
sử thế giới trong giai đoạn này cũng đang có những chuyển biến to lớn.
Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển
sang giai đoạn độc quyền đã xác lập quyền thống trị của chúng trên phạm vi toàn
thế giới. Chủ nghĩa đế quốc đã trở thành kẻ thù chung của các dân tộc thuộc
địa.
Có một thực tế lịch sử là trong quá trình xâm lược và
thống trị của chủ nghĩa thực dân tại các nước Châu Á, Châu Phi và khu vực Mỹ La tinh, sự bóc lột phong kiến trước kia
vẫn được duy trì và bao trùm lên nó là sự bóc lột tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh
các giai cấp cơ bản trước kia, đã
xuất hiện thêm các giai cấp, tầng lớp xã hội mới, trong đó có giai cấp công
nhân và giai cấp tư sản.
Từ cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân các nước tư
bản chủ nghĩa vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã dẫn đến một cao trào mới
của cách mạng thế giới với đỉnh cao là Cách Mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Chính
cuộc cách mạng vĩ đại này đã làm “thức tỉnh các dân tộc Châu Á”.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã lật đổ nhà nước tư sản,
thiết lập chính quyền Xô viết, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử loài người.
Cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga thành công đã nêu một
tấm gương sáng về sự giải phóng các dân tộc bị áp bức, “mở ra trước mắt họ thời
đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, nhiều dân tộc
vốn là thuộc địa của đế quốc Nga đã được tự do, được hưởng quyền dân tộc tự
quyết, hình thành nên các quốc gia độc lập và dẫn đến sự ra đời của Quốc tế
cộng sản (tháng 3 năm 1919), phong trào công nhân trong các nước tư bản chủ
nghĩa phương Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa Phương
Đông càng có quan hệ mật thiết với nhau hơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù
chung là chủ nghĩa đế quốc.
b. Những tiền đề tư tưởng – lý luận
- Giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
Lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời đã hình thành
nên những giá trị truyền thống hết sức đặc sắc và cao quý của dân tộc Việt Nam,
trở thành tiền đề tư tưởng, lý luận xuất phát hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đó là truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, là tinh thần tương thân,
tương ái, lòng nhân nghĩa, ý thức cố kết cộng đồng, là ý chí vươn lên vượt qua
mọi khó khăn, thử thách, là trí thông minh, tài sáng tạo, quý trọng hiền tài,
khiêm tốn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa dân tộc…
Trong những giá trị đó, chủ nghĩa yêu nước truyền
thống là tư tưởng, tình cảm cao quý, thiêng liêng nhất, là cội nguồn của trí
tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm của người Việt Nam, cũng là chuẩn mực đạo đức cơ
bản của dân tộc.
Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước đã thúc giục
Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, tìm kiếm những gì hữu ích
cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước sẽ biến thành lực lượng vật chất
thực sự khi nó ăn sâu vào tiềm thức, vào ý chí và hành động của mỗi con người.
Chính từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh đã đúc kết chân lý: “dân ta có một lòng nồng
nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ
quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô
cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất
cả bè lũ cướp nước và bán nước”.
- Tinh hoa
văn hóa nhân loại
Kết hợp các giá trị truyền thống của văn hóa Phương
Đông với các thành tựu hiện đại của văn minh Phương Tây – đó chính là nét đặc
sắc trong quá trình hình thành tư tưởng, nhân cách và văn hóa Hồ Chí Minh.
Đối với văn hóa Phương Đông, cùng với những hiểu biết
uyên bác về Hán học, Hồ Chí Minh biết chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất trong
các học thuyết triết học, hoặc trong tư tưởng của Lão tử, Mặc tử, Quản tử…Người
tiếp thu những mặt tích cực của Nho gia. Đó là các triết lý hành động, tư tưởng nhập thế, hành đạo, giúp đời, đó là
ước vọng về một xã hội bình trị, hòa mục,
hòa đồng là triết lý nhân sinh, tu
thân dưỡng tính, đề cao văn hóa lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học. Người
dẫn lời của Lênin: “chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được
những hiểu biết quý báu của các đời trước để
lại”.
Về Phật giáo, Hồ Chí Minh tiếp thu và chịu ảnh hưởng
sâu sắc các tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người như
thể thương thân; là nếp sống có đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc
thiện; là tinh thần bình đẳng, dân chủ, chống phân biệt đẳng cấp; là việc đề
cao lao động, chống lười biếng “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”; là chủ
trương sống không xa lánh việc đời mà gắn bó với dân với nước, tích cực tham
gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân chống kẻ thù dân tộc….Đến khi đã trở thành
người Macxit, Hồ Chí Minh lại tiếp tục tìm hiểu chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung
Sơn vì thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện của nước ta”.
Cùng với tư tưởng triết học Phương Đông, Hồ Chí Minh
còn tiếp thu nền văn hóa dân chủ và cách mạng phương Tây. Người sớm làm quen
với văn hóa Pháp, tìm hiểu các cuộc cách mạng ở Pháp và ở Mỹ. Người trực tiếp
đọc và tiếp thu các tư tưởng về tự do, bình đẳng, bác ái qua các tác phẩm của
các nhà khai sáng như Voltaire, Rousseau, Montesquieu. Người tiếp thu các giá
trị của bản tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền của đại cách mạng Pháp, các giá trị về quyền sống, quyền tự do, quyền
mưu cầu hạnh phúc của Tuyên ngôn độc lập Mỹ
năm 1776.
Nói tóm lại, trên hành trình cứu nước, Hồ Chí Minh đã
tự biết làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, Đông và Tây,
vừa tiếp thu, vừa chọn lọc để từ tầm cao trí thức nhân loại mà suy nghĩ, lựa
chọn, kế thừa và đổi mới, vận dụng và phát triển.
- Chủ nghĩa Mac
– Lênin
Chủ nghĩa Mac – Lênin là cơ sở thế giới quan và phương
pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc tiếp thu chủ nghĩa Mac – Lênin ở Hồ
Chí Minh diễn ra trên nền tảng của những tri thức văn hóa tinh túy được chắt
lọc, hấp thụ và một vốn chính trị, vốn hiểu biết phong phú, được tích lũy qua
thực tiễn hoạt động đấu tranh vì mục tiêu cứu nước và giải phóng dân tộc.
Bản lĩnh trí tuệ đã nâng cao khả năng tư duy độc lập,
tự chủ và sáng tạo ở Người khi vận dụng những nguyên lý cách mạng của thời đại
vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Quá trình đó cũng diễn ra một cách tự nhiên, chân
thành và giản dị. Điều này đã được Hồ Chí Minh cắt nghĩa trong bài Con đương dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin: “lúc
bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên… Tôi
kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào
mình…Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy – (hồi ấy,
tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu
tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”.
Quá trình tiếp nhận chủ nghĩa Mac – Lênin ở Hồ Chí
Minh thực chất “là chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn
vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”.
Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước, nhất
là sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những
luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (1920), Nguyễn
Ái Quốc đã “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng…vui mừng đến phát khóc…” vì
đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Như vậy, chính Luận cương của Lênin
đã nâng cao nhận thức của Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc. Nó phù
hợp và đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, hoài bão được ấp ủ từ lâu, nay đang
trở thành hiện thực. Người viết: “lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ
chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo chủ nghĩa Lênin, tin theo quốc
tế thứ ba”.
Từ những nhận thức ban đầu về chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí
Minh đã tiến dần tới những nhận thức “lý tính”, trở lại nghiên cứu chủ nghĩa
Mác sâu sắc hơn, để rồi tiếp thu học thuyết của các ông một cách có chọn lọc,
không rập khuôn máy móc, không sao chép giáo điều. Người tiếp thu lý luận Mac –
Lênin theo phương pháp Macxit, nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất. Người vận
dụng lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mac – Lênin để
giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam, chứ không đi tìm
những kết luận có sẵn trong sách vở.
Thế giới quan và phương pháp luận Mac – Lênin đã giúp
Hồ Chí Minh tổng kết kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để tìm ra con đường cứu
nước: “trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mac – Lênin, vừa làm công
tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng
sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế
giới”; “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính
nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”, “Chính là do cố gắng
vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với
thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được thắng lợi to lớn”
2. Nhân tố chủ quan
a. Khả năng tư duy và trí tuệ Hồ Chí Minh
Những năm tháng hoạt động trong nước và bôn ba khắp
thế giới để học tập, nghiên cứu, Hồ Chí Minh đã không ngừng quan sát, nhận thức
thực tiễn, làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình, đồng thời hình thành những
cơ sở quan trọng để tạo dựng nên những thành công trong lĩnh vực hoạt động lý luận của Người về sau.
Các nhà yêu nước tiền bối và cùng thời với Hồ Chí Minh
tuy cũng đã có những quan sát, nhưng họ chưa nhận thấy, hoặc chưa nhận thức
đúng về sự thay đổi của dân tộc và thời đại. Trong quá trình tìm đường cứu nước,
Hồ Chí Minh khám phá các quy luật vận động xã hội, đời sống văn hóa và cuộc đấu
tranh của các dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể để khái quát thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực
tiễn và được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nhờ vào con đường nhận thức chân lý
như vậy mà lý luận của Hồ Chí Minh mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
b. Phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn
Mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, sự tác động
mạnh mẽ của thời đại và sự nhận thức đúng đắn về thời đại đã tạo điều kiện để
Hồ Chí Minh hoạt động có hiệu quả cho dân tộc và nhân loại.
Có được điều đó là nhờ vào
nhân cách, phẩm chất và trí tuệ siêu việt của Hồ Chí Minh.
Phẩm chất, tài năng đó được biểu hiện trước hết ở tư
duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, cộng với đầu óc phê phán tinh tường, sáng suốt
trong việc nhận xét, đánh giá các sự vật, sự việc chung quanh.
Phẩm chất, tài năng đó cũng được biểu hiện ở bản lĩnh
kiên định, luôn tin vào nhân dân, khiêm tốn, bình dị, ham học hỏi, nhạy bén với
cái mới, có phương pháp biện chứng, có đầu óc thực tiễn. Chính vì thế, Hồ Chí
Minh đã khám phá ra lý luận cách mạng thuộc địa trong thời đại mới, trên cơ sở
đó xây dựng một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc và sáng tạo về cách mạng
Việt Nam, kiên trì chân lý và định ra các quyết sách đúng đắn, sáng tạo để đưa
cách mạng đến thắng lợi.
Phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở sự
khổ công học tập để chiếm lĩnh đỉnh cao trí thức nhân loại, là tâm hồn của một
nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành cách mạng, một trái
tim yêu nước thương dân, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập, tự do của tổ
quốc, hạnh phúc của đồng bào.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tổng hòa cuả
những điều kiện khách quan và chủ quan, của truyền thống văn hóa dân tộc và
tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ thực tiễn dân tộc và thời đại được Hồ Chí Minh
tổng kết, chuyển hóa sắc sảo, tinh tế với một phương pháp khoa học, biện chứng,
tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng Việt Nam hiện đại.
II. QUÁ
TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. Thời
kỳ trước năm 1911: hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước
Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một
gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc,
thân sinh của Người, là một nhà nho cấp tiến, có lòng yêu nước, thương dân sâu
sắc. Tấm gương lao động cấn cù, ý chí kiên cường vượt qua gian khổ để đạt được
mục tiêu, đặc biệt là tư tưởng thân dân, lấy
dân làm hậu thuẫn cho các cải cách chính trị - xã hội của Cụ Phó bảng đã có ảnh
hưởng sâu sắc đối với quá trình hình thành nhân cách của Nguyễn Tất Thành.
Sau này, những kiến thức học được từ người cha, những
tư tưởng mới của thời đại đã được Hồ Chí Minh nâng lên thành tư tưởng cốt lõi
trong đường lối chính trị của mình.
Cuộc sống của người mẹ - bà Hoàng Thị Loan – cũng ảnh
hưởng đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Sinh Cung về đức tính nhân hậu, đảm
đang, sống nhan hòa với mọi người.
Còn phải kể tới mối quan hệ và tác động qua lại giữa
ba chị em Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Thị Bạch Liên ), Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn
Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành ) về lòng yêu nước thương nòi.
Nghệ Tĩnh là vùng đất vừa giàu truyền thống văn hóa,
vừa giàu truyền thống lao động, đấu tranh chống ngoại xâm. Nơi đây đã sản sinh
ra biết bao anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Mai Thúc Loan, Nguyễn
Biểu, Đặng Dung, những lãnh tụ yêu nước thời cận đại như Phan Đình Phùng, Phan
Bội Châu…, những liệt sĩ trong thời kỳ chống thực dân Pháp ngay trên mảnh đất
Kim Liên như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến…
Từ thuở thiếu thời, Nguyến Tất thành đã tận mắt chứng
kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình.
Khi vào Huế, Anh lại tận mắt nhìn thấy tội ác của thực dân Pháp và thái độ ươn
hèn của bọn phong kiến Nam triều. Thêm vào đó là những bài học thất bại của các
nhà yêu nước tiền bối và đương thời. Tất cả đã thôi thúc Anh ra đi tìm một con
đường mới để cứu dân, cứu nước. Quê hương, gia đình, truyền thống dân tộc…đã
chuẩn bị cho Anh nhiều điều. Quê hương, đất nước cũng đặt niềm tin lớn ở Anh
trên bước đường tìm đến trào lưu mới của thời đại.
Phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc,
truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, với sự nhạy cảm đặc biệt về chính
trị, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra hạn chế của những người đi trước. Người nhận ra
rằng không thể cứu nước theo con đường của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng
Hoa Thám….Người từ chối Đông du không phải vì đã hiểu bản chất của đế quốc
Nhật, mà chỉ cảm thấy rằng: không thể dựa vào nước ngoài để giải phóng tổ quốc.
“Điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức được và nó dẫn Người đi đúng hướng
là: nguồn gốc những đau khổ và áp bức dân tộc là ở ngay tại “chính quốc”, ở
nước đế quốc đang thống trị dân tộc mình”.
Cùng với việc phê phán hành động cầu viện Nhật Bản
chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo
cửa sau”, tư tưởng “ỷ Pháp cầu tiến bộ” chẳng qua chỉ là việc “cầu xin Pháp rủ lòng thương”, Nguyễn Ái
Quốc đã tụ định ra cho mình một hướng đi mới: phải tìm hiểu cho rõ bản chất của
những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Cộng hòa Pháp, phải đi ra nước
ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, sẽ trở
về giúp đồng bào mình.
2. Thời
kỳ 1911 – 1920: tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc sang Phương Tây
tìm đường cứu nước.
Việc Hồ Chí Minh ra nước ngoài xuất phát từ ý thức dân
tộc, từ hoài bão cứu nước. Qua cuộc hành trình đến nhiều nước thuộc địa, phụ
thuộc, tư bản, đế quốc, Người đã xúc động trước cảnh khổ cực, bị áp bức của những
người dân lao động. Người nhận thấy ở đâu nhân dân cũng mong muốn thoát khỏi
ách áp bức, bóc lột.
Nhờ những bài học từ buổi thiếu niên về lý tưởng “bốn
bể đều là anh em” và “năm châu họp làm một nhà”, Nguyễn Tất Thành không chỉ đau
với nổi đau của dân tộc mình, Người còn xót xa trước nỗi đau vong nô của các
dân tộc khác. Từ lòng yêu thương đồng bào mình, Hồ Chí Minh càng đồng cảm với
những người cùng cảnh ngộ trên toàn thế giới. Ở Người đã nảy sinh ý thức về sự
cần thiết phải đoàn kết những người bị áp bức để đấu tranh cho nguyện vọng và quyền
lợi chung. Có thể xem đây là biểu hiện đầu tiên của ý thức về sự đoàn kết quốc
tế giữa các dân tộc thuộc địa nhằm thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế
quốc.
Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh kiên trì chịu
đựng mọi khó khăn, gian khổ. Người chú ý xem xét tình hình các nước, suy nghĩ
về những điều mắt thấy tai nghe, hăng hái học tập, tham gia các cuộc diễn
thuyết của nhiều nhà chính trị và triết học. Năm 1919, thay mặt những người yêu
nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi Bản
yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị Versaille đòi chính phủ Pháp thừa
nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách
đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới và nhân dân
Pháp phải chú ý tới tình hình Việt Nam và Đông
Dương.
Cuộc hành trình qua năm châu bốn biển đã không chỉ
hình thành ở Hồ Chí Minh tình cảm và ý thức đoàn kết giữa các dân tộc bị áp
bức, mà còn rèn luyện Người trở thành một người công nhân có đầy đủ phẩm chất,
tâm lý của giai cấp vô sản. Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước,
nhất là khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất
những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin Người đã
“cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng…vui mừng đến phát khóc…”
Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc
con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào, đáp ứng những tình
cảm, suy nghĩ, hoài bão được ấp ủ bấy lâu nay ở Người. “ Luận cương về những
vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về
chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”.
Việc biểu quyết tán thành Quốc tế III, tham gia thành
lập Đảng Cộng Sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đã đánh dấu
bước chuyển biến về chất trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước
đến với chủ nghĩa Mac – Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ
người yêu nước trở thành người cộng sản.
Việc xác định con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc
là công lao to lớn đầu tiên của Hồ Chí Minh, trong thực tế, Người đã “gắn phong
trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân ta đi
theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa
Mac – Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà cách mạng Tháng Mười Nga đã
mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế
giới”.
3. Thời kỳ 1921 – 1930: hình thành cơ bản tư tưởng về
cách mạng Việt Nam
Trong giai đoạn từ 1921 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc có
những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú, sôi nổi trên
địa bàn nước Pháp (1921 – 1923), Liên Xô (1923 – 1924), Trung Quốc (1924 –
1927), Thái Lan (1928 – 1229). Trong khoảng thời gian này, tư tưởng Hồ Chí Minh
về cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.
Người viết nhiều bài báo tố cáo chủ nghĩa thực dân, đề
cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở
chính quốc, khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, giải phóng dân
tộc thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.
Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925 ), Đường
cách mệnh (1927 ), Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ( 1930 ) và nhiều bài viết
khác của Người trong giai đoạn này là sự phát triển và tiếp tục hoàn thiện tư
tưởng cách mạng về giải phóng dân tộc. Những tác phẩm có tính chất lý luận nói
trên chứa đựng những nội dung căn bản sau đây:
Bản chất của chế độ thực dân là “ăn cướp” và “giết
người”. Vì vậy, chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa,
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
- Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi
theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế
giới. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải
phóng giai cấp công nhân.
- Cách mạng giải phóng dân
tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khắng khít với
nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng
nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Ở đây, nguyễn Ái
Quốc muốn nhấn mạnh đến vai trò tích cực, chủ động của các dân tộc thuộc địa
trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
- Cách mạng thuộc địa trước
hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi bọn ngoại xâm, giành độc lập, tự do.
- Ở một nước nông nghiệp, lạc
hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến
bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi
cần phải thu phục, lôi cuốn được nông dân đi theo, cần xây dựng khối liên minh
công nông làm động lực cho cách mạng. Đòng thời, cần phải thu hút, tập hợp rộng
rãi các giai tầng xã hội khác vào trận tuyến đấu tranh chung của dân tộc.
- Cách mạng muốn thành công
trước hết cần phải có đảng lãnh đạo. Đảng phải theo chủ nghĩa Mac – Lênin và
phải có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì
lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lý tưởng giải phóng giai cấp công nhân
và nhân loại.
- Cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng nhân dân chứ không phải việc của một vài người, vì vậy, cần phải tập
hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao. Đây là
quan điểm cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về nghệ thuật vận động quần chúng
và tiến hành đấu tranh cách mạng.
Những quan điểm cách mạng trên đây của Nguyễn Ái Quốc
trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người,
cùng các tài liệu Macxit khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong
nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo ra một xung lực mới, một chất
men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của
thời đại.
4. Thời
kỳ 1930 – 1945: Vượt qua thử thách, kiên trì giữ vững lập trường cách mạng
Vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX,
Quốc tế cộng sản bị chi phối nặng bởi khuynh hướng “tả”. Khuynh hướng này đã
trực tiếp tác động vào phong trào cách mạng Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là
những quyết định được đưa ra trong hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung
ương lâm thời của Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 31 – 10 – 1930, tại Hương Cảng
theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị cho rằng, Hội nghị hợp nhất các
tổ chức cộng sản đầu năm 1930 vì chưa nhận thức đúng nên đặt tên Đảng sai và
quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương; chỉ trích và phê phán
đường lối của Nguyễn Ái Quốc đưa ra trong Chính
cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã
phạm những sai lầm chính trị rất nguy hiểm, vì “chỉ lo đến phản đế mà
quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh”. Do đó, đã ra nghị quyết “thủ tiêu Chánh cương, Sách lược của Đảng” và
phải dựa vào các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, chính sách và kế hoạch của
Đảng “làm căn bổn mà chỉnh đốn nội bộ, làm cho Đảng Bônsêvich hóa”…
Trên cơ sở xác định chính xác con đường cần phải đi
của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì bảo vệ quan điểm của mình về
vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa và
cách mạng vô sản, chống lại những biểu hiện “tả” khuynh và biệt phái trong
Đảng.
Thực tiễn đã chứng minh quan
điểm của Người là đúng.
Tháng 7 năm 1935, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã phê
phán khuynh hướng “tả” trong phong trào Cộng sản quốc tế, chủ trương mở rộng
mặt trận dân tộc thống nhất vì hòa bình, chống chủ nghĩa Phát xít. Đối với các
nước thuộc địa và phụ thuộc, Đại hội VII bác bỏ luận điểm “tả” khuynh trước đây
về chủ trương làm “cách mạng công nông”, thành lập “chính phủ Xô viết”…Sự
chuyển hướng đấu tranh của Quốc tế Cộng sản đã chứng tỏ quan điểm của Nguyễn Ái
Quốc về cách mạng Việt Nam, về mặt trận dân tộc thống nhất, về việc tập trung
mũi nhọn vào chống chủ nghĩa đế quốc là hoàn toàn đúng đắn. Trên quan điểm đó,
năm 1936, Đảng ta đã đề ra chính sách mới, phê phán những biểu hiện “tả”
khuynh, cô độc, biệt phái trước đây.
Như vậy, sau quá trình thực hiện cách mạng, cọ xát với
thực tiễn, vấn đề phân hóa kẻ thù, tranh thủ đồng minh…đã trở lại với Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của
Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là cơ sở để Đảng ta chuyển hướng đấu tranh trong thời kỳ
1936 – 1939, thành lập mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (từ tháng 3 – 1938
đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương ) và tự năm 1939 đặt vấn đề giải phóng
dân tộc lên hàng đầu.
Trước khi về nước, trong thời gian còn hoạt động ở
nước ngoài, lãnh tụ nguyễn Ái Quốc vẫn luôn luôn theo dõi tình hình trong nước,
kịp thời có những chỉ đạo để cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Người viết 8
điểm xác định đường lối, chủ trương cho cách mạng Đông Dương trong thời kỳ 1936 – 1939. Khi tình hình thế giới có
những biến động mới, Người đã chủ động đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về nước
hoạt động. Người yêu cầu “đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt
động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”.
Được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, Nguyễn Ái Quốc từ
Matxcơva về Trung Quốc (tháng 10 – 1938). Tại đây, Người đã có những quan điểm
chỉ đạo sát hợp gửi cho các đồng chí lãnh đạo trong nước. Ngày 28 -1 -1941, sau
30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về tổ quốc. Tại Hội nghị
Trung ương lần thứ VIII, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược
của cách mạng Việt Nam.
Những quan điểm và đường lối đúng đắn, sáng tạo theo
tư tưởng Hồ chí Minh được đưa ra và thông qua trong Hội nghị này có ý nghĩa
quyết định chiều hướng phát triển của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta,
dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong bản Tuyên
ngôn độc lập ngày 2-9-45, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh
đã nhấn mạnh các quyền cơ bản của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt
Nam. Bản tuyên ngôn nêu rõ: ‘Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình
đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, “Nước
Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do
độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng,
tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn
độc lập là một văn kiện lịch sử có
giá trị to lớn, trong đó, độc lập, tự do
gắn với phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị
cốt lõi, vốn đã được Hồ Chí Minh phác thảo lần đầu trong Cương lĩnh của Đảng
năm 1930, nay trở thành hiện thực cách mạng, đồng thời trở thành chân lý của sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới của dân tộc ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra
đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của chủ nghĩa Mac – Lênin
được vận dụng, phát triển sát, đúng với hoàn cảnh Việt Nam, là thắng lợi của tư
tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh.
5. Thời
kỳ 1945 – 1969: Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, hoàn thiện
Mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì thực
dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng núp sau
quân đội Anh gây hấn ở Nam Bộ. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo vào hòng
thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, bóp chết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non
trẻ. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của dân tộc, Hồ Chí Minh đã
lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở, tới bờ bến
thắng lợi. Về đối nội, Người chủ trương củng cố chính quyền non trẻ, đẩy lùi
giặc đói, giặc dốt, khắc phục nền tài chính thiếu hụt. Về đối ngoại, Người vận
dụng sách lược khôn khéo, mềm dẻo, thêm bạn bớt thù, “dĩ bất biến, ứng vạn
biến”, tranh thủ thời gian để chuẩn bị thế và lực cho kháng chiến lâu dài.
Chính nhờ đó, ngày 19 - 12 – 1946, với tư thế sẵn sàng và lòng tin sắt đá vào
cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi Hồ Chí Minh đã
phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Từ đây, Người là linh
hồn của cuộc kháng chiến, đề ra đường lối vừa
kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện kháng
chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Người đặc biệt chăm
lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đấu tranh chống tệ quan liêu, mệnh
lệnh, xây dựng đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phát
động phong trào thi đua ái quốc…
Năm 1951, do yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ
Chí Minh đã triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đưa Đảng
ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao Động Việt Nam. Đại hội đã chủ trương
thành lập đảng riêng ở Lào và Campuchia, kịp thời lãnh đạo các nhiệm vụ cách
mạng ở mỗi nước. Đại hội cũng thông qua Cương lĩnh và Điều lệ mới của Đảng, đề
ra chủ trương, đường lối đúng đắn, giải
quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, nhằm động viên toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến
thắng lợi hoàn toàn.
Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và chủ
tịch Hồ chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta
đã kết thúc thắng lợi.
Đó là thắng lợi của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt
của Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối chiến
tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám;
là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh: vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân
chủ nhân dân, kết hợp chặt chẽ và đúng đắn giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và
chống phong kiến, vận dụng sáng tạo nguyên lý chiến tranh cách mạng của chủ
nghĩa Mac – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, kế tục và phát triển kinh
nghiệm chống xâm lược lâu đời của cha ông, kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng
lực lượng cách mạng với công tác xây dựng Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng
trên mọi mặt của cuộc kháng chiến, vừa xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân,
vừa xây dựng mầm mống cho chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.
Sau hiệp nghị Genève năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải
phóng nhưng đất nước vẫn bị chia cắt bởi âm mưu gây chiến, xâm lược của đế quốc
Mỹ và bè lũ tay sai.
Đứng trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí
Minh cùng với Trung ương Đảng đã sớm xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt
Nam, đề ra cho mỗi miền Nam, Bắc một nhiệm vụ chiến lược khác nhau, xếp cách
mạng Miền Bắc vào phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn cách mạng miền Nam
thuộc phạm trù cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở Miền Bắc giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng
Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà, còn cách mạng Miền Nam giữ vị trí
quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp nhất đối với sự nghiệp giải phóng
Miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Xuất phát từ thực tiễn, trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng nước ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều vấn đề đã tiếp tục được bổ
sung và phát triển, hợp thành một hệ thống những quan điểm lý luận về cách mạng Việt Nam, đó là: tư
tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về
nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng và chiến lược về con người; tư tưởng
về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền…
III.
GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1.Tư
tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường giải phóng và phát triển dân tộc
a. Tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của dân tộc và của
thời đại, nó trường tồn, bất diệt, là tài sản vô giá của dân tộc ta.
Sở dĩ như vậy là vì tư tưởng của Người không chỉ tiếp
thu, kế thừa những giá trị, tinh hoa văn hóa, tư tưởng “vĩnh cửu” của loài
người, trong đó chủ yếu là chủ nghĩa Mac – Lênin, mà còn đáp ứng nhiều vấn đề
của thời đại, của sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới.
Tính sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở
chỗ: trung thành với những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mac – Lênin, đồng
thời khi nghiên cứu, vận dụng những nguyên lý đó, Hồ Chí Minh đã mạnh dạn loại
bỏ những gì không thích hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dám đề xuất những
vấn đề mới do thực tiễn đề ra và giải quyết một cách linh hoạt, khoa học, hiệu
quả. Về vấn đề này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Lý luận không phải là một
cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn cần được bổ sung bằng
những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm trong thực
tiễn. Ngày nay, tư tưởng đó bao gồm một hệ thống những quan điểm về chiến lược,
sách lược cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở
nước ta, về sự cải biến cách mạng đối với thế giới, về đạo đức, phong cách,
phương pháp Hồ Chí Minh, về việc hiện thực hóa các tư tưởng ấy trong đời sống
xã hội…đang soi sáng cho chúng ta. Điều đó bảo đảm cho sự thắng lợi của cách
mạng Việt Nam, bảo đảm cho tương lai, tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Nét đặc sắc nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những
vấn đề chung quanh việc giải phóng dân
tộc và định hướng cho sự phát triển của dân tộc. Tư tưởng của Người gắn
liền với chủ nghĩa Mac – Lênin và thực tiễn cách mạng nước ta.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Hồ
Chí Minh đã xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là: làm tư
sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tư
tưởng của Hồ Chí Minh vừa phản ánh quy
luật khách quan của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thời đại cách
mạng vô sản, vừa phản ánh mối quan hệ khăng khít giữa mục tiêu giải phóng dân
tộc với mục tiêu giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
b. Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của
cách mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng ta và nhân dân
ta trên con đường thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Trong suốt chặng đường hơn một nửa thế kỷ, tư tưởng Hồ
Chí Minh đã trở thành ngọn cờ dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác.
Trong bối cảnh của thế giới hiện nay, tư tưởng Hồ Chí
Minh giúp chúng ta nhận thức đúng những vấn đề lớn có liên quan đến việc bảo vệ
nền độc lập dân tộc, phát triển xã hội và bảo đảm quyền con người, bởi vì, Hồ
Chí Minh đã suốt đời phấn đấu cho việc giải phóng các dân tộc, đã đề ra lý luận
về sự phát triển của các dân tộc giành được độc lập tiến lên chủ nghĩa xã hội
và luôn luôn quan tâm đến lợi ích con người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng vững chắc để Đảng ta
vạch đường lối cách mạng đúng đắn, là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta đi tới thắng lợi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi sống với chúng ta, vì đã
thấm sâu vào quần chúng nhân dân, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ
đối với thời đại. Qua thực tiễn cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng tỏa
sáng, chiếm lĩnh trái tim, khối óc của hàng triệ, hàng triệu con người.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển thế giới
a. Phản ánh khát vọng thời đại
C. Mac khái quát: “Mỗi thời đại xã hội đều cần có
những con người vĩ đại của nó, và nếu nó không tìm ra những người như thế… nó
sẽ nặn ra họ”.
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử vĩ đại, không chỉ là
sản phẩm của dân tộc, của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn là sản phẩm của
thời đại, của nhân loại tiến bộ.
Ngay trong những năm 20 cử thế kỷ XX, cùng với quá
trình hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có những
cống hiến xuất sắc về lý luận cách mạng
giải phóng dân tộc thuộc địa dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mac – Lênin: Giành
độc lập dân tộc để tiến lên xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Người cũng có những nhận thức sâu sắc và độc đáo về mối quan hệ
chặt chẽ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong cách mạng giải phóng dân
tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Người chỉ rõ tầm quan trọng đặc biệt của độc lập dân
tộc trong tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội, về sự tự thân vận động của công
cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, về mối
quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa với cách mạng vô sản ở
chính quốc, về khả năng cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa nổ ra và giành
thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.
Từ nghiên cứu lý luận, áp dụng vào những điều kiện cụ
thể, Hồ Chí Minh đã hình thành một hệ thống các luận điểm chính xác, đúng đắn
về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, góp phần làm
phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mac – Lênin.
Việc xác định đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách
mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có cả các vấn đề về chủ
nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa
các dân tộc…có giá trị to lớn về mặt lý luận
đang trở thành hiện thực của nhiều vấn đề quốc tế hiện nay.
b. Tìm ra các giải pháp đấu tranh giải phóng loài người
Có thể nói, đóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với
thời đại là từ việc xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc đến việc
xác định được một con đường cách mạng, một hướng đi và tiếp theo đó là một
phương pháp để thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức trong các nước thuộc
địa lạc hậu.
Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn vấn đề “làm cách
nào để giải phóng các dân tộc thuộc địa”; Người đã xác định chủ nghĩa đế quốc
là kẻ thù lớn nhất của các dân tộc bị áp bức và để chiến thắng chủ nghĩa đế
quốc, cần phải thực hiện “đại đoàn kết”, “đại hòa hợp”. Đây là đóng góp to lớn
của Hồ Chí Minh.
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thế giới còn ở
chỗ, ngay từ rất sớm, Người đã nhận thức đúng sự biến chuyển của thời đại. Trên cơ sở nắm vững đặc điểm thời đại, Hồ Chí Minh đã hoạt
động không mệt mỏi để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người đặt
cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào phạm trù cách mạng vô sản; Người
cương quyết bảo vệ và phát triển quan điểm của Lênin về khả năng to lớn và sự
tác động mạnh mẽ của cách mạng giải phong dân tộc ở thuộc địa đối với cách mạng
vô sản.
Với việc nắm bắt chính xác xu thế phát triển của thời đại, Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối
chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước,
giải phóng dân tộc Việt Nam. Rồi chính từ kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam,
Người đi đến khẳng định: “…trong thời đại
đé quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô
sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân
và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và
ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới; trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa
hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi “
Những tư tưởng trên đây của Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ
mãi mãi là chân lý sáng ngời, góp phần vào sự kiến tạo và phát triển của nhân
loại.
c. Cổ vũ các dân tộc đấu tranh trong sự nghiệp giải phóng
Hồ Chí Minh là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, người thầy
thiên tài của cách mạng Việt Nam, một người Macxit-Leninnit lỗi lạc, nhà hoạt
động xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một chiến sĩ kiên
cường của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.
Hồ Chí Minh đã làm sống lại những giá trị tinh thần
của dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp cứu nước của Người đã xóa bỏ tất cả những tủi
nhục nô lệ đè nặng trên đầu dân tộc ta trong gần một thế kỷ.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, dưới ngọn cờ bách
chiến bách thắng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân xóa bỏ được mọi hình
thức áp bức, bóc lột và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Sự
nghiệp cách mạng vĩ đại và phẩm chất đạo đức cao quý đã thống nhất làm một ở Hồ
Chí Minh.
Trong lòng nhân dân thế giới, chủ tịch Hồ Chí Minh là
bất diệt. Bạn bè năm châu khâm phục và coi Hồ Chí Minh là “lãnh tụ của thế giới
thứ ba”…, “cuộc chiến đấu của Người sẽ là
kim chỉ nam cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho
các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới”, “cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn
cổ vũ đối với tất cả các chiến sĩ đấu tranh cho tự do”…..Tuy Người đã mất nhưng
“tư tưởng chỉ đạo của Người vẫn mãi mãi còn soi sáng cuộc đấu tranh cho tới khi
tất cả bọ xâm lược và bọn áp bức bị đánh bại hoàn toàn”, “Tên tuổi của đồng chí
Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi gắn bó với những hành động cao cả nhất và những ước mơ
cao quý nhất của nhân loại”, “chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay là ngôi sao trên
bầu trời của cách mạng xã hội chủ nghĩa, của các dân tôc thuộc địa và phụ
thuộc, đang chỉ đường cho chúng ta bằng ánh sáng của chủ nghĩa Mac – Lênin.
Trong sự nghiệp của chúng ta, nhất định Người sẽ sống mãi.
-----------------
CHƯƠNG II
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN
TỘC VÀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
I. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC
1. Vấn đề
dân tộc thuộc địa
a. Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa
- Đấu tranh
chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc
Hồ Chí Minh không bàn về vấn đề dân tộc nói chung.
Xuất phát từ nhu cầu khách quan của dân tộc Việt Nam, đặc điểm của thời đại,
Người dành sự quan tâm đến các thuộc địa, vạch ra thực chất của vấn đề dân tộc
ở thuộc địa là vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xóa bỏ ách thống trị,
áp bức, bóc lột của nước ngoài, giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực
hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước dân tộc độc lập.
Hồ Chí Minh viết nhiều tác phẩm như: Tâm địa thực dân, Bình đẳng, Vực thẳm thuộc
địa, Công cuộc khai hóa giết người…, tố cáo chủ nghĩa thực dân, vạch trần
cái gọi là “khai hóa văn minh” của chúng. Người viết: “để che đậy sự xấu xa của
chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản, thực dân luôn luôn trang điểm cho
cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: bác ái, bình đẳng,…”nếu lối hành hình theo kiểu Lynch
của những bọn người Mỹ hèn hạ đối với những người da đen là một hành động vô
nhân đạo, thì tôi không biết gọi việc những người Âu nhân danh đi khai hóa mà
giết hàng loạt những người dân Châu Phi là cái gì nữa”. Trong nhữngbài có tiêu
đề Đông Dương và nhiều bài khác,
Người lên án mạnh mẽ chế độ cai trị hà khắc, sự bóc lột tàn bạo của thực dân
Pháp ở Đông Dương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Người chỉ rõ sự đối kháng giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc,
thục dân là mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa, đó là mâu thuẫn không thể điều hòa được
Nếu như Mac bàn nhiều vềcuộc đấu tranh chống chủ nghĩa
tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống đế quốc, thì Hồ Chí Minh tập
trung bàn về cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa thực dân. Mac và Lênin bàn nhiều về đấu tranh giai cấp ở các nước
tư bản chủ nghĩa, thì Hồ Chí Minh bàn nhiều về đấu tranh giải phóng dân tộc ở
thuộc địa.
-
Lựa chọn con đường phát triển của dân tộc
Để giải phóng dân tộc, cần xác định một con đường phát
triển của dân tộc, vì phương hướng phát triển của dân tộc quy định những yêu
cầu và nội dung trước mắt của cuộc đấu tranh giành độc lập. Mỗi phương hướng
phát triển gắn liền với một hệ tư tưởng và một giai cấp nhất định.
Từ thực tiễn phong trào cứu nước của ông cha và lịch
sử nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong
thời đại mới là chủ nghĩa xã hội.
Hoạch định con đường phát triển của dân tộc thuộc địa
là một vấn đề hếtd sức mới mẻ. Từ một nước thuộc địa đi lên chủ nghĩa xã hội
phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí
Minh viết: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã
hội cộng sản”. Con đường đó kết hợp cả nội dung dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa
xã hội; xét về thực chất chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội. “Đi tới xã hội cộng
sản” là hướng phát triển lâu dài. Nó quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản, đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, tiến hành các cuộc cách mạng chống đế quốc
và chống phong kiến cho triệt để.
Con đường đó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở
thuộc địa. Đó cũng là nét độc đáo, khác biệt với con đường phát triển của các
dân tộc đã phát triển lên chủ nghĩa tư bản ở Phương Tây.
b. Độc lập dân tộc – nội dung cốt lõi của vấn đề dân
tộc thuộc địa
-
Cách tiếp cận từ quyền con người
Hồ Chí Minh hết sức trân trọng quyền con người. Người
đã tìm hiểu và tiếp nhận những nhân tố về quyền con người được nêu trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1791 của
cách mạng Pháp, như quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu
cầu hạnh phúc. Người khẳng định: “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Nhưng từ quyền con người, Hồ Chí Minh đã khái quát và nâng
cao thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình
đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
-
Nội dung của độc lập dân tộc
Độc lập, tự do là khát vọng lớn nhất của các dân tộc
thuộc địa. Hồ Chí Minh nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi,
đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Năm 1919, vận dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết đã được
các đồng minh thắng trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất long trọng thừa
nhận, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi tới hội nghị
Versaille bản yêu sách gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân
Việt Nam.
Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, một
cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, có tư tưởng cốt lõi là độc
lập, tự do cho dân tộc.
Tháng 5 – 1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ
VIII Ban Chấp hành trung ương Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” . Người chỉ đạo thành
lập Việt Nam độc lập đồng minh, ra
báo Việt Nam độc lập, thảo Mười chính sách của Việt Minh, trong đó
mục đầu tiên là: “cờ treo độc lập, nền xây bình quyền. Tháng 8 – 1945, Hồ Chí
Minh đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân ta trong câu nói
bất hủ: “dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải
kiên quyết giành cho được độc lập”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt chính
phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, long
trọng khẳng định trước toàn thế giới:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự
thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất
cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tụ do, độc
lập ấy”.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải
là một nền độc lập thật sự, hoàn toàn, gắn với hòa bình, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của đất nước.
Trong các thư và điện văn gửi tới Liên hợp quốc và
chính phủ các nước vào thời gian sau cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh trịnh
trọng tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân
dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng
liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc và độc lập cho đất nước”
Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng
nổ. Thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, Hồ Chí Minh ra lời
kêu gọi vang dội núi sông: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”
Khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh, ồ ạt đổ
quân viễn chinh và phương tiện chiến tranh hiện đại vào Miền Nam, đồng thời
tiến hành chiến tranh phá hoại Miền Bắc với quy mô và cường độ ngày càng ác
liệt, Hồ Chí Minh nêu cao chân lý lớn nhất
của thời đại: “Không có gì quý hơn độc
lập, tự do”
Độc lập dân tộc, cuối cùng,
phải đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho mọi người dân. Độc lập, tự do là mục
tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc
Việt Nam trong thế kỷ XX, một tư tưởng lớn trong thời
đại giải phóng dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là khẩu hiệu hành
động của dân tộc Việt Nam, Đồng thời cũng là nguồn cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang đấu tranh
chống chủ nghĩa thực dân. Vì thế, Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn là “người khởi
xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX”.
c. Chủ nghĩa yêu nước chân chính – một động lực lớn
của đất nước
Khi chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, các cường
quốc tư bản Phương Tây ra sức tiến hành chiến tranh xâm lược thuộc địa, thiết
lập ách thống trị của chủ nghĩa thực dân với những chính sách tàn bạo.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã nhận
thấy sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đối với các dân tộc thuộc địa
càng nặng nề thì phản ứng của dân tộc bị áp bức càng quyết liệt. Không chỉ quần
chúng lao động, mà cả các giai cấp và tầng lớp trên trong xã hội đều phải chịu
nỗi nhục của người dân mất nước, của một dân tộc mất độc lập, tự do.
Cùng với sự lên án chủ nghĩa thực dân và cổ vũ các dân
tộc thuộc địa vùng dậy đấu tranh, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của tiềm năng
dân tộc trong sự nghiệp tự giải phóng.
Hồ Chí Minh thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước
chân chính của các dân tộc thuộc địa. Đó là sức mạnh chiến đấu và thắng lợi
trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào.
Theo Hồ Chí Minh, “Chính do tinh thần yêu nước mà quân
đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm nghìn cay đắng, kiên quyết
đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây
dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước
Việt Nam dân chủ mới”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước chân
chính “là một bộ phận của tinh thần quốc tế”, “khác hẳn với tinh thần vị quốc
của bọn đế quốc phản động”.
Xuất phát từ sự phân tích quan hệ giai cấp trong xã
hội thuộc địa, từ truyền thống dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao
sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước mà những người Cộng sản phải nắm lấy và phát
huy.
2. Mối
quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp
a. Vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt
chẽ với nhau
Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề dân tộc, đề cao sức
mạnh của chủ nghĩa yêu nước, nhưng Người luôn đứng trên quan điểm giai cấp để
nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn vấn đề giai cấp
và vấn đề dân tộc của Hồ Chí Minh thể hiện: khẳng định vai trò lịch sử của giai
cấp công nhân và quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản trong quá trình cách
mạng Việt Nam; chủ trương đại đoàn kết dân tộc rộng rãi trên nền tảng liên minh
công nông, trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sử dụng bạo lực cách mạng của
quần chúng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù; thiết lập chính
quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân; gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc với
chủ nghĩa xã hội.
b. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết;
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Khác với các con đường cứu nước của ông cha, gắn độc
lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến hoặc chủ nghĩa tư bản, con đường cứu nước
của Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Năm 1920, ngay khi quyết định phương hướng giải phóng
và phát triển dân tộc theo con đường của cách mạng vô sản, Ở Hồ Chí Minh đã có
sự gắn bó thống nhất giữa dân chủ và giai cấp, dân tộc và quốc tế, độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội.
Năm 1960, Người nói: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao
động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh vừa phản ánh quy luật khách quan của
sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại chủ nghĩa đế quốc, vừa phản ánh mối
quan hệ khắng khít giữa mục tiêu giải phóng dân tộc với mục tiêu giải phóng
giai cấp và giải phóng con người. Chỉ có xóa bỏ tận gốc tình trạng áp bức, bóc
lột; thiết lập nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân mới bảo đảm cho người
lao động có quyền làm chủ, mới thực hiện được sự phát triển hài hòa giữa cá
nhân và xã hội, giữa độc lập dân tộc với tự do và hạnh phúc của con người. Hồ
Chí Minh nói: “nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì
độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Do đó, sau khi giành được độc lập, phải
tiến lên xây dựn chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được
sung sướng, tự do.
Ngườ khẳng định: “Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn
liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân
mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”.
c. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp
Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề dân tộc theo quan điểm
giai cấp, nhưng đồng thời đặt vấn đề giai cấp trong vấn đề dân tộc. Giải phóng
dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân là điều kiện để giải phóng
giai cấp. Vì thế, lợi ích của giai cấp phải phục tùng lợi ích của dân tộc.
Tháng 5 – 1941, Người cùng Trung ương Đảng khẳng định:
“Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử,
tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn
đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì
chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi
của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
d. Giữ vững độc lập của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập của các dân tộc khác
Là một chiến sĩ quốc tế chân chính, Hồ Chí Minh không
chỉ đấu tranh cho độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn đấu tranh cho độc lập
của tất cả các dân tộc bị áp bức.
Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, thực hiện nguyên
tắc về dân tộc tự quyết, nhưng Hồ Chí Minh không quên nghĩa vụ quốc tế trong
việc ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người nhiệt
liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc, các cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Lào và
Campuchia, đề ra khẩu hiệu: “giúp bạn là tự giúp mình” và chủ trương phải bằng
thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng
thế giới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc mang tính khoa
học và cách mạng sâu sắc, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và giai
cấp, chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đúng như
Ăngghen từng nói: Những tư tưởng dân tộc chân chính trong phong trào công nhân
bao giờ cũng là những tư tưởng quốc tế chân chính.
II. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN
TỘC
1. Tính
chất, nhiệm vụ và mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc
Bằng phương pháp lịch sử cụ thể, bám sát thực tiễn xã
hội thuộc địa, Hồ Chí Minh nhận thấy sự phân
hóa giai cấp ở các nước thuộc địa Phương Đông không giống như ở các nước tư bản
Phương Tây. Các giai cấp ở thuộc địa có sự khác nhau ít nhiều, nhưng đều
chung một số phận mất nước; giữa họ vẫn có tương đồng lớn: dù là địa chủ hay
nông dân, họ đều chịu chung số phận là người nô lệ mất nước.
Nếu như mâu thuẫn chủ yếu ở cácnước tư bản chủ nghĩa
Phương Tây là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, thì mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa
Phương Đông là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân. Nó
qui định tính chất và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng ở các nước thuộc địa.
Dưới tác động của các chính sách khai thác kinh tế,
bóc lột tô thuế và cướp đoạt ruộng đất, cùng với những chính sách cai trị của
chủ nghĩa đế quốc, mỗi giai cấp ở thuộc địa có địa vị kinh tế, thái độ chính
trị khác nhau, thậm chí có lợi ích phát triển ngược chiều nhau, hình thành
nhiều mâu thuẫn đan xen nhau, nhưng nổi lên mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu
thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược và tay sai của chúng. Do vậy,
“cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở Phương Tây”.
Hồ Chí Minh phân tích: xã hội Đông Dương, Ấn Độ, hay
Trung Quốc, xét “về mặt cấu trúc kinh tế, không giống các xã hội Phương Tây
thời Trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết
liệt như ở đây”. Do mâu thuẫn chủ yếu khác nhau, tính chất cuộc đấu tranh cách
mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa và các nước thuộc địa cũng khác nhau. Nếu như
ở các nước tư bản chủ nghĩa phải tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp, thì ở các
nước thuộc địa trước hết phải tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đối tượng của
cách mạng thuộc địa không phải là
giai cấp tư sản bản xứ, càng không phải là giai cấp địa chủ nói chung, mà là
chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.
Cách mạng xã hội là lật đổ nền thống trị hiện có và
thiết lập một chế độ xã hội mới. Cách mạng ở thuộc địa trước hết phải “lật đổ
ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc”, chứ chưa phải là cuộc cách mạng xóa bỏ sự
tư hữu, sự bóc lột nói chung.
Hồ Chí Minh luôn luôn phân biệt rõ bọn thực dân xâm
lược với nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa. Người kêu gọi nhân dân các nước
phản đối chiến tranh xâm lược thuộc địa, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập
dân tộc của nhân dân Việt nam.
Yêu cầu bức
thiết của nhân dân các nước thuộc địa là độc lập dân tộc. Trong phong trào cộng sản quốc tế, có quan điểm cho
rằng “vấn đề cơ bản của cách mạng thuộc địa là vấn đề nông dân” và chủ trương
nhấn mạnh vấn đề ruộng đất, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp.
Ở các nước thuộc địa, nông dân là lực lượng đông đảo
nhất. Thực dân Pháp thống trị và bóc lột nhân dân Việt Nam thì chủ yếu là thống
trị và bóc lột nông dân. Nông dân là nạn nhân chính của các chính sách thuộc
địa, bóc lột tô thuế và cướp đoạt ruộng đất. Vì thế, kẻ thù số một của nông dân
là bọn đế quốc thực dân. Nông dân có hai yêu cầu: độc lập dân tộc và ruộng đất,
nhưng họ luôn đặt yêu cầu độc lập dân tộc cao hơn so với yêu cầu ruộng đất.
Cùng với nông dân, tất cả các giai cấp và tầng lớp
khác nhau đều có nguyện vọng chung là “cứu nòi giống” ra khỏi cảnh “nước sôi
lửa bỏng”. Việc cứu nước là việc chung của cả dân tộc bị áp bức.
Mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa là mâu thuẫn dân tộc,
quy định tính chất và nhiệm vụ hàng đầu
của cách mạng ở thuộc địa là giải phóng dân
tộc.
Trong tác phẩm Đường
Cách Mệnh, Nguyễn Ái Quốc phân biệt ba loại cách mạng: cách mạng tư sản,
cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời, Người nhấn mạnh
tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc.
Người giải thích:
Giai cấp công nhân là bộ phận có số lượng lớn nhất
trong dân tộc nên giải phóng dân tộc chủ yếu là giải phóng nông dân. Nông dân
có yêu cầu về ruộng đất nhưng nhiệm vụ về ruộng đất cần tiến hành từng bước
thích hợp. Khi đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, yêu cầu đó đã được
đáp ứng một phần vì ruộng đất của bọn đế quốc và tay sai sẽ thuộc về nông dân.
Đế quốc và tay sai là kẻ thù số một của nông dân, lật đổ chế độ thuộc địa là
nguyện vọng hàng đầu của nông dân.
Cương lĩnh
chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn
Ái Quốc soạn thảo, xác định những nhiệm vụ về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã
hội, nhưng nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc đã
bao hàm một phần giải phóng giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Hội nghị lần thứ VIII Ban chấp hành Trung ương Đảng (
tháng 5 năm 1941 ) do chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã kiên quyết dương cao ngọn
cờ giải phóng dân tộc, nhấn mạnh đó là “nhiệm vụ bức thiết nhất”, chủ trương
tạm gác khẩu hiệu “ cách mạng ruộng đất” và chỉ tiến hành nhiệm vụ đó ở một mức
độ thích hợp nhằm phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Trong nhiều bài nói, bài viết thời kỳ kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ giải
phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người khẳng định: “
trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành
công”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người nêu rõ: “tổ quốc ta nhất định sẽ thống
nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Cách mạng giải phóng dân tộc nhằm đánh đổ ách thống
trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và thành lập chính quyền của
nhân dân.
Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước với ý chí
quyết giải phóng gông cùm nô lệ cho
đồng bào. Người tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba, vì quốc tế ba có chủ trương
giải phóng dân tộc bị áp bức.
Mục tiêu cấp thiết của cách mạng ở thuộc địa chưa phải
là giành quyền lợi riêng biệt của mỗi giai cấp, mà là quyền lợi chung của toàn
dân tộc. Đó là những mục tiêu của chiến lược đấu tranh dân tộc, phù hợp với xu
thế của thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng giai cấp, đáp ứng
nguyện vọng độc lập, tự do của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, do những hạn chế trong nhận thức về thực
tiễn của cách mạng thuộc địa, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng giáo điều, “tả
khuynh”, nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp
hành Trung ương Đảng ( tháng 19 – 1930 ) đã phê phán những quan điểm của Nguyễn
Ái Quốc. Nhưng với bản lĩnh cách mạng kiên cường, bám sát thực tiễn Việt Nam,
kiên quyết chống giáo điều, tháng 5 – 1941, Nguyến Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần
thứ VIII Ban chấp hành trung ương Đảng, chủ trương “thay đổi chiến lược”, từ
nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sang nhấn mạnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hội nghị khẳng định dứt khoát: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải
là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn
đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần
kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn
hiện tại là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Hội nghị chủ trương tiếp tục
tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, chỉ chia lại công điền và ruộng đất
“tịch thu của Việt gian phản quốc” cho dân cày nghèo, tức là ruộng đất đang nằm
trong tay kẻ thù của dân tộc, chứ không phải là của giai cấp địa chủ nói chung,
nhằm đánh lại kẻ thù của dân tộc cả về chính trị và kinh tế.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng như những
thắng lợi trong 30 năm chiến tranh của cách mạng Việt Nam (1945 – 1975 ) trước
hết là thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và tư
tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh.
2. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải
đi theo con đường cách mạng vô sản
Để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân
Pháp, ông cha ta đã sử dụng nhiều con đường gắn với những khuynh hướng chính
trị khác nhau, sử dụng những vũ khí tư tưởng khác nhau.
Tất cả phong trào yêu nước vào cuối thế kỷ XIX, đầu
thế kỷ XX, mặc dù đã diễn ra vô cùng anh dũng, với tinh thần “người trươc ngã,
người sau đứng dậy”, nhưng rốt cuộc đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu.
Đất nước lâm vào “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Đó là tình
trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Nó đặt ra
yêu cầu bức thiết phải tìm một con đường cứu nước mới.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đã bị biến
thành thuộc địa, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, Hồ Chí Minh được chứng kiến
các phong trào cứu nước của ông cha. Người nhận thấy con đường của Phan Bội
Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; con đường của Phan Chu
Trinh cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”; con đường của Hoàng Hoa
Thám tuy có phần thực tế hơn, nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến.
Chính vì thế, mặc dù rất khâm phục tinh thần cứu nước
của ông cha, nhưng Hồ Chí Minh không tán thành các con đường của họ mà quyết
tâm ra đi tìm một con đường mới.
Trong khoảng 10 năm vượt qua các đại dương, đến với
nhân loại cần lao đang đấu tranh ở nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới,
Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp tìm hiểu lý luận và khảo sát thực tiễn, nhất là ở ba
nước tư bản phát triển: Anh, Pháp, Mỹ.
Người đọc Tuyên
ngôn độc lập của nước Mỹ, tìm hiểu thực tiễn cuộc cách mạng tư sản Mỹ, đọc Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của
cách mạng Pháp, tìm hiểu cách mạng tư sản Pháp. Người nhận thấy: “cách mệnh
Pháp cũng như cách Mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư sản, cách mệnh không đến nơi,
tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài
thì nó áp bức thuộc địa”. Bởi lẽ đó, Người không đi theo con đường cách mạng tư
sản.
Hồ Chí Minh thấy được Cách mạng Tháng Mười Nga không
chỉ là một cuộc cách mạng vô sản, mà còn là một cuộc cách mạng giải phóng dân
tộc. Nó nêu tấm gương sáng về sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và “mở
ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
Người “hoàn toàn tin theo Lênin và quốc tế thứ ba” bởi
vì Lênin và quốc tế thứ ba đã “bênh vực cho các dân tộc bị áp bức”. Người thấy
trong lý luận của Lênin một phương hướng mới để giải phóng dân tộc: Con đường
cách mạng vô sản.
Trong bài Cuộc
kháng chiến, Hồ Chí Minh viết: “chỉ
có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải
phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế
giới”.
Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng của các sĩ phu và của
các nhà cách mạng có xu hướng tư sản
đương thời, Hồ Chí Minh đã đến với học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mac –
Lênin và lựa chọn khuynh hướng chính trị vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có
con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”…chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ
nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao
động trên thế giới khỏi ách nô lệ…
3. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới
phải do Đảng cộng sản lãnh đạo
Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Phàm làm việc gì cũng vậy,
bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công…viecj
giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại” là “việc to tát” nên phải gắng sức. “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi,
nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này chưa làm xong thì
đời sau nối theo làm thì phải xong”. Muốn làm cách mạng thì phải bền gan, đồng
chí, đồng lòng và quyết tâm, lại “phải biết cách làm thì làm mới chóng”.
“Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy
là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm
được, thế thì không khó. Khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí làm thì làm
được”.
Nhưng muốn làm cách mệnh, “trước hết phải làm cho dân
giác ngộ…phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”. “Cách mệnh phải
hiểu phong triều thế giới, phải bày sách lược cho dân…vậy nên sức cách mệnh
phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”.
Trong tác phẩm Đường
cách mệnh, Người khẳng định: Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì
vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô
sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm
lái có vững thuyền mới chạy”.
Đầu năm 1930, Người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam,
một chính đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mac –
Lênin “làm cốt”, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh và mật thiết lien lạc
với quần chúng.
Theo Hồ Chí Minh, Đảng
Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam.
Kết hợp lý luận
Mac – Lênin về đảng cộng sản với thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã
vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mac – Lênin trên một loạt vấn đề về
cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nên một lý luận cách mạng giải phóng dân tộc. Lý luận đó không chỉ được
truyền bá trong phong trào công nhân, mà cả trong phong trào yêu nước, giải
quyết vấn đề đường lối cứu nước gắn liền với sự chuẩn bị những điều kiện về tư
tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam,
sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phát triển sáng tạo học thuyết Mac – Lênin về Đảng
Cộng sản, Người cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng của giai cấp vô sản”,
đồng thời là “Đảng của dân tộc”. “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết
nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự tổ quốc và nhân
dân”
Khi khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai
cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng,
bổ sung thêm cho lý luận của chủ nghĩa Mac – Lênin về Đảng cộng sản, định hướng
cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng có sự gắn kết chặt chẽ
với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động và cả dân tộc trong mọi thời kỳ
của cách mạng Việt Nam. Mọi người Việt Nam yêu nước, dù là đảng viên hay không,
đều thực sự cảm nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của Bác Hồ, là Đảng của
mình và đều gọi Đảng là “Đảng ta”.
Hồ Chí Minh đã xây dựng được một Đảng cách mạng tiên
phong, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gắn bó với nhân dân, với dân tộc, một
lòng một dạ phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân, được dân tộc
thừa nhận là đội tiên phong của mình.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập
đã quy tụ được lực lượng và sức mạnh của toàn bộ giai cấp công nhân và cả dân tộc
Việt Nam. Đó là một đặc điểm đồng thời là một ưu điểm của Đảng. Nhờ đó, ngay từ
khi mới ra đời, Đảng đã nắm ngọn cờ lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt
Nam và trở thành nhân tố hàng đầu bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng.
4. Lực
lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc
Năm 1924, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến một cuộc khởi nghĩa
vũ trang toàn dân. Người cho rằng: “Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ
trang ở Đông Dương phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không
phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng…”.
Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán việc lấy ám sát cá
nhân và bạo động non làm phương thức hành động, “hoặc xúi dân bạo động mà không
bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen ỷ lại, mà quên tính tụ cường”. Người
khẳng định “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”.
Trong cách mạng Tháng Tám 1945 cũng như hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh lấy nhân dân làm nguồn sức
mạnh. Quan điểm “lấy dân làm gốc” xuyên suốt quá trình chỉ đạo chiến tranh của
Người. “Có dân là có tất cả”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân
liệu cũng xong”. Khi còn hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Đối với tôi,
câu trả lời đã rõ ràng: trỏ về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức
họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Hồ Chí Minh đánh gia rất cao vai trò của quần chúng
nhân dân trong khởi nghĩa vũ trang. Người coi sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng
tạo vô tận của quần chúng là nhân tố then chốt bảo đảm thắng lợi. Người khẳng
định: “dân khí mạnh thì quân lích nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”,
“phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”,
“chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc”.
Dưới chế độ cai trị của chủ nghĩa tư bản Pháp, từ một
xã hội phong kiến thuần túy, Việt Nam biến thành một xã hội thuộc địa với những
tàn tích phong kiến nặng nề. Mặc dù thực dân Pháp còn duy trì một phần quan hệ
kinh tế và giai cấp địa chủ, phong kiến, song khi đã thành một chế độ thuộc địa
thì tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và giai cấp ở Việt Nam
đều bị đặt trong quỹ đạo chuyển động của xã hội đó. Ngoài giai cấp công nhân và
nông dân, giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ mặc dù vẫn
có mặt hạn chế trong quan hệ với quần chúng lao động, nhưng trong quan hệ với
thực dân Pháp thì họ cũng là những người Việt Nam chịu nỗi nhục mất nước. Đó
không phải là những giai cấp thống trị, mà trái lại, họ là những giai cấp bị
trị và có khả năng tham gia phong trào giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh phân tích: ‘…dân tộc cách mệnh thì chưa
phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống cường quyền”.
Trong Cương lĩnh
chính trị đầu tiên của Đảng Người xác dịnh lực lượng cách mạng bao gồm cả
dân tộc: Đảng phải tập hợp đại bộ phận giai cấp công nhân, tập hợp đại bộ phận
nông dân và phải dựa vào hạng dân cày nghèo, lãnh đạo nông dân làm cách mạng
ruộng đất; lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông…đi vào phe vô sản giai
cấp; đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ
và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới
làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập
hiến) thì phải đánh đổ.
Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn
mạnh vai trò động lực cách mạng của công
nhân và nông dân. Người phân tích: Các giai cấp công nhân và nông dân có số
lượng đông nhất, nên có sức mạnh lớn nhất. Họ lại bị áp bức, bóc lột nặng nề
nhất, nên “lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết…công nông là tay
không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế
giới, cho nên họ gan góc”. Từ đó, Người khẳng định: công, nông là “gốc cách
mệnh”. Khẳng định vai trò đọng lực cách mạng của công nhân và nông dân là một
vấn đề hết sức mới mẻ so với nhận thức của những nhà yêu nước trước đó.
Trong khi hết sức nhấn mạnh vai trò của công nhân và
nông dân, Hồ Chí Minh không coi nhẹ khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân
tộc của các giai cấp và tầng lớp khác. Người coi tiểu tư sản, tư sản dân tộc và
một bộ phận giai cấp địa chủ là bạn đồng minh của cách mạng. Người chỉ rõ:
“…học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; ba hạng ấy chỉ là bầu
bạn cách mệnh của công nông thôi”.
5. Cách
mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng
giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc
Khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn độc quyền,
nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu bức thiết về thị trường.
Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Các
nước thuộc địa trỏ thành một trong những nguồn sống của chủ nghĩa đế quốc.
Nguyễn Ái Quốc khẳng định: ”tất cả sinh lực của chủ
nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các nước thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản
lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân
công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính bản
xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”. “…nọc độc và sức sống của con rắn
độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”. Người thẳng thắn phê bình
một số đảng cộng sản không thấy được vấn đề quan trọng đó. Người chỉ rõ: “Bàn về
khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến
đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác
hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì
thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý!”
Trong cuộc
đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, cách mạng thuộc địa có
tầm quan trọng đặc biệt. Nhân dân các dan tộc thuộc địa có khả năng cách mạng
to lớn. Theo Hồ Chí Minh, phải “làm
cho các dân tộc thuộc địa, từ trước tới nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau
hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh Phương Đông tương lai, khối
liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”.
Tại phiên họp thứ 22 Đại hội V Quốc tế Cộng sản ( 1 -
7 - 1920 ), Nguyễn Ái Quốc phê phán các đảng cộng sản ở Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ
và các đảng cộng sản ở các nước có thuộc địa chưa thi hành chính sách thật tích
cực trong vấn đề thuộc địa, trong khi tư sản các nước đó đã làm tất cả để kìm
giữ tất cả các dân tộc bị chúng nô dịch trong vòng áp bức.
Trong khi yêu cầu Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng
sản quan tâm đến cuộc cách mạng thuộc địa, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa chỉ
có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng.
Vận dụng công thức của Mac: “Sự giải phóng của giai
cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp công nhân” Người đi đến
luận điểm: “công cuộc giải phóng anh em (tức nhân dân thuộc địa ) chỉ có thể
thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân anh em”.
Người đánh giá rất cao sức mạnh của một dân tộc vùng
dậy chống đế quốc thực dân. Người chủ trương phát huy nỗ lực chủ quan của dân
tộc, tránh tư tưởng bị động, trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Tháng 8 –
1945, khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Người kêu gọi: “toàn quốc đồng bào hãy
đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nói:
“Kháng chiến trường kỳ gian khổ, đồng
thời lại phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình…Cố nhiên, sự giúp đỡ của
các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ
người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp
đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.
Trong phong trào cộng sản quốc tế đã từng tồn tại quan
điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào thắng lợi của cách
mạng vô sản ở chính quốc. Quan điểm này, vô hình trung đã làm giảm tính chủ
động, sáng tạo của các phong trào cách mạng ở thuộc địa.
Theo Hồ Chí Minh, giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở
thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ mật thiết với nhau,
tác động qua lại lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Đó là mối quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan
hệ lệ thuộc, hoặc quan hệ chính – phụ.
Nhận thức đúng vai trò, vị trí chiến lược của cách
mạng thuộc địa và sức mạnh dân tộc, Nguyến Ái Quốc cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có
thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Đây là một luận điểm sáng tạo, có giá trị lý luận và
thực tiễn to lớn; một cống hiến rất quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý
luận của chủ nghĩa Mac – Lênin, đã được thắng lợi của phong trào cách mạng giải
phóng dân tộc trên toàn thế giới trong gần một thế kỷ qua chứng minh là hoàn
toàn đúng đắn.
6. Cách
mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực
Các thế lực đế quốc sử dụng bạo lực để xâm lược và
thống trị thuộc địa, đàn áp dã man các phong trào yêu nước. “Chế độ thực dân,
tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”.
Chưa đánh bại được lực lượng và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng thì chưa thể có
thắng lợi hoàn toàn, vì thế, con đường để giành và giữ độc lập dân tộc chỉ có
thể là con đường cách mạng bạo lực.
Đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động của bọn đế
quốc và tay sai, Hồ Chí Minh vạch rõ tính
tất yếu của bạo lực cách mạng: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù
của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo
lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ
chính quyền”.
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mac – Lênin, coi sự
nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng.
Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1940 – 1945,
Người cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng cơ sở của bạo lực cách mạng bao
gồm hai lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ tranh nhân
dân. Theo sáng kiến của Người, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Đó là nơi tập
hợp, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị quần chúng, một lực lượng cơ bản
và giữ vai trò quyết định trong tổng khởi nghĩa vũ trang.
Hình thức của
bạo lực cách mạng bao gồm cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhưng phải “tùy tình hình cụ thể mà quyết định những
hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình
thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách
mạng”.
Trong cách mạng Tháng Tám, bạo lực thể hiện bằng khởi
nghĩa vũ trang với lực lượng chính trị là chủ yếu.
Đó là công cụ để đạp tan chính quyền của bọn phát xit
Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và đấu
tranh vũ trang giữ vị trí quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự
địch, làm thất bại những âm mưu quân sự và chính trị của chúng. Nhưng đấu tranh
vũ trang không tách biệt với đấu tranh chính trị. Theo Hồ Chí Minh, các đoàn
thể cách mạng càng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì
càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ
trang.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng khác hẳn tư
tưởng hiếu chiến của các thế lực đế quốc xâm lược. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng
con người, Người luôn tranh thủ khả năng giành và giữ chính quyền ít đổ máu.
Người tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, chủ
động đàm phán, thương lượng, chấp nhận những nhượng bộ có nguyên tắc.
Việc tiến
hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Chỉ khi không còn khả năng hòa hoãn, khi kẻ thù ngoan
cố bám giữ lập trường thực dân, chỉ muốn giành thắng lợi bằng quân sự thì Hồ
Chí Minh mới kiên quyết phát động chiến tranh.
Tư tưởng bạo lực cách mạng và tư tưởng nhân đạo, hòa
bình thống nhất biện chứng với nhau. Yêu thương con người, yêu chuộng hòa bình,
tự do, công lý, tranh thủ mọi khả năng hòa bình để giải quyết xung đột, nhưng
một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải kiên quyết tiến hành chiến
tranh, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng để giành, giữ và bảo vệ hòa bình, vì
đọc lập, tự do. Đánh giặc không phải là để tiêu diệt hết lực lượng mà chủ yếu
là đánh bại ý chí xâm lược của chúng, kết hợp giành thắng lợi về quân sự với
giải pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh.
Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến
quốc “lực lượng chính là ở dân”.
Người chủ trương tiến hành khởi nghĩa toàn dân và
chiến tranh nhân dân.
Xuất phát từ tương quan lực lượng lấy nhỏ đánh lớn,
lấy ít địch nhiều, Hồ Chí Minh không chủ trương tiến hành kiểu chiến tranh
thông thường, có chiến tuyến rõ rệt, chỉ dựa vào lực lượng quân đội và dốc toàn
lực vào một số trận sống mái với kẻ thù, mà chủ trương phát động chiến tranh
nhân dân, dựa vào lực lượng toàn dân, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đấu
tranh toàn diện với kẻ thù đế quốc với tư tưởng chiến lược tiến công, phương
châm chiến lược đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Hồ Chí Minh nói:
”Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng
lợi được”
Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc
trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hình thái của bạo lực cách mạng.
Trong chiến tranh, “quân sự là việc chủ chốt”, nhưng
đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, “thắng lợi quân sự đem
lại thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị sẽ làm cho thắng lợi quân sự to
lớn hơn”.
Đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa
chiến lược, có tác dụng thêm bạn bớt thù, phân hóa và cô lập kẻ thù, phát huy
yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc,
tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế. Hồ Chí Minh chủ trương ừa đánh vừa
đàm”, “đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”.
Đấu tranh kinh tế là ra sức tăng gia sản xuất, thực
hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta, phá hoại kinh tế của địch. Người kêu
gọi: “hậu phương thi đua với tiền phương”, coi “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc
cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”, “tay cày tay súng, tay búa tay súng, ra
sức phát triển sản xuất để phục vụ kháng chiến”.
Chiến tranh về mặt văn hoa
hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng.
Mục đích của cách mạng và
chiến tranh chính nghĩa là vì độc lập, tự do, làm cho khả
năng tiến hành chiến tranh
nhân dân trở thành hiện thực, làm cho toàn dân tự giác tham gia kháng chiến.
Trước những kẻ thù lớn mạnh, Hồ Chí Minh chủ trương sử
dụng phương châm chiến lược đánh lâu dài.
Tự lực cánh
sinh cũng là một phương châm chiến lược rất quan trọng, nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư
tưởng bị động, trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Mặc dù rất coi trọng sự giúp
đỡ quốc tế nhưng Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh bên trong, phát huy đến mức
cao nhất mọi nỗ lực của dân tộc, đề cao tinh thần độc lập, tự chủ.
Độc lập, tự chủ, tự lực tự cường kết hợp với tranh thủ
sự giúp đỡ quốc tế là một quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đã động viên sức
mạnh của toàn dân tộc, đồng thời ra sức vận động, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế
to lớn và có hiệ quả cả về vật chất và tinh thần, kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại để kháng chiến thắng lợi.
III.
KẾT LUẬN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng
giải phóng dân tộc có những luận điểm sáng tạo, đặc sắc, có giá trị lý luận và
thực tiễn lớn.
a. Làm phong
phú học thuyết mac – Lênin về cách mạng thuộc
địa
-Về lý luận cách
mạng giải phóng dân tộc
Đến với chủ nghĩa Mac – Lênin, xác định con đường cứu
nước theo khuynh hướng chính trị vô sản, nhưng con đường cách mạng giải phóng
dân tộc là do Hồ Chí Minh hoạch định, chư không phải đã tồn tại từ trước.
Hồ Chí Minh không tự khuôn mình trong những nguyên lý
có sẵn, không rập khuôn máy móc lý luận đấu tranh giai cấp vào điều kiện lịch
sử ở thuộc địa mà có sự kết hợp hài hòa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, giải
quyết vấn đề dân tộc theo quan điểm giai cấp và giải quyết vấn đề giai cấp
trong vấn đề dân tộc, gắn độc lập dân tộc với phương hướng xã hội chủ nghĩa.
Lý luận cách
mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí
Minh bao gồm một hệ thống những quan điểm sáng tạo, độc đáo. Lý luận đó phải
trải qua những thử thách hết sức gay gắt. Song thực tiễn dẫ chứng minh lý luận
cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là đúng đắn.
Lý luận giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là một đóng
góp lớn vào kho tàng lý luận cách mạng của thời đại, làm phong phú thêm chủ
nghĩa Mac – Lênin về cách mạng thuộc địa.
- Về phương pháp
tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc
Phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc của
Hồ Chí Minh hết sức độc đáo và sáng tạo, thấm nhuần tính nhân văn.
Xuất phát từ điề kiện lịch sử cụ thể ở thuộc địa, nhất
là so sánh lực lượng quá chênh lệch về kinh tế và quân sự giữa các dân tộc bị
áp bức và chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên lý luận về phương pháp
khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân.
Hồ Chí Minh đã sử dụng quan điểm toàn diện, biện chứng
để phân tích, so sánh lực lượng giữa ta và địch. Phát huy và sử dụng sức mạnh
toàn dân tộc, dựa vào sức mạnh toàn dân để tiến hành khởi nghĩa vũ trang và
chiến tranh cách mạng, kết hợp các quy luật của khởi nghĩa và chiến tranh là
điểm độc đáo trong phương pháp cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển học
thuyết của Lênin về cách mạng thuộc địa thành một hệ thống luận điểm mới, sáng
tạo, bao gồm cả đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp tiến hành cách
mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Đó là một di sản tư tưởng quân sự vô giá
mà Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta.
Tư tưởng đó thâm nhập vào phong trào công nhân và
phong trào yêu nước Việt Nam, góp phần quyết định trong việc xác lập con đường
cứu nước mới, làm cho phong trào yêu nước Việt Nam chuyển dần sang quỹ đạo cách
mạng vô sản.
Hồ Chí Minh đã tập hợp những thanh niên yêu nước Việt
Nam, rồi truyền bá chủ nghía Mac – Lênin và lý luận cách mạng giải phóng dân
tộc cho họ, dẫn dắt họ đi theo con đường mà chính Người đã trải qua: từ chủ
nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mac – Lênin. Sự chuyển hóa tiêu biểu nhất là
Tân Việt cách mạng Đảng, từ lập trường tư sản đã chuyển sang lập trường vô sản.
Đó là sự chuyển hóa mang
tính cách mạng, đưa sự nghiệp giải phóng và phát triển dân tộc tiến lên theo
định hướng xã hội chủ nghĩa.
b. Soi
đường thắng lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám và 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945
– 1975) đã chứng minh tinh thần độc lập, tự chủ, tính khoa học, tính cách mạng và sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải
phóng dân tộc ở Việt Nam, soi đường cho dân tộc Việt Nam tiến lên, cùng nhân
loại biến thế kỷ XX thành thế kỷ giải trừ
chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
- Thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám 1945
Mặc dù chiến lược giải phóng dân tộc được thể hiện
trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của
Đảng đã bị phủ nhận trong một thời gian dài và bị thay bằng một chiến lược đấu
tranh giai cấp của Luận cương chính trị
tháng 10 năm 1930 nhưng nó đã được khẳng định trở lại trong thời kỳ trực
tiếp vận động cứu nước (1939 – 1945), đặc biệt trong Hội nghị lần thứ VIII Ban
Chấp hành trung ương Đảng (tháng 5 – 1941).
Theo lý luận giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, Đảng
đã chủ trương “thay đổi chiến lược”, kiên quyết giương cao ngọn cờ giải phóng
dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc lên hàng đầu, giải
quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, thành lập Mặt trận
Việt minh, đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng;
sử dụng bạo lực cách mạng dựa vào lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; đi
từ khởi nghĩa từng phần và chiến tranh du kích cục bộ, giành chính quyền bộ
phận ở nhiều vùng nông thôn, tiến lên chớp đúng thời cơ, tổng khởi nghĩa ở nông
thôn và thành thị, giành chính quyền trong cả nước.
-Thắng lợi
của 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975)
Nắm vững tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ
Chí Minh, cả dân tộc Việt nam đã tiến hành hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa
thực dân cũ và mới trong suốt 30 năm.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta
anh dũng đứng lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu
mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và niềm tin “kháng chiến nhất định
thắng lợi”; thực hiện mỗi người dân là một người lính, mỗi làng xã là một pháo
đài, mỗi khu phố là một trận địa, đánh giặc toàn diện và bằng mọi vũ khí có
trong tay; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa chiến đấu vừa xây dựng hậu phương
và vận động quốc tế; đi từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết
hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, đánh địch cả ở mặt trận
chính diện và sau lưng chúng, kết hợp đánh tập trung và đánh phân tán, đánh
tiêu diệt và đánh tiêu hao, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và
địch, tiến lên giành thắng lợi quyết định trong cuộc chiến tranh chiến lược
Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, làm xoay chuyển cục diện
chiến tranh và tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại
Hội nghị Genève, kết thúc cuộc kháng chiến.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam với
đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã
nêu cao tinh thần dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ, với tinh thần “không có gì quý
hơn độc lập, tự do”; quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, phương châm
chiến lược đánh lâu dài và nghệ thuật giành thắng lợi từng bước; vừa xây dựng
hậu phương Miền bắc, vừa đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và
chiến tranh cách mạng ở Miền nam; bằng chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân
dân: Sử dụng bạo lực cách mạng dựa vào hai lực lượng: lực lượng chính trị và
lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; đi từ
khởi nghĩa từng phần, tiến lên làm chiến tranh cách mạng; kết hợp ba mũi giáp
công: quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba vùng chiến lược: nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và
đô thị; kết hợp khởi nghĩa và chiến tranh; kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến
công và nổi dậy; kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh nhân
dân của các binh đoàn chủ lực; kết hợp ba thứ quân; kết hợp đánh lớn, đánh vừa
và nhỏ; kết hợp tiêu diệt lực lượng địch với bồi dưỡng lực lượng ta, thực hiện
càng đánh càng mạnh; làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; kết hợp đấu
tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, thực hiện “đánh cho
Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Những thắng lợi chiến lược của cách mạng Việt nam
trong thế kỷ XX chứng tỏ giá trị khoa học và thực tiễn to lớn của tư tưởng Hồ
Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, vận dụng tư tưởng Hồ
Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, chúng ta phải biết
khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, nguốn động lực
mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ đất nước; nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc
trên lập trường giai cấp công nhân; chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc,
giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc anh em và trong cộng đồng dân tộc
Việt Nam.
------------------------------------------------
CHƯƠNG III
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ
MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
VÀ CON ĐƯỜNG
QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Ở VIỆT NAM
I. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT
NAM
1. Tính tất
yếu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Hồ chí Minh đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo lý luận Mac
– Lênin về sự phát triển tất yếu của xã hội loài người theo các hình thái kinh
tế - xã hội. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: tiến lên chủ nghĩa xã hội là bước
phát triển tất yếu ở Việt Nam dau khi nước nhà đã giành được độc lập theo con
đường cách mạng vô sản.
Mục tiêu giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng
vô sản mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam là một nước nhà được độc
lập, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, tức là sau khi
giành độc lập dân tộc, nhân dân ta sẽ xây dựng một xã hội mới, xã hội xã hội
chủ nghĩa. Trong lịch sử cận đại và hiện đại, sự phát triển của dân tộc Việt
Nam đã được trải nghiệm qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Các cuộc
đấu tranh giành độc lập dân tộc để xây dựng lại một chế độ phong kiến, hoặc để
xây dựng một chế độ cộng hòa đại nghị tư sản đã bị bế tắc. Với điều kiện lịch
sử mới, con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội. Điều này chính là sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh và
thực tế chứng minh con đường phát triển đó của dân tộc Việt Nam là tất yếu, duy
nhất đúng, hợp với điều kiện của Việt Nam và phù hợp với xu thế tất yếu của
thời đại. ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi đã tin theo lý luận của
chủ nghĩa cộng sản khoa học của chủ nghĩa Mac – Lênin, Hồ Chí Minh đã khẳng
định rằng: “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người
không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết,
ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình,
hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên
giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những bức tường dài ngăn cản những
người lao động trên thế giới hiểu nhau
và thương yêu nhau”
2. Quan
niệm của Hồ Chí Minh về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
a. Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội theo quan điểm
Mac – Lênin từ lập trường của một người yêu nước đi tìm con đường giải phóng
dân tộc để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Người tiếp thu quan điểm của những
nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời có sự bổ sung cách tiếp cận
mới về chủ nghĩa xã hội.
-
Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa
học của lý luận Mac – Lênin trước hết là từ yêu cầu tất yếu của công cuộc giải
phóng dân tộc Việt Nam. Người tìm
thấy trong lý luận Mac – Lênin sự thống nhất biện chứng giữa giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội (trong
đó có giải phóng giai cấp) và giải phóng con người. Đó cũng là mục tiêu cuối
cùng của chủ nghĩa cộng sản theo đúng bản chất của chủ nghĩa Mac – Lênin.
-
Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa xã hội ở một phương
diện nữa là đạo đức, hướng tới giá trị nhân dạo, nhân văn Macxit, giải quyết tốt quan hệ giữa cá nhân và xã hội theo
quan điểm của Mac và Ăngghen trong bản Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản mà hai ông công bố tháng 2 năm 1848: Sự phát triển
tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
-
Bao trùm lên tất cả là Hồ Chí Minh tiếp cận chủ nghĩa
xã hội từ văn hóa. Văn hóa trong chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam có quan hệ biện chứng với chính trị, kinh tế. Quá trình
xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng là quá trình xây dựng một nền
văn hóa mà ở đó kết tinh, kế thừa, phát triển những giá trị truyền thống văn
hóa tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế
giới, kết hợp truyền thống với hiện đại, dân tộc và quốc tế.
Nhân dân Việt Nam xây dựng một xã hội như vậy theo
quan điểm của Hồ Chí Minh cũng là tuân theo một quy luật phát triển của dân tộc
Việt Nam: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn liền với nhau. Độc lập dân
tộc là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội là một điều kiện bảo đảm vững chắc, đồng thời là
mục tiêu cho độc lập dân tộc hướng tới. Hồ Chí Minh đã thấy rõ tính tất yếu của
sự phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam ngay khi trở thành
người cộng sản năm 1920 và khẳng định điều đó trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; kiên trì,
nhất quán bảo vệ và phát triển quan điểm này trong suốt bước đường phát triển
của cách mạng Việt Nam từ đó về sau, mặc dù con đường phát triển ấy thực chất
là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra
cái mới mẻ, tốt tươi; mặc dù con đường ấy có nhiề khó khăn, chông gai, phức tạp.
b. Đặc trưng bản chất tổng quát của chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam
Hồ Chí Minh bày tỏ quan niệm của mình về chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam không chỉ trong một bài viết hay trong một cuộc nói chuyện nào
đó mà tùy từng lúc, từng nơi, tùy từng đối tượng người đọc, người nghe mà Người
diến đạt quan niệm của mình. Vẫn là theo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin về chủ nghĩa xã hội, nhưng với
cách diễn đạt ngôn ngữ nói và viết của Hồ Chí Minh thì những vấn đề đầy chất lý
luận chính trị phong phú, phức tạp được biểu đạt bằng ngôn ngữ của cuộc sống,
của nhân dân Việt Nam, rất mộc mạc, dung dị, dễ hiểu.
-
Hồ Chí Minh có
quan niệm tổng quát khi coi chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội như một chế độ xã hội bao gốm các mặt rất phong
phú, hoàn chỉnh, trong đó con người được phát triển toàn diện, tự do. Trong một
xã hội như thế, mọi thiết chế, cơ cấu xã hội đều nhằm tới mục tiêu giải phóng
con người.
-
Hồ Chí Minh diễn
đạt quan niệm của mình về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên một số mặt nào đó
của nó như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Với cách dienx đạt như thế của
Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội thì chúng ta không nên tuyệt đối hóa từng mặt,
hoặc tách riêng rẽ từng mặt của nó, mà cần đặt trong một tổng thể chung. Chẳng
hạn, khi nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và hội nghị sư
phạm vào tháng 7 – 1956, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng,…làm của chung, Ai làm nhiều
thì ăn nhiều, ai làm ít thì
ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu
và trẻ con”. Khi nhấn mạnh mặt kinh tế, Hồ Chí Minh nêu chế độ sở hữu công cộng
của chủ nghĩa xã hội và phân phối theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mac – Lênin là
làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có phúc lợi xã hội. Về mặt chính trị,
Hồ Chí Minh nêu chế độ dân chủ, mọi người được phát triển toàn diện với tinh
thần làm chủ.
-
Hồ Chí Minh quan
niệm về chủ nghĩa xã hội ở nước ta bằng cách nhấn mạnh đó là một xã hội vì lợi
ích của tổ quốc, của nhân dân, là ”làm sao cho dân giàu nước mạnh”, là “làm cho
tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, là “nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”, là làm
cho mọi người được ăn no, mặc ấm, được sung sướng, tự do…
-
Hồ Chí Minh nên
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong ý thức, động lực của toàn dân dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng một xã hội như thế là trách nhiệm,
nghĩa vụ và quyền lợi, động lực của toàn
dân tộc. Cho nên, với động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sức mạnh
tổng hợp được sử dụng và phát huy, đó là sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức
mạnh thời đại.
Đặc trưng bản chất tổng quát của chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, cũng trên cơ sở của lý luận Mac – Lênin, nghĩa là trên những mặt chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội. Về cụ thể, chúng ta thấy Hồ Chí Minh nhấn mạnh chủ yếu những
điểm sau đây:
+ Đó là một
chế độ chính trị do dân làm chủ
Chủ nghĩa xã hội có chế độ chính trị dân chủ, nhân dân
lao động là chủ và nhân dân lao động làm chủ, Nhà nước là của dân, do dân và vì
dân, dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công – nông –
trí, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Mọi quyền lực trong xã hội đều tập trung trong tay
nhân dân. Nhân dân đoàn kết thành một khối thống nhất để làm chủ nước nhà. Nhân
dân là người quyết định vận mệnh cũng như sự phát triển của đất nước dưới chế
độ xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh coi nhân dân có vị trí tối thượng trong mọi
cấu tạo quyền lực. Chủ nghĩa xã hội chính là sự nghiệp của chính bản thân nhân
dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân để đưa lại quyền lợi cho dân.
+ Chủ nghĩa xã
hội là một chế độ xã hội có nền kinh tế phát triển cao, gắn liền với sự phát
triển của khoa học – kỹ thuật
Đó là xã hội có một nền kinh tế phát triển dựa trên cơ
sở năng suất lao động xã hội cao, sức sản xuất luôn luôn phát triển với nền
tảng phát triển khoa học – kỹ thuật, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa
học – kỹ thuật của nhân loại.
+ Chủ nghĩa xã
hội là chế độ không còn người bóc lột người
Chủ nghĩa xã hội được hiểu như là một chế độ hoàn
chỉnh, đạt đến đọ chín muồi. Trong chủ nghĩa xã hội, không còn bóc lột, áp bức,
bất công, thực hiện chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất và thực hiện
nguyên tắc phân phối theo lao động. Đó là một xã hội được xây dựng trên nguyên
tắc công bằng, hợp lý.
+ Chủ nghĩa xã
hội là một xã hội phát triển cao về văn hóa, đạo đức
Đó là một xã hội có hệ thống quan hệ xã hội lành mạnh,
công bằng, bình đẳng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, không còn sự đối lập
giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa thành thị và nông thôn, con
người được giải phóng, có điều kiện phát triển toàn diện, có sự hài hòa trong
phát triển của xã hội và tự nhiên.
Các đặc trưng nêu trên là hình thức thể hiện một hệ
thống giá trị vừa kế thừa các di sản quá khứ, vừa được sáng tạo mới trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là hiện thân đỉnh cao của
tiến trình lịch sử nhân loại. Hồ Chí Minh quan niệm, chủ nghĩa xã hội là sự
tổng hợp quyện chặt ngay trong cấu trúc nội tại của nó, một hệ thống giá trị
làm nền tảng điều chỉnh các quan hệ xã hội, đó là độc lập, tự do, bình đẳng,
dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền con người, bác ái, đoàn kết, hữu nghị…,trong
đó, có những giá trị tạo tiền đề, có giá trị hạt nhân. Tất cả những giá trị cơ
bản này là mục tiêu chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Một khi tất cả các giá trị đó
đã đạt được thì loài người sẽ vươn tới lý tưởng
cao nhất của chủ nghĩa xã hội, đó là “liên hợp tự do của những người lao động”
mà Mac và Ăngghen đã dự báo. Ở đó, cá tính của con người được phát triển đầy
đủ, năng lực con người được phát huy cao nhất, giá trị con người được thực hiện
toàn diện. Nhưng theo Hồ Chí Minh, đó là một quá trình phấn đấu khó khăn, gian
khổ, lâu dài, dần dần và không thể nôn nóng.
3. Quan
điểm Hồ Chí Minh về mục tiêu, động lực của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
a. Mục tiêu
Hồ Chí Minh ý thức được rõ ràng giá trị của chủ nghĩa
xã hội về mặt lý luận là quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là tìm ra con
đường để thực hiện những giá trị này. Điểm then chốt, có ý nghĩa phương pháp
luận quan trọng của Hồ Chí Minh là đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể
xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau ở nước ta.
Thông qua quá trình đề ra các mục tiêu đó, chủ nghĩa xã hội được biểu hiện với
việc thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích thiết yếu của người lao động theo các nấc
thang từ thấp đến cao, tạo ra tính hấp dẫn, năng động của chế độ xã hội mới.
Ở Hồ Chí Minh, mục tiêu chung của chủ nghĩa xã hội và
mục tiêu phấn đấu của Người là một, đó là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc
cho nhân dân; đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn được độc lập, dân ta
được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học
hành.
Từ cách đặt vấn đề này, theo Hồ Chí Minh, hiểu mục
tiêu của chủ nghĩa xã hội nghĩa là nắm bắt nội dung cốt lõi con đường lựa chọn
và bản chất thực tế xã hội mà chúng ta phấn đấu xây dựng. Tiếp cận chủ nghĩa xã
hội về phương diện mục tiêu là một nét thường gặp, thể hiện phong cách và năng
lực tư duy lý luận khái quát của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh có nhiều cách đề cập
mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Có khi Người trả lời một cách trực tiếp: “Mục
đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói đơn giản và đễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và
thinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Hoặc “Mục đích
của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao múc sống của nhân dân”. Có khi
Người diễn giải mục tiêu tổng quát này thành các tiêu chí cụ thể: “chủ nghĩa xã
hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học.
Ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán
không tốt dần dần được xóa bỏ…Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày
càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Có khi Người nói
một cách gián tiếp, không nhắc đến chủ nghĩa xã hội, nhưng xét về bản chất, đó
cũng chính là mục tiêu của chủ nghĩa
xã hội theo quan điểm của Người. Kết thúc bản Tài liệu tuyệt đối bí mật (di chúc) Hồ Chí Minh viết: “Diều mong
ước cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”
Hồ Chí Minh quan niệm mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa
xã hội là nâng cao đời sống nhân dân. Theo Người, muốn nâng cao đời sống nhân
dân phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân là tiêu
chí tổng quát để khẳng định và kiểm nghiệm tính chất xã hội chủ nghĩa của các
lý luận chủ nghĩa xã hội và chính sách thực tiễn. Trượt ra khỏi quỹ đạo đó thì
hoặc là chủ nghĩa xã hội giả hiệu hoặc không có gì tương thích với chủ nghĩa xã
hội.
Chỉ rõ và nêu bật mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, Hồ
Chí Minh đã khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với các chế độ xã
hội đã tồn tại trong lịch sử, chỉ ra nhiện vụ giải phóng con người một cách
toàn diện, theo các cấp độ: từ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xã hội
đến giải phóng từng cá nhân con người, hình thành các nhân cách phát triển tự
do.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã xác định các mục tiêu cụ thể
của chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:
Mục tiêu
chính trị: Theo tư tưởng Hồ Chí Minh,
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chế độ chính trị phải do nhân dân
lao động làm chủ, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước có hai chức
năng: dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Hai chức năng
đó không tách rời nhau, mà luôn luôn đi đôi với nhau. Một mặt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải phát huy quyền dân chủ và sinh
hoạt chính trị của nhân dân; Mặt khác, lại
yêu cầu phải chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân
dân, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh
chỉ rõ con đường và biện pháp thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp, nâng
cao năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị
– xã hội của quần chúng; củng cố các hình thức dân chủ
đại diện, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, xử lý và phân
định rõ chức năng của chúng.
Mục tiêu kinh
tế: Theo Hồ Chí Minh, chế độ chính
trị của chủ nghĩa xã hội chỉ được bảo đảm và đứng vững trên cơ sở một nền kinh
tế vững mạnh. Nền kinh tế đó là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công – nông
nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư
bản được bỏ dần, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta cần phát triển
toàn diện các ngành, trong đó những ngành chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp,
thương nghiệp, trong đó “công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế
nước nhà”.
Kết hợp các loại lợi ích kinh tế là vấn đề được Hồ Chí
Minh rất quan tâm. Người đặc biệt nhấn mạnh: chế độ khoán là một trong những
hình thức của sự kết hợp lợi ích kinh tế.
Mục tiêu văn
hóa – xã hội: Theo Hồ Chí Minh, văn
hóa là một mục tiêu cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa thể hiện
trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội, đó là xóa nạn mù chữ, xây dựng, phát
triển văn hóa nghệ thuật, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, thực hiện nếp
sống mới, thực hành vệ sinh phòng bệnh, giải trí lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, khắc phục phong tục tập
quán lạc hậu…
Về bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Người khẳng định: “Phải xã hội chủ nghĩa về nội dung”. Để có một nền văn hóa
như thế ta phải phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc, đồng thời học tập văn hóa
tiên tiến của thế giới. Phương châm xây dựng nền văn hóa mới là: dân tộc, khoa
học, đại chúng. Hồ Chí Minh nhắc nhở phải làm cho phong trào văn hóa có bề
rộng, đồng thời phải có bề sâu. Trong khi đáp ứng mặt giải trí thì không được
xem nhẹ nâng cao tri thức của quần chúng, đồng thời Người luôn luôn nhắc nhở
phải làm cho văn hóa gắn liền với lao động sản xuất.
Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ của cách mạng xã
hội chủ nghĩa là đào tạo con người. Bởi lẽ mục tiêu cao nhất, động lực quyết
định nhất công cuộc xây dựng chính là con người. Trong lý luận xây dựng con người
xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh quan tâm trước hết mặt tư tưởng. Người cho rằng: “Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, phải có
tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở mỗi con người là
kết quả của việc học tập, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mac – Lênin, nâng cao
lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đến trau dồi, rèn
luyện đạo đức cách mạng; đồng thời Người cũng rất quan tâm đến mặt tài năng,
luôn tạo điều kiện để mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho
xã hội. Tuy vậy, Hồ Chí Minh luôn gắn tài năng với đạo đức. Theo Người, :có tài
mà không có đức là hỏng”; dĩ nhiên, đức phải đi đôi với tài, nếu không có tài
thì làm việc gì cũng khó. Cũng như vậy, Người luôn gắn phẩm chất chính trị với
trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó “chính trị là tinh thần,
chuyên môn là thể xác. Hai mặt đó thống nhất trong một người. Do vậy, tất cả
mọi người đều phải luôn luôn trau dồi đạo đức và tài năng, vừa có đức vừa có
tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”.
b. Động lực
Để thực hiện những mục tiêu đó, cần phát hiện những
động lực và những điều kiện bảo đảm cho động lực đó thực sự trở thành sức mạnh
thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là những động lực bên trong,
nguồn nội lực của chủ nghĩa xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, những động lực đó biểu hiện ở các
phương diện: vật chất và tinh thần, nội sing và ngoại sinh. Người khẳng định,
động lực quan trọng và quyết định nhất là con người, là nhân dân lao động, nòng
côta là công – nông – trí thức. Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến lợi ích
chính đáng, thiết thân của họ; đồng thời chăm lo, bồi dưỡng sức dân. Đó là lợi
ích của nhân dân và từng cá nhân.
Xem con người là động lực của chủ nghĩa xã hội, hơn
nữa là động lực quan trọng nhất, Hồ Chí Minh đã nhận thấy ở động lực này có sự
kết hợp giữa cá nhân với xã hội. Người cho rằng, không có chế độ xã hội nào coi
trọng lợi ích chính đáng của cá nhân con người bằng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Truyền thống yêu nước của dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng, sức lao động sáng tạo
của nhân dân – đó là sức mạnh tổng hợp tạo nên động lực quan trọng của chủ
nghĩa xã hội.
Nhà nước đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân
dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chức năng quản lý xã hội, đưa sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi. Người đặc biệt quan tâm đến hiệu lực
của tổ chức, bộ máy, tính nghiêm minh của kỷ luật, pháp luật, sự trong sạch,
liêm khiết của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ trung ương tới địa phương.
Hồ Chí Minh rất coi trọng động lực kinh tế, phát triển
kinh tế, sản xuất, kinh doanh, giải phóng mọi năng lực sản xuất, làm cho mọi
người, mọi nhà trở nên giàu có, ích quốc lợi dân, gắn liền kinh tế với kỹ
thuật, kinh tế với xã hội.
Cùng với động lực kinh tế, Hồ Chí Minh cũng quan tâm
tới văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu
của chủ nghĩa xã hội.
Tất cả những nhân tố động lực nên trên là những nguồn
lực tiềm tàng của sự phát triển. Làm thế nào để những khả năng, năng lực tiềm
tàng đó trở thành sức mạnh và không ngừng phát triển. Hồ Chí Minh nhận thấy sự
lãnh đạo đúng đắn của Đảng có ý nghiwax quyết định đối với sự phát triển của
chủ nghĩa xã hội. Đây là hạt nhân trong hệ động lực của chủ nghĩa xã hội.
Ngoài các động lực bên trong, theo Hồ Chí Minh, phải
kết hợp được với sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu
nước phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, phải sử dụng
tốt những thành quả khoa học – kỹ thuật thế
giới…
Nét độc đáo trong phong cách tư duy biện chứng Hồ Chí
Minh là ở chỗ bên cạnh việc chỉ ra các nguồn động lực phát triển của chủ nghĩa
xã hội, Người còn lưu ý, cảnh báo và ngăn ngừa các yếu tố kìm hãm, triệt tiêu
nguồn lực vốn có của chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội trở nên trì
trệ, xơ cúng, không có sức hấp dẫn, đó là chủ nghĩa cá nhân và Người coi đó là
“bệnh mẹ” đẻ ra hàng loạt bệnh khác, đó là tham ô, lãng phí, quan liêu…mà Người
gọi đó là “giặc nội xâm”; đó là các căn bệch chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết, vô
kỷ luật, chủ quan, bảo thủ, giáo điều,…
Giữa nội lực và ngoại lực, Hồ Chí Minh xác định rất rõ
nội lực là quyết định nhất, ngoại lực là rất quan trọng. Chính vì thế, Người
thường xuyên nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh là chính,
nhưng luôn luôn chú trọng tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác quốc tế, kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của Việt
Nam, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, chung sống hòa bình và phát
triển.
II.
CON ĐƯỜNG, BIỆN PHÁP QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
1. Đặc
điểm, nhiệm vụ của thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
a. Thực chất, loại hình và đặc điểm của thời kỳ quá độ
Các nhà kinh điển đều khẳng định tính tất yếu khách quan
của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chỉ rõ vị trí lịch sử, nhiệm vụ đặc
thù của nó trong quá trình vận động, phát triển của hình thái kinh tế – xã hội
cộng sản chủ nghĩa.
Có hai con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Con
đường thứ nhất là quá độ trực tiếp lên chủ nghĩa xã hội từ những nước tư bản
phát triển ở trình độ cao. Con đường thức hai là quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa
xã hội ở những nước tư bản chủ nghĩa phát triển còn thấp, hoặc như Lênin cho
rằng, những nước có nền kinh tế lạc hậu, chưa trải qua thời kỳ phát triển của
tư bản chủ nghĩa cũng có thể đi lên chủ nghĩa xã hội được trong điều kiện cụ thể nào đó, nhất là trong
điều kiện đảng kiểu mới của giai cấp vô sản nắm quyền lãnh đạo và được một hay
nhiều nước tiên tiến giúp đỡ.
Trên cơ sở vận dụng lý
luận về cách mạng không ngừng, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
của chủ nghĩa Mac – Lênin và xuất phát từ đặc điểm, tình hình thực tế Việt Nam,
Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường cách
mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, quan niệm
Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quan niệm về
một hình thái quá độ gián tiếp cụ thể – quá độ từ một xã hội thuộc địa nửa phong
kiến, nông nghiệp lạc hậu sau khi giành được độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa
xã hội. Chính ở nội dung cụ thể này, Hồ Chí Minh đã cụ thể và làm phong phú
thêm lý luận Mac – Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, nước ta có đặc điểm lớn nhất là từ một nước nông nghiệp lạc hậu
tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ
nghĩa. Đặc điểm này chi phối các đặc điểm khác, thể hiện trong tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội và là cơ sở nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trong đó, Hồ Chí Minh
đặc biệt lưu ý đến mâu thuẫn cơ bản của thời ký quá độ, đó là mâu thuẫn giữa
nhu cầu phát triển cao của đất nước theo xu hướng tiến bộ và thực trạng kinh tế
– xã hội quá thấp kém của nước ta.
b. Nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam
Theo Hồ Chí Minh, thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình cải biến nền sản xuất lạc hậu thành nền sản
xuất tiên tiến, hiện đại. Thực chất của quá trình cải tạo và phát triển nền
kinh tế quốc dân cũng là cuộc đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp trong điều
kiện mới, khi mà nhân dân ta hoàn thành cơ bản cách mạng dân tộc dân chủ, so
sánh lực lượng trong nước và quốc tế đã có những biến đổi. Điều này đòi hỏi
phải áp dụng toàn diện các hình thức đấu tranh cả về chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội nhằm chống lại các thế lực đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa.
Theo Hồ Chí Minh, do những đặc điểm và tính chất quy
định, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình dần dần, khó
khăn, phức tạp và lâu dài. Nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam bao gồm hai nội dung lớn:
+ Xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa
xã hội, xây dựng các tiền đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng cho chủ
nghĩa xã hội
+ Cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải
tạo và xây dựng, trong đó lấy xây dựng làm trọng tâm, làm nội dung cốt yếu
nhất, chủ chốt, lâu dài.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tính chất tuần tự, dần dần
của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tính chất phức tạp và khó khăn của nó
được Người lý giải trên các điểm sau:
-
Đây thực sự là
một cuộc cách mạng làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, cả lực lượng sản xuất
và quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Nó đặt ra và
đòi hỏi đồng thời giải quyết hàng loạt mâu thuẫn khác nhau. Như trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã coi sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc chiến đấu khổng lồ của toàn Đảng, toàn
dân Việt Nam.
-
Trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước và nhân dân ta chưa có kinh nghiệm, nhất là
trên lĩnh vực kinh tế. Đây là công việc hết sức mới mẻ đối với Đảng ta nên phải
vừa làm vừa học và có thể có vấp váp, thiếu sót. Xây dựng xã hội mới bao giờ
cũng khó khăn, phức tạp hơn đánh đổ xã hội cũ lỗi thời.
-
Sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta luôn luôn bị các thế lực phản động trong và ngoài nước tìm cách chống phá.
Từ việc chỉ rõ tính chất của thời kỳ quá độ, Hồ Chí
Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phải thận
trọng, tránh nôn nóng, chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Vấn đề cơ bản là phải xác
định đúng bước đi và hình thức phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất,
biết kết oepj các khâu trung gian, qua độ, tuần tự từng bước, tử thấp đến cao.
Vì vậy, xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một năng lực lãnh đạo mang tính khoa
học, vừa hiểu biết các quy luật vận động xã hội, lại phải có nghệ thuật khôn
khéo cho thật sát với tình hình thực tế.
c. Quan
điểm của Hồ Chí Minh về nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong
thời kỳ quá độ
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự
nghiệp cách mạng mang tính toàn diện, Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhiệm vụ cụ
thể cho từng lĩnh vực:
Trong lĩnh
vực chính trị: nội dung quan trọng
nhất là phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng phait luôn
luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu,
có hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bước vào
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền. Mối
quan tâm lớn nhất của Người về Đảng cầm quyền là làm sao cho đảng không trở
thành Đảng quan liêu, xa dân, thoái hóa, biến chất, làm mất niềm tin của dân,
có thể dẫn đến nguy cơ sai lầm về đường lối, cắt đứt mối quan hệ máu thịt với
nhân dân và để cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở dưới nhiều hình thức.
Đồng thời, củng cố và tăng cường vai trò quản lý của
Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng trở thành nhiệm vụ
rất quan trọng.
Một nội dung chính trị quan trọng trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội là củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, nòng
cốt là liên minh công - nông - trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo, củng cố và
tăng cường sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị cũng như từng thành tố của nó.
Nội dung kinh
tế: Được Hồ Chí Minh đề cập trên các
mặt: lực lượng sản xuất, quan hệ
sản xuất, cơ chế quản lý kinh tế. Người nhấn mạnh đến
việc tăng năng suất lao động trên cơ sở tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ
ngĩa. Đối với cơ cấu kinh tế, Hồ Chí Minh đề cập cơ cấu ngành và cơ cấu các
thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ.
Người quan niệm hết sức độc đáo về cơ cấu kinh tế nông
– công nghiệp, lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, củng cố hệ thống thương
nghiệp làm cầu nối tốt nhất giữa các ngành sản xuất xã hội, thỏa mãn nhu cầu
thiết yếu của nhân dân.
Đối với kinh tế vùng, lãnh thổ, Hồ Chí Minh lưu ý phải
phát triển đồng đều giữa kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn. Người đặc biệt
chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế miền núi, hải đảo, vừa tạo điều kiện không
ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào vừa bảo đảm an ninh, quốc
phòng cho đất nước.
Ở nước ta, Hồ Chí Minh là người đầu tiên chủ trương
phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội. Người xác định rõ vị trí và xu hướng vận động của từng thành phần kinh
tế. Nước ta cần ưu tiên phát triển kinh tế quốc doanh dể tạo nền tảng vật chất
cho chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Kinh tế hợp tác
xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, Nhà nước cần đặc biệt
khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ nó phát triển. Về tổ chức hợp tác xã, Hồ Chí
Minh nhấn mạnh nguyên tắn dần dần, từ thấp đến cao, tự nguyện, cùng có lợi,
chống chủ quan, gò ép, hình thức. Đối với người làm nghề thủ công và lao động
riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, ra sức hướng dẫn và giúp họ cải tiến cách làm ăn, khuyến
khích họ đi vào con đường hợp tác. Đối với những nhà tư sản công thương, vì họ
đã tham gia ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, có đóng góp nhất định
trong khôi phục kinh tế và sẵn sàng tiếp thu, cải tạo để góp phần xây dựng nước
nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư
liệu sản xuất và của cải khác của họ, mà hướng dẫn họ hoạt động làm lợi cho
quốc kế dân sinh, phù hợp voiws kinh tế nhà nước, khuyến khích và giúp đỡ họ
cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức tư bản nhà nước.
Bên cạnh chế độ và quan hệ sở hữu, Hồ Chí MInh rất coi
trọng quan hệ phân phối và quản lý kinh tế. Quản lý kinh tế phải dựa trên cơ sở
hạch toán, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tốt các đòn bẩy trong phát triển sản
xuất. Người chủ trương và chỉ rõ các điều kiện thực hiện các nguyên tắc phân
phối theo lao động: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không
hưởng. Gắn liền với nguyên tắc phân phối theo lao động, Hồ Chí Minh bước đầu đề
cập vấn đề khoán tròn sản xuất, “ Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ
nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy
tiến bộ. Làm khoán là ích chúng và lại lợi riêng…, làm khoán tốt thích hợp và
công bằng dưới chế độ ta hiện nay”
Trong lĩnh
vực văn hóa – xã hội: Hồ Chí Minh
nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng con người mới. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đề cao vai
trò của văn hóa, giáo dục và khoa học – kỹ thuật trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
Người cho rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định phải có học thức, cần
phải học cả văn hóa, chính trị, kỹ thuật và chủ nghĩa xã hội cộng voiws khoa
học chắc chắn đưa loài người đến hạnh phúc vô tận. Hồ Chí Minh rất coi trọng
việc nâng cao dân trí, đào tạo và sử dụng nhân tài, khẳng định vai trò to lớn
của văn hóa trong đời sống xã hội.
2. Những
chỉ dẫn có tính định hướng về nguyên tắc, bước đi, biện pháp thực hiện
trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
Hồ Chí Minh xác định rõ nhiệm vụ lịch sử, nội dung của
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều trăn trở khôn nguôi của
Người là tìm ra bước đi, biện pháp tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, biến
nhận thức lý luận thành chương trình hành động, thành hoạt động thực tiễn hàng
ngày. Để xác định bước đi và tìm cách làm phù hợp với Việt Nam, Hồ Chí Minh đề
ra hai nguyên tắc có tính chất phương pháp luận:
+ Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một hiện tượng phổ biến
mang tính quốc tế, cần quán triệt các nguyên lý
cơ bản của chủ nghĩa Mac – Lênin về xây dựng chế độ mới, có thể tham
khảo, học tập kinh nghiệm của các nước anh em. Học tập những kinh nghiệm của các nước tiên tiến, nhưng không được sao chép, máy
móc, giáo điều. Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam có thể làm khác Liên Xô, Trung
Quốc và các nước khác vì Việt Nam có điều kiện cụ thể khác.
+ Xác định bước đi và biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã
hội chủ yếu xuất phát từ điều kiện thực tế, đặc điểm dân tộc, nhu cầu và khả
năng thực tế của nhân dân.
Trong khi nhấn mạnh hai nguyên tắc trên, Hồ Chí Minh
lưu ý vừa chống việc xa rời các nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mac – Lênin, quá tuyệt đói hóa cái riêng, những đặc điểm của
dân tộc, vừa chống máy móc, giáo điều khi áp dụng các nguyên lý của chủ nghĩa
Mac – Lênin mà không tính đến những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và
của thời đại.
Quán triệt hai nguyên tắc phương pháp luận vừa nêu, Hồ
Chí Minh xác định phương châm thực hiện bước đi trong xây dựng chủ nghĩa xã
hội: dần dần, thận trọng từng bước một,
từ thấp đến cao, không chủ quan nôn nóng và việc xác định các bước đi phải luôn
luôn căn cứ vào các điều kiện khách quan quy định, Hồ Chí Minh nhận thức về
phương châm: “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” không
có nghĩa là làm bừa, làm ẩu, “đốt cháy giai đoạn”, chủ quan, duy ý chí mà phải
làm vững chắc từng bước, phù hợp với điều kiện thưc tế. Trong các bước đi lên
chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến vai trò của công nghiệp hóa xã
hội chủ nghĩa, coi đó là “con đường phải đi của chúng ta”, là nhiệm vụ trọng
tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; nhưng công nghiệp hóa không có
nghĩa là xây dựng những nhà máy, xí nghiệp cho thật to, quy mô cho thật lớn,
bất chấp những điều kiện cụ thể cho phép trong từng giai đoạn nhất định. Theo
Người, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thực hiện thắng lợi trên cơ
sở xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, vững chắc, một hệ thống
tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ đa dạng nhằm giải quyết vấn đề lương
thực, thực phẩm cho nhân dân, các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho xã hội.
Cùng với các bước đi, Hồ Chí Minh đã gợi ý nhiều
phương thức, biện pháp tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, Người
đã chỉ đạo một số biện pháp cụ thể sau đây:
-
Thực hiện cải tạo
xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, kết hợp cải tạo với xây dựng, lấy xây dựng làm chính.
-
Kết hợp xây dựng
và bảo vệ, đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền Nam Bắc khác
nhau trong phạm vi một quốc gia.
-
Xây dựng chủ nghĩa
xã hội phải có kế hoạch, biện pháp, quyết tâm để thực hiện tháng lợi kế hoạch
-
Trong điều kiện
nước ta, biện pháp cơ bản, quyết định, lâu dài trong xây dựng chủ nghĩa xã hội
là đem của dân tài dân, sức dân, làm lợi cho dân dưới sự lãnh đạo của Đảng của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hồ Chí Minh cho rằng, phải huy động hết tiềm năng,
nguồn lực có trong dân để đem lại lợi ích cho dân. Nói cách khác, phải biến sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo.
Vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền là tập hợp lực lượng, đề ra đường lối,
chính sách để huy động và khai thác triệt để các nguốn lực của dân, vì lợi ích
của quần chúng lao động.
III. KẾT LUẬN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường
quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bao quát những vấn đề cốt lõi, cơ bản
nhất, trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mac – Lênin. Đó là
các luận điểm về bản chất, mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội; về tính
tất yếu khách quan của thời kỳ quá dộ; về đặc điểm, nhiệm vụ lịch sử, nội dung,
các hình thức, bước đi và biện pháp tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội ở nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tài sản vô giá, cơ sở lý luận và
kim chỉ nam cho việc kiên trì, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng
ta, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề về xác định hình thức, biện pháp và bước đi
lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với những đặc điểm dân tộc và xu thế vận động của
thời đại ngày nay.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng tại Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ VI là kết quả của sự tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn sinh động trong phong
trào cách mạng của cả nước sau 1975. Trong những năm đổi mới toàn diện đất
nước, Đảng Cộng sản Việt nam đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cương lĩnh, đường lối xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đã đạt được những thành tựu to
lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho con đường phát triển xã hội
chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với tổng kết lý luận – thực tiễn, quan niệm của Đảng
ta về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sát
thực, cụ thể hóa. Nhưng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh
những thời cơ, vân hội, nước ta đang phải đối đầu với hàng loạt thách thức, khó
khăn cả trên bình diện quốc tế, cũng như từ các điều kiện trong nước tạo nên.
Trong bối cảnh đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con
đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần tập trung thực hiện thắng lợi
các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đặc biệt là Đại hội XI và
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, giải quyết
những vấn đề quan trọng nhất:
Kiên trì mục
tiêu dân tộc độc lập và chủ nghĩa xã hội:
Hồ Chí Minh là người tìm ra con đường giải phóng dân
tộc Việt Nam: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đọc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng chính là mục tiêu cao cả, bất biến của toàn
Đảng, toàn dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đấu tranh giành
được đọc lập dân tộc, từng bước quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội. Trong điều
kiện nước ta, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sau khi giành
được độc lập dân tộc, phải đi lên chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa
trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới
đáp ứng được khát vọng của toàn dân tộc: độc lập cho dân tộc, dân chủ cho nhân
dân, cơm no áo ấm cho mọi người dân Việt Nam. Thực tiễn phát triển đất nước cho
thấy, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới toàn diện
đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn
liền với chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Vì thế, đổi mới là quá
trình vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thay đổi mục tiêu.
Tuy nhiên, khi chấp nhận kinh tế thị trường, chủ động
hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải tận dụng các mặt tích cực của nó, đồng
thời phải biết cách ngăn chặn, phòng tránh các mặt tiêu cực, bảo đảm nhịp độ
phát triển nhanh, bền vững trên tất cả mọi mặt đời sống xã hội: kinh tế, chính
trị, xã hội, văn hóa; không vì phát triển, tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà
làm phương hại các mặt khác của cuộc sống con
người.
Vấn đề đặt ra là trong quá trình phát triển vẫn giữ
vững định hướng xã hội chủ nghĩa, biết cách sử dụng các thành tựu của loài
người phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là thành tựu khoa
học – công nghệ hiện đại làm cho tăng trưởng kinh tế luôn đi liền với sự tiến
bộ, công bằng xã hội, sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức, tinh thần.
Phát huy
quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực, trước hết là
nội lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển
kinh tế tri thức:
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh
tế tri thức là con đường tất yếu phải đi của đất nước ta. Chúng ta phải tranh
thủ thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, của điều kiện giao lưu, hộ
nhập quốc tế để nhanh chóng biến nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng
hiện đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là
sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, phải đem tài dân, sức dân, của dân
làm lợi cho dân, nghĩa là phải biết phát huy mọi nguồn lực vốn có trong dân để
xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân. Theo tinh thần đó, ngày nay, công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức phải dựa
vào nguồn lực trong nước là chính, có pát huy mạnh mẽ nội lực mới có thể tranh
thủ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn bên ngoài. Trong nội lực, nguồn lực con
người là vốn quý nhất.
Nguốn lực của nhân dân, của con người Việt Nam bao gồm
trí tuệ, tài năng, sức lao động, của cải thật to lớn. Để phát huy tốt sức mạnh
của toàn dân tộc nhằm xây dựng và phát triển đất nước cần giải quyết tốt các
vấn đề sau:
-
Tin dân, dựa vào
dân, xác lập quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế, làm cho chế độ dân chủ
được thực hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người, nhất là ở địa
phương, cơ sở, làm cho dân chủ thật sự trở thành động lực của sự phát triển xã hội.
-
Chăm lo mọi mặt
đời sống của nhân dân để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
-
Thực hiện nhất
quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, trên cơ sở lấy liên minh
công, nông trí thức làm nòng cốt, tạo nên sự đồng thuận xã hội vững chắc vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải biết tranh thủ các điều
kiện quốc tế thuận lợi, tận dụng tối đa sức mạnh của thời đại. Ngày nay, sức
mạnh của thời đại tập trung ở cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, xu thế toàn
cầu hóa. Chúng ta cần ra sức tranh thủ tối đa các cơ hội do xu thế đó tạo ra để
nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phải có cơ chế, chính sách đúng để thu hút
vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại, thực hiện kết hợp sức
mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Muốn vậy, chúng ta phải có đường lối chính trị độc
lập, tự chủ. Tranh thủ hợp tác phải đi đôi thường xuyên khơi dậy chủ nghĩa yêu
nước, tinh thần dân tộc chân chính của mọi người Việt Nam nhằm góp phần làm gia
tăng tiềm lực quốc gia.
Hội nhập quốc tế phải gắn liền với nhiệm vụ trau dồi
bản lĩnh và bản sắc dân tộc, nhất là cho thanh thiếu niên – lực lượng rường cột
của nước nhà để không tự đánh mất mình bởi xa rời cốt cách dân tộc. Chỉ có bản
lĩnh và cốt cách văn hóa dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ đó mới có thể loại trừ các
yếu tố độc hại, tiếp thu tinh hoa văn hóa loài người, làm phong phú, làm giàu
nền văn hóa dân tộc.
Chăm lo xây
dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm trong sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh đấu
tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư để xây dựng chủ nghĩa xã hội:
Thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân cần đến vai trò của một Đảng cách mạng
chân chính, một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, vì vậy, phải:
-
Xây dựng Đảng
Cộng sản Việt Nam cầm quyền, một Đảng “đạo đức”, “văn minh”. Cán bộ, đảng viên
gắn bó máu thịt với nhân dân, vừa là người hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân, vừa
hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, gương mẫu trong mọi công việc.
-
Xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thực hiện
cải cách nền hành chính quốc gia một cách đồng bộ để phục vụ dời sống nhân dân.
-
Bằng các giải
pháp thiết thực, cụ thể, hình thành một đội ngũ cán bộ liêm khiết, tận trung
với nước, tận hiếu với dân; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy chính quyền những
“ông quan cách mạng”, lạm dụng quyền lực của dân để mưu cầu lợi ích riêng; phát
huy vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng
phí, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
-
Giáo dục mọi tầng
lớp nhân dân ý thức biết cách làm giàu cho đất nước, hăng hái đẩy mạnh tăng gia
sản xuất, kinh doanh gắn liền với tiết kiệm để xây dựng nước nhà. Trong điều
kiện đất nước còn nghèo, tiết kiệm phải trở thành quốc sách, thành một chính
sách kinh tế lớn và cũng là một chuẩn mực đạo đức, một hành vi văn hóa như Hồ
Chí Minh đã căn dặn: Một dân tộc biết cần, biết kiệm là một dân tộc văn minh,
tiến bộ; dân tộc đó chắc chắn sẽ thắng được nghèo nàn, lạc hậu, ngày càng giàu
có về vật chất, cao đẹp về tinh thần.
-
CHƯƠNG IV
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ
MINH
VỀ ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
I. QUAN NIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ VÀ BẢN CHẤT CỦA ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
1. Về sự ra
đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khi đề cập các yếu tố cho sự ra đời của Đảng Cộng sản,
xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước Nga và của phong trào công nhân Châu Âu,
Lênin nêu lên hai yếu tố, đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mac với phong trào công nhân.
Khi đề cập sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, bên
cạnh hai yếu tố ấy, Hồ Vhis Minh còn kể đến yếu tố thứ ba, đó là phong trào yêu
nước. Trong bài Thường thức chính trị viết
năm 1953, Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với
chủ nghĩa Mac – Lênin. Nhân dịp ký niệm 30 năm thành lập Đảng, Hồ Chí Minh viết
bài Ba mươi năm hoạt động của Đảng, trong
đó chỉ rõ: Chủ nghĩa Mac – Lênin kết hjowpj với phong trào công nhân và phong
trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng
cộng sản Đông Dương vào đấu năm 1930. Đây chính là một quan điểm quan trọng
của Hồ Chí Minh về sự hình thành Đảng cộng sản Việt Nam, là sự phát triển sáng
tạo chủ nghĩa Mac – Lênin trên cơ sở tổng kết thực tiễn Việt Nam.
Hồ Chí Minh thấy rõ vai trò to lớn của chủ nghĩa Mac –
Lênin đối với cách mạng Việt Nam và đối với quá trình hình thành Đảng cộng sản
Việt Nam. Người cũng đánh giá cao vị trí, vai trò lãnh đạo của giai cấp công
nhân Việt Nam trong sắp xếp lực lượng cách mạng. Số lượng giai cấp công nhân
Việt Nam tuy ít nhưng theo Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của lực lượng cách
mạng không phải do số lượng đó quyết định. Hồ Chí Minh chỉ rõ dặc điểm của giai
cấp công nhân Việt Nam là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ
luật. Giai cấp tiên tiến nhất trong sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ tư bản
và đế quốc để gây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần tư
tưởng cách mạng nhất tức là chủ nghĩa Mac – Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu
tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng,
sở dĩ giai cấp công nhân Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam còn
là vì: giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mac – Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ
xây dựng nên đảng theo chủ nghĩa Mac – Lênin. Đảng đề ra chủ trương, đường lối,
khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh,
bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến.
Hồ Chí Minh nêu thêm yếu tố phong trào yêu nước, coi
nó là một trong ba yếu tố kết hợp dẫn đến việc hình thành Đảng Cộng sản Việt
Nam vì những lý do sau đây:
-
Phong trào yêu nước có vị trí, vai trò cực kỳ to lớn
trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là giá trị tinh thần trường tồn
trong lịch sử dân tộc Việt Nam và là nhân tố chủ đạo quyết định sự nghiệp chống
ngoại xâm của dân tộc ta. Chỉ tính riêng trong hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, phong trào yêu nước của nhân dân ta đã dâng lên mạnh mẽ như những lớp sóng cồn nối tiếp nhau.
Phong trào yêu nước liên tục và bền bỉ trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ
nước đã kết thành chủ nghĩa yêu nước và nó đã trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp
nhất của dân tộc Việt Nam.
-
Phong trào công nhân kết hợp được với phong trào yêu
nước vì hai phong trào đó đều có mục tiêu chung. Khi giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và có phong
trào đấu tranh, lúc đầu là đấu tranh kinh tế, và sau này là đấu tranh chính
trị, thì phong trào công nhân kết hợpk được ngay từ đầu và kết hợp liên tục với
phong trào yêu nước. Cơ sở của sự kết hợp giữa hai phong trào này là do xã hội
nước ta tồn tại mâu thuẫn cơ bản giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bon đế quốc
và tay sai. Vì vậy, giữa hai phong trào đều có mục tiêu chung, yêu cầu chung:
giải phóng dân tộc, làm cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập, xây dựng đất nước
hùng cường. Hơn nữa, chính bản thân phong trào công nhân, xét về nghĩa nào đó,
lại mang tính chất của phong trào yêu nước, vì phong trào đấu tranh của công
nhân không những chống lại ách áp bức giai cấp mà còn chống lại ách áp bức dân tộc.
-
Phong trào nông dân kết hợp với phong traò công nhân. Nói đến phong trào yêu nước Việt Nam phải kể đến phong
trào nông dân. Đầu thế kỷ XX nông dân Việt Nam chiếm tới khoảng 90% dân số.
Giai cấp nông dân là bạn đồng minh tự nhiên của giai cấp công nhân. Ở Việt Nam,
do điều kiện cụ thể lịch sử chi phối, không có công nhân nhiều mà họ xuất thân
trực tiếp từ người nông dân nghèo. Do đó, giữa phong trào công nhân và phong
trào yêu nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giai cấp công nhân và giai cấp
nông dân hợp thành quân chủ lực của cách mạng.
-
Phong trào yêu nước của trí thức Việt Nam là nhân tố
quan trọng thúc đẩy sự kết hợp các yếu tố cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt
Nam. Phong trào yêu nước Việt Nam
những thập niên đầu thể kỷ XX ghi dấu ấn đậm nét bởi vai trò của trí thức, tuy
số lượng không nhiều nhưng lại là những “ngòi nổ” cho các phong trào yêu nước
bùng lên chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, cũng như thúc đẩy sự canh
tân và chần hưng đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, một trong những nét nổi bật
nhất là sự bùng phát của những tổ chức yêu nươc mà thành viên và những người
lãnh đạo tuyệt đại đa số là trí thức. Với một bầu nhiệt huyết, yêu nước, thương
nòi, căm giận bọn cướp nước và bọn bán nước, họ rất nhạy cảm với thời cuộc, do
vậy, họ chủ động và có cơ hội đón nhận những “luồng gió mới” về tư tưởng của
tất cả các trào lưu trên thế giới tràn vào Việt Nam.
2. Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam
Sức mạnh to lớn của nhân dân chỉ phát huy khi được tập
hợp, đoàn kết và được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị là Đảng cộng sản Việt
Nam. Hồ Chí MInh khẳng định: “lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao
động là rất to lớn, là vô cùng, vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo
mới chắc chắn thắng lợi”, giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Trong cuốn sách Đường cách mệnhxuất bản năm 1927 Hồ Chí
Minh viết: Cách mệnh trước phải có cái
gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì tổ chức và vận động dân chúng,
ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có
vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn khỏi đi
lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình
hình, đường lối và định phương châm cho
đúng.
Cách mạng là cuôc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ đich rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần
chúng phải tổ chức rất chặt chẽ, ý chí
phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền.
Cách mạng thắng lợi rồi,
quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đao”.
Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng cộng sản
Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, vì Đảng không có mục đích
tự thân, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, lợi ích
của toàn dân tộc Việt Nam, lợi ích của nhân dân tiến bộ trên thế giới, Đảng
không có lợi ích nào khác.
Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tính
quyết định hàng đầu từ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam đã được
thực tế lịch sử chứng minh, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế
được. Mọi mưu toan nhằm hạ thấp hoặc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng
sản Việt Nam đều xuyên tạc thực tế lịch sử cách mạng dân tộc ta, trái với lý
luận lẫn thực tiễn, đều đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội Việt Nam.
3. Bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam
Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng
của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất
giai cấp công nhân.
Quan điểm của Hồ Chí Minh hoàn toàn tuân thủ những
quan điểm của Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Nhưng, Hồ
Chí Minh còn có một cách thể hiện khác về vấn đề “Đảng của ai?”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong giai đoạn này, quyền
lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì
Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt
Nam, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Năm 1953, Hồ Chí Minh viết:
“Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích
của cả dân tộc…Đảng là Đảng của giai cấp lao động, mà cũng là Đảng của toàn
dân”. Năm 1957, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng là đội tiên phong của giai cấp
công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Trong thời kỳ Miền Bắc
xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm 1961, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Đảng ta
là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị.
Năm 1965, Hồ Chí Minh cho rằng: Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham
mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Tuy có nhiều cách thể hiện khác nhau như vậy nhưng
quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng là Đảng ta mang bản chất của giai cấp công
nhân. Điều này cũng giống như Đảng ta mang tên là Đảng Lao động nhưng bản chất giai cấp của Đảng chỉ là bản chất giai
cấp công nhân.
Trong Báo cáo
chính trị tại Đại hội II, khi nêu lên Đảng ta còn là Đảng của nhân dân lao
động và của toàn dân tộc, Hồ Chí Minh cũng nêu lên toàn bộ cơ sở lý luận và các
nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, những nguyên tắc này tuân thủ một cách chặt
chẽ học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản của Lênin.
Hồ Chí Minh khẳng định bản chất giai cấp công nhân của
Đảng ta dựa trên cơ sở thấy rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam.
Còn các giai cấp, tâng lớp khác chịu sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, trở thành
đồng minh của giai cấp công nhân. Nội dung quy định bản chất giai cấp công nhân
không phải chỉ là số lượng đảng viên xuất thân từ công nhân mà còn ở nền tảng lý luận và tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa
Mac – Lênin; mục tiêu của Đảng cần đạt tới là chủ nghĩa cộng sản; Đảng tuân thủ
một cách nghiêm túc, chặt chẽ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai
cấp vô sản. Hồ Chí Minh phê phán những quan điểm không đúng như không đánh giá
đúng vai trò to lớn của giai cấp công nhân, cũng như những quan điểm sai trái
chỉ chú trọng công nông mà không thấy rõ vai trò to lớn của các giai cấp, tâng
lớp khác.
Quan niệm Đảng không những là Đảng của giai cấp công
nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc có ý nghĩa to lớn
đối với cách mạng Việt Nam. Đảng đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc cho nên
nhân dân Việt Nam coi Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của chính mình. Trong
thành phần, ngoài công nhân còn có những người ưu tú thuộc giai cấp nông dân,
trí thức và các thành phần khác. Đảng ta cũng đã khẳng định rằng, để bảo dảm và
tăng cường bản chất giai cấp công nhân, Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc trong tất cả các thời
kỳ của cách mạng. Trong quá trình rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú
trọng tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Sức mạnh của Đảng
không chỉ bắt nguồn từ giai cấp công nhân mà còn bắt nguồn từ các tầng lớp nhân
dân lao động khác.
4. Quan niệm về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền
a.
Đảng lãnh đạo
nhân dân giành chính quyền, trở thành Đảng cầm
quyền
Qua những năm tháng hoạt động thực tiễn, tìm tòi, học
hỏi, nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng ở chủ
nghĩa Mac – Lênin và quyết định đi theo con đường của cách mạng Tháng Mười. Khi
sắp trở thành đảng viên, đồng thời cũng là một trong những người sáng lập Đảng
Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh – người cộng sản Việt Nam đầu tiên – đã sớm xác định
độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách
mạng Việt Nam.
Từ lý tưởng cao cả ấy, Hồ Chí Minh thấy cần phải có
một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng, thực hiện mục tiêu nói
trên. Chính vì vậy, từ những năm 1920 trở đi, Người tích cực chuẩn bị cả ba
mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập đảng. Tới năm 1930,
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một trang mới trong lịch sử dân tộc ta.
Trong Đường cách
mệnh Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đảng cách
mạng – nhân tố đầu tiên, quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Thấu hiểu bài
học lịch sử về sức mạnh của quần chúng, lại được soi rọi dưới ánh sáng của chủ
nghĩa Mac – Lênin, Người chỉ rõ: công nông là gốc cách mạng, nhưng “trước phải
làm cho dân giác ngộ”. Dân phải được tổ chức, được lãnh đạo thì mới trở thành
lực lượng to lớn, mới là chủ, là gốc cách mạng được. Nếu dân không được tổ chức
thì như đũa “mỗi nơi một chiếc”. Để Đảng vững được “phải có chủ nghĩa làm cốt”.
Thành lập Đảng là để mọi thành viên trong Đảng đó thống nhất về tư tưởng, từ đó
thống nhất trong hành động. Người đã nghiên cứu nhiều học thuyết trên thế giới,
tìm tòi, suy ngẫm, lựa chọn,
và khẳng định:
“bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa
nhiều, nhưng chủ nghĩa
chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Tóm lại, Hồ Chí Minh nhất
quán cho rằng: cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo chủ nghĩa Mac –
Lênin.
Như vậy, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cách mạng chân
chính, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng không bao giờ “hy sinh quyền
lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho giai cấp khác”. Đảng dìu dắt giai
cấp vô sản, lãnh đạo giai cấp vô sản, lãnh
đạo cách mạng Việt Nam là để đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho toàn thể
dân tộc. Đảng không phải là một tổ chức
tự thân, và vì vậy, mục đích, tôn chỉ của Đảng là “tận tâm”, “tận lực”, “phụng
sự” và “trung thành” với lợi ích của dân tộc Việt Nam.
Chỉ có một Đảng như thế mới có thể dem lại độc lập cho
dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phồn vinh cho đất nước và đưa cả nước
đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với đường lối chính trị đúng đắn, tổ chức chặt chẽ,
Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc giành chính quyền, thành lập nhà nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó cũng là thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành
Đảng cầm quyền.
b. Quan niệm
của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền
“Đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học
chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và
lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm thực hiện lợi ích của
giai cấp mình. Khái niệm “đảng cầm quyền” đã được dùng phổ biến tại các nước tư
bản chủ nghĩa. Ở các nước này, nếu một chính đảng có đại biểu giành được đa số
phiếu tại các cuộc bầu cử quốc hội thì đảng đó trở thành đảng cầm quyền.
Về mặt thuật ngữ, trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh có
thể bắt gặp các khái niệm cùng chỉ một hiện tượng Đảng lãnh đạo xã hội sau khi
đã giành được chính quyền nhà nước: “Đảng nắm quyền”, “Đảng lãnh đạo chính
quyền”, “Đảng cầm quyền”. Trong đó thuật ngữ “Đảng cầm quyền” phản ánh rõ nhất,
chính xác nhất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình cải
tạo xã hội cũ, xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.
Cụm từ “Đảng cầm quyền” được Hồ Chí Minh ghi trong bản
Di chúc năm 1969. Theo Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền là Đảng tiếp tục lãnh đạo sự
nghiệp cách mạng trong điều kiện Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành
được quyền lực nhà nước và Đảng trực tiếp lãnh đạo bộ máy nhà nước đó để tiếp
tục hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Khi chưa có chính quyền, nhiệm vụ chính trong các cuộc
đấu tranh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là lật đổ chính quyền bè lũ
thực dân và phong kiến, thiết lập chính quyền nhân dân. Phương thức lãnh đạo,
công tác chủ yếu của Đảng là giáo dục, thuyết phục, vận động, tổ chức quần
chúng, đưa quần chúng vào đấu tranh giành chính quyền.
Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của Đảng không
that đổi. Khi có chính quyền trong tay, một vấn đề mới cực kỳ to lớn, cũng là
thử thách hết sức nặng nề của Đảng là người đảng viên cộng sản không được lãng
quên nhiệm vụ, mục đích của mình, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; trên
thực tế, đã có một số cán bộ , đảng viên thoái hóa, biến chất trở thành “quan
cách mạng”. Với chủ tịch Hồ Chí Minh “độc lập, tự do, hạnh phúc” là bản chất
của chủ nghĩa xã hội. Đó là điểm xuất phát để xây dựng Đảng ta xứng đáng với
danh hiệu “Đảng cầm quyền”.
Mục đích, lý
tưởng của Đảng cầm quyền:
Theo Hồ Chí Minh, Đảng ta không có lợi ích nào khác
ngoài lợi ích của tổ quốc, của nhân dân. Đó là mục đích, lý tưởng cao cả không
bao giờ thay đổi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chỉ
rõ: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả
của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn
toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. Khi trở thành Đảng cầm
quyền, mục đích, lý tưởng đó không những không thay đổi mà còn có thêm những
điều kiện và sức mạnh nhằm hiện thực hóa mục đích, lý tưởng ấy.
Đảng cầm
quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân:
Quan điểm này của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là sự
vận dụng, phát triển hết sức sáng tạo lý luận Mac – Lênin về Đảng vô sản kiểu
mới.
Đảng Cộng sản Việt Nam “là người lãnh đạo, là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Xác định “người lãnh đạo” là xác định quyền
lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với toàn bộ xã hội và khi có chính quyền, Đảng
lãnh đạo chính quyền nhà nước. Đối tượng lãnh đạo của Đảng là toàn thể quần
chúng nhân dân trong toàn dân tộc, nhằm đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, ấm
no và hạnh phúc cho nhân dân – mà trước hết là quần chúng nhân dân lao động.
Nhưng, muốn lãnh đạo được nhân dân lao động, trước hết Đảng phải có tư cách,
phẩm chất, năng lực cần thiết. Vì “quần chúng chỉ quý mến những người có tư
cách, đạo đức” và “Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng
rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và
năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”
“Là người lãnh đạo”, Theo Hồ Chí Minh, bằng giáo dục,
thuyết phục, ĐẢng phải làm cho dân tin,
dân phục để dân theo. Đảng lãnh đạo nhưng quyền hành và lực lượng đều ở nơi
dân, cho nên Đảng “Phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu, mẹnh
lẹnh và gò ép nhân dân”, mà phải giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ dân chúng để
thức tỉnh họ. Đồng thời, Đảng phải tổ chức, đoàn kết họ lại thành một khối
thống nhất, bày cách cho dân và hướng dẫn họ hành động. Vì vậy, chức năng lãnh
đạo và sự lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của
đời sống xã hội, phải quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân từ việc nhỏ đến
việc lớn: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc
hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại quan
tâm đén những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày
của nhân dân”.
Là người lãnh đạo, Đảng phải sâu sát, gắn bó mật thiết
với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, khiêm tốn học hỏi nhân dân và phải chịu
sự kiểm soát của nhân dân, bởi “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của
Đảng, ắt phải từ trong quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Đảng phải
thực hành triệt để dân chủ, mà trước hết dân chủ trong nội bộ Đảng, để phát huy
được mọi khả năng trí tuệ sáng tạo của quần chúng; lãnh đạo nhưng phải chống
bao biện, làm thay, phải thông qua chính quyền, nhà nước “của dân, do dân, vì
dân”để Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội. Do đó, Đảnh
phải lãnh đạo nhà nước một cách toàn diện, mà trong đó và trước hết là lãnh đạo
xây dựng luật pháp để quản lý, điều hành xã hội; đồng thời, Đảng phải thường xuyên
coi trọng công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức
hoạt động trong bộ máy nhà nước, luôn bảo đảm cho nhà nước thực sự trong sạch,
vững mạnh, thực sự là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”
Với tư cách là người lãnh đạo, Hồ Chí Minh còn đề cập
một cách sâu sắc đến việc Đảng phải thực hiện chế độ kiểm tra và phát huy vai
trò tiên phong của đội ngũ đảng viên, cán bộ của Đảng.
Là người lãnh đạo, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng
cũng có nghĩa bao hàm cả trách nhiệm “là người đầy tớ” của dân. Song “đầy tớ” ở
đây không có nghĩa là “tôi tớ, tôi đòi hay theo đuôi quần chúng”, mà là tận
tâm, tận lực phụng sự nhân dân nhằm đem lại các quyền và lợi ích cho dân. Người
nhấn mạnh: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc
gì có lợi cho dân, thì phải làm chi kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết
sức tránh”. Người sử dụng cụm từ “đầy tớ trung thành” là để nhắc nhở và chỉ rõ
vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động của mình đều
phải quan tâm thực sự đến lợi ích của dân: “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên
hạ”, tận tụy với công việc, phải thường xuyên “tụ kiểm điểm, tự phê bình, tự
sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Phải làm cho dân tin, dân phục để dân hết
lòng ủng hộ, giúp đỡ. Mỗi cán bộ, đảng viên “đều là công bộc của dân, nghĩa là
để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như trong thời
kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.”
Mặt khác, ý nghĩa cụm từ “đầy tớ trung thành của nhân
dân”, theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có tri thức
khoa học, trình độ chuyên môn, nghiệp vuk giỏi; thực sự thấm nhuần đạo đức cách
mạng: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Không chỉ nắm vững và thực hiện
tốt quan điểm, đường lối của Đảng, mà còn phải biết tuyên truyền, vận động lôi
kéo quần chúng đi theo Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Như vậy, “là người lãnh đạo”, “là người đầy tớ” tuy là
hai khái niệm, nhưng đều được Hồ Chí Minh sử dụng và chỉ ra sự gắn bó thống
nhất, quan hệ biện chứng giữa hai khái niệm đó với nhau. Dù là “người lãnh đạo”
hay “người đầy tớ”, theo quan điểm của Hồ Chí Minh đều cùng chung một mục đích:
vì dân. Làm tốt chức năng “lãnh đạo” và làm tròn nhiệm vụ “đầy tớ” cho nhân dân
là cơ sở vững chắc nhất bảo đảm uy tín và năng lục lãnh đạo của Đảng không
những được ăn sâu, bám chắc trong lòng giai cấp công nhân, mà còn trong cả các
tầng lớp quần chúng nhân dân lao động và trong toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đảng cầm
quyền, dân là chủ:
Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính
quyền. Tuy nhiên, theo Mac, đó mới là cánh cửa vào xã hội chứ chưa phải đã là
xã hội mới. Vì vậy, vấn đề quan trọng là chính quyền thuộc về ai. Hồ Chí Minh
đã nghiên cứu kinh nghiệm, lý luận của các cuộc cách mạng trên thế giới và kết
luận: :cách mạng rồi thì quyền trao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay
một bọ ít người”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, quyền lực phải thuộc về nhân dân.
Người đã đề cập xây dựng một nhà nước của dân, do dân ,vì dân.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, Đảng lãnh đạo cách mạng là
để thiết lập và củng cố quyền làm chủ của nhân dân. Theo Người, quyền lực thuộc
về nhân dân là bản chất, là nguyên tắc của chế độ mới, một khi xa rời nguyên
tắc này, Đảng sẽ trở thành đối lập với nhân dân. Dân làm chủ, Đảng lãnh đạo,
Đảng phải “lấy dân làm gốc”.
Mặt khác, dân muốn làm chủ thực sự thì phải theo Đảng.
Mỗi người dân phải biết lợi ích và bổn phận của mình tham gia xây dựng chính
quyền.
Với tư tưởng nhân văn cao cả về mối liên hệ biện chứng
giữa Đảng với dân, Hồ Chí Minh luôn suy tư, trăn trở để tìm giải pháp hữu hiệu
nhằm thực hiện nguyên tắc dân là chủ, dân là gốc. Theo Người, cơ chế ấy chỉ có
thể trở thành hiện thực, không bị vi phạm khi cán bộ, đảng viên còn là người
đầy tớ trung thành của nhân dân.
II. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
1. Xây dựng
Đảng – Quy luật tồn tại và phát triển của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cộng sản Việt
Nam trong sạch, vững mạnh chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di
sản tư tưởng của Người. Người liên tục đề cập vấn đề xây dựng Đảng và hình
thành một hệ thống các luận điểm mang tính nhất quán.
Hồ Chí Minh bàn về xây dựng Đảng không phải là khi
trong Đảng có gì đột biến hay trong Đảng “có vấn đề nổi cộm” mới cần đến một
giải pháp tình thế. Với Người, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ tất yếu, thường
xuyên để Đảng hoàn thành vai trò chiến sĩ tiên phong trước giai cấp, dân tộc và
nhân dân. Xây dựng Đảng được Hồ Chí Minh đặt ra như một nhiệm vụ vừa cấp bách,
vừa lâu dài. Khi cách mạng gặp khó khăn, xây dựng Đảng để cán bộ, đảng viên
củng cố lập trường, quan điểm, bình tĩnh, sáng suốt, không tỏ ra bị động, lúng
túng, bi quan. Ngay cả khi cách mạng trên đà thắng lợi cũng cần đến xây dựng
Đảng để xây dựng những quan điểm, tư tưởng cách mạng khoa học, ngăn ngừa chủ
quan, tự mãn, lạc quan tếu và rơi vào căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” – theo cách
nói của Lênin.
Tính tất yếu khách quan của công tác xây dựng Đảng
được Hồ Chí Minh lý giải hết sức thuyết phục theo các căn cứ sau đây:
-
Xây dựng Đảng bị chế
định bởi quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh
đạo. Đảng lãnh đạo giai cấp và nhân dân đánh đổ đế quốc, phong kiến, xây dựng
chế độ dân chủ mới, tạo điều kiện tiến dần lên chủ nghĩa xã hội nhằm giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Sự nghiệp cách mạng do
Đảng lãnh đạo là một quá trình, bao gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn; mỗi
thời kỳ, giai đoạn có những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và những yêu cầu riêng.
Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự
đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước dân tộc và giai cấp. Sinh thời,
mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, bắt đầu triển khai nhiệm vụ mới, Hồ Chí
Minh bao giờ cũng chủ trương trước hết
phải xây dựng Đảng. Chủ trương đó vừa khẳng dịnh đúng vị trí, vai trò lãnh
đạo của Đảng, vừa thể hiện khả năng nhạy bén, làm chủ thời cuộc của người đứng
đầu tổ chức Đảng. Trong suy nghĩ và nhận thức của Hồ Chí Minh, Đảng ta lớn lên,
trưởng thành gắn liền với sự phát triển của đất nước và dân tộc, Đảng thật sự
là “một cơ thể sống” luôn tự hoàn thiện và vượt lên.
-
Đối với toàn
Đảng, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành
cơ cấu của xã hội; mỗi cán bộ, đảng viên đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi
trường xã hội, các quan hệ xã hội, cả cái tốt va cái xấu, cái tích cực, lạc
hậu. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện; Đảng phải chú ý
đến việc xây dựng Đảng. Khả năng tiếp
nhận nguồn sinh lực tiềm tàng và “đề kháng” các căn bệnh xã hội “thẩm thấu” vào
Đảng là phụ thuộc vào hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Trong hoàn cảnh xã hội
thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, trình độ sản xuất lạc
hậu mà tiến dần lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam thì việc xây dựng Đảng càng
được quan tâm đặc biệt.
-
Xây dựng Đảng là
cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn,
hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ được các
phẩm chất đạo đức cách mạng tiêu biểu.
Đảng ta mặc dù có cơ sở khắp cả nước, có những cán bộ
và đảng viên tận tụy, hy sinh vô cùng oanh liệt, nhưng theo Hồ Chí Minh, “vì
điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi
cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc, điều đó tỏ rõ
ra ở mỗi khuyết điểm như: không nắm vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự
lực cánh sinh; không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần
và nạn tham ô hủ hóa khá nặng…”
Xây dựng Đảng là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu
rõ, hiểu đúng và thực hành tốt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Mặt
khác, giúp cán bộ, đảng viên phải nhìn lại
mình, phát huy mặt tốt, loại bỏ mặt xấu vốn có trong mỗi con người. Hồ
Chí Minh cho rằng, cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh, họ là con người.
Đã là con người thì ai cũng có hai mặt tôt – xấu, thiện – ác thường xuyên đấu
tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ đảng viên nỗ lực tu
dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lui mătk xấu,
mặt ác. Từ đó họ sẽ trở thành người tốt, làm gương cho quần chúng, có ích cho
Đảng, cho cách mạng. Ngược lại, trong một môi trường xã hội không lành mạnh,
đầy dẫy sự dối trá, lừa lọc, nếu cán bộ, đảng viên buông thả, thiếu ý chí phấn
đấu thì mặt ác, mặt xấu sẽ nổi lên chi phối, kìm chế mặt tốt, mặt thiện và lúc
đó, họ trở thành người bị tha hóa, biến chất, có hại cho Đảng, cho dân…thậm chí
trở thành tội phạm.
Vì thế, để mỗi cán bộ, đảng viên luôn giữ trọn phẩm
chất tốt đẹp của mình, giác ngộ lý tưởng cách mạng, vững vàng về mọi mặt trong
mọi điều kiện, môi trường xã hội khác nhau thì cùng với sự tự giác rèn luyện,
phấn đấu, họ còn cần đến sự giúp đỡ, kiểm soát, quản lý từ phía Đảng. Xây dựng
Đảng không thể buông lỏng việc thắt chặt công tác kiểm tra, quản lý cán bộ,
đảng viên. Xây dựng Đảng nếu không được đặt đúng vị trí, ngang tầm mà lại buông
lỏng kiểm soát, quản lý thì rất dễ làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên bị
thoái hóa, biến chất về đạo đức và lối sống dẫn đến tha hóa cả về chính trị.
Trên bình diện phát triển cá nhân, xây dựng Đảng theo
tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự
hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.
- Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc
xây dựng Đảng lại được Hồ Chí Minh coi là công việc càng phải được tiến hành
thường xuyên hơn của Đảng. Bởi lẽ, với mmột nhãn quan đặc biệt nhạy bén về
chính trị, Ngưới đã nhìn thấy và nhận diện rõ tính hai mặt vốn có của quyền
lực: Một mặt, quyền lực có sức mạnh
to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biét sử dụng đúng; mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại
ghê gớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, đi vào con đường ham
muốn quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, ;ợi dụng quyền lực
để lạm quyền, lộng quyền, đặc quyền, đặc lợi, biến quyền lực của nhân dân thành
đặc quyền của cá nhân,…Ví vậy, Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh đốn
và đổi mới Đảng để hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi và tẩy trừ mọi tệ nạn do thoái
hóa, biến chất gây ra trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước.
Nhận thức đúng tác động qua lại giữa môi trường xã hội
và vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc điểm phát triển tâm lý, nhân cách của cán bộ,
đảng viên, Hồ Chí Minh đã đi đến một nhận định mang tính triết lý sâu sắc, có
giá trị phổ quát trong vấn đề xây dựng, đổi mới Đảng: “một dân tộc, một đảng,
và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định
hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người mến yêu và ca ngợi, nếu lòng dạ không
trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Nhận định đó là một chân lý: Nó
phản ánh đúng thực tiễn và đã được thực tiễn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở
nhiều nơi trên thế giới kiểm nghiệm, Nó là lời cảnh tỉnh có ý nghĩa rất sâu xa
đói với Đảng cộng sản cầm quyền, đói với mỗi đảng viên cộng sản, nhất là đảng
viên cộng sản có chức, có quyền, giữ các vị trí then chốt trong bộ máy nhà nước.
Nhìn một cách tổng quát, theo Hồ Chí Minh, xây dựng
Đảng mang tính quy luật và là nhu cầu tồn tại, phát triển của bản thân Đảng.
Đổi mới Đảng nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững vàng về chính trị, tư
tưởng và tổ chức; làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm
chất và năng lực trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, càng phức tạp của
nhiệm vụ cách mạng. Đổi mới Đảng sẽ làm cho toàn Đảng trở thành một khối thống
nhất về nhận thức và tư tưởng, làm cơ sở cho sự thống nhất về hành động, đủ sức
lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiến về phía trước, vượt qua những khúc quanh
đầy thư thách.
2. Nội dung công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam
a. Xây
dựng Đảng về tư tưởng, lý luận
Để đạt mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải
dựa vào lý luận cách mạng và khoa học
của chủ nghĩa Mac – Lênin. Khi huấn luyện cho cán bộ cách mạng từ năm 1925 đến
1927, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt,
trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có
chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”; “chủ
nghĩa” ấy là chủ nghĩa Mac – Lênin, Hồ Chí Minh đã ví chủ nghĩa Mac – Lênin như
trí không của con người, như bàn chỉ nam định hướng cho tàu đi, điều đó nói lên
vai trò cực kỳ quan trọng của lý luận
ấy trong tất cả các thời kỳ cách mạng.
Với ý nghĩa ấy, theo Người, chủ nghĩa Mac – Lênin trở thành “cốt”, trở thành
nền tảng tư tường và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong việc tiếp nhận và vận dụng chủ nghĩa Mac –
Lênin, Hồ Chí Minh lưu ý những điểm sau đây:
-
Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền phải phù hợp
với từng đối tượng.
-
Việc vận dụng phải luôn phù hợp với từng hoàn cảnh. Theo Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mac – Lênin phải
tránh giáo điều, đồng thời chống lại việc xa rời các nguyên tắc cơ bản của chủ
nghĩa Mac – Lênin. Điều này hoàn toàn đúng với lời căn dặn của Mac, Ăngghen,
Lênin: Những quan điểm của các ông chỉ là phương pháp chỉ dẫn hành động trong
thực tế.
-
Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập,
kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời Đảng ta phải tổng kết kinh nghiệm của minh để bổ sung
vào chủ nghĩa Mac – Lênin. Chủ nghĩa
Mac – Lênin là học thuyết nên lên những vấn đề cơ bản nhất, trên cơ sở đó mỗi
đảng vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện riêng của mình. Trong quá trình vận
dụng, mỗi đảng lại giải quyết thành công những vấn đề mới, tổng kết thành những
vấn đề lý luận bổ sung và làm giàu thêm nội dung lý luận Mac – Lênin. Đây là
thái độ và trách nhiệm thường xuyên của Đảng.
-
Đảng phải tăng cường đấu trang để bảo vệ sự trong sáng
của chủ nghĩa Mac – Lênin.Chú ý chống
giái điều, cơ hội, xét lại chủ nghĩa Mac – Lênin; chống lại những luận điểm sai
trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mac – Lênin.
b. Xây dựng Đảng về chính trị
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về chính
trị có nhiều nội dung bao gồm: xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị,
xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị,
củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị…trong đó, theo Hồ Chí
Minh, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển
của Đảng. Hoạch định đường lối chính trị trở thành một trong những vấn đề cực
kỳ quan trọng trong xây dựng Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền có vai trò định hướng
phát triển cho toàn xã hội. Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình
chủ yếu bằng việc đề ra cương lĩnh, đường lối chiến lược, phương hướng phát
triển kinh tế – xã hội cũng như sách lược và quy định những mục tiêu phát triển
của xã hội theo hướng lâu dài cũng như từng giai đoạn. Đảng muốn xây dựng đường
lối chính trị đúng đắn cần phải coi trọng những vấn đề: đường lối chính trị
phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ
nghĩa Mac – Lênin, vận dụng nó vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời
kỳ; trong xây dựng đường lối chính trị, phải học tập kinh nghiệm của các đảng
cộng sản anh em, nhưng phải tính đến những điều kiện cụ thể của đất nước và của
thời đại trong từng giai đoạn hoặc cả
thời kỳ dài; để có đường lối chính trị đúng, Đảng phải thật sự là đội tiên
phong dũng cảm, là bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp công nhân, của nhân dân
lao động và của cả dân tộc.
Hồ Chí Minh lưu ý cần phải giáo dục đường lối, chính
sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên
định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh. Đồng thời,
Người cũng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị sẽ gây hậu quả
nghiêm trọng đối với vận mệnh tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng
viên cũng như của hàng triệu nhân dân lao động.
c. Xây dựng Đảng về tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ
-
Hệ thống tổ chức của Đảng: Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ
tổ chức, một tổ chức tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Hệ thống tổ
chức của Đảng từ trung ương đến cơ sở phải chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Mỗi
cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.
Trong hệ thống tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng
vai trò của chi bộ. Bởi lẽ, đối với bản thân Đảng, chi bộ là tổ chức hạt nhân,
quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và
cũng là nơi giám sát đảng viên, chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết
giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
-
Các nguyên tắc sinh hoạt Đảng
+ Tập trung dân chủ
Đây là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng. Giữa
“tập trung” và “dân chủ” có mối quan hệ khắng khít với nhau, đó là hai vế của
một nguyên tắc. Hồ Chí Minh viết về quan hệ đó như sau: Tập trung trên nền tảng
dân chủ; dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Hoặc Người viết: “chế độ ta là chế
độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi
người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền
lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.
Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân
lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”.
+ Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ
trách
Hồ Chí Minh giải thích về
tập thể lãnh đạo như sau: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo?
Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, nhiều kinh
nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của
một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.
Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều
kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của
vấn đề đó.
Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn
đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo,
khỏi sai lầm”.
Về cá nhân phụ trách, Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc gì
đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định ràng rồi, thì cần phải
giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi
hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy.
Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ sinh cái tệ
người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi
hành. Như thế việc gì cũng không xong”.
Thực hiện nguyên tắc này trong công tác xây dựng Đảng
phải chú ý khắc phục tệ độc đoán, chuyên quyền, đồng thời phải chống lại cả
tình trạng dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm.
+ Tự phê bình và phê bình
Mục đích của tự phê bình và phê bình là để làm cho
phần tốt trong mỗi con người nảy nở
như hoa mùa xuân, làm cho mỗi tổ chức tốt lên, phần xấu bị mất dần đi, tức là
nói đến sự vươn tới chân, thiện, mỹ. Mục
đích này được quy định bởi tính tất yếu trong quá trình họat động của Đảng ta.
Bởi vì, Đảng là một thực thể xã hội, Đảng bao gồm các tầng lớp xã hội, đội nghũ
của Đảng bao gồm những người ưu tú, nhưng trong Đảng cũng không tránh khỏi
những khuyết điểm, không phải mọi người đều tốt, mọi việc đều hay, mỗi con
người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh cho
rằng, thang thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình.
Thái độ,
phương pháp tụ phê bình và phê bình
được Hồ Chí Minh nêu rõ ở những điểm như: phải tiến hành thường xuyên như người
ta rửa mặt hàng ngày; phải thẳng thắn, chân thành, trung thực, không nể nang,
không dấu diếm và cũng không thêm bớt khuyết điểm; “phải có tình thương yêu lẫn
nhau”.
+ Kỷ luật nghiêm minh, tự
giác
Sức mạnh của một tổ chức cộng sản và của mỗi đảng viên
bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của
kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả các tổ chức Đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải
bình đẳng trước điều lệ Đảng, trước pháp luật của nhà nước, trước mọi quyết
định của Đảng. Đồng thời, Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn
đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho nên tính tự giác là một yêu cầu bắt
buộc đói với mọi tổ chức Đảng và đảng viên. Tính nghiêm minh, tự giác đòi hỏi
đảng viên phải gương mẫu trong cuộc sống, công tác. Uy tín của Đảng bắt nguồn
từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng,
của nhà nước, của đoàn thể nhân dân.
+ Đoàn kết, thống nhất trong
Đảng
Sự đoàn kết, thống nhất của
Đảng phải dừa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mac
– Lênin; cương lĩnh, điều lệ Đảng; đường lối, quan
điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức Đảng các cấp. Đồng thời, muốn đoàn kết
thống nhất trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường
xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức
cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải “sống
với nhau có tình, có nghĩa”. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để
thống nhát ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy đông người nhưng khi tiến
đánh chỉ như là một người”.
- Cán bộ,
công tác cán bộ của Đảng
Hồ Chí Minh để ra một hệ thống các quan điểm về cán bộ
và công tác cán bộ, Người nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò của cán bộ trong
sưn nghiệp cách mạng. Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, là mắt khâu trung
gian nối liền giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Muôn việc thành công hay thất
bại là do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ phải có đủ đức và tài, phẩm chất và
năng lực, trong đó, đức, phẩm chất là gốc.
Hồ Chí Minh cho rằng, công tác cán bộ là công tác gốc
của Đảng. Nội dung của nó bao hàm các mắt khâu liên hoàn có quan hệ chặt chẽ
với nhau: tuyển chọn cán bộ, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá
đúng cán bộ; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ; thực hiện các chính sách đối
với cán bộ.
d. Xây dựng
Đảng về đạo đức
Hồ Chí Minh khẳng định: Một Đảng chân chính cách mạng
phải có đạo đức. Đạo đức tạo nên uy tín, sức mạnh của Đảng, giúp Đảng đủ tư
cách lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng, nhân dân.
Xét về thực chất, đạo đức của Đảng là đạo đức mới, đạo
đức cách mạng. Đạo đức đó mang bản chất của giai cấp công nhân, cũng là đạo đức
Mac – Lênin, đạo đức cộng sản chủ nghĩa mà nội dung cốt lõi là chủ nghĩa nhân
đạo chiến đấu. Vì thế, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi
đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đưc cách mạng, thật sự cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Có đạo đức cách mạng trong sáng, Đảng ta mới
lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng
bào sung sướng. Đó là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và cũng là tư cách số một của
Đảng cầm quyền.
Giáo dục đạo đức cách mạng là một nội dung quan trọng
trong việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nó gắn chặt với cuộc đấu
trang chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức nhằm làm cho Đảng luôn luôn
thực sự trong sạch.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, gắn đạo đức với
tư cách của một Đảng cách mạng chân chính, Hồ Chí Minh đã góp phần bổ sung, mở
rộng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mac – Lênin về nội dung công tác xây
dựng Đảng phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử của các nước Phương Đông,
trong đó có Việt Nam.
III.
KẾT LUẬN
Hồ Chí Minh là người sáng lập đồng thời là người giáo
dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 40 năm. Từ nhu cầu giải phóng
dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, vạn dụng sáng tạo và phát triển chủ
nghĩa Mac – Lênin, Hồ Chí Minh đã kết hợp chặ chẽ giữa nhận thức lý luận và
hoạt động, tổng kết thực tiễn, xác lập nên một hệ thống các quan điểm, tư tưởng
về Đảng cộng sản và xây dựng Đảng cộng sản trong điều kiện một nước thuộc địa
nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp lạc hậu với các đặc điểm văn hóa truyền
thống Phương Đông. Những quan điểm, tư tưởng đó bao gồm các vấn đề có tính quy
luật có liên quan đến sự hình thành, vị trí, vai trò, bản chất của Đảng Cộng
sản và những vấn đề có tính nguyên tắc liên quan tới công tác xây dựng Đảng
Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, nhất là trong điều kiện Đảng thành
Đảng cầm quyền. Trong hệ thống các quan điểm đó, Hồ Chí Minh có những phát kiến
đặc biệt sáng tạo, phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa tính phổ biến và tính
đặc thù của quy luật hình thành Đảng vô sản kiểu mới trong điều kiện từng nước;
quan điểm về sự thống nhất biện chứng giữa bản chất giai cấp công nhân với tính
dân tộc và tính nhân dân của Đảng; quan niệm về Đảng Cộng sản cầm quyền và các
yếu tố bảo đảm vai trò cầm quyền của Đảng. Những quan điểm này thật sự là sáng
tạo riêng cuả Hồ Chí Minh, góp phần cụ thể hóa và phát triển lý luận Macg –
Lênin về Đảng Cộng sản.
Trong giai đoạn cách mạng mới, đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dân tộc ta đang đứng trước nhiều
thời cơ, vận hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Vai trò lãnh đạo của
Đảng càng phải được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần
được nâng cao hơn bao giờ hết để ngang tầm với các yêu cầu, nhiệm vụ mà lịch sử
dân tộc giao phó. Trong bối cảnh mới, Đảng ta xác định rõ nhiệm vụ xây dựng
kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn liền với xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần
cho sự phát triển xã hội.Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đẩy mạnh công
tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt: tư tưởng – lý luận, chính trị, tổ chức
và cán bộ đạo đức, làm cho Đảng thực sự trong sạch, đạt đến tầm cao về đạo đức,
trí tuệ, bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi thủ thách của lịch sử.
-
Về chính trị, đó
là đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình
huống phức tạp, mọi bước ngoặt hiểm nghèo, mọi giaia đoạn cách mạng khác nhau.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu dọc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng biết
tập trung giành thắng lợi cho từng bước di lên của cách mạng. Đó là đường lối
cúng rắn về chiến lược. Mềm depr về sách lược, linh hoạt về biện pháp đấu
tranh, tập hợp đươc lục lượng của toàn dân, tranh thủ được sự đồng tình và ủng
hộ của quốc tế, tạo thành sức mạnh vô địch của cách mạng.
-
Về tư tưởng, đó
là tư tưởng cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công, chống chủ nghĩa
cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ. Trên nền tảng chủ nghĩa Mac – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, Đảng phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng việc kế thừa
và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thâu thái những tinh hoa
văn hóa của nhân loại để giành thắng lợi cho cách mạng.
-
Về tổ chức, đó
là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức chiến đấu kiên
cường với các nguyên tắc nền móng được tuân thủ nghiêm ngặt để khi hành động
thì muôn người như một. Đó là một tổ chức trọng chất lượng hơn số lượng, lấy
việc nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ thường
xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng.
-
Về đạo đức, lối sống,cán bộ, đảng viên của Đảng coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực, gắn bó máu thịt với nhân dân,
dám hy sinh xả thân vì sự nghiệp
cách mạng. Trong mọi mối quan hệ, cán bộ, đảng viên không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để không
ngừng hoàn thiện nhân cách, giành được niềm tin yêu trọn vẹn của nhân dân. Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu
trong công tác xây dựng Đảng cầm
quyền, nhưng bất cập, yếu kém, hạn chế cũng không phải là ít nhất là sự suy
thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Những hạn chế này đang làm giảm sút lòng
tin của nhân dân đối với Đảng, hạn chế năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng. Được chiếu rọi bởi ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta quyết tâm xây
dựng về mọi mặt một cách thiết thực; xác định đổi mới và chỉnh đốn Đảng đáp ứng
nhu cầu phát triển của giai cấp và dân tộc là quy luật tồn tại, sống còn của
Đảng. Chính trên ý nghĩa đó, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền,
giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
phải được quán triệt đến từng tổ chức cơ sở Đảng, từng cán bộ, đảng viên.
CHƯƠNG V
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ
MINH
VỀ ĐẠI ĐOÀN
KẾT DÂN TỘC VÀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
I. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
1. Vai trò
của đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách
mạng
a. Đại
đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong thời đại mới, để đánh
bại các thế lực đế quốc, thực dân nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp
và giải phóng loài người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thì chưa đủ; cách mạng
muốn thành công và thành công đến nơi, phải tập hợp được tất cả mọi lực lượng
có thể tập hợp, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Chính vì vậy,
trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn để có ý nghĩa chiến
lược, cơ bản, nhất quán và lâu dài, xuyên suốt tiến trình cách mạng.
Để quy tụ được mọi lực lượng vào khối đại đoàn kết
toàn dân, cần phải có chính sách và phương pháp phù hợp với từng đối tượng.
Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ
khác nhau, chính sách và phương pháp tập hợp có thể và cần thiết phải có sự
điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng, song đại đoàn kết dân tộc phải luôn
luôn được nhận thức là vấn đề sống còn, quyết định thành bại của cách mạng.
Chính sách mặt trận của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí
Minh đặt ra là để thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Nhờ tư tưởng nhất quán và
chính sách mặt trận đúng đắn, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành
công khối đại đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng
lợi to lớn. Hồ Chí Minh viết: “Đoàn kết trong mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã làm Cách Mạng Tháng Tám thành công, làm
nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đoàn kết trong mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở
Đông Dương, hoàn toàn giải phóng Miền Bắc.
Đoàn kết trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong công
cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc”.
Từ thực tiễn như vậy, Hồ Chí Minh đã khái quát thành
nhiều luận điểm có tính chân lý về vao trò của khối đai đoàn kết:
Đoàn kết làm
ra sức mạnh. Hồ Chí Minh rất nhiều
lần nhấn mạnh luận điểm này. Người viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta.
Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát
triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó”, “Đoàn kết là một
lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”;
“Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, là then
chốt của thành công”…
“Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ.
Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: đó là đoàn kết”.
“Đoàn kết,
đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công,
thành công, đại thành công”…
b. Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu
của Đảng, của dân tộc
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước – nhân nghĩa –
đoàn kết là sức mạnh, là mạch nguồn của mọi thắng lợi.
Do đó, đại đoàn kết dân tộc phải được xác định là mục
tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong tất cả mọi lĩnh
vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách tới hoạt động thực tiễn của Đảng.
Trong Lời kết thúc buổi ra mắt của
Đảng Lao động Việt Nam này 3 - 3 - 1951, Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng tuyên bố
trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gôm trong 8
chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự tổ
quốc”. Để thực hiện mục tiêu này, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng
viên phải thấm nhuần quan điểm quần chúng, phải gần gũi quần chúng, lắng nghe
quần chúng; vận động, tổ chức và giáo dục quần chúng, coi sức mạnh của cách
mạng là ở nơi quần chúng; phải thấm nhuần lời dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng
chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng,
đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu của mọi giai đoạn cách mạng. Nhấn mạnh vấn
đề này là nhấn mạnh tới vai trò của thực lực cách mạng. Vởi vì, cách mạng muốn
thành công nếu chỉ có đường lối đúng thì chưa đủ, mà trên cơ sở của đường lối
đúng, Đảng phải cụ thể hóa thành những mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp cách
mạng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử để lôi kéo, tập hợp quần chúng, tạo
thực lục cho cách mạng. Thực lực đó chính là khối đại đoàn kết dân tộc. Năm
1963, khi nói chuyện với cán bộ tuyên truyền và huấn luyện miền núi về cách
mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước cách mạng Tháng Tám và trong
kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được
mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để
đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ, mục đích của tuyên truyền, huấn
luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xâu dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, đại đoàn kết dân tộc
không phải chỉ là mục tiêu của Đảng, mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của cả dân
tộc. Bởi vì, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải do quần chúng, vì quần
chúng. Từ trong phong trào đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng xã hội mới
tốt đẹp, quần chúng nảy sinh nhu cầu đoàn kết và sự hợp tác. Đảng cộng sản có
sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn quần chúng, chuyển những nhu cầu, những
đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành
hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong
cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con
người.
2. Lực lượng đại đoàn kết dân tộc
a. Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân
Đứng trên lập trường giai cấp công nhân và quan điểm
quần chúng, Hồ Chí Minh đã đề cập vấn để DÂN và NHÂN DÂN một cách rõ ràng, toàn
diện, có sức thuyết phục, thu phục lòng người. Các khái niệm này có biên độ tất
rộng lớn. Hồ Chí Minh thường dùng khái niệm này để chỉ “mọi con dân nước Việt”, “mỗi một người con Rồng cháu Tiên”, không
phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, không
phân biệt “già trẻ, gái, trai, giàu
nghèo, quý tiện”. Như vậy, dân và nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa
được hiểu với tư cách là mỗi con người Việt Nam cụ thể, vừa là một tập hợp đông
đảo quần chúng nhân dân, với những mối liên hệ cả quá khứ và hiện tại, họ là
chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc và đại đoàn kết dân tộc thực chất là đại
đoàn kết toàn dân.
Nói đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa là phải tập hợp
được tất cả mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Theo nghĩa
đó, nội hàm trong khái niệm đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong
phú, nó bao gồm nhiều tầng, nấc, nhiều cấp độ mối quan hệ liên kết qua lại giữa
các thành viên, các bộ phận, các lực lượng xã hội của dân tộc từ nhỏ đến lớn,
từ thấp đến cao, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới…Hồ Chí Minh đã nhiều lần
nói:”Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài…Ta đoàn kết
để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây
dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phục vụ
nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Từ “ta” ở đây là chủ thể, vừa là Đảng Cộng
sản Việt Nam nói riêng, vừa là mọi người dân Việt Nam nói chung.
Người còn chỉ rõ, trong quá trình xây dựng khối đại
đoàn kết toàn dân phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, giải quyết
hài hòa mối quan hệ giai cấp – dân tộc để tập hợp lực lượng, không được phép bỏ
sót một lực lượng nào, miễn là lực lượng đó có lòng trung thành và sẵn sàng
phục vụ tổ quốc, không là Biệt gian, không phản bội lại quyền lợi của dân chúng
là được. Với tinh thần đoàn kết rộng rãi như vậy, Hồ Chí Minh đã định hướng cho
việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong suốt tiến trình cách mạng Việt
Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc tới cách mạng dân chủ nhân dân và từ cách
mạng dân chủ nhân dân tới cách mạng xã hội chủ nghĩa.
b. Điều kiện thực hiện đại đoàn kết dân tộc
- Để xây dựng khối đại đoàn
kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu
nước – nhân nghĩa – đoàn kếtcủa dân tộc. Truyền thống này được hình thành,
củng cố và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong hàng
nghìn năm của dân tộc, trở thành giá trị bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình
cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, được lưu truyền qua các thế hệ từ thời
các vua Hùng dựng nước tới Bà Trưng, Bà Triệu, TRần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quan
Trung…Truyêng thống đó là cội nguốn sức mạnh vô địch để cả dân tộc chiến đấu và
chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc
dân tộc được giữ vững.
-
Phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mỗi cá nhân cũng như trong mỗi cộng đồng có những ưu
điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu…cho nên, vì lợi ích của cách mạng, cần phải
có lòng khoan dung, độ lượng, trân trọng cái phần thiện dù nhỏ nhất ở mỗi con
người mới có thể tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người viết: “sông to,
biể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái
chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước đầy tràn, vì đọ lượng của nó hẹp, nhỏ.
Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng giống như cái chén, cái đĩa cạn”. Người đã lấy
hình tượng năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng cả năm ngón đều thuộc về
một bàn tay, để nói lên sự cần thiết phải thực hiện đại đoàn kết. Người cho
rằng: “Trong mấy triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này
hay thế khác đều giòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ.
Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái
quốc. Đối với những đồng bào lầm đường, lạc lối, ta phải dùng tình thân ái mà
cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết, thì tương lai chắc
chắn sẽ vẻ vang”.
Lòng khoan dung, độ lượng ở Hồ Chí Minh không phải là
một sách lược nhất thời, một thủ đoàn chính trị mà là sự tiếp nối và phát triển
truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, từ chính mục tiêu của cuộc cách
mạng mà Người suốt đời đeo đuổi. Đó là một tư tưởng nhất quán, được thể hiện
trong đường lối, chính sách của Đảng đối với những người làm việc dưới chế độ
cũ và những người nhất thời lầm lạc biết hối cải. Người tuyên bố: “Bất kỳ ai mà
thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó
trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.
Người tha thiết kêu gọi tất cả những ai có lòng yêu nước, không phân biệt tầng
lớp, tín ngưỡng, chính kiến và trước đây đã từng đứng về phe nào, hãy cùng đoàn
kết vì nước, vì dân. Để thực hiện được đoàn kết, cần xóa bỏ hết mọi thành kiến,
cần phải thật thà hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Người cho rằng,
trong mỗi con gnuwowif Việt Nam “ai cũng có ít hay nhiều tấm lòng yêu nước”
tiềm ẩn bên trong. Tấm lòng yêu nước đó có khi bị bụi bậm che mờ, chỉ cần làm
thức tỉnh lương tri con người thì lòng yêu nước đó lại bộc lộ. Với niềm tin vào
sự hướng thiện của con người và vì lợi ích tối cao của dân tộc, Hồ Chí Minh đã
chân thành lôi kéo, tập hợp được chung quanh mình nhiều người trước đây vố là
quan đại thần của Nam triều cũ, như: Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại
thần Phan Kế Toại…vào khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện để họ có đóng
góp vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
-
Để thực hành đoàn
kết rộng rãi cần có niềm tin vào nhân
dân. Với Hồ Chí Minh, yêu dân, tin dân, dựa vào dân, ssống, đấu tranh vì
hạnh phúc của nhân dân là nguyên tắc tối cao. Nguyên tắc này vừa là sự nối tiếp
truyền thống dân tộc “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền và làm lật thuyền cũng
là dân”, đồng thời là sự quán triệt sâu sắc nguyên lý Macxit “cách mạng là sự
nghiệp của quần chúng”. Theo Người, DÂN là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn
sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách
mạng, là nền, gốc và chủ thể của mặt trận. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị
đại biểu mặt trận Liên Việt toàn quốc, tháng 1 – 1955, Người chỉ rõ: “Đại đoàn
kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta
là công nhân và nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền, gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như
cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết
các tầng lớp nhân dân khác.
3. Hình thức tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc
a. Hình
thức tổ chức của khối đại đoàn kết dân tộc là mặt trận dân tộc thống nhất
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không
thể chỉ dừng lại ở quan niệm, ở những lời kêu gọi, những lời hiệu triệu mà phải
trở thành một chiến lược cách mạng, phải trở thành khẩu hiệu hành động của toàn
Dảng, toàn dân tộc. Nó phải biến thành sức mạnh vật chất, trở thành lực lượng
vật chất có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt
trận dân tộc thống nhất.
Toàn dân tộc chỉ trở thành lực lượng to lớn, có sức
mạnh vô địch trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng tổ quốc khi được tập hợp, tổ
chức lại thành một khối vững chắc, được giác ngội về mục tiêu chiến đấu chung
và hoạt động theo một đường lối chính trị đúng đắn. Nếu không được như vậy thì
quần chúng nhân dân dù có đông tới hàng triệu, hàng trăm triệu con người cũng
chỉ là một số đông không có sức mạnh. Thất bại của các phong trào yêu nước và
giải phóng dân tộc ở Viêt Nam trước khi có Đảng ta ra đời đã chứng minh rất rõ
điều này.
Về một phương diện nào đó, có thể khẳng định rằng, quá
trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh cũng là quá trình tìm kiếm mô hình và
cách thức tổ chức quần chúng nhân dân, nhằm tạo sức mạnh cho quần chúng trong
cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội. Chính vì vậy, ngay
sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã rất chú ý đưa quần chúng
nhân dân vào những tổ chức yêu nước phù hợp với từng giai cấp, từng ngành nghề,
từng giới, từng lứa tuổi, từng tôn giáo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.
Đó có thể là các hội ái hữu hay tương trợ, công hội hay nông hội, đoàn thanh
niên hay hội phụ nữ, đôi thiếu niên hay nhi đồng hay hội phụ lão, hội phật giáo
cứu quốc, công giáo yêu nước hay những nghiệp đoàn….Trong đó, bao trùm nhất là
mặt trận dân tộc thống nhất.
Mặt trận dân tộc thống nhất là nơi quy tụ mọi tổ chức
và cá nhân yêu nước, nơi tập hợp mọi con dân nước Việt, không chỉ ở trong nước
mà còn bao gồm cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dù ở bất kỳ phương
trời nào nếu tấm lòng vẫn hướng về quê hương, đất nước, về tổ quốc Việt Nam,
đều được coi là thành viên của mặt trận’
Tùy theo từng thời kỳ, căn cứ vào yêu cầu và nhiệm vụ
cách mạng, cương lĩnh và điều lệ mặt trận có thể có những nét khác nhau, tên
gọi của mặt trận dân tộc thống nhất theo đó, cũng có thể khác nhau. Song thực
chất chỉ là một, đó là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của nhân dân Việt
Nam, nơi quy tụ, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp, đan tộc, tôn giáo,
đảng phái, các tổ chức và cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước, phấn đấu vì
mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất của tổ quốc, tự do và hạnh phúc
của nhân dân.
b. Một số nguyên tắc cơ bản về xây dựng và hoạt động của mặt trận dân tộc thống nhất
- Mặt trận
dân tộc thống nhất phải được xây dựng trên nền tảng khối liên minh công –nông –
trí thức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
Mặt trận dân tộc thống nhất là thưc thể của tư tưởng
đại đoàn kết dân tộc, nơi quy tụ mọi con dân nước Việt. Song, đó không phải là
một tập hợp lỏng lẻo, ngẫu nhiên, tự phát của quần chúng, mà là một khối đoàn
kết chặt chẽ, có tổ chức trên nền tảng khối liên minh công – nông – trí do Đảng
Cộng sản lãnh đạo. Đây là nguyên tắc cốt
lõi trong chiến lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, nó hoàn toàn khác với tư
tưởng đoàn kết, tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam trong lịch sử. Trên thực tế và theo
Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ là tình cảm của “người trong một nước phải
thương nhau cùng” nữa, mà đã được xây dựng trên một cơ sở lý luận vững chắc.
Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng chủ yếu trong khối đại đoàn
kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận
dân tộc thống nhất”. Người chỉ rõ rằng, sở dĩ phải lấy liên minh công nông làm
nền tảng “vì họ là người trực tiếp sản xuất tất cả mọi tài phú làm cho xã hội
sống. Vì họ đông hơn hết mà cũng bị áp bức bóc lột nặng nề nhất. Vì chí khí
cách mạng của họ chắc chắn, bền bỉ hơn của mọi tầng lớp khác”. Người căn dặn,
trong khi nhấn mạnh vai trò nòng cốt của liên minh công – nông, cần chống lại
khuynh hướng chỉ coi trọng củng cố khối liên minh công – nông mà không thấy vai
trò và sự cần thiết phải mở rộng đoàn kết với các tầng lớp khác, nhất là với
tầng lớp trí thức. Làm cách mạng phải có tri thức và tầng lớp trí thức rất quan
trọng đói với cách mạng. Người nói: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ
vang; và công – nông – trí cần đoàn kết
chặt chẽ thành một khối”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt trận dân tộc thống
nhất và liên minh công – nông luôn được người xem xét trong mối quan hệ biện
chứng giữa dân tộc và giai cấp. Mặt trận dân tộc thống nhất càng rộng rãi, sức
mạnh của khối liên minh công – nông – trí thức càng được tăng cường; ngược lại,
liên minh công nông trí càng được tăng cường, mặt trận dân tộc thống nhất càng
vững chắc, càng có sức mạnh mà không một kẻ nào có thể phá nổi.
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là công việc của toàn
dân tộc, song nó chỉ có thể được củng cố và phát triển vững chắc khi được Đảng
lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng đói với mặt trận vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa là một tất yếu bảo đảm cho mặt trận tồn tại,
phát triển và có hiệu lực trong thực tiễn. Bởi vì, chỉ có chính đảng của giai
cấp công nhân được vũ trang bởi chủ nghĩa Mac – Lênin mới đánh giá đúng được
vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, mới vạch ra được đường lối chiến
lược và sách lược đúng đắn để lôi kéo, tập hợp quần chúng vào khối đại đoàn kết
trong mặt trận, biến tiến trình cách mạng trở thành ngày hội của quần chúng.
Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn xác định, mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận là
mối quan hệ máu thịt. Không có mặt trận, Đảng không có lực lượng, không thể
thực hiện được những nhiệm vụ cách mạng; không có sự lãnh đạo của Đảng, mặt
trận không thể hình thành, phát triển và không có phương hướng hoạt động đúng
đắn. Do vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một thành viên của mặt trận dân tộc
thống nhất, vừa là lực lượng lãnh đạo mặt trận.
Hồ Chí Minh còn cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với
mặt trận vừa là một tât yếu, vừa phải có điều kiện. Tính tất yếu thể hiện ở
năng lực nắm bắt thực tiễn, phát hiện ra các quy luật khách quan của sự vận
động lịch sử để vạch ra đường lối và phương pháp cách mạng phù hợp, lãnh đạo
mặt trận thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng mà không một lực lượng nào,
một tổ chức chính trị nào trong mặt trận có thể làm được. Mục tiêu của Đảng là
đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, kết hợp độc lập dân tộc
với chủ nghĩa xã hội. Ngoài lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân ttoocj,
Đảng không có lợi ích nào khác. Mặc dù vậy, quyền lãnh đạo mặt trận của Đảng
không phải Đảng tự phong cho mình, mà phải được nhân dân thừa nhận.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi chưa giành được chính quyền,
“Đảng không thể đòi hỏi mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ
ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong
đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng thừa nhận rộng rãi chính sách
đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
Để lãnh đạo mặt trận, Đảng phải có chính sách mặt trận
đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời ký cách mạng, phù hợp với quyền
lợi và nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Người viết: “chính sách mặt trận là
một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng
trong toàn bộ công tác cách mạng”. Trong quá trình lãnh đạo mặt trận, Đảng phải
đi đúng đường lối quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép các
thành viên trong mặt trận; phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối
xử, cảm hóa, khơi gợi tinh thần tự giác, tự nguyện, tuyệt đối không được
lấy quyền uy của mình để buộc các thành viên khác trong mặt trận phải tuân
theo. Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận, Hồ Chí Minh căn
dặn: “Phải thành thật lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng
viên không được tự cao, tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại
phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người…phải tích cực và chủ động…làm
việc phải kiên nhẫn, phải thiết tha với công tác mặt trận.
Cán bộ và đảng viên có quyết tâm làm như thế thì công
tác mặt trận nhất định sẽ có tiến bộ nhiều”.
- Mặt trận
dân tộc thống nhất phải hoạt động trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân
tộc, quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân
Thành lập mặt trận dân tộc thống nhất là để thực hiện
đại đoàn kết nhân dân, song khối đại đoàn kết đó chỉ có thể thực hiện bền chặt
và lâu dài khi có sự thống nhất cao độ về mục tiêu và lợi ích. Ngay từ năm
1925, khi nói về chiến lược đại đoàn kết, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, chỉ có
thể thực hiện đoàn kết khi có chung một mục đích, một số phận. Nếu không suy
nghĩ như nhau, nếu không có chung một mục đích, chung một số phận thì dù có kêu
gọi đoàn kết thế nào đi nữa, đoàn kết vẫn không thể có được.
Mục đích chung của mặt trận dân tộc thống nhất được Hồ
Chí Minh xác định cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhằm tập hợp
tới mức cao nhất lực lượng dân tộc vào khối đại đoàn kết. Như vậy, độc lập, tự do là nguyên tắc bất di, bất
dịch, là ngọn cờ đoàn kết và là mẫu số chung để quy tụ các tầng lớp, giai cấp,
đảng phái, dân tộc, tôn giáo vào trong mặt trận. Vấn đề còn lại là ở chỗ, phải
làm thế nào để tất cả mọi người thuộc bất cứ giai tầng nào, lực lượng nào trong
mặt trận cũng phải đặt lợi ích tối cao đó lên trên hết. Bởi lẽ, lợi ích tối cao
của dân tộc được bảo đảm thì lợi ích cơ bản của mỗi bộ phận, mỗi người mới được
thực hiện.
Trên cơ sở xác định lợi ích tối cao của dân tộc, những
quyền lợi cơ bản của các tầng lớp
nhân dân cũng được Hồ Chí Minh kết tinh vào tiêu chí của nước Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa là độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Các
tiêu chí này được Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong từng lĩnh vực
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…phù hợp với mọi tầng lớp, từng đối tượng
trong mỗi thời kỳ lịch sử.
- Mặt trận
dân tộc thống nhất phải hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, bảo đảm
đoàn kết ngày càng rộng rãi và bền vững
Mặt trận dân tộc thống nhất là tổ chức chính trị – xã
hội rộng lớn của cả dân tộc, bao gồm nhiều tầng lớp, đảng phái, dân tộc, tôn
giáo khác nhau. Do vậy, hoạt động của mặt trận đều phải được đưa ra để tất cả
các thành viên cùng nhau bàn bạc công khai, để đi đến nhất trí, loại trừ mọi sự
áp đặt hoặc dân chủ hình thức. Đảng là lực lượng lãnh đạo mặt trận, nhưng cũng
là một thành viên của mặt trận. Do vậy, tất cả chủ trương, chính sách của mình,
Đảng phải có trách nhiệm trình bày trước mặt trận, cùng với các thành viên khác
của mặt trận bàn bạc, hiệp thương dân chủ để tìm kiếm các giải pháp tích cực và
thống nhất hành động, hướng phong trào quần chúng thực hiện thắng lợi các mục
tiêu đã vạch ra.
Để thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ phải đứng
vững trên lập trường giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa
lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích
lâu dài và lợi ích trước mắt…Phải làm cho tất cả các thành viên trong mặt trận
thấm nhuần lợi ích chung, lợi ích tối cao của dân tộc, phải đặt lợi ích chung
lên trên hết, trước hết. Những lợi ích riêng chính đáng phù hợp với lợi ích
chung của đất nước và dân tộc phải được tôn trọng. Ngược lại, những lợi ích bộ
phận không phù hợp sẽ dần dần được giải quyết cùng với tiến trình chung của
cách mạng, thông qua lợi ích chung, với sự nhận thức ngày càng đúng đắn hơn của
mỗi người, mỗi bộ phận về mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.
Trong quá trình hoạt động, mặt trận cần quan tâm xem xét, giải quyết thỏa đáng,
thấu tình đạt lý mối quan hệ lợi ích giữa các thành viên bằng việc thực hiện
nghiêm túc nguyên tắc hiệp thương dân chủ.
Giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích trong mặt trận
dân tộc thống nhất sẽ góp phần củng cố sự bền chặt, tạo sự đồng thuận, nhất trí
cao và thực hiện được mục tiêu: “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Đồng thời, đó cũng là cơ sở để mở rộng khối đại đoàn kết, lôi kéo thêm các lực
lượng khác vào mặt trận dân tộc thống nhất.
- Mạt trận
dân tộc thống nhất là khối đoàn kết chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết thật sự, chân
thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ
Là một tập hợp nhiều giai tầng, dân tộc, tôn giáo,
đảng phái, bên cạnh những điểm tương đồng, giữa các thành viên của Mặt trận vẫn
có những điểm khác nhau cần phải bàn bạc, hiệp thương dân chủ để thu hẹp những
nhân tố khác biệt, cục bội, nhân lên những nhân tố tích cực, nhân tố chung, đi
đến thống nhất, đoàn kết. Để giải quyết vấn đề này, một mặt, Hồ Chí Minh nhấn
mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị” – lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái
khác biệt; mặt khác, Người nêu rõ: “đoàn kết phải gắn với đấu trang, đấu tranh
để tăng cường đoàn kết”. Người thường xuyên căn dặn mọi người cần phải khắc
phục tình trạng đoàn kết xuôi chiều, đòng thời phải có tấm lòng nhân ái, khoan
dung, độ lượng, khắc phục thiên kiến, hẹp hòi, thiển cận, phải nêu cao tinh
thần phê bình và tự phê bình để biểu dương mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt,
nhằm củng cố và mở rộng khối đoàn kết trong mặt trận dân tộc thống nhất. Người
viết: “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải
nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết vừa đấu tranh, học những cái
tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân
ái, vì nước, vì dân. Tóm lại, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì toàn dân cần
đoàn kết lâu dài, đoàn kết thực sự và cùng nhau tiến bộ”.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình xây
dựng, củng cố và phát triển mặt trận dân tộc thống nhất, một mặt, Đảng ta luôn
đấu tranh chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả mọi
lực lượng có thể tranh thủ được vào mặt trận; mặt khác, luôn đề phòng và đấu
tranh chống mọi biểu hiện của khuynh hướng đoàn kết một chiều, vô nguyên tắc,
đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong nội bộ mặt trận.
II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
1. Vai trò của đoàn kết quốc tế
a. Thực
hiện đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo
sức mạnh tổng hợp cho cách mạng Việt Nam
Thực hiện đoàn kết quốc tế để tập hợp lực lượng bên
ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh của các trào lưu cách mạng thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho cách mạng chiến thắng kẻ thù là một trong
những nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là một trong những bài
học kinh nghiệm quan trọng nhất, mang tính thời sự sâu sắc nhất của cách mạng
Việt Nam.
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các
yếu tố vật chất và tinh thần, song trước hết là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự cường dân tộc; sức
mạnh của tinh thần đoàn kết; của ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất cho độc
lập, tự do…Súc mạnh đó đã giúp cho dân tộc ta vượt qua mọi thủ thách, khó
khăn trong dựng nước và giữ nước.
Là một nhà yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh luôn có
niềm tin bất diệt vào sức mạnh dân tộc. Ngay trong những năm tháng đen tối nhất
của cách mạng, Người vẫn bộc lộ một niềm lạc quan tin tưởng rất mạnh mẽ và sâu
sắc vào sức mạnh của dân tộc.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhờ chú ý tổng
kết thực tiễn dưới ánh sáng chủ nghĩa Mac – Lênin, Hồ Chí Minh đã từng bước
phát hiện ra sức mạnh vĩ đại tiềm ẩn trong các trào lưu cách mạng thế giới mà
Việt Nam cần tranh thủ. Các trào lưu đó nếu được liên kết, tập hợp trong khối
đoàn kết quốc tế sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Sức mạnh đó luôn được bổ sung
những nhân tố mới, phản ánh sự vận động, phát triển không ngừng của lịch sử
toàn thế giới và tiến trình chính trị quốc tế sau thắng lợi của Cách Mạng Tháng
Mười Nga năm 1917.
Khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm
xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cách mạng
Việt nam chỉ có thể thành công và thành công đến nơi khi thực hiện đoàn kết
chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới. Cùng với quá trình phát triển thắng
lợi của cách mạng Việt Nam trong quan hệ với tình hình quốc tế, tư tưởng đoàn kết
với phong trào cách mạng thế giới đã được Hồ Chí Minh phát triển ngày cáng đầy
đủ, rõ ràng và cụ thể hơn.
Đánh giá vai trò của đoàn kết quốc tế với cách mạng
Việt Nam, trong buổi nói chuyện với đại sứ nước ta tại Liên Xô năm 1961, Hồ Chí
Minh nói: “Có sức mạnh cả nước một lòng…lại có sự ủng hộ của nhân dân thế giới,
chúng ta sẽ có một sức mạnh tổng hợp cộng với phương pháp cách mạng thích hợp,
nhất định cách mạng nước ta sẽ đi đến đích cuối cùng”.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, thực hiện đại đoàn kết dân
tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế; đại đoàn kết dân tộc phải là cơ sở cho
việc thực hiện đoàn kết quốc tế. Đoàn kết dân tộc là để kết hợp sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng chiến thắng kẻ
thù. Nếu đại đoàn kết dân tộc là một trông những nhân tố quyết định của cách
mạng Việt Nam thì đoàn kết quốc tế cũng là một nhân tố thường xuyên và hết sức
quan trọng giúp cho cách mạng việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn trong sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
b. Thực
hiện đoàn kết quốc tế nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng
lợi các mục tiêu cách mạng của thời đại
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, chủ nghĩa yêu nước chân chính
phải được gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đại đoàn kết dân tộc phải gắn
liền với đoàn kế quốc tế; thực hiện đoàn kết quốc tế không phải chỉ vì thắng
lợi của cách mạng mỗi nước, mà còn vì sự nghiệp chung của nhân loại tiến bộ
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lục phản động quốc tế
vì các mục tiêu cách mạng của thời đại.
Thời đại mà Hồ Chí Minh sống và hoạt động chính trị là
thời đại đã chấm dứt thời kỳ tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra các quan
hệ quốc tế ngày càng sâu rộng, làm cho vận mệnh của mỗi dân tộc không thể tách
rời vận mệnh chung của cả loài người.
Ngay khi nắm được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí
Minh đã hoạt động không mệt mỏi để phá thế đơn độc của cách mạng Việt Nam, gắn
cách mạng Việt Nam với cách Mạng thế giới. Trong suốt quá trình đó, Người không
chỉ phát huy triệt để sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc
trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, mà còn kiên trì đấu
tranh không mệt mỏi để củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các lực lượng cách
mạng thế giới đấu tranh cho mục tiêu chung: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ
và chủ nghĩa xã hội.
Người cho rằng, Đảng phải lấy toàn bộ thực tiễn của
mình để chứng minh: chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời chủ
nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Trong Báo
cáo chính trị tại Đại hội II, người chỉ rõ: “tinh thần yêu nước chân chính
khác hẳn với tinh thần “vị quốc” củ bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận
của tinh thần quốc tế”. Sau này, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người nói rõ hơn: “tinh thần yêu nước là
kiên quyết giữ gìn nền độc lập, tự do, và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh
thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn
hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế
quốc…giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta….đó là lập
trường quốc tế cách mạng”.
Theo Hồ Chí Minh, muốn tăng cường đoàn kết quốc tế
trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung, các đảng Cộng sản phải kiên trì chống
lại mọi khuynh hướng sai lầm của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa vị kỷ dân
tộc…những khuynh hướng làm suy yếu sức mạnh đoàn kết, thống nhất của các lực
lượng cách mạng thế giới. Nói cách khác, các đảng cộng sản phải tiến hành có
hiệu quả việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô
sản cho giai cấp công nhân là nhân dân lao động.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mấy thập niên
qua là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh;: độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội. Nhờ kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, chủ nghĩa
yêu nước truyền thống Việt Nam đã được bổ sung thêm nguồn lực mới, trỏ thành
chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhờ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, Việt Nam
đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, huy động được sức mạnh của các
trào lưu cách mạng thời đại, làm cho sức mạnh dân tộc được nhân lên gấp bội,
chiến thắng được những kẻ thù có sức mạnh to lớn hơn mình về nhiều mặt.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đoàn
kết quốc tế, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản
là nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách
mạng của dân tộc và thời đại. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ chiến đấu vì độc lập,
tự do của đất nước mình mà còn vì độc lập, tự do của các nước khác, không chỉ
bảo vệ những lợi ích sống còn của dân tộc mình mà còn vì những mục tiêu cao cả
của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Để làm
được như vậy, phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa
dân tộc vị kỷ, chống lại chủ nghĩa Xôvanh và mọi thứ chủ nghĩa cơ hội khác.
2. Lực lượng đoàn kết và hình thức tổ chức
a. Các lực lượng cần đoàn kết
Lực lượng đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh
rất phong phú, song tập trung chủ yếu vào phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ thế
giới, trước hết là phong trào chống chiến tranh của các nước đang xâm lược Việt
Nam.
-
Với phong trào cộng sản và công nhân thế giới – lực lượng nòng cốt của đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh
cho rằng, Sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản quốc tế là một bảo đảm vững chắc cho
thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Do đánh giá rất cao vai trò của khối đại đoàn
kết của giai cấp vô sản thế giới, tháng 12 – 1920, tại Đại hội Tua của Đảng xã
hội Pháp, Hồ Chí Minh đã lên tiếng: “nhân danh toàn thể loài người, nhân danh
tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các
đồng chí, hãy cứu chúng tôi”. Tiếp nhận học thuyết Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm
thấy phương hướng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tìm thấy “cái cẩm nang
thần kỳ” cho sự nghiệp cứu nước của các dân tộc bị nô dịch. Đồng thời, Người
cũng tìm thấy một lực lượng ủng hộ mạnh mẽ công cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc ở các nước thuộc địa. Đó là phong trào cộng sản và công nhân thế giới, là
Liên Xô và sau này là các nước xã hội chủ nghĩa, là Quốc tế thưc ba và sau này
là Cục thông tin quốc tế. Từ đó , Người đã dành nhiều thời gian và tâm lực,
phấn đấu không mệt mỏi cho việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết, thống nhất
trong phong trào cộng sản và công nhân quốc
tế.
Chủ trương đoàn kết giai cấp vô sản các nước, đoàn kết
giữa các Đảng cộng sản trong tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ tính tất yếu về
vai trò của giai cấp vô sản trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa tư bản là một lực
lượng phản động quốc tế, là kẻ thù chung của nhân dân lao động toàn thế giới.
Trong hoàn cảnh đó, chỉ có sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí, sự đồng tình và
ủng hộ lẫn nhau của lao động toàn thế giới theo tinh thần “bốn phương vô sản
đều là anh em” mới có thể chống lại được những âm mưu thâm độc của chủ nghĩa đế
quốc thực dân. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt
nam không thể tách rời sự đồng tình, ủng hộ, sự chi viện lớn lao của Liên Xô và
các nước xã hội chủ nghĩa khác, của các đảng cộng sản và công nhân thế giới. Nó
khẳng định trên thực tế những giá trị nhân văn cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô
sản mà sinh thời Hồ Chí Minh đã kiên trì bảo vệ và thực hiện. Cho dù lịch sử có
đổi thay, song sự đồng tình, ủng hộ, sự chi viện về vật chất của các nước xã
hội chủ nghĩa, của các lực lượng cộng sản va công nhân cho Việt nam theo tinh
thần quốc tế vô sản là không thể phủ nhận.
-
Với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra âm mưu chia rẽ
dân tộc của các nước đế quốc, tạo sự biệt lập, đối kháng và thù ghét dân tộc,
chủng tộc….nhằm làm suy yếu phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước
thuộc địa. Chính vì vậy, Nhưoif đã kiến nghị Ban Phương Đông quốc tế Cộng sản
về những biện pháp nhằm “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước tới nay vẫn
cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên
minh Phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh
của cách mạng vô sản”. Thêm vào đó, để tăng cường đoàn kết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản chính quốc như hai cái cánh của cách mạng thời đại,
Hồ Chí Minh còn đề nghị Quốc tế Cộng sản bằng mọi cách
phải “làm cho đội tiên phong của lao động thuộc địa tiếp xú mật thiết với giai
cấp vô sản Phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này; chỉ có
sự hợp tác này mới bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành thắng lợi cuối
cùng”. Người nói, đứng trước chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của giai cấp vô sản
chính quốc và của nhân dân các nước thuộc địa là thống nhất.
-
Với các lực lượng tiến bộ, những người yêu chuộng hòa
bình, dan chủ, tự do và công lý, Hồ
Chí Minh cũng tìm mọi cách để thực hiện đoàn kết. Trong xu thế mới của thời
đại, sự thức tỉnh dân tộc gắn liền với thức tỉnh giai cấp, Hồ Chí Minh đã gắn
cuộc đấu tranh vì độc lập ở Việt Nam với mục tiêu bảo vệ hòa bình, tự do, công
lý và bình đẳng để tập hợp và tranh thủ sự unhr hộ của các lực lượng tiến bộ
trên thế giới.
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, thay mặt chính
phủ, Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố: “chính sách ngoại giao của chính phủ
thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới
để giữ gìn hòa bình; “Thái độ của nước Việt Nam đối với những nước Á Châu là
một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”. Bên cạnh ngoại
giao nhà nước, Hồ Chí Minh đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, cho đại diện các tổ
chức của nhân dân Việt Nam tiếp xúc, hợp tác với các tổ chức chính trị, xã hội,
văn hóa của nhân dân thế giới, của nhân dân Á – Phi…, xây dựng các quan hệ hữu
nghị, đoàn kết với các lực lượng tiến bộ thế giới.
Gắn cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc với mục tiêu
hòa bình, tự do và công lý, Hồ Chí Minh đã khơi gợi lương tri của loài người
tiến bộ, tạo nên những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức quần chúng, các
nhân sĩ trí thức và từng con người trên hành tinh. Thật hiếm có những cuộc đấu
tranh giành được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi và lớn lao như vậy. Đã nhiều
lần, Hồ Chí Minh khẳng định: Chính vì biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta
với phong trào các mạng của giai cấp công nhân và của các dân tộc bị áp bức mà
Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khăn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta
đến những thắng lợi vẻ vang như ngày nay.
b. Hình thức tổ chức
Đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh, không
phải là vấn đề sách lược, một thủ đoạn chính trị nhất thời mà là vấn đề có tính
nguyên tắc, một đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam trong thời đâij mới.
Ngay từ năm 1924, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về thành lập “Mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc
và thuộc địa” chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời kiến nghị Quốc tế Cộng sản
cần có giải pháp cụ thể để đến Đại hội VI (1928), quan điểm này trở thành hiện thực.
Dựa trên cơ sở quan hệ về địa lý – chính trị và tính
chất chính trị – xã hội trong khu vực và trên thế giới cũng như tình hình và
nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ, Hồ
Chí Minh đã từng bước xây dựng và củng cố khối đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự
đồng tình, ủng hộ của các trào lưu cách mạng thời đại, góp phần thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.
Đối với các dân tộc trên bán đảo Đông Dương, Hồ Chí
Minh giành sự quan tâm đặc biệt. Cả ba dân tộc đều là láng giềng gần gũi của
nhau, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và cùng chung một kẻ thù là
thực đan Pháp. Nâm 1941, để khơi dậy sức mạnh và quyền tự quyết của mỗi dân
tộc, Người quyết định thành lập riêng biệt Mặt
trận độc lập đồng minh cho từng nước, tiến tới thành lập Đông Dương độc lập đồng minh. Trong hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc
hình thành Mặt trận đoàn kết Việt – Miên
– Lào phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau
trong cùng chiến đấu, cùng thắng lợi.
Mở rộng ra các nước khác, Người chăm lo củng cố mối
quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhiều mặt theo tinh thần “vừa là đồng chí,
vừa là anh em” với Trung Quốc, nước láng giềng có quan hệ lịch sử - văn hoá lâu
đời với Việt Nam; thực hiện đoàn kết với các dân tộc Châu Á và Châ Phi đang đấu
tranh giành độc lập. Với các dân tộc Châu Á, Người chỉ rõ, các dân tộc Châu Á
có độc lập thì nền hoà bình thế giới mới thực hiện. Vận mệnh dân tộc Châu Á
quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Do vậy, từ những năm 20 của thế
kỷ XX, cùng với việc sáng lập Hội liên
hiệp thuộc địa tại Pháp, Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức tại
Trung Quốc. Đây là hình thức sơ khai của mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp
bức theo xu hướng vô sản, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử phong trào đấu
tranh giải phóng dân tộc. Với việc tham gia sáng lập các tổ chức này, Hồ Chí
Minh đã góp phần dặt cơ sở cho sự ra đời của Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam.
Những năm đấu tranh giành độc lập, Hồ Chí Minh tìm mọi
cách xây dựng các quan hệ với Mặt trận dân chủ và lực lượng Đồng Minh chống
Phát xít nhằm tạo thế dựa cho cách mạng Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, bằng hoạt động ngoại giao không mệt mỏi, Hồ Chí Minh đã
nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình,
unhr hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bạn bè quốc tế và nhân loại
tiến bộ, trong đó có cả nhân dân Pháp trong kháng chiến chống thực dân Pháp và
nhân dân Mỹ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hình thành Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đé quốc xâm lược.
Như vậy: tư tưởng đại đoàn kết vì thắng lợi cách mạng
của Hồ Chí Minh đã định hướng cho việc hình thành bốn tầng mặt trận: Mặt trận đại đoàn kết dân tộc; Mặt trận đoàn kết
Việt – Miên – Lào; Mặt trận nhân dân Á – Phi đoàn kết với Việt Nam; Mặt trận
nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược. Đây thực sự
là sự phát triển rực rỡ nhất và thắng lợi to lớn nhất của tư tưởng đại đoàn kết
của Hồ Chí Minh.
3. Nguyên tắc đoàn kết quốc tế
a. Đoàn kết trên cơ sở thống nhất mục tiêu và lợi ích,
có lý, có tình
Cũng như xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, muốn thực
hiện được đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các
lực lượng phản động quốc tế phải tìm ra được những điểm tương đồng về mục tiêu
và lợi ích giữa các dân tộc, các lực lượng tiến bộ và phong trào cách mạng thế
giới. Đây là vấn đề cốt tử, có tính nguyên tắc trong công tác tập hợp lực
lượng. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra sự tương đồng này nhờ đặt cách
mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của thời đại, kết hợp lợi ích của Cách mạng
Việt Nam với trào lưu cách mạng thế giới và nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam
đối với sự nghiệp chung của loài người tiến bộ.
- Để đoàn kết
với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện đoàn kết thống
nhất trên nền tảng của chủ nghĩa Mac – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có
lý, có tình.
Là một chiến sĩ cách mạng quốc tế kiên định, Hồ Chí
Minh đã suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp củng cố khối đoàn kết, thống nhất giữa
các lực lượng cách mạng thế giới, trước hết là phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế, lực lượng tiên phong của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh chống
chủ nghĩa đế quốc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghiã xã hội.
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, để thực hiện đoàn kết, thống
nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thì đoàn kết giữa các Đảng
“là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm cho phong trào cộng sản và công nhân
toàn thắng trong cuộc đấu tranh vĩ đại cho tương lai tươi sáng của toàn thể
loài người”. Người cho rằng, thực hiện sự đoàn kết đó phải đứng vững trên lập
trường giai cấp công nhân, quán triệt sâu sắc những nguyên tắc của chủ nghĩa
quốc tế vô sản.
“Có lý” là phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của
chủ nghĩa Mac – Lênin, phải xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới.
Tuy nhiên, việc trung thành với chủ nghĩa Mac – Lênin đòi hỏi phải vận dụng
sáng tạo, có hiệu quả vào hoạt động thực tế của mỗi nước, mỗi Đảng, tránh giáo
điều. “Có tình” là sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần, tình cảm
của những người cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu đấu tranh; phải khắc
phục tư tưởng sôvanh, “nước lớn”, “đảng lớn”; không “áp đặt”, “ức chế”, nói
xấu, công khai công kích nhau, hoặc dùng các giải pháp về chính trị, kinh
tế….gây sức ép với nhau. “Có tình” đòi hỏi trong mọi vấn đề phải chờ đợi nhau
cùng nhận thức, cùng hành động vì lợi ích chung. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân
tộc, mỗi đảng phải được tôn trọng, song lợi ích đó không được phương hại đến
lợi ích chung, lợi ích của Đảng khác, của dân tộc khác.
“Có lý, có
tình” vừa thể hiện tính nguyên tắc, vừa là một nội dung của chủ nghĩa nhân văn
Hồ Chí Minh – chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Nó có tác dụng rất lớn không chỉ
trong việc củng cố khối đại đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân mà còn củng
cố tình đoàn kết trong nhan dân lao động.
- Để đoàn kết
với các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí
Minh giương cao ngọn cờ độc lập, tự do và
quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Độc lập, tự do cho mỗi dân tộc là tư tưởng nhất quán,
được Hồ Chí Minh coi là chân lý, là “lẽ phải không ai chối cãi được”. Hồ Chí
Minh không chỉ suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn đấu tranh cho độc lập, tự do của các
dân tộc khácTrong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng cũng như các
quốc gia, dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh thực hiện nhất quán quan điểm có
tính nguyên tắc: Dân tộc Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹ lãnh
thổ và quyền tự quyết của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, đồng thời
mong muốn các quốc gia dân tộc trên thế giới quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt
Nam trên cơ sở những nguyên tắc đó.
Những quan điểm trên được Người thể chế hoá sau khi
Việt Nam giành được độc lập. Tháng 9 – 1947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Hồ
Chí Minh tuyên bố: Chính sách đối ngoại của nước Việt Nam là”làm bạn với tất cả
mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Thời đại Hồ Chí Minh sống là thời đại bão táp của
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên hầu hết các châu lục. Trong tiến
trình đó Người không chỉ là nhà tổ chức, người cổ vũ mà còn là người ủng hộ nhiệt thành cuộc đấu tranh của các dân tộc vì các quyền dân tộc cơ bản của họ. Nêu cao tư tưởng độc lập, tự
do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc, Hồ Chí Minh trở thành người khởi xướng,
người cầm cờ và là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc
khẳng định bản sắc dân tộc của mình, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau,
thực hiện đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới với Việt Nam vì
thứng lợi của cách mạng mỗi nước.
- Để đoàn kết
với các lực lượng tiến bộ trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao ngọn cờ hoà
bình trong công lý.
Giương cao ngọn cờ hoà bình, chống chiến tranh xâm
lược là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư
tưởng đó bắt nguồn từ truyền thống hoà hiếu của dân tộc Việt Nam kết hợp với
chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và những giá trị nhân văn nhân loại. Trong suốt
cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, đấu tranh cho hoà
bình, một nền hoà bình thật sự cho tất cả các dân tộc – “hoà bình trong độc
lập, tự do”.
Giương cao ngọn cờ hoà bình và đấu tranh bảo vệ hoà
bình là tư tưởng bất di bất dịch của Hồ Chí Minh. Nhưng đó không phải là một
nền hoà bình trừu tượng, mà là “một nền hoà bình chân chính xây trên công trình
và lý tưởng dân chủ”, chống chiến tranh xâm lược ví các quyên dân tộc cơ bản
của mỗi quốc gia. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, quan điểm hoà bình trong
công lý, lòng thiết tha hoà bình trong sự tôn trọng đọc lập và thống nhất đất
nước của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim nhân loại.
Nó có tác dụng cảm hoá, lôi kéo các lực lượng tiến bộ thế giới đứng về phía nhân
dân Việt Nam đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình. Trên thực tế, đã hình
thành một mặt trận nhân dân thế giới, có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ đoàn
kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược, góp phần kết thúc thắng lợi hai cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đánh giá vai trò và những cống hiến của Hồ Chí Minh
trong công tác tập hợp lục lượng cách mạng xây dựng khối đại đoàn kết, Rômét
Chandra, nguyên chủ tịch hộ đồng hoà bình thế giới cho rằng: “Bất cứ nơi nào
chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay
cao. Bất cứ ở đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói
nghèo, ở đó có ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”
b. Đoàn kết trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực tự cường
Đoàn kết quốc tế là để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ,
giúp đỡ của các lực lượng quốc tế, nhằm tăng thêm nội lực, tao sức mạnh thực
hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Để đoàn kết tốt phải có nội lực
tốt. Nội lực là nhân tố quyết định còn nguồn lực ngoại sing chỉ có thể phát huy
tác dụng thông qua nguồn lực nội sinh. Chính vì vậy, trong đấu tranh cách mạng,
Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu: “Tự
lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “ muốn người ta giúp cho, thì
trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Trong đấu tranh giành chính quyền, Người
chủ trương “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Trong kháng chiến chống thực dân
Pháp, Người chỉ rõ: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi cờ dân tộc
khác giúp đỡ thì không xừng đáng được độc lập”. Trong quan hệ quốc tế, Người
nhấn mạnh: phải có thực lực, thực lực là cái chiêng, ngoại gia là cái tiếng,
chiêng có to tiếng mới lớn…
Hồ Chí Minh chỉ rõ, muốn tranh thủ được sự ủng hộ quốc
tế, Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ và đúng đắn. Trả lời một phóng viên
nước ngoài, Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc
của chúng tôi, không có sự can thiệp ở bên ngoài vào”. Trong quan hệ giữ các
Đảng thuộc phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, Người xác định: “Các đảng dù
lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng, đồng thời đoàn kết giúp đỡ nhau”. Thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp của
Việt Nam là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng và chủ tịch
Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với đường lối độc lập, tụ chủ,
giương hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp hài hoà lợi ích
dân tộc và lợi ích quốc tế, Đảng ta đã tranh thủ được phong trào nhân dân thế
giới đoàn kết với Việt Nam, tạo ra được tiếng nói chung và sự ủng hộ có hiệu
quả của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô, Trung Quốc, giữa
lúc hai nước này đang có những bất đồng sâu sắc cả về đường lối quốc tế lẫn
đường lối chống Mỹ của Việt Nam. Sự đoàn kết của Việt Nam với Liên Xô và Trung
Quốc trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã góp phần quan trọng vào việc củng cố
đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cách mạng thế giới tạo
chỗ dựa cho phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh
xâm lược của Mỹ.
III.
KẾT LUẬN
Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cách mạng được
Hồ Chí Minh để ra từ rất sớm, trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt tiến trình
cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng
Việt nam, một đóng góp quan trọng vào lý luận cách mạng thế giới.
Trước Hồ Chí Minh, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mac –
Lênin chưa đề cập vấn đề đại đoàn kết dân tộc. Do đặc điểm của thời đại mình,
Mac và Ăngghen chỉ mới kêu gọi đoàn kết giai cấp vô sản toàn thế giới và thực
hiện liên minh công nông (sau công xã Paris 1871) trong đấu tranh lật đổ chế độ
tư bản chủ nghĩa. Tới Lênin, trong điều kiện tư bản chủ nghĩa đã chuyển sang
chủ nghĩa đế quốc, ách áp bức giai cấp và dân tộc đã diễn ra trên phạm vi toàn
cầu, tư tưởng liên minh công nông của Mac được Lênin và quốc tế cộng sản mở
rộng ra trên quy mô toàn thế giới với khẩu hiệu nổi tiếng: :vô sản tất cả các
nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”. Song, do chưa đánh giá đầy đủ về
cách mạng dân tộc, tư tưởng về đoàn kết dân tộc trong mặt trận dân tộc thống
nhất vẫn chưa được Lênin và Quốc tế cộng sản đặt ra.
Hồ Chí Minh sinh ra trong một dân tộc có truyền thống
đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự chủ nên đã nhìn thấy sức mạnh của chủ nghĩa
dân tộc, nguồn động lực to lớn của nhân dân Việt Nam trong dựng nước và giữ
nước. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước và trước những đòi hỏi khách quan của
cách mạng, Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan điểm về Mặt trận dân tộc thống nhất – biểuhiện cụ thể của khối đại đoàn kết
dân tộc với một hệ thống những quan điểm khá hoàn chỉnh về công tác mặt trận,
Được Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu và đưa vào thực tiễn ở Việt Nam, Kết hợp
đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm nên mọi
thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc
của Hồ Chí Minh là một đóng góp quan trọng vào kho tàng kinh nghiệm cách mạng
thế giới, làm phong phú lý luận chủ nghĩa Mac – Lênin về công tác vận động và
tổ chức quần chúng của Đảng Cộng sản.
Thực tiễn cách mạng Việt nam đã và đang chứng minh sức
sống kỳ diệu của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Trung thành và kiên định đi
theo ngọn cờ đại doàn kết Hồ Chí Minh, nghiên cứu để kế thừa, vận dụng và phát
triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết của Người là một trong những nhân tố quan
trọng giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ, góp
phần xây dựng thành công một nước Việt Nam độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới
hiện nay, đại đoàn kết phải được củng cố và phát triển nhằm rửa cái nhục đói
nghèo, lạc hậu, cái nhục tụt hậu xa hơn về kinh tế, khoa học và công nghệ so
với các nước trong khu vực và quốc tế, làm cho Việt Nam có thể tự tin sánh vai
với các cường quốc năm châu; khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; quyết
tâm chấn hưng đất nước, không bỏ lỡ thời cơ, vận hội, phát huy tinh thần tự
lực, tự cường, đẩy lùi mọi nguy cơ, vượt qua mọi thách thức; phát huy được tính
năng động của mỗi người, của cả cộng đồng, khắc phục những tác động của nền
kinh tế thị trường để không làm phương hại nền văn hoá truyền thống dân tộc.
Trong điều kiện hiện nay, đại đoàn kết theo tư tưởng
Hồ chí Minh đòi hỏi phải xây dựng được một Đảng cầm quyền thật sự trong sạch,
vững mạnh, cán nộ, đảng viên vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân;
một chế độ thật sự do nhân dân là chủ và làm chủ; một nhà nước thật sự của nhân
dân, vì nhân dân; một hệ thống chính trị có hiệu quả và hiệu lực thực tế.
Trong khuôn khổ luật pháp, tiếp tục đổi mới chính sách
giai cấp, chính sách xã hội, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn
giáo, chính sách đối với trí thức, chính sách đối với cộng đồng người Việt ở
nước ngoài, tập hợp đến mức rộng rãi nhất mọi nhân tài, vật lực vào sự nghiệp
đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với phát triển kinh tế tri
thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Đảng và nhà nước ta phải chủ động xác định rõ các bước
hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, thực hiện chính sách mở
cửa, giao lưu, hợp tác, đa phương hoá, đa dạng hoá, củng cố khối đoàn kết với
mọi lực lượng tiến bộ trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, đọc lập dân tộc, dân
chủ và phát triển.
Đại đoàn kết dân tộc là yếu tố nội sinh có ý nghĩa
quyết định. Đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo lực và thế để vươn ra bên ngoài;
ngược lại, mở cửa, hội nhập quốc tế nhằm làm cho lực và thế trong nước này càng
tăng lên. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc gán liền với đoàn kết quốc tế, kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại sẽ là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh vô
địch của cách mạng Việt nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG VI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG
NHF NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN
I. XÂY
DỰNG NHÀ NƯỚC THỂ HIỆN QUYỀN LÀ CHỦ
VÀ LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
Hồ Chí Minh có quan điểm nhất quán về xây dựng một nhà
nước mới ở Việt Nam là một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ. Đây là quan
điểm cơ bản nhất của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
do Người sáng lập. Quan điểm đó xuyên suốt, có tính chi phối trong toàn bộ quá
trình hình thành và phát triển của nhà nước cách mạng ở Việt Nam.
Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất
cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…Trong đó, dân chủ thể hiện
trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập
trung trong hoạt động của nhà nước, bởi vì quyền lực của nhân dân được thể hiện
trong hoạt động của Nhà nước với tư cách nhân dân có quyền lực tối cao. Hồ Chí
Minh khẳng định cả trên quan điểm lẫn trên thực tế việc khi có nhà nước mới –
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nhân dân cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà
nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị.
Trong tác phẩm Thường
thức chính trị viết năm 1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta, chính quyền
là của nhân dân, do nhân dân làm chủ…nhân
dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành
chính quyền ấy. Thế là dân chủ”.
Quan niệm dân chủ, theo Hồ Chí Minh, còn biểu hiện ở
phương thức tổ chức xã hội. Khẳng định một chế độ dân chủ ở nước ta là “bao
nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, đồng thời
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra phương thức tổ chức, hoạt động của xã hội nước ta muốn
khẳng định là một nước dân chủ thì phải có cấu tạo quyền lực xã hội mà ở đó
người dân, cả trực tiếp, cả gián tiếp qua dân chủ đại diện, một hệ thống chính
trị do “dân cử ra” và “do dân tổ chức nên”.
Khi xác định quyền hành và lực lượng của xã hội, Hồ
Chí Minh còn vạch rõ nguồn gốc, lực lượng tạo ra quyền hành đó là nhân dân. Đó
là quan điểm gốc để Người coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân;
công cuộc đổi mới, xây dựng Đảng, kháng chiến kiến quốc là trách nhiệm và công
việc của dân. Hồ Chí Minh không chỉ coi dân chủ có ý nghĩa một giá trị chung,
là sản phẩm của văn minh nhân loại, xem nó như lý tưởng phấn đấu của các dân
tộc và nó không dừng lại với tư cách như là một thiết chế xã hội của một quốc
gia mà còn có cả ý nghĩa biểu thị mối quan hệ quốc tế, hoà bình giữa các dân
tộc. Đó là dân chủ, bình đẳng trong các quan hệ quốc tế, là nguyên tắc ứng xử
trong các quan hệ quốc tế của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
Quan điểm xây dựng nhà nước của Hồ Chí Minh không
những kế thừa mà còn phát triển học thuyết Mac – Lênin về nhà nước cách mạng.
Hiểu một cách tổng quát nhất về quan điểm nhà nước của
dân, do dân, vì dân, chúng ta thấy trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh những nội
dung sau đây:
1. Nhà nước của dân
Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong
xã hội đều thuộc về nhân dân. Quan điểm này của Hồ Chí Minh được thể hiện
trong các bản hiến pháp do Người lãnh đạo soạn thảo: Hiến pháp năm 1946 và Hiến
pháp năm 1959. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: tất cả quyền bính trong
nước đều là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái
trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia
sẽ đưa ra toàn dân phúc quyết. Nhân dân có quyền làm chủ về chính trị, kinh tế,
văn hoá – xã hội, bầu ra quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thể
hiện quyền tối cao của nhân dân.
Nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì dẫn đến một hệ
quả là nhân dân có quyền kiểm soát nhà
nước, cử tri bầu ra các đại biểu, uỷ quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết
định những vấn đề quốc kế dân sinh. Đây thuộc về chế độ dân chủ đại diện bên
cạnh chế độ dân chủ trực tiếp. Quyền dân chủ và đồng thời cũng là quyền kiểm
soát của nhân dân thể hiện ở chỗ nhân dân có quyền bãi miễn những đại biểu quốc
hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nào nếu thấy những đại biểu đó không xứng
đáng với sự tín nhiệm của dân.
Theo Hồ Chí Minh, muốn bảo đảm được tính chất nhân dân
của nhà nước phải xác định được và thực hiện được trách nhiệm của cử tri và đại
biểu do cử tri bầu ra. Cử tri và đại biểu cử tri bầu ra phải có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau do bản chất của quy chế này quy định, và, khi không hoàn
thành nhiệm vụ với tư cách là người đại biểu của cử tri thì cuer tri có quyền
bãi miễn tư cách đại biểu.
Dân chủ là khát vọng muôn đời của con người. Hồ Chí
Minh quan niệm dân chủ có nghĩa là “dân là chủ” đối lập với quan niệm “quan
chủ”. Đây là quan niệm được Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn , gọn, đi thẳng vào bản
chất của khái niệm trong cấu tạo quyền lực của xã hội. Mở rộng theo ý đó, Hồ
Chí Minh còn cho rằng: “nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân
làm chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức
là nhân dân làm chủ”, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân
là chủ”.
Dân là chủ có nghĩa là xác định vị thế của dân, còn
dân làm chủ có nghĩa là xác định quyền, nghĩa vụ của dân. Trong Nhà nước của
dân, với ý nghĩa đó, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ. Bằng thiết chế dân
chủ, nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của dân, để cho nhân
dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong hệ thống quyền lực của xã hội. Quyền
lực của nhân dân được đặt ở vị trí tối thượng. Điều này có ý nghĩa thực tế,
nhắc nhở những người lãnh đạo, những đại biểu của nhân dân làm đúng chức trách
và vị thế của mình, không phải là đứng trên nhân dân, coi khinh nhân dân, “cậy
thế” với dân, “quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân”. Một nhà nước
như thế là một nhà nước tiến bộ trong bước đường phát triển của nhân loại. Nhà
nước Việt Nam dân chủ cộng hoà do Hồ Chí Minh khai sing ngày 2 – 9 – 1945 chính là nhà nước tiến
bộ chưa từng có trong lịch sử hàng nghìn năn của dân tộc Việt Nam bởi vì nhà
nước đó là nhà nước của dân, nhân dân có vai trò quyết định mọi công việc của
đất nước.
2. Nhà nước do dân
Nhà nước do dân lập nên, do dân ủng hộ, dân làm chủ.
Chính vì vậy, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh nhiệm vụ của những người cách mạng
là phải làm cho dân hiểu, cho dân giác ngộ để nâng cao được trách nhiệm làm
chủ, nâng cao được ý thức trách nhiệm chăm lo xây dựng nhà nước của mình. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có
trách nhiệm “ ghé vai gánh vác một phần”. Quyền lợi, quyền hạn bao giờ cũng đi
đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt
Nam mới, nhân dân có đủ điều kiện, cả về pháp luật và thực tế, để tham gia quản
lý nhà nước. Người nêu rõ quyền của dân, Nhà nước do dân tạo ra và nhân dân
tham gia quản lý là ở chỗ:
-
Toàn bộ công dân
bầu ra quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan duy nhất có
quyền lập pháp.
-
Quốc hội bầu ra
chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ quốc hội và Hội đồng chính phủ.
-
Hội đồng chính
phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước, thực hiện các nghị quyết của
quốc hội và chấp hành pháp luật.
-
Mọi công việc của
bộ máy Nhà nước trong việc quản lý xã
hội đều thực hiện ý chí của dân (thông qua Quốc hội do dân bầu ra).
3. Nhà nước vì dân
Nhà nước vì dân là một Nhà nước lấy lợi ích chính đáng
của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không
có bất cứ một lợi ích nào khác. Đó là một nhà nước trong sạch, không có bất ký
một đặc quyền, đặc lợi nào. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mọi đường
lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân; việc gì có lợi cho dân
dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì hại cho dân dù nhỏ cũng cố gắng tránh. Dân là
gốc của nước. Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: Phải làm cho dân có ăn, phải làm cho
dân có mặc, phải làm cho dân có chỗ ở, phải làm cho dân được học hành.
Một nhà nước vì dân, theo quan điểm của Hồ Chí Minh,
là từ chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đầy tớ
cho dân chứ không phải “làm quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ dân”. Đối với chức
vụ chủ tịch nước của mình, Hồ Chí Minh cũng quan niệm là do dân uỷ thác cho và
như vậy phải phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ cho nhân dân.
II. QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ SỰ THỐNG NHẤT GIỮA
BẢN CHẤT GIAI CẤP CÔNG NHÂN VỚI TÍNH NHÂN DÂN
VÀ TÍNH DÂN TỘC CỦA NHÀ NƯỚC
1. Về bản
chất giai cấp công nhân của nhà nước
Nhà nước là một phạm trù lịch sử, nó chỉ ra đời và tồn
tại khi giai cấp và đấu tranh giai cấp xuất hiện. Do đó, nhà nước là sản phẩm
tất yếu của một xã hội có giai cấp, nó bao giờ cũng mang bản chất một giai cấp,
không có một nhà nước nào là phi giai cấp, không có nhà nước đứng trên giai cấp. Như vậy, không phải lịch
sử nhân loại xuất hiện là có nhà nước ngay và nhà nước không phải tồn tại mãi
mãi. Trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản nguyên thuỷ chưa xuất hiện nhà
nước vì chưa có giai cấp. Trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản văn minh
thì giai cấp dần dân không còn, đồng thời với quá trình đó là nhà nước của giai
cấp cũng tự tiêu vong.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà được coi là nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng tuyệt nhiên nó
không phải là “nhà nước toàn dân”, hiểu theo nghĩa nhà nước phi giai cấp. Nhà
nước bao giờ và ở đâu cũng mang bản chất của một giai cấp nhất định. Nhà nước
Việt Nam mới, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là một nhà nước mang bản chất
giai cấp công nhân. Vì:
-
Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều này được thể hiện
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước giữ vững và
tăng cường bản chất giai cấp công nhân. Việc xác định bản chất giai cấp công
nhân của nhà nước là một vấn đề rất cơ bản của Hiến pháp. Lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1959 khẳng định: “Nhà nước của ta
là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp
công nhân lãnh đạo”. Trong quan điểm cơ bản xây dựng một nhà nước do nhân dân
lao động làm chủ, một nhà nước thể hiện tính chất nhân dân rộng rãi, Hồ Chí
Minh vẫn nhấn mạnh nòng cốt của nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và trí thức, do giai cấp công nhân mà đội tiên phong của
nó là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đảng lãnh đạo nhà nướ bằng phương thức thích hợp. Nói
đến phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước là nói đến cách lãnh đạo cho
phù hợp với từng thời kỳ. Trong thời kỳ Hồ
Chí Minh làm chủ tịch nước, đất nước ta phải vừa tiến hành kháng chiến chống
giặc ngoại xâm, giải phóng và bảo vệ tổ quốc, vừa lãnh đạo nhân dân xây dựng
chế độ mới. Do Dó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nước ta trong thời kỳ
đó không giống với những thời kỳ sau
này. Song trong tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn có những vấn đề cơ bản về phương thức
lãnh đạo của Đảng nói chung cho các thời kỳ, đó là:
+ Đảng lãnh đạo bằng đường lối quan điểm, chủ trương
để nhà nước thể chế hoá thành pháp luật, chính sách, kế hoạch.
+ Đảng lãnh đạo nhà nước bằng hoạt động của các tổ
chức Đảng và đảng viên của mình trong bộ máy, cơ quan nhà nước.
+ Đảng lãnh đạo nhà nước
bằng công tác kiểm tra.
-
Bản chất giai cấp của nhà nước ta thể hiện ở tính định
hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước. Điều này đã được thể hiện trong quan điểm của Hồ Chí
Minh ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời.
-
Bản chất giai cấp công nhân của nhà nước ta thể hiện ở
nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh rất chư ý đến tính dân chủ trong tổ chức
và hoạt động của tất cả bộ máy, cơ quan nhà nước, nhấn mạnh đến việc phát huy
cao độ dân chủ, đồng thời phát huy cao độ tập trung. Nhà nước phải tập trung
thống nhất quyền lực để tất cả mọi quyền lực vào tay nhân dân.
2. Bản
chất giai cấp công nhân thống nhất với tính nhân dân, tính dân tộc của nhà nước
Hồ Chí Minh là người giải quyết rất thành công mối
quan hệ giữa các vấn đề giai cấp – dân tộc trong xây dựng nhà nước Việt Nam
mới. Người đã giải quyết hài hoà, thống nhất giữa bản chất giai cấp với tính
nhân dân, tính dân tộc và được biểu hiện rõ trong những quan điểm sau:
-
Nhà nước ta ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh lâu
dài, gian khổ của rất nhiều thế hệ người Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam rơi
vào khủng hoảng đường lối cách mạng. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta, tiêu
biểu là những cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo tiền bối
rất oanh liệt, tô thắm cho truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc,
nhưng độc lập, tự do cho dân tộc vẫn chưa trở thành hiện thực. Từ đầu năm 1930,
Đảng ta ra đời, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân với đội tiên phong của nó là
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua được tất cả các hạn chế và đã lãnh đạo thắng
lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đấu tranh giành chính quyền, lập nên nhà nước
dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông nam Á
-
Tính thống nhất còn biểu hiện ở chỗ nhà nước ta bảo
vệ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của dân tộc làm cơ bản. Bản chất của vấn đề này là ở chỗ, Hồ Chí Minh khẳng
định lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn
dân tộc là một. Nhà nước ta không những thể hiện ý chí của giai cấp công nhân
mà còn thể hiện ý chí của nhân dân và của toàn dân tộc.
-
Trong thực tế, Nhà nước ta đã đứng ra làm nhiệm vụ của
cả dân tộc giao phó, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến để bảo
vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống
nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển, tiến
bộ của thế giới. Con đường quá độ lên
chủ nghĩa xã hội và đi đến chủ nghĩa cộng sản là con đường mà Hồ Chí Minh và
Đảng ta đã xác định, cũng là sự nghiệp của chính Nhà nước ta.
III. XÂY
DỰNG NHÀ NƯỚC CÓ HIỆU LỰC PHÁP LÝ MẠNH MẼ
Hồ Chí Minh đã sớm thấy được tầm quan trọng của hiến
pháp và pháp luật trong quản lý xã hội. đieuf này thể hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Người ký
tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến hội nghị Versaille năm 1919. Bản yêu sách đó đưa
ra yêu cầu: “ cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng
được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Châu Âu; xoá bỏ hoàn toàn
các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực
nhất trong nhân dân An Nam; “thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các
đạo luật”. Trong Việt Nam yêu cầu ca, một
bài thơ diễn ca ra văn vần tiếng Việt bản yêu sách đó có những câu:
“Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai
phương cùng đồng,
….
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đề phải có thần linh
pháp quyền”
Sau này, khi trở thành người đứng đầu nhà nước Vệt Nam
mới, Hồ Chí Minh càng quan tâm sâu sắc hơn việc xây dựng và điều hành nhà nước
một cách có hiệu quả bằng pháp quyền.
Một nhà nước có hiệu lực
pháp lý mạnh mẽ được Hồ Chí Minh chú ý xây dựng thể hiện trên những điểm sau
đây:
1. Xây dựng một nhà nước hợp pháp, hợp hiến
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm
thời, Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để lập
quốc hội rồi từ đó lập ra chính phủ và các cơ quan, bộ máy chính thức khác của
nhà nước mới. Có được một nhà nước hợp hiến, thể hiện quyền lực tối cao của
nhân dân như vậy thì nước ta mới có cơ sở pháp lý vững chắc để làm việc với quân Đồng Minh, mới có một quan hệ
quốc tế bình đẳng, mới thiết lập được một cơ chế quyền lực hợp pháp theo đúng
thông lệ một nhà nước pháp quyền hiện đại.
Cuộc tổng tuyển cử được tiến hành thắng lợi ngày 6 – 1
– 1946 với chế độ phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Và, lần đầu
tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam cũng như lần đầu tiên ở
Đông Nam Á, tất cả mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ,
giàu nghèo, dân tộc, đảng phái, tôn giáo…đều đi bỏ phiếu bầu những đại biểu của
mình tham gia Quốc Hội. Ngày 2 – 3 – 1946, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà đã họp phiên đầu tiên, lập ra các tổ chức, bộ máy và các chức vụ
chính thức của Nhà nước. Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch chính phủ liên hiệp
đầu tiên. Đây chính là chính phủ có đầy đủ tư cách pháp lý để giải quyết một
cách có hiệu quả những vấn đề đối nội và đối ngoại ơ nước ta.
2. Hoạt động quản lý nhà nước bằng hiến pháp, pháp
luật và chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống
Quản lý nhà nước là quản lý bằng bộ máy và bằng nhiều
biện pháp khác nhưng quan trọng nhất là quản lý bằng hệ thống luật, trong đó
quan trọng bậc nhất là Hiến pháp – Đạo luật cơ bản của nước nhà. Các bản hiến
pháp năm 1946 và 1959 đã để lại những dấu ấn đậm nét những quan điểm của Hồ Chí
Minh về bản chất, thiết chế và hoạt động của nhà nước mới.
Song, có hiến pháp và pháp luật rồi nhưng không đưa
được vào trong cuộc sống thì xã hội cũng sẽ bị rối loạn. Dân chủ đích thực bao
giờ cũng di liền với kỷ cương, phép nước, tức là đi liền với thực thi hiến pháp và pháp luật.
Suốt cả thời kỳ giữ trọng trách chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo
xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa để bảo đảm quyền làm chủ thực sự của
nhân dân. Các cơ quan của nhà nước phải gương mẫu chấp hành một cách nghiêm
chỉnh hiến pháp và pháp luật. Chính bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng
về sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Người tự giác khép mình vào kỷ luật, vào việc gương mẫu chấp hành hiến
pháp và pháp luật. Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật đã trở thành
nền nếp, thành thói quen, thành lới ứng xử tự nhiên của Hồ Chí Minh.
“Thần linh pháp quyền” là sức mạnh do con người và vì
con người. Do vậy, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đòi hỏi mọi người phải hiểu và
tuyệt đối chấp hành pháp luật, bất kể người đó giữ cương vị nào. Người cho
rằng, công tác giáo dục pháp luật cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ, trở
nên cực kỳ quan trọng trong việc xây
dựng một nhà nước pháp quyền, bảo đảm mọi quyền và nghĩa vụ công dân được thực
thi trong cuộc sống. Việc thực thi pháp luật có quan hệ rất lớn đến trình độ dân trí của nhân dân, vì
vậy, Hồ Chí Minh chư trọng đến vấn đề nâng cao dân trí, phát huy tính tích cực chính trị trong việc tham gia công việc của chính quyền các cấp.
Làm tốt nghĩa vụ công dân
cũng tức là thực hiện nghĩa vụ của mình đói với nhà nước, biết thực hành dân
chủ.
Trong việc thực thi hiến pháp và pháp luật, Hồ Chí
Minh bao giờ cũng chú ý bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu lực của chúng. Điều đó
đòi hỏi pháp luật phải đúng và đủ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật
cho mọi người dân; người thực thi luật pháp trở thành cán cân công lý đối với tất cả mọi người, không có một
trường hợp ngoại lệ nào; bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng đều bị trừng trị
nghiêm khắc, đúng người, đúng tội.
IV. XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC TRONG SẠCH, HOẠT ĐỘNG CÓ HIỆU QUẢ
1. Xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức và tài
Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vị trí, vai trò của đội
ngũ cán bộ, công chức. Người coi cán bộ nói chung “là cái gốc của mọi công
việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh, vấn đề
xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Nó một
cách tổng quát nhất về yêu cầu đối với đọi ngũ này, theo Hồ Chí Minh, đó là
những người vừa có đức, vừa có tài, trong
đó đức là gốc; đội ngũ này phải được tổ chức hợp lý, có hiệu quả.
Đi vào những mặt cụ thể, Hồ Chí Minh nêu lên những yêu
cầu sau đây về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức:
-
Tuyệt đối trung thành với cách mạng.
Đây là yêu cầu đầu tiên cần có đối với đội ngũ cán bộ,
công chức. Cán bộ, công chức phải là những người kiên cường bảo về chế độ xã
hội chủ nghĩa, bảo vệ nhà nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh lòng trung thành đó không
phải là những điều trừu tượng, chung chung, mà phải được thể hiện hàng ngày,
hàng giờ trong mọi lĩnh vực công tác, thể hiện trong kết quả thực tế. Lòng
trung thành đó thể hiện hàng ngày, hàng giờ nhưng phải được thể hiện đặc biệt
rõ trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thử thách, chuyển giai đoạn.
-
Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn,
nghiệp vụ
Chỉ với lòng nhiệt tình thì chưa đủ và cùng lắm chỉ
phá được cái xấu, cái cũ mà không xây dược cái tốt, cái mới. Yêu cầu tối thiểu
là đội ngũ cán bộ, công chức phải hiểu biết công việc của mình, biết quản lý nhà nước, do vậy, phải được đào tạo và tự
mình phải luôn luôn học hỏi. Đó là tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức.
Công chức phải chuyên sâu nghiệp vụ, phải luôn luôn học tập không ngưng nghỉ,
học mọi lúc, moil nơi, học suốt đời. Hồ Chí Minh chính là con người điển hình
của tự học. Người tự học những kiến thức về nhà nước trong cả cuộc đời mình.
-
Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân
Hồ Chí Minh luôn luôn chủ trương xây dựng mối quan hệ
bền chặt giữa đọi ngũ cán bộ, công chức với nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức
là những người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước do dân đóng góp. Chính
vì vậy, Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi cán bộ công chức không được lãng phí của công;
phải sẵn sàng phục vụ nhân dân, luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, sẵn sàng
hy sinh quyền lợi cá nhân mình cho tổ quốc, lấy phục vụ quyền lợi chính đáng
của nhân dân làm mục tiêu cho hoạt động của mình. Đặc biệt, phải chống bệnh
tham ô, quan liêu, lãng phí,…. Phải luôn
gần dân, hiểu dân và vì dân. Cán bộ, công chức xa dân, quan liêu, hách dịch,
cửa quyền…đối với nhân dân đều dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nhà nước, thậm chí
làm biến chất nhà nước vì đã vi phạm một điều có tính chất quyết tử của cấu tạo
quyền lực nhà nước là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
-
Cán bộ, công chức phải là người dám phụ trách, dám
quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn,
“thắng không kiêu, bại không nản”
Đó là những người có ý thức sẵn sàng làm “công bộc”, “
đầy tớ” cho dân, nhứng người cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm việc
với tinh thần đầy sáng tạo. Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, công chức phải luôn
luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn có “chí tiến thủ”, luôn học
tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, học ở trường,học trong cuộc sống, trong
công tác, học ở thâyd, ở bạn…
-
Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn
có ý thức và hành động vì sự lớn mạnh, trong sạch của nhà nước
Với chức trách là những người phục vụ nhân dân, thì
cán bộ, công chức phải tận tuỵ, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Muốn vậy,
theo Hồ Chí Minh cán bộ, công chức phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để
giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác, đồng thời, cán bộ,
công chức phải chăm lo xây dựng bộ máy nhà nước để nhà nước đúng là nhà nước
của dân, do dân, vì dân.
Bộ máy nhà nước, theo quan điểm Hồ Chí Minh, cần gọn,
nhẹ, có hiệu lực, phù hợp với từng giai đoạn để phục vụ đắc lực cho mục tiêu
hoạt động của nhà nước, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của tổ
quốc, của nhân dân không vì lợi ích của cá nhân nào. Chức vụ, quyền hạn của cán
bộ, công chức trong bộ máy nhà nước là do dân uỷ thác, uỷ quyền để làm việc cho
ích quốc lợi dân, không vì chủ nghĩa cá nhân.
2. Đề
phòng và khắc phục những tiêu cực trong hoạt động của nhà nước
Xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân không
bao giờ tách rời với việc làm cho nhà nước luôn trong sạch, vững mạnh. Điều này
luôn luôn thường trực trong tâm trí và hành động của Hồ Chí Minh. Khi nước nhà
giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ cũng như lúc cách mạng
chuyển giai đoạn, Hồ Chí Minh càng chú ý hơn bao giờ hết đến việc bảo đảm sự
trong sạch, vững mạnh của các cấp chính quyền, bởi vì thường những lúc đó cách
mạng đứng trước những thử thách rất gay gắt và những tiêu cực rất dễ trở thành
nguy cơ làm biến chất nhà nước.
Chỉ một tháng sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và
làng nêu rõ phải chống đặc quyền, đặc lợi; bộ máy nhà nước không phải là bộ máy
áp bức, bóc lột nhân dân, cán bộ, công chức không phải là những “ông quan cách
mạng”. Hồ Chí Minh chỉ ra 6 căn bệnh cần đề phòng: trái phép, cậy thế, hủ hoá,
tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người nhắc nhở: “chúng ta không sợ sai lầm, nhưng
đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những sai
lầm trên này, thì nên chú ý tránh đi. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì
phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì chính phủ sẽ không khoan dung.
Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta
phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng.
Hồ Chí Minh đã dùng những cụm từ “công bộc”, “đầy tớ”
để chỉ ra một mặt trách nhiệm của người cán bộ, công chức trong xây dựng một
nhà nước mới – Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong quá trình lãnh đạo, xây dựng nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh thường chỉ rõ những tiêu cực sau đây va nhắc nhở
mọi người đề phòng và khắc phục.
-
Đặc quyền, đặc lợi
Xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh đòi hỏi phải
tẩy trừ những thói cậy mình là người trong cơ quan chính quyền để cửa quyền,
hách dịch với dân, lạm quyền, đồng thời để vơ vét tiền của, lợi dụng chức quyền
để làm lợi cho cá nhân mình, làm như thế tức là sa vào chủ nghĩa cá nhân.
-
Tham ô, lãng phí, quan liêu
Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc
nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, thứ giặc nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Người phê
bình những người “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”.
Quan điểm của Hồ Chí Minh là: “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay
không cũng là bạn đồng minh của thực
dân và phong kiến…tội lỗi ấy cũng nặng
như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Ngày 27 -11 -1946, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh
ấn định tội đưa và nhận hối lộ với mức tù từ 5 năm đến 20 năm tù khổ sai và
phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 26 – 1 – 1946, Hồ Chí Minh ký
lệnh nói rõ tội tham ô, trộm cắp của công dân là tội tử hình.
Lãng phí là một căn bệnh mà Hồ Chí Minh lên án gat
gắt. Chính bản thân Người luôn làm gương, tích cực thực hành chống lãng phí
trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Người biết quý từng đồng xu, bát gạo do
dân đóng góp cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Lãng phí ở đây được Hồ Chí Minh
xác định là lãng phí sức lao động, lãng phí thì giờ, lãng phí tiền của. Chống
lãng phí là biện pháp để tiết kiệm, một vấn đề quốc sách của mọi quốc gia.
Liên quan đến bệnh tham ô, bệnh lãng phí là bệnh quan
liêu, một căn bệnh không những có ở cấp trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện mà
còn ngay ở các cấp cơ sở. Hồ Chí Minh phê bình những người và các cơ quan lãnh
đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và
giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình
thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không đi sâu vào từng vấn đề. Bệnh quan
liêu làm cho chúng ta chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn…thành
thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không
giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm
vững…. thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho bệnh tham ô lãng
phí. Vì vậy, đây là bệnh gốc sinh ra các bệnh tham ô, lãng phí; muốn trừ sạch
bệnh tham ô, lãng phí thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu.
-
Tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo
Những hành động trên gây mất đoàn kết gây rối cho công
tác, Hồ Chí Minh kịch liệt lên án tệ kéo bè, kéo cánh, tệ nạn bà con bạn hữu
mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức
nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc nước là việc công
chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai. Trong chính quyền, còn hiện tượng
gây mất đoàn kết, không biết cách làm cho mọi người thuận hoà với nhau, còn có
người “bênh vực lớp này, chống lại lớp khác”. Ngoài bệnh cậy thế, có người còn
kiêu ngạo, “tưởng mình ở trong cơ quan chính phủ là thần thánh rồi…cử chỉ lúc
nào cũng vác mặt quan cách mạng”, làm mất uy tín của chính phủ.
3. Tăng
cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách
mạng
Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa quản
lý xã hội bằng pháp luật với phát huy những truyền thống tốt đẹp của đời sống
cộng đồng người Việt Nam được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử.
Trong việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình
với cương vị là chủ tịch nước, Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện là một người
sáng suốt, thống nhất hài hoà giữa lý trí và tình cảm, nghiêm khắc, bao dung,
nhân ái nhưng không bao giờ che cho những sai lầm, khuyết điểm của bất cứ ai.
Kỷ cương, phép nước thời nào cũng luôn được đề cao và phải được áp dụng cho tất
cả mọi người. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu pháp luật phải thẳng tay trừng trị
những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Bên cạnh đó,
Hồ Chí Minh dùng sức mạnh uy tín của mình dể cảm hoá những người có lỗi lầm,
kéo họ đi với cách mạng, giáo dục nhứng người mắc khuyết điểm để họ tránh phạm
pháp. Dưới ngọn cờ đại nghĩa, bao dung của Hồ Chí Minh, nhiều người vốn rất mặc
cảm với cách mạng đã dần hiểu ra và không “sẩy chân”, phạm pháp hoặc không đi
theo địch.
III.
KẾT LUẬN
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do
dân, vì dân có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. sâu sắc, định hướng cho
việc xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Học tập và quán triệt tư tưởng này
để xây dựng nhà nước ngang tầm nhiện vụ của giai đoạn cách mạng mới là hết sức
cần thiết.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang tích cực thực hiện
nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước đó được xây dựng trên nền
tảng lý luận Mac – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những điều kiện thực tế hiện
nay của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh
tế tri thức, thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, thực hiện cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm
2011).
a. Nhà nước bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân
Quyền làm chủ thật sự của nhân dân chính là một nội
dung cơ bản trong yêu câud xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư
tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước đòi hỏi
phải chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân trên tất
cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong vấn đề này, việc mở rộng dân chủ đi
đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng. Chính vì
vậy, quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hoá bằng hiến pháp và pháp
luật, đưa hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống. Cần chú ý đến việc bảo đảm cho
mọi người được bình đẳng trước pháp luật, xử phạt nghiêm minh mọi hành động vi
phạm pháp luật, bất kể sự vi phạm đó do tập thể hoặc cá nhân nào gây ra. Có như
vậy, dân mới tin và mới bảo đảm được tính chất nhân dân của Nhà nước ta.
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, ngoài
vấn đề thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, còn cần chú ý thực hiện những quy tắc
dân chủ trong các cộng đồng dân cư, tuỳ theo điều kiện của từng vùng, miễn là
các quy tắc đó không trái với những quy định của pháp luật.
b. Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực này đòi hỏi
chú trọng cải cách và xây dựng, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm
một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải đẩy mạnh cải
cách nền hành chính theo hướng dân chủ. Kiên quyết khắc phục thói quan liêu,
hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, bộ máy cồng kềnh,
kém hiệu lực, sự sa sút phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực thực hành nhiệm
vụ công chức kém cõi.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay
còn cần chú ý cải cách các thủ tục hành chính; để cao trách nhiện cá nhân trong
việc giải quyết các khiếu kiện của công dân theo đúng những quy định của pháp
luật; tiêu chuẩn hoá cũng như sắp xếp lại đội ngũ công chức, xây dựng một đội
ngũ cán bộ, công chức vừa có đức vừa có tài, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ.
Đội ngũ công chức yếu thì không thể nói đến một nhà nước pháp quyền của dân, do
dân, vì dân thực sự vững mạnh. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức phải được đặt lên hàng đầu và phải được tiến hành thường xuyên, bảo đảm
chất lượng.
c. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với
nhà nước
Công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng tất yếu gắn liền với
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ
quan trọng của Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền. Trong giai đoạn hiện nay,
vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
nhà nước thể hiện ở những nội dung như: Lãnh đạo nhà nước thể chế hoá đường
lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò quản
lý của nhà nước; đôie mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước lãnh
đạo bằng đường lối, bàng tổ chức, bộ máy của Đảng trong các cơ quan nhà nước,
bằng vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên hoạt động trong bộ máy
nhà nước, bằng công tác kiểm tra, Đảng không làm thay công việc quản lý của nhà
nước. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị trên cơ
sở bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà nước theo luật định. Bản
chất, tính chất của nhà nước ta gắn liền với vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm
quyền, do đó, đến lượt Đảng, một tiền đề tất yếu được đặt ra là sự trong sạch,
vững mạnh của Đảng Cộng Sản Việt Nam chính là yếu tố quyết định cho thành công
của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG VII
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HOÁ, ĐẠO
ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
I. NHỮNG
QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HOÁ
1. Định
nghĩa về văn hoá và quan điểm về xây dựng nến văn hoá mới
a.
Định nghĩa về văn hoá
Khái niệm về “văn hoá” có nội hàm phong phú và ngoại
diên rất rộng, chính vì vậy, đã có đến hàng trăm định nghĩa về văn hoá. Tháng 8
– 1943, khi còn trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đưa
ra một định nghĩa của mình về văn hoá. Điều thú vị là định nghĩa của Hồ Chí
Minh có rấ nhiều điểm gần với quan niệm hiện đại về văn hoá. Người viết:
“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài
người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa
học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về
mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó
tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với
biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời
sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Với định nghĩa này, Hồ Chí Minh đã khắc phục được quan
niệm phiến diện về văn hoá trong lịch sử và hiện tại, hoặc chỉ đề cập đến lĩnh
vực tinh thần, trong văn học nghệ thuật, hoặc chỉ đề cập đến lĩnh vực giáo dục,
phản ánh trình độ học vấn…Trên thực tế, văn hoá bao gồm toàn bộ những giá trị
vật chất và những giá trị tinh thần mà loài người đã sáng tạo ra, nhằm đáp ứng
sự sinh tồn và cũng là mục đích cuộc sống của loài người.
b.
Quan niệm về xây
dựng nền văn hoá mới
Cùng với định nghĩa về văn hoá, Hồ Chí Minh còn đưa ra
Năm điểm lớn định hướng cho việc xây
dựng nền văn hoá dân tộc:
“1. Xây dựng tâm lý: tinh
thần độc lập, tự cường.
2.
Xây dựng luân
lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.
3.
Xây dựng xã
hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.
4.
Xây dựng
chính quyền: dân quyền.
5.
Xây dựng kinh tế”.
Như vậy, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến
văn hoá, đã thấy rõ vai trò, vị trí của
văn hoá trong đời sống xã hội. Điều này cắt nghĩa vì sao ngay sau khi giành
được độc lập, Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc xây dựng, kiến tạo một nền văn
hoá mới ở Việt Nam trên tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo
đức, đến tâm lý con người, đã sớm đưa vvăn hoá vào chiến lược phát triển đất
nước.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về các vấn đề chung của
văn hoá
a. Quan điểm về vị trí và vai trò của văn hoá trong
đời sống xã hội
- Văn hoá là
đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng.
Ngay sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí
Minh đã đưa ra quan điểm này. Ở đây, Hồ Chí Minh đặt văn hoá ngang hàng với
chính trị, kinh tế, xã hội tạo thành bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội và
các vấn đề này có quan hệ với nhau rất mật thiết. Cho nên, trong công cuộc xây
dựng đất nước, cả 4 vấn đề này phải được coi trọng như nhau.
Trong quan hệ
với chính trị, xã hội; Hồ Chí Minh
cho rằng, chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng.
Chính trị giải phóng sẽ mở đường cho văn hoá phát triển. Người nói: “xã hội thế
nào, văn nghệ thế ấy…Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ,
thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn không thể phát triển được”. Để văn hoá
phát triển tự do thì phải làm cách mạng chính trị trước. Ở Việt Nam, tiến hành
cách mạng chính trị, thực chất là tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc
để giành chính quyền, giải phóng chính
trị, giải phóng xã hội, từ đó giải phóng văn hoá, mở đường cho văn hoá phát triển.
Trong quan hệ
với kinh tế; Hồ Chí Minh chỉ rõ kinh
tế là thuộc về cơ sở hạ tầng, là nền tảng của việc xây dựng văn hoá. Từ đó,
Người đưa ra luận điểm: Phải chú trọng xây dựng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng
để có điều kiện xây dựng và phát triển văn hoá. Người viết: Văn hoá là một kiến trúc thượng tầng; nhưng
cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và có
đủ điều kiện phat triển được.
Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là kinh tế phải đi trước
một bước. Người viết: uốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế
và văn hoá. Vì sao không nói phát triển văn hoá và kinh tế. Tục ngữ ta có câu:
có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước”
-
Văn hoá không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế
và chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy sự phát triển của
kinh tế.
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mac – Lênin, Hồ Chí
Minh không nhấn mạnh một chiều về sự phụ thuuọc “thụ động” của văn hoá vào kinh
tế, chờ cho kinh tế phát triển xong rồi mới phát triển văn hoá. Người cho rằng,
văn hoá có tính tích cực, chủ động, đóng vai trò to lớn như một động lực thúc
đẩy sự phát triển của kinh tế và chính trị. Người nói: “trình độ văn hoá của
nhân dân nâng cao sẽ giúp cho chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế,
phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần
thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ
và giàu mạnh.”
Văn hoá phải
ở trong kinh tế và chính trị, có
nghĩa là văn hoá phải tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Quan điểm
này không chỉ định hướng cho việc xây dựng một nền văn hoá mới ở Việt Nam mà
còn định hướng cho mọi hoạt động văn hoá. Trong kháng chiến chống thực dân
Pháp, quan điểm “văn hoá cũng là một mặt
trận”, “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến”…mà Người đưa ra
đã tạo nên một phong trào văn hoá văn nghệ sôi động chưa từng thấy. Văn hoá
không đứng ngoài mà ở trong cuộc khang chiến thần thánh của dân tộc. Và cuộc
kháng chiến trở thành cuộc kháng chiến có tính văn hoá. Chính điều này đã đem
lại sức mạnh vượt trội cho nhân dân Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm
lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
.văn hoá phải ở trong kinh tế và chính trị, điều đó
cũng có nghĩa là kinh tế và chính trị
cũng phải có tính văn hoá, điều mà chủ nghĩa xã hội và thời đại đang đòi
hỏi. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng tư tưởng
Hồ Chí Minh, Đảng ta chủ trương gắn văn hoá với phát triển, chủ trương đưa các
giá trị văn hoá thấm sâu vào kinh tế và chính trị, làm cho văn hoá thực sự vừa
là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
b. Quan điểm về tính chất của nền văn hoá
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Hồ
Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một nền văn hoá mới. Nhiều vấn đề về
văn hoá đã được đặt ra và giải quyết ngay trong những ngày đầu của chính quyền
cách mạng, như: giải quyết nạn dốt, giáo dục nhân dân tinh thần cần, kiệm,
liêm, chính; cấm hút thuốc phiện, lương giáo đoàn kết và tự do tín ngưỡng…Như
vậy, nền văn hoá mới ra đời đã gắn liền với nước Việt Nam mới. Nền văn hoá Việt
Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là nền văn hoá kháng chiến,
kiến quốc, nền văn hoá dân chủ mới. Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội, nền văn hoá được xây dựng là nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau, song nền văn
hoá mới mà chúng ta đang xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn bao hàm ba
tính chất: tính dân tộc, tính khoa học và tính đại chúng.
Tính dân tộc của nền văn hoá được Hồ Chí Minh biểu đạt bằng nhiều
khái niệm, như đặc tính dân tộc, cốt cách
dân tộc, nhằm nhấn mạnh đến chiều sân bản chất rất đặc trưng của văn hoá
dân tộc, giúp phân biệt, không nhầm lẫn với văn hoá các dân tộc khác. Người cho
rằng, để được như vậy, phải “trau dồi cho văn hoá, văn nghệ có tinh thần thuần
tuý Việt Nam”, phải “lột tả cho hết tinh thần dân tộc”, đó là chủ nghĩa yêu
nước, đoàn kết, khát vọng dân tộc, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc…Người
cho rằng, “nếu dân tộc hoá mà phát triển được đến cực điểm thì tức là đến chỗ
thế giới hoá nó, vì lúc bấy giờ văn hoá thế giới sẽ phải chú ý đến văn hoá của
mình và văn hoá của mình sẽ chiếm được địa vị ngang với các nền văn hoá thế giới”.
Tính dân tộc của nền văn hoá không chỉ thể hiện ở chỗ biết giữ gìn, kế thừa,
phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn phải phát triển những
truyền thống tốt đẹp ấy cho phù hợp với điề kiện lịch sử mới của đất nước.
Tính khoa học
của nền văn hoá mới được thể hiện ở
tính hiện đại, tiên tiến, thuận với trào lưu tiến hoá của thời đại. Tính khoa
học của văn hoá đòi hỏi phải đấu tranh chống lại những gì trái với khoa học,
phản tiến bộ, phải truyền bá tư tưởng triết học Macxit, đấu tranh chống lại chủ
nghĩa duy tâm, thần bí, mê tín dị đoan, phải biết gạn đục khơi trong, kế thừa
truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Tính đại
chúng của nền văn hoá được thể hiện ở
chỗ nền văn hoá ấy phải phục vụ nhân dân và do nhân dân xây dựng nên. Hồ Chí
Minh nói, “văn hoá phục vụ ai? Cố nhiên chúng ta phải nói là phục vụ công nông
binh, tức là phục vụ đại đa số nhân dân”; “Quần chúng là những người sáng tạo,
công nông là những người sáng tạo. Nhưng quần chúng không chỉ sáng tạo ra những
của cải vật chất cho xã hội. Quần chúng còn là người sáng tác nữa…”
c. Quan điểm về chức năng của văn hoá
Chức năng của văn hoá rất phong phú, đa dạng. Hồ Chí
Minh cho rằng, văn hoá có ba chức năng chủ yếu sau đây:
-
Bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và những tình cảm cao đẹp
Tư tưởng và tình cảm là hai vấn đề quan trọng nhất
trong đời sống tinh thần của con người. Tư tưởng có thể đúng đắn hoặc sai lầm,
tình cảm có thể thấp hèn hoặc cao đẹp. Chức năng cao quý nhất của văn hoá pà
phải bồi dưỡng, nêu cao tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho nhân dân,
loại bỏ được những sai lầm và thấp hèn có thể có trong tư tưởng, tình cảm mỗi
người. Tư tưởng và tình cảm rất phong phú, văn hoá phải đặc biệt quan tâm đến
những tư tưởng và tình cảm lớn, chi phối đời sống tinh thần của mỗi con người
và cả dân tộc.
Lý tưởng là điểm hội tụ của những tư tưởng lớn của một Đảng,
một dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, đó là lý
tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Một khi lý tưởng
này phai nhạt thì không thể nói đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Chính vì
vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra chức năng hàng đầu của văn hoá là phải làm thế nào
cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; phải làm thế nào cho ai cũng có
“tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung và quên lợi ích riêng”.
Tình cảm lớn, theo Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân,
thương yêu con người; yêu tính trung thực, chân thành, thuỷ chung, ghét những
thói hư, tật xấu, sự sa đoạ…
-
Mở rộng hiểu biết, nâng cao dân trí
Nói đến văn hoá là phải nói đến dân trí. Đó là trình
độ hiểu biết, vốn kiến thức của người dân. Nâng cao dân trí phải bắt đầu từ chỗ
biết đọc, biết viết để có thể hiểu biết các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Vấn đề nâng cao dân trí thực sự chỉ có thể thực hiện sau khi chính trị đã được
giải phóng, toàn bộ chính quyền đã về tay nhân dân.
Mục tiêu nâng cao dân trí của văn hoá trong từng giai
đoạn có thể có những điểm chung và riêng. Song tất cả đều hướng vào mục tiêu
chung là độc lập dân tộc và chue nghĩa xã hội. Nâng cao dân trí là để nhân dân
có thể tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, góp phần cùng đảng iến một nước
dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”. Đó
cũng là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta
đã vạch ra trong công cuộc đổi mới.
-
Bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách và lối sống tốt
đẹp, lành mạnh; hướng con người đến chân, thiện, mỹ để hoàn thiện bản thân
Phẩm chất và phong cách được hình thành từ đạo đức,
lối sống, tù thói quen của cá nhân và phong tục tập quán của cả cộng đồng. Phẩm
chất và phong cách thường có mối quan hệ gắn bó với nhau. Mỗi người thường có
nhiều phẩm chất, trong đó, có phẩm chất chung và phẩm chất riêng, tuỳ theo nghề
nghiệp, vị trí công tác. Các phẩm chất thường được thể hiện qua phong cách, tức là lối sinh hoạt, làm việc, lới ứng
xử trong cuộc sống…Căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, Hồ Chí Minh đã đề
ra những phẩm chất và phong cách cần thiết để mỗi người tự tu dưỡng. Đối với
cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phẩm chất đạo đức – chính
trị. Bởi vì, nếu như không có những phẩm chất này thì họ không thể hoàn thành
được những nhiệm vụ cách mạng, không thể biến lý
tưởng thành hiện thực.
Những phẩm chất và phong cách tốt đẹp làm nên giá trị
của con người. Văn hoá giúp con người hình thành những phẩm chất, phong cách và
lối sống tốt đẹp, lành mạnh thông qua phân biệt cái đẹp, lành mạnh với cái xấu
xa, hư hỏng, cái tiến bộ với cái lạc hậu, bảo thủ, ngày càng giảm, vươn tới caí
chân, cái thiện, cái mỹ để hoàn thiện bản thân. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã
chỉ rõ: Phải làm thế nào cho văn hoá thấm
sâu vào tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được những tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ; văn hoá
phải soi đường cho quốc dân đi.
3. Quan
điểm của hồ Chí Minh về một số lĩnh vực chính của văn hoá
a. Văn hoá giáo dục
Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã bỏ
nhiều công sức phân tích sâu sắc nền giáo dục phong kiến và thực dân, chuẩn bị
tư tưởng cho việc xây dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập sau này.
Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt nền giáo dục phong kiến và nền giáo dục thực
dân.
Nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập được Hồ Chí
Minh chuẩn bị từ những lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng trong những năm 20 của
thế kỷ XX. Thực sự ra đời sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và phát triển
cùng với sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây
dựng một nền giáo dục của nước Việt Nam mới phải được coi là một mặt trận quan
trọng, nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược, cơ bản và lâu dài. Nền giáo
dục đó sẽ “…làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước,
yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”
Trong quá trình xây dựng nền văn hoá giáo dục ở Việt
Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra một hệ thống quan điểm rất phong phú và toàn diện,
định hướng cho nền giáo dục phát triển đúng đắn, góp phần quan trọng vào sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.
-
Mục tiêu của văn hoá giáo dục là thể hiện cả ba chức năng của văn hoá thông qua việc
dạy và học.
Dạy và học là nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến
thức; bồi dưỡng những tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất
trong sáng và phong cách lành mạnh cho con người, đào tạo con người có ích cho
xã hội. Văn hoá giáo dục phải đào tapoj được những lớp người có đức, có tài kế
tục sự nghiệp cách mạng, làm cho nước ta “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Học không phải để lấy bằng
cấp mà phải thực học, “học để làm người,
làm việc, làm cán bộ”.
-
Nội dung giáo dục phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Giáo dục phải toàn diện, bao gồm
cả văn hoá, chính trị, khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghề nghiệp, lao động.
Các nội dung này coa quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Ngườ chỉ rõ, nếu không có
trình độ văn hoá thì không tiếp thu được khoa học – kỹ thuật; không khoa học –
kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; song phải chú ý học
chính trị, vì nếu chỉ học văn hoá mà không học chính trị thì như người nhắm mắt
mà đi.
Học chính trị là học chủ nghĩa Mac – Lênin, đường lối,
chính sách của Đảng và nhà nước. Học để nắm vững quan điểm, lập trường có tính
nguyên tắc của Đảng, thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mac – Lênin.
Phương pháp học phải sáng tạo, không giáo điều. Xã hội ngày càng phát triển,
nhân dân ngày càng tiến bộ nên Người cho rằng phải tiến hành cải cách giáo dục, nhằm xây dựng chương
trình, nội dung, phương pháp dạy và học thật khoa học, hợp lý, đáp ứng đòi hỏi
của cách mạng.
-
Phương châm, phương pháp giáo dục
Phương châm học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế,
học tập phải kết hợp với lao động; phải kết hợp thật chặt chẽ ba khâu: gia
đình, nhà trường và xã hội; thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục. Học ở
mọi nơi, mọi lúc; học mọi người. Học suốt đời, coi trọng việc tự học, tự đào
tạo và đào tạo lại.
Phương pháp giáo dục phải phù hợp với mục tiêu giáo dục. Cách dạy
phải phù hợp với trình độ người học, phù hợp với lứa tuổi, dạy từ dễ đến khó;
phải kết hợp học tập với vui chơi, giải trí lành mạnh phải dùng biện pháp nêu
gương gắn liền với các phong trào thi đua…
-
Về đội ngũ giáo viên: Phải quam tâm xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ giáo
viên có đạo đức cách mạng, yêu nghề, yên tâm công tác, đoàn kết và hợp tác với
đồng nghiệp, giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Mỗi giáo viên phải
là một tấm gương sáng về đạo đức, về học tập, “Học không biết chán, dạy không
biết mệt”.
b. Văn hoá nghệ thuật
Văn nghệ là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hoá,
là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. Hồ Chí Minh
không chỉ là người khai sinh ra nền văn nghệ cách mạng mà còn là một chiến sĩ
tiên phong trong sáng tạo văn nghệ. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nền văn
nghệ cách mạng, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quan điểm lớn. Sau đây là ba quan
điểm chủ yếu:
-
Văn hoá văn nghệ là một mặt trận, nghệ sỹ là chiến
sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng.
Hồ Chí Minh khẳng định văn hoá nghệ thuật là một mặt
trận tức là khẳng định vai trò, vị trí của văn hoá – văn nghệ trong sự nghiệp
cách mạng, coi mặt trận văn hoá cũng có tầm quan trọng như mặt trận quân sự,
chính trị, kinh tế.
Ở một tầm nhìn sâu xa hơn, Hồ Chí Minh còn coi mặt
trận văn hoá như một cuộc chiến khổng lồ giữa
chính và tà, giữa cách mạng và phản cách mạng. Cuộc chiến đó sẽ rất quyết liệt,
rất lâu dài, song rất vẻ vang. Trong cuộc chiến đó, nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm là vũ khí. Trước khi giành được
chính quyền, văn nghệ có nhiệm vụ thức tỉnh quần chúng, tâph hợp lực lượng, cổ
vũ cho thắng lợi tất yếu của cách mạng. Sau khi có chính quyền, văn nghệ phải
tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới, xây dựng con người mới.
Mặt trận văn nghệ lúc này còn cam go hơn, quyết liệt hơn, bởi thắng thực dân đã
khó, thắng nghèo nàn lạc hậu còn khó hơn nhiều. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn
đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: “chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng
đúng…đặt lợi ích của kháng chiến, của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
-
Văn nghệ phải gắn với thực tiễn đời sống của nhân dân.
Thực tiễn đời sống của nhân dân rất phong phú, bao gồm
thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng đời sống mới. Đây
là nguốn nhựa sống, là sinh khí và là chất liệu vô tận cho văn nghệ sáng tác.
Từ thực tiễn đó, bằng tài năng sáng tạo và tinh thần nhân văn của mình, văn
nghệ sĩ có thể nhào nặn, thăng hoa, hư cấu, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật
trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Để làm được như vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu
các văn nghệ sĩ phải thật “hoà mình vào quần chúng” để hiểu thấu tâm tư, tình
cảm, nguyện vọng của nhân dân, học tập nhân dân và “miêu tả cho hay, cho chân
thật và cho hùng hồn thực tiễn đời sống của nhân dân’. Bởi vì, nhân dân không
chỉ là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần. Họ còn là người
hưởng thụ và đánh giá các tác phẩm một cách trung thực, khách quan và chính xác
nhất.
Phải có những
tác phẩm xứng đáng với thời đại mới của đất nước và dân tộc
Mục tiêu của văn nghệ là phục vụ quần chúng. Để thực
hiện mục tiêu này, các tác phẩm văn nghệ phải đạt tới sự thống nhất hài hoà
giữa nội dung và hình thức. Người nói: “Quâng chúng mong muốn những tác phẩm có
nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa
xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”. Đó là một tác phẩm hay.
Một tác phẩm hay là tác phẩm diễn đạt vừa đủ những
điều đáng nói, ai đọc cũng hiểu được và khi đọc xong phải suy ngẫm. Tác phẩm đó
phải kế thừa được những tinh hoa văn hoá dân tộc, mang được hơi thở của thời
đại, vừa phản ánh chân thật những gì đã có trong đời sống, vừa phê phán cái dở,
cái xấu, cái sai, hướng nhân dân đến cái chân, cái thiện, cái mỹ, vươn tới cái lý tưởng – đó chính là sự phản ánh có tính
hướng đích của văn nghệ. Để thực hiện tính hướng đích này, các tác phẩm văn
nghệ phải chân thực về nội dung, phong phú về hình thức và thể loại đã mở ra
con đường sáng tạo không giới hạn cho các văn nghệ sĩ.
c. Văn hoá đời sống
Văn hoá là bộ mặt tinh thần của xã hội, nhưng bộ mặt
tinh thần ấy không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng, mà lại được thể hiện ra
ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, rất dễ hiểu, dễ thấy. Đó chính là
văn hoá đời sống. Gắn việc xây dựng nền văn hoá mới với xây dựng đời sống mới
thực sự là một cách nhìn, một giải pháp rất độc đáo của Hồ Chí Minh.
Văn hoá đời
sống thực chất là đời sống mới, được Hồ Chí Minh nêu ra với
ba nội dung: đạo đức mới, lối sống mới ,
nếp sống mới. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết, trong đó đạo đức giữ
vai trò chủ yếu. Bởi vì, chỉ có thể dừa trên một nền đạo đức mới, thì mới xây
dựng được lối sống mới và nếp sống mới. Đến lượt mình, đạo đức mới cũng chỉ có
thể thẻ hiện trong lối sống mới và nếp sống mới.
Đạo đức mới: Để xây dựng đời sống mới trước hết phải xây dựng đạo
đức mới. Ngay trog phiên họp đầu tiên của hội dồng chính phủ, Hồ Chí Minh đã đề
nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Sau này, Người đã nhiều lần khẳng định:
“Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành
sâu mọt của dân”, “nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính tức là nhen lửa
cho đời sống mới”.
Lối sống mới:
Lối sống mới là lối sống có lý tưởng,
có đạo đức. Đó còn là lối sống văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hoà truyền
thống tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hoá nhân loại. Con người muốn tồn
tại phải làm sao cho có ăn, mặc, ở, đi lại và làm việc; phải làm sao cho mỗi
một hoạt động đó đều mang tính văn hoá. Chính vì vậy, để xây dựng lối sống mới,
Hồ Chí Minh yêu cầu phải sửa đổi “cách
ăn, cách mặc, cách đi lại” – theo ngôn ngữ hiện nay thì đây chính là phong
cách sống và phong cách làm việc, gọi chung là lối sống mới.
Phong cách sống, theo Hồ Chí Minh là phải khiêm tốn,
giản dị, chừng mực, ngăn nắp vệ sinh, yêu lao động, biết quý trọng thời
gian…Trong quan hệ với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em thì chân thành, cởi
mở; giàu tình yêu thương, quý mếm, tôn trọng con người. Với mình thì nghiêm
khắc, với người thì độ lượng, khoan dung.
Phong cách làm việc, theo Hồ Chí Minh là phải sửa đổi
sao cho có tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa
học. Ba loại tác phong này có quan hệ mật thiết với nhau. Sửa đổi phong cách
làm việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cán bộ làm công tác quản lý,
lãnh đạo. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh, đã là cán bộ cách mạng phải có phong cách
sống và phong cách làm việc tốt, để làm gương mẫu cho dân.
Nếp sống mới:
Xây dựng nếp sống mới là quá trình
làm cho nếp sống mới dần dần thành thói quen, thành phong tục, tập quán tốt
đẹp, kế thừa và phát triển những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Hồ Chí
Minh chỉ ra rằng, đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái
gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng
phiền phức thỉ sửa đổi, Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm. Cái gì mới mà tốt
thì phải làm, phải bổ sung.
Xây dựng văn hoá đời sống mới nhằm biến Việt Nam từ
một quốc gia nghèo nàn thành một quốc gia văn minh và phú cường là một công
việc lâu dài và phải có phương pháp tốt. công việc đó đòi hỏi sự quyết tâm của
cả cộng đồng dân tộc, song trước hết, phải được bắt đầu từ mỗi con người, mỗi
gia đình, với tư cách là tế bào của xã hội.
II. TƯ
TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC
1. Nội dung
cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức
a. Quan điểm về vai trò và sức mạnh của đạo đức
- Đạo đức là
gốc của người cách mạng
Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, một lãnh
tụ cách mạng thế giới đã bàn nhiều về vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức. Tư
tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất sâu sắc, phong phú, cả về lý luận và thực tiễn,
đã trở thành một bộ phận vô giá của văn hoá dân tộc và nhân loại, một sức mạnh to
lớn làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Khi đánh giá vai trò của đạo đức trong đời sống, từ
rất sớm, Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguốn
của sông suối – “cũng như sông thì có nguốn mới có nước, không có nguồn thì
sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có
đạo dức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân
dân”. Người cho rằng, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là
một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề. “Sức có
mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách
mạnh làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Người nói, cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân
phục thì không phải cứ “viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ mến yêu. Quần
chúng chỉ quý mến những người có tu cách, đạo đức”. “Vì muốn giải phóng cho dân
tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo
đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người trăn trở với
nguy cơ Đảng xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hoá, biến chất.
Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng Phảo “là
đạo đức, là văn minh”. Người nhắc lại ý của Lênin: Đảng cộng sản phải tiêu
biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên
va cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm
chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là
người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức trong hành
dộng, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Chính vì vậy Hồ Chí Minh luôn đặt đạo
đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, lời nói đi đôi với hành động và hiêu
quả trên thực tế. Người nói: “phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu
cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết
chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục
đích nâng cao sản xuất”.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đức và tài, hồng
và chuyên, phẩm chất và năng lực thống nhất làm một. Trong đó; Đức là gốc của tài; hồng là gốc của chuyên;
phẩm chất là gốc của năng lực. Tài là thể hiện cụ thể của đức trong hiêu
quả hành động.
- Đạo đức là
nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội
Theo Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội
chưa phải là ở lý tưởng cao xa, ở mức sống vật chất dồi dào, ở tư tưởng được tự
do giải phóng, mà trước hết là ở những giá trị đạo đức cao đẹp, ở phẩm chất của
những người cộng sản ưu tú, bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến
đấu chi lý tưởng đó trở thành hiện thực.
Hồ Chí Minh cho rằng, phong trào cộng sản công nhân
quốc tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh của loài người không chỉ do
chiến lược và sách lược thiên tài của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm
chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở thành một sức mạnh vô địch.
Tấm gương đạo đức trong sáng của một nhân cách vĩ đại,
song cũng rất đời thường của Hồ Chí Minh chẳng những có sức hấp dẫn lớn lao,
mạnh mẽ với nhân dân Việt Nam mà còn cả với nhân dân thế giới. Tấm gương đó từ
lâu là nguốn cổ vũ động viên tinh thần quan trọng đối với nhân dân ta và nhân
loại tiến bộ đoàn kết đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ
nghĩa xã hội.
b. Quan điểm về những chuẩn mực đạo đức cách mạng
- Trung với nước, hiếu với dân
“Trung” và “hiếu” là những khái niệm cũ trong tư tưởng
đạo đức Việt Nam va Phương Đông, phản ánh mối quan hệ lớn nhất và cung là phẩm
chất đạo đức bao trùm nhất: “trung với vua, hiếu với cha mẹ”.
Hồ Chí Minh đã mượn khái niệm “trung, hiếu” trong tư
tưởng đạo đức truyền thống và đưa vào đó nội dung mới: “trung với nước, hiếu
với dân”, tạo nên một cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo đức. Người nói:
“Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như
người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”.
Hồ Chí Minh cho rằng, trung với nước phải gắn liền hiếu với dân. Vì nước là nước của dân,
còn dân thì lại là chủ nhân của nước; bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở
nơi dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, cán bộ là đầy tớ của dân chứ không phải
là “quan cách mạng”.
Trung với nước là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp
dựng nước và giữ nước, trung thành với con đường đi lên của đất nước; là suốt
đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng. Hiếu với dân thể hiện ở chỗ thương dân,
tin dân, phục vụ nhân dân hết lòng. Để làm được như vậy, phải gần dân, kính
trọng dân, học tập nhân dân, phải dựa vào dân và lấy dân làm gốc. Đối với cán
bộ lãnh đạo, Hồ Chí Minh yêu cầu phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm,
thường xuyên quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí.
- Cần, Kiệm,
Liêm, Chính, Chí công vô tư
Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng
ngày của mỗi người, là đại cương đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng,
bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ thực
hiện mà lại bắt nhân dân tuân theo để phụng sự quyền lợi của chúng. Ngày nay,
ta đề ra cần kiệm liêm chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo
là để đem lại hạnh phúc cho dân. Với ý nghĩa như vậy, cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư cũng là một biểu hiện cụ thể, một nội dung của phẩm chất “trung
với nước, hiếu với dân”.
Cũng như khái niệm “trung, hiếu”, “cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư” cũng là những khái niệm cũ trong đạo đức truyền thống
dân tộc, được Hồ Chí Minh lọc bỏ những nội dung không phù hợp và đưa vào những
nội dung mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng.
Cần là siêng năng, chăm chỉ; lao động có kế hoạch, có hiệu
quả, có năng suất cao với tinh thần tự lực cánh sinh.
Kiệm là tiết kiệm của nước của dân, không “xa xỉ, hoang
phí, bừa bãi”, không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù.
Liêm là luôn tôn trọng của công và của dân. Phải “trong
sạch, không tham lam” tiền của, địa vị, danh tiếng.
Chính là thẳng thắn, đứng đắn. Ngưởi đưa ra một số yêu cầu:
đối với mình – không được tự cao, tự đại, tự phụ, phải khiêm tốn học hỏi, phát
triển cái hay, sửa chữa cái dở. Đối với người
– không nịnh người trên,
không khinh người dưới, thật thà, không dối trá. Đối với việc – phải để việc
công lên trên, lên trước, việc thiện nhỏ mấy cũng làm, việc ác nhỏ mấy cũng
tránh.
Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, các đức tính cần, kiệm, liêm,
chính, có quan hệ chặt chẽ với nhau, ai cũng phải thực hiện, song cán bộ đảng
viên phải là người thực hiện trước để làm kiểu mẫu cho dân. Người cho rằng,
những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hạn. nếu không giữ
đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Đối với một quốc gia, cần, kiệm, liêm, chính là thước
đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, thể hiện sự văn minh, tiến
bộ. Cần, kiệm, liêm, chính còn là nền tảng của đời sống mới, của các phong trào
thi đua yêu nước.
Chí công vô
tư là công bằng, công tâm, không
thiên vị; làm việc gì cũng không nghĩ đến mình trước, chỉ biết vì Đảng, vì dân
tộc, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa
tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là vết tích của xã
hội cũ, đó là lới sống ích kỷ, chỉ biết có riêng mình, thu vén cho riêng mình,
chỉ thấy công lao của mình mà quên mất công lao của người khác. Chủ nghĩa cá
nhân là đồng minh của đế quốc; là một thứ vi trùng rất độc. Chủ nghĩa cá nhân
đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm, như: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ
quan, tham ô, lãng phí, tham danh, trục lợi, quyền hành, coi thường tập thể, tự
cao, tự đại, độc đoán chuyên quyền…đó là “một thứ gian xảo, xảo quyệt; nó dỗ
dành người ta đi xuống dốc”. Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa xã hội không thể
thắng lợi nếu không loại trừ chủ nghĩa cá nhân.
- Thương yêu
con người, sống có nghĩa có tình
Yêu thương con người được Hồ Chí Minh xác định là một
trong những phẩm chất tốt đẹp nhất. Người nói, người cách mạng là người giàu
tình cảm, có tình cảm cách mạng mới đi làm cách mạng. Vì yêu thương nhân dân,
yêu thương con người mà chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để đem lại độc lập, tự
do, cơm áo ấm no và hạnh phúc cho con người.
Tình yêu thương đó là một tình cảm rộng lớn, trước hết
dành cho những người nghèo khổ, những người bị mất quyền, những người bị áp
bức, bị bóc lột không phân biệt màu da, dân tộc. Người cho rằng, nếu như không
có tình yêu thương như vậy thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói
đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Tình thương yêu con người phải được xây dựng trên lập
trường giai cấp công nhân, thể hiện trong mối quan hệ hàng ngày với bạn bè,
đồng chí, anh em…nó đòi hỏi mỗi người phải chặt chẽ và nghiêm khắc với mình;
rộng rãi, độ lượng với người khác. Nó đòi hỏi thái độ tôn trọng những quyền của
con người, nâng con người lên, kể cả những người nhất thời lầm lạc, chứ không
phải là thái độ dĩ hoà vi quý, không phải hạ thấp, càng không phải vùi dập con
người. Người dạy: “hiểu chủ nghĩa Mac – Lênin là phải sống với nhau có nghĩa có
tình. Nếu thuộc bao nhiêu sách vở mà không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu
chủ ngĩa Mac – Lênin được”. Trong Di chúc,
Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
-
Có tinh thần quốc tế trong sáng
Chủ nghĩa quốc tế là một trong những phẩm chất quan
trọng nhất của đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Nó bắt nguồn từ bản chất giai cấp
công nhân, nhằm vào mối quan hệ rộng lớn, vượt ra khỏi quốc gia, dân tộc.
Nội dung chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh
rất rộng lớn và sâu sắc. Đó là sự tôn trọng, hiểu biết, thương yêu và đoàn kết
với giai cấp vô sản toàn thế giới, với tất cả các dân tộc và nhân dân các nước,
với những người tiến bộ trên toàn cầu, chống lại mọi sự chia rẽ, hằn thù, bất
bình đẳng và phân biệt chủng tộc; chống lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sôvanh,
biệt lập và chủ nghĩa bành trướng bá quyền…Hồ Chí Minh chủ trương giúp bạn là
tự giúp mình.
Đoàn kết quốc tế là nhằm thực hiện những mục tiêu lớn
của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là hợp
tác và hữu nghị theo tinh thần: bốn phương vô sản, bốn bể đều là anh em. Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp tình đoàn
kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, đã tạo ra một kiểu
quan hệ quốc tế mới: Đối thoại thay cho đối đầu, nhằm kiến tạo một nền văn hoá
hoà bình cho nhân loại.
c. Quan điểm về những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới
-
Nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức
Nói đi đôi
với làm, Hồ Chí Minh coi đây là
nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng một nền đạo đức mới. Điều này
được Hồ Chí Minh khẳng định từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX trong tác phẩm Đường cách mệnh. Bản thân Hồ Chí Minh là
tấm gương sáng tuyệt vời về lời nói đi đôi với việc làm. Nó đi đôi với làm là
đặc trưng bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – đạo đức cách mạng. Nói đi
đôi với làm đối lập hoàn toàn với thói đạo đức giả của giai cấp bóc lột, nói
một đằng làm một nẻo, thậm chí nói mà không làm. Ngay sau cách mạng Tháng Tám,
Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện của thói đạo đức giả ở một số cán bộ,
“vác mặt làm quan cách mạng’, nói mà không làm. Sau này, Ngừoi đã nhiều lần bàn
đến việc tẩy sạch căn bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán
bộ,đảng viên “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”.
Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần
chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và chính phủ”, làm tổn
hại uy tín của Đảng và chính phủ trước nhân
dân.
Nêu gương đạo
đức là một nét đẹp của truyền thống
văn hoá Phương Đông. Nói đi đôi với làm phải gắn liền với nêu gương về đạo đức.
Hồ Chí Minh đã có lần chỉ rõ: “nói chung thì các dân tộc Phương Đông đều giàu
tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài
diễn văn tuyên truyền”. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã đào tạo các thế hệ cán
bộ Việt Nam không chỉ bằng lý luận
cách mạng tiên phong, mà còn bằng chính tấm gương đạo đức cao cả của mình.
Hồ Chí Minh cho rằng, hơn bất cứ một lĩnh vực nào
khác, trong việc xây dựng một nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng phải đặc biệt
chú trọng “đạo làm gương”. Người nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng
ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dụng Đảng, xây dựng các tổ chức cách
mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Để làm được như thế, phải chú ý
phát hiện, xây dựng những điển hình người tốt, việc tốt rất gần gũi trong đời
thường, trong các lĩnh vực lao động sản xuất, trong chiến đấu, trong học
tập…Bởi theo người, từng giọt nước chảy về một hướng mới thành suối, thành
sông, thành biển cả. Không nhận thức
được điều này là “chỉ thấy ngọn mà quên mất gốc”. Người nói: “Người tốt, việc
tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”.
Như vậy, một nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng
trên một cái nền rộng lớn, vững chắc, khi những chuẩn mực đạo đức trở thành
hành vi đạo đức hàng ngày của toàn xã hội.
-
Xây đi đôi với chống
Để xây dựng một nền đạo đức mới, cần phải kết hợp chặt
chẽ giữa xây và chống. Trong đời sống hang ngày, những hiện tượng tôt- xấu,
đúng – sai, cái đạo đức và cái vô đạo đức thường đan xen nhau, đối chọi nhau
thông qua hành vi của những con người khác nhau, thậm chí trong mỗi con người.
Chính vì vậy, việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức rõ ràng không đơn giản.
Xây phải đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây.
Xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng trước hết phải
được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới.
Việc giáo dục đạo đức phải được tiến hành phù hợp với từng giai đoạn cách mạng;
phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, tầng lớp và trong từng môi
trường khác nhau; phải khơi dậy được ý thức đạo đức lành mạnh ở mỗi người. Hồ
Chí Minh đã chỉ ra rằng, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi
con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của
người cách mạng”. Bản thân sự tự giác cũng là một phẩm chất đạo đức cao quý đối
với mỗi người và mối tổ chức, trước hết là Đảng.
Xây phải đi đôi với chống, với việc loại bỏ cái sai,
cái xấu, cái vô đạo đức trong đời sống hàng ngày, Hồ Chí Minh cho rằng, trên
con đường đi tới tiến bộ và cách mạng, đạo đức chỉ mới có thể được xây dựng
thành công trên cơ sở kiên trì mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chống những
thói quen, tập quán lạc hậu và loại trừ chủ nghĩa cá nhân. Đây thực sự là “một
cuộc chiến đấu khổng lồ” giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cách mạng và phản cách
mạng. Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu này, điều quan trọng là phải
phát hiện sớm, phải tuyên truyền, vận động hình thành phong trào quần chúng
rộng rãi đấu tranh cho sự lành mạnh, trong sạch về đạo đức.
-
Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
Một nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ
sở sự tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, phải làm
thế nào đó để mỗi người tự nhận thấy việc trau dồi đạo đức là một việc”sung
sướng, vẻ vang nhất trên đời”. Người nhắc lại luận điểm của Khổng Tử “chính
tâm,…tu thân…” và chỉ rõ: “chính tâm, tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải
trường kỳ gian khổ, vì đó là một cuộc
cách mạng trong chính bản thân của mỗi người. Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh
thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới không
phải là một công việc dễ dàng…dù khó khăn gian khổ, nhưng muốn cải tạo thì nhất
định thành công”.
Đạo đức cách mạng là đạo đức dấn thân, đạo đức trong
hành động vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có trong
hành động, đạo đức cách mạng mới bộc lộ những giá trị của mình. Do vậy, đạo đức
cách mạng đòi hỏi mỗi người phải tự giác rèn luyện thông qua hoạt động thực
tiễn, trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, phải nhìn thẳng vào
mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc, phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện
của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục;
phải kiên trì rèn luyện, tu dưỡng suốt đời như công việc rửa mặt hàng ngày. Hồ
Chí Minh đưa ra một lời khuyên rất dễ hiểu: “Đạo đức cách mạng không phải trên
trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và
củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
2. Sinh
viên học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
a. Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các dân tộc phương Đông
giàu tình cảm, trọng đạo lý, việc tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi con
người có vai trò vô cùng quan trọng. Riêng với thế hệ trẻ, việc tu dưỡng này
còn quan trọng hơn, vì họ là “người chủ tương lai của nước nhà”; là cái cầu nối
giữa các thế hệ - “người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng
thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Chính vì vậy,
việc giáo dục đạo đức và chăm lo cho việc rèn luyện đạo đức của sinh viên đã
được Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Nói chuyện với sinh viên, Người khẳng
định: “thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh
làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không
làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không
có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.
Người chỉ rõ, việc thực hành tốt đạo đức cách mạng
trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân không chỉ có tác dụng tôn vinh, nâng
cao giá trị chính họ mà còn tạo sức mạnh nội sinh, giúp họ vượt qua khó khăn,
thử thách.Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ,
thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…Khi gặp thuận lợi và thành công
cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ,
vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt
hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá”.
Nhấn mạnh vai trò của đạo đức trong đời sống của mỗi
cá nhân trong xã hội, Hồ Chí Minh không phân biệt đạo đức cách mạng và đạo đức
đời thường, đạo đức cán bộ và đạo đức công dân. Người chỉ rõ, trong xã hội mỗi
người có công việc, tài năng và vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm
việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách
mạng đều là người cao thượng.
- Kiên trì tu
dưỡng theo phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh
Cũng như các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân khác, đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên trí thức, Hồ Chí Minh đã sớm
xác định những phẩm chất đạo đức tối cần thiết để họ có phương hướng phấn đấu
rèn luyện. trong bài nói với Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai (7 -5 –
1958), những phẩm chất đó được người tóm tắt trong “sáu cái yêu”:
Yêu tổ quốc: Yêu như thế nào? Yêu thì phải làm sao cho tổ quốc ta
giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giảu mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia
sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Yêu nhân dân:
Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân
dân, biết nhâhn dân còn khổ cực như thế nào, biết chia sẽ những lo lắng, những
buồn vui, những công tác nặng nhọc của nhân dân.
Yêu Chủ nghĩa
xã hội: Yêu tổ quốc, yêu nhân dân
phải gắn liền yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân
dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
Yêu lao động:
Một thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân
dân, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải yêu lao động, vì không có lao động chỉ là
lời nói suông
Yêu khoa học
và kỷ luật: Bởi vì tiến lên chủ nghĩa
xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật.
Theo Người, để có những phẩm chất như vậy, sinh viên
phải rèn luyện cho mình những đức tính như: trung thành, tận tụy, thật thà và
chính trực. Phải xác định rõ nhiệm vụ của mình, “không phải hỏi nước nhà đã cho
mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế
nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn
đấu chừng nào”. Trong học tập, rèn luyện phải kết hợp lý luận với thực hành, học tập với lao động; phải chống mọi biểu
hiện của chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng háo danh, hám lợi. “chống tâm lý ham
sung sướng và tránh khó nhọc. chống thói quên xem thường lao động, nhất là lao
động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. chống cách sinh hoạt ủy mị. chống kiêu
ngạo, giả dối, khoe khoang”. Phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Học để
phục vụ ai? Phải xác định rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu? Ai là bạn, ai là
thù?...Người chỉ rõ: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ
quốc ta đều là bạn. Bất cứ ai làm gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là
kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho
đồng bào là bạn. những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù…Điều
gì phải, thì phải cố làm cho kỳ
được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”
b. Nội dung học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
- Thực trạng
đạo đức lối sống trong sinh viên hiện nay
Đạo đức Hồ Chí minh là đạo đức cách mạng nêu cao chủ
nghĩa tập thể, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên
hạ, vô ngã vị tha, chí công vô tư. Dưới ngọn cờ của tư tưởng đó, trong từng
giai đoạn cách mạng, thế hệ trẻ Việt Nam đã lập được nhiều kỳ tích to lớn, đóng
góp vào tiến trình chung của lịch sử dân tộc.
Đi vào nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, một nền đạo đức mới đã và đang hình thành cùng
với công cuộc đổi mới của Đảng, là nguồn động lực quan trọng của công cuộc phát
triển đất nước. Đó là nền đạo dức vừa phát huy những giá trị truyền thống của
dân tộc, như: yêu nước, thương người, sống nghĩa tình trọn vẹn, cần. kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư với những yêu cầu mới, những nội dung mới do đòi
hỏi của dân tộc và thời đại. nhớ đó, phần lớn sinh viên, thanh niên trí thức
vẫn giữ được lối sống tình nghĩa, trong sạch, lành mạnh; khiêm tốn, luôn cần cù
và sáng tạo trong học tập; sống có bãn lĩnh, có chí lập thân, lập nghiệp, năng
động, nhạy bén, dám đối mặt với những khó khăn, thách thức, dám chịu trách
nhiệm, không ỷ lại, chây lười; luôn gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng dân
tộc, phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường,
hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của
lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý, đã dẫn đến những tiêu
cực trong xã hội ngày càng phổ biến. những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ
nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc
tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời
sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của
sinh viên, thanh niên trí thức. hậu quả là đã có một bộ phận sinh viên phai
nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương
hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp, hút xách; thiếu trung thực,
gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, chạy trường, mua bằng cấp… đây là
những biểu hiện không thể coi thường.
- Học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà đạo đức lỗi lạc mà
còn là một tấm gương đạo đức vô song. Chính điều này đã đem lại cho tư tưởng và
tấm gương đạo đức của Người có một sức sống mãnh liệt và sự cổ vũ lớn lao không
chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn cả với nhân dân thế giới trong cuộc đấu
tranh vì dân chủ và tiến bộ xã hội. để trở thành người có ích cho xã hội, người
chủ tương lai của nước nhà, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên, thanh
niên trí thức nói riêng cần phải học tập
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Dưới đây là một số nội dung, cơ bản:
Một là, học
trung với nước, hiếu với dân, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người Việt Nam đẹp nhất và
là một trong những con người đẹp nhất của thời đại chúng ta.
Ngay từ thưở thiếu thời, Hồ Chí Minh đã lựa chọn một
cách rõ ràng và dứt khoát mục tiêu hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng.
người đã chấp nhận mọi hy sinh, luôn kiên định, dũng cảm và sáng suốt để vượt
qua mọi khó khăn, gian khổ, “thắng không kiêu, bại không nản”, “giàu sang không
thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” nhằm
thực hiện bằng được mục tiêu đó. Người nói: bài học chính trong đời tôi là
tuyệt đối và hoàn toàn cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng và thống
nhất tổ quốc, giải phóng giai cấp công nhân và dân tộc bị áp bức, cho sự thắng
lợi của CNXH, cho sự hợp tác anh em và hòa bình giữa các dân tộc; “một ngày
đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Đến lúc
phải rời thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người là “không được phục
vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”
Tấm gương vì nước, vì dân, suốt đời đấu tranh cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người của Hồ Chí
Minh đã được nhân dân thể giới và bạn bè quốc tế thừa nhận và kính phục. họ đã
dùng những lời đẹp đẽ và trang trọng nhất để ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh :
“nhà cách mạng triệt để”, “nhà hoạt động quốc tế thần thoại”, “một nhân vật nổi
bậc nhất trong thời đại của chúng ta”, “một tấm gương sáng chói, những phẩm
chất cách mạng và nhân dạo cao cả nhất. hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong
những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình,
kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy”, một con người “mà cái chết
là mầm sống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”…
Hai là, học
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị
và đức khiêm tốn phi thường.
Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên phải cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ít lòng ham muốn vật chất, đó là tư cách
người cán bộ cách mạng và tự mình, Người đã gương mẫu thực hiện. suốt đời Người
sống trong sạch, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn vì
nước, vì dân, vì con người không gợn chút riêng tư. Cố thủ tưởng Phạm Văn Đồng
viết: “Hồ Chủ tịch không có cái gì riêng. Cái gì của nước, của dân là của
người. quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hàng ngày của dân là sự lo lắng đêm
ngày của Người. Gia đình của Người là đại gia đình Việt Nam”.
Là lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi khinh mọi
sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng cầu kỳ, suốt đời giữ một
nếp sống thanh bạch, tao nhã, giản dị, khiêm tốn, khắc khổ, cần lao và tranh
đấu để mưu cầu hạnh phúc cho dân. Toàn thể nhân dân Việt Nam vả thế giới đều
biết, bộ kaki bạc màu, đôi dép lốp mòn, cái nhà sàn gỗ đơn sơ của chủ tịch Hồ
Chí Minh… nói về những đức tính vĩ đại của Hồ Chí Minh, X.Agienđê – Vị tổng
thống anh hùng của nước cộng hòa Chilê đã khái quát: “Nếu như muốn tìm một sự
tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô
cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”
Ba là, học
đức tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân và hết lòng
hết sức phục vụ nhân dân; luôn nhân ái, vị tha, khoan dung và nhân hậu với con
người.
Hồ Chí Minh có tình thương yêu bao la đối với con
người. tình thương đó gắn liền với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh và trí tuệ
của nhân dân. Người luôn dạy cán bộ, đảng viên, việc gì có pợi cho dân thì phải
hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh; phải gần dân, hiểu
dân, học dân, kính trọng dân; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Người phê phán
quyết liệt đầu óc “quan cách mạng” và tự mình, Người thường xuyên đi xuống cơ
sở để tìm hiểu, “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người
không quan trọng”. Là người có uy tín rất cao và sức hấp dẫn rất lớn, song
không bao giờ Hồ Chí Minh đặt mình cao hơn nhân dân, chỉ tâm niệm suốt đời là
công bộc của dân, “như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận”.
Với tình thương yêu bao la, Hồ Chí Minh dành cho tất
cả, chia sẻ với mỗi người những nỗi đau riêng. Người nói, trong “mỗi người, mỗi
gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi
người, mỗi gia đình thì thành mỗi đau khổ của tôi”. Cách mạng Tháng Tám thành
công, cũng là lúc Việt Nam vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương
tăng gia sản xuất, mỗi tháng mỗi người nhịn ăn ba bữa cơm để góp gạo cứu đói và
Người cũng đóng góp lon gạo của mình như mọi người dân. Đi thăm trại tù binh
trong chiến dịch biên giới về, Người không còn khoác áo ngoài vì Người đã cho
tên quan ba thầy thuốc người Pháp bị rét cóng.
Lòng nhân ái, khoan dung, nhân hậu của Hồ Chí Minh bắt
nguồn từ đại nghĩa của dân tộc, nên có sức mạnh và sự cảm hóa to lớn trong việc
xây dựng và tái tạo lương tri. Ở Hồ Chí Minh, thương người là một tình cảm lớn.
Cho nên, khi làm cách mạng, Hồ Chí Minh đặt vấn đề tự do và hạnh phúc đi đôi.
Đó chính là biểu hiện chủ nghĩa nhân văn cộng sản, vừa thánh thiện, vừa gần
gũi, đã làm xúc động trái tim nhân loại và Người được suy tôn như “một ông
thánh cộng sản”; “một con người của huyền thoại”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng
cũng có lần bình luận: “Long nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc
nhất, tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chí Minh.
Bốn là, học tấm gương
về ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, quyết tâm vượt qua mọi thủ thách, gian
nguy để dạt được mục đích cuộc sống.
Cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là một chuỗi những
năn tháng vô cùng gian khổ. Hai lần ngồi tù, một lần đã nhận án tử hình, có
giai đoạn hoạt động rất sôi nổi, được đánh giá rất cao, có giai đoạn bị hiể nhầm,
nghi kỵ, không được giao nhiệm vụ…song nhờ ý chí và nghị lực tinh thần to lớn,
Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, kiên cường, chủ động vượt qua mọi thử thách, gian
nguy, kiên trì mục đích cuộc sống, bảo vệ chân lý, giữ vững quan điểm cách mạng
của mình. Người đã làm thơ để tự răn:
“Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao”
Dũng cảm, quyết tâm, bền bỉ, bất khuất là những đặc
trưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Một tờ báo nước ngoiaf đã viết: “đằng sau cái
cốt cách dịu dàng của Cụ Hồ là một ý chí sắt thép. Dưới cái vẻ bề ngoài giản dị
là một tinh thần quật khởi anh hùng không có gị uy hiếp nổi”.
Trong tình hình hiện nay, để phong trào “học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của sinh viên có hiệ quả, đòi hỏi phải
có sự phối kết hợp của nhiều nhân tố; Sự giáo dục và việc tự tu dưỡng, rèn
luyện của sinh viên; sự nêu gương của mọi người trong xã hội, của bố mẹ trong gia đình, của cán bộ , đảng viên, của các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục và
sự hướng dẫn của dư luận xã hội và pháp luật. Nếu coi thường một trong những
nhân tố trên, việc học tập và rèn luyện khó đạt được kết quả như mon muốn.
III. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG
CON NGƯỜI MỚI
1. Quan niệm
của Hồ Chí Minh về con người
a. Con người được nhìn nhận như một chỉnh thể
-
Hồ Chí Minh xem
xét cong người như một chỉnh thể thống nhất về tâm lực, thể lực và các hoạt
động của nó. Con người luôn có xu hướng vươn lên cái Chân, Thiện, Mỹ, mặc dù
“có thế này, thế khác”.
Hồ Chí Minh có cách nhìn nhận, xem xét con người trong
tính đa dạng của nó: đa dạng trong quan hệ xã hội; đa dạng trong tính cách,
khát vọng, phẩm chất, khả năng, cũng như năm ngón tay dài ngắn khác nhau nhưng
đều hợp nhau lại nơi bàn tay; mấy mươi triệu người Việt Nam, có người thế này,
thế khác nhưng đều cùng là nòi giống Lạc Hồng; đa dạng trong hoàn cảnh xuất
thân, điều kiện sống, làm việc.
- Hồ Chí Minh xem xét con người trong sự thống nhất của
hai mặt đối lập: thiện và ác, hay và dở, tốt và xấu, hiền và dữ,…bao gồm cả
tính người – Mặt xã hội và tính bản năng – mạt sinh học của con người. Theo Hồ
Chí Minh, con người có tôt, có xấu, nhưng “dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man
đều có tình”.
b. Con người cụ thể, lịch sử
Hồ Chí Minh cũng dùng khái niệm “con người” theo nghĩa
rộng trong một số trường hợp nhưng đặt trong một bối cảnh cụ thể và một tư duy
chung, còn phần lớn, Người xem xét con người trong các mối quan hệ xã hội, quan
hệ giai cấp, theo giới tính, theo lứa tuổi, nghề nghiệp, trong khối thống nhất
của cộng đồng dân tộc và quan hệ quốc tế. Đó là con người cụ thể, hiện thực, khách
quan.
c. Bản chất con người mang tính xã hội
- Để sinh tồn, con người phải lao động sản xuất. Trong
quá trình lao động, sản xuất, con người dần nhận thức được các hiện tượng, quy
luật của tự nhiên, của xã hội; hiểu về mình và hiểu biết lẫn nhau…, xác lập các
mối quan hệ giữa người với người.
- Con người là sản phẩm của xã hội. Trong quan niệm của
Hồ Chí Minh, con người là sự tổng hợp các quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, chủ
yếu bao gồm các quan hệ: anh, em, họ hàng, bầu bạn, đồng bào, loài người.
2, Quan
điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người và chiến lược “trồng người”
a. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người
- Con người
là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng
Theo Hồ Chí Minh, “trong bầu trời không có gì quý bằng
nhân dân, trong thế giới không có gì quý bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Vì vây, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa,
đều thế cả”. Người cho rằng; “việc đễ mấy, không có nhân dân cũng chịu, việc
khó mấy có dân liệu cũng xong”. Nhân dân là người sáng tạo ra mọi giá trị vật
chất và tinh thần. Hồ Chí Minh tổng kết ngắn gọn: dân ta tốt lắm. Người phân
tích phẩm chất tốt đẹp của dân từ lòng trung thành và tin tưởng vào cách mạng,
vào Đảng, không sợ gian khổ, tù đày, hy sinh, đến việc dân nhường cơm, sẻ áo,
chở che, đùm bọc, bảo vệ, nuôi nấng bộ đội và cán bộ cách mạng.
Dân ta là tài năng, trí tuệ và sáng tạo, họ biết “giải
quyết mọi vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi,
những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Đặc biệt là lòng sốt sắng, hăng hái
của dân để thực hiện con đường cách mạng. Hồ Chí Minh có niềm tin vững chắc
rằng với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu
nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể
thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi.
Nhân dân là yếu tố quyết định thành công của cách
mạng. “lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to
lớn, không ai thắng nổi”.
-
Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách
mạng; phải coi trọng, chăm sóc, phát huy nhân tố con người
Vì sống gần dân, với dan, giữa lòng dân, hiểu rõ dân
tình, dân tâm, dân ý. Hồ Chí Minh thấy rõ yêu cầu giải phóng dân tộc, giải
phóng con người, giải phóng xã hội. Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực
của cách mạng. Năm 1911, giữa lúc đất nước đang bị xâm lược, nhân dân phải chịu
cảnh lầm than, Người ra đi với ý chí” quyết giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng
bào”. Người xác định rõ trách nhiệm của Người cũng là của Đảng và chính phủ là
“làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng
bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Ở Hồ Chí Minh, có sự cảm nhận, thông cảm sâu sắc với
thân phận những người cùng khổ và nô lệ lầm than. Nhưng không phải là sự cảm
thông kiểu tôn giáo; ngược lại, Người có niềm tin vững chắc vào trí tuệ, bản
lĩnh của con người, ở khả năng tự giải phóng của chính bản thân con người.
người làm hết sức để xây dựng, rèn luyện con người và quyết tâm đấu tranh để
đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho con người. Người xác định con người là
mục tiêu trong điều kiện cụ thể của từng giai đoạn cách mạng. Khi đất nước còn
nô lệ, lầm than thì mục tiêu trước hết, trên hết là giai rphongs dân tộc, giành
độc lập dân tộc. Sau khi chính quyền đã về tay nhân dân, thì mục tiêu ăn, mặc,
ở, đi lại, học hành, chữa bệnh lại được ưu iên hơn, bởi vì, “nếu nước độc lập
mà dân không hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Vì vậy,
chúng ta phải thực hiện ngay: làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho
dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành. Đến Di
chúc, Người viết: “đầu tiên là công việc đối với con người”.
Con người là mục tiêu của cách mạng nên mọi chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của
con người. Có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và
lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân. Với hoạt động thực tiễn thì
việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy – ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, dù
nhỏ mấy – ta hết sức tránh.
Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại
và năng lực sáng tạo của quần chúng.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh nhận
rõ: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”,
“có dân thì có tất cả”.
Niềm tin vào sức mạnh của dân còn được nhận thức từ
mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nếu không
có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng; nếu không có chính phủ thì nhân
dân không có ai dẫn đường. Đảng lãnh đạo, nhưng nhân dân là chủ. Dân như nước,
bộ đội như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Tin dân, học dân, tôn
trọng dân, dựa vào dân sẽ tạo nên sức mạnh vô địch. Bởi vì, sự nghiệp cách mạng
giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện được
với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu quần chúng nhân dân.
Hồ Chí Minh tin ở dân còn xuất phát từ niềm tin vào
tình người. Đã là nười cộng sản thì phải tin nhân dân và niềm tin quần chúng sẽ
tạo nên sức mạnh cho người cộng sản. Người nói: dân tộc ta là một dân tộc anh
hùng.
Trong khi giữ vững niềm tin vào dân thì phải chống các
bệnh: xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ
nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương
nhân dân. Không yêu thương và tin tưởng nhân dân là nguyên nhân của căn
bệnh nguy hiểm – bệnh quan liêu, mẹnh lệnh. Bệnh này sẽ dẫn đến kết quả là
“hỏng việc”.
Con người là động lực của cách mạng được nhìn nhận
trên phạm vi cả nước, toàn thể đồng bào, song trước hết là ở giai cấp công nhân
và nông dân. Điều này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và
xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà nước mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh lấy công –
nông – trí làm nèn tảng. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười phải nhìn nhận
và đánh giá đúng giai cấp đứng ở trung tâm thời đại mới, đó là giai cấp công
nhân. Chỉ có giai cấp công nhân với những đặc điểm chung và riêng mới lãnh đạo
được dân tộc đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Muốn vậy, giai cấp công nhân chỉ có
liên minh với giai cấp nông dân và gắn bó với dân tộc mới trở thành lực lượng
hùng mạnh.
Không phải mọi con người đều trở thành động lực, mà
phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản
lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền truyền thống lịch sử và văn
hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh thần là động
lực cơ bản trong động lực con người.
Con người là động lực chỉ có
thể thực hiện được khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo.
Vì vậy, cần có sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản.
Giữa con người – mục tiêu và cong người – động lực,
càng chăm lo cho con người - mục tiêu tốt bao nhiêu, thì sẽ tạo thành con người
– động lực tốt bấy nhiên và ngược lại.
Phải kiên quyết khắc phục kịp thời các phản động lưc trong con người và tổ
chức. Đó là chủ nghĩa cá nhân, thứ vi trùng rất độc này đẻ ra hàng trăm thứ
bệnh: thói quen truyền thống lạc hậu, tàn tích xã hội cũ, bảo thủ, rụt rè,
không dám nói, không dám làm, không dám đề ra ý kiến, tóm lại không dám đổi mới
và sáng tạo.
b. Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược” trồng người”
-
“Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa
lâu dài của cách mạng
Trên cơ sở khẳng định con người vừa là mục tiêu váu là
động lục. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo, rèn luyện
con người. Người nói đến “lợi ích mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” và
mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là những quan điểm mang tầm vóc chiến
lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng rất cấp bách. Nó liên quan đến nhiệm vụ”trước hết cần có những con người
xã hội chủ nghĩa” và “trồng người”. Tất cả những điều này phản ánh tư tưởng lớn
về tầm quan trọng có tính quyết định của nhân tố con người, tất cả vì con
người, do con người.
Như vậy, con người phải được dặt vào vị trí trung tâm
của sự phát triển. Nó vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục và đào tạo theo
nghĩa hẹp.
-
“Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ
nghĩa”
+ Con người xã hội chủ nghĩa đương nhiên phải do chủ
nghĩa xã hội tạo ra. Nhưng ở đây trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội thì
“trước hết cần có những con người xã hội
chủ nghĩa”. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây
dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội
chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Công việc này là một quá trình lâu dài,
không ngừng hoàn thiện, nâng cao và thuộc về trách nhiệm của Đảng, Nhà nước,
gia đình, cá nhân mỗi người.
+ Mỗi bước xây dựng những con người như vậy là nấc
thang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa “xây dựn
chủ nghĩa xã hội” và “con người xã hội chủ nghĩa”.
+ Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội
chủ nghĩa có hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống
(Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình
thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đạo đức xã hội
chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên
nhiên,…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng.
- Chiến lược
“trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội.
Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều
biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì,
giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên.
Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên.
Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện về cả
đức, trí, thể, mỹ, phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống
xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. hai mặt đức, tài thống nhất với nhau, không tách
rời nhau, trong đó đức là gốc, là nền tảng cho tài năng phát triển. Phải kết
hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm… Có như vậy mới có thể
“học để làm người”.
“Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng
vội “một sớm một chiều”, không phải làm một lúc là xong, cũng không phải tùy
tiện, đến đâu hay đến đó. Nhận thức và giải quyết vấn đề này có ý nghĩa thường
trực, bền bỉ trong suốt cuộc đời mỗi con người, trong suốt thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc học không bao giờ cùng, còn sống
còn phải học”.
KẾT LUẬN
Hồ Chí Minh được cả thế giới tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất, không chỉ vì
Người đã sáng tạo ra một thời đại mới và một nền văn hóa mới ở Việt Nam, mà còn
là vì những đóng góp mới của Người vào lý luận và sự phát triển chung của văn
hóa nhân loại.
Trong lĩnh
vực văn hóa, Hồ Chí Minh đã sớm nhận
thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát
triển của đất nước.
Ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã đề
nghị Chính phủ bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng một nền văn hóa mới ở Việt
Nam bằng việc phát động phong trào bình dân học vụ, diệt giặc dốt, nâng cao dân trí và xây dựng đời sống mới, xây dựng và phát triển thuần phong mỹ tục… đưa những giá trị văn hóa đi sâu vào
quần chúng, coi nó như một sức mạnh vật chất, một động lực, một mục tiêu, một
hệ điều tiết xã hội trong quá trình phát triển. Đây là một quan điểm hoàn toàn
mới mẻ, điều mà mãi đến những năm 80 của thể kỷ XX, UNESCO mới tổng kết và coi
đó như một quy luật phát triển của xã hội.
Phát triển quan điểm của C.Mác: văn hóa không thể đứng
ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị, Hồ Chí Minh bổ sung thêm: văn hóa
cũng là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Bàn về chức
năng của văn hóa, Người cho rằng: “văn
hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (chức năng nâng cao nhận thức, mở rộng
hiểu biết); “văn hóa phải làm cho ai
cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do” (chức năng bồi dưỡng tinh thần vì
nước quên mình); “văn hóa phải sửa đổi
được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ” (xây dựng và hoàn thiện đạo
đức con người)… Hầu hết những luận điểm có tính chân lý này, Hồ Chí Minh đều
đưa ra trong thời kỳ 1945 – 1946, khi
Người bắt tay vào việc xây dựng một nền văn hóa mới ở Việt Nam. Thực tiễn chứng
minh rằng những luận điểm đó không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn có ý
nghĩa quốc tế rất sâu sắc. Đánh giá cao tư tưởng và những đóng góp của Hồ Chí
Minh, Nghị quyết tôn vinh Người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn
hóa thế giới của UNESCO có đoạn: “Những tư tưởng của Người là hiện thân của
những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình
và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”1.
Trong lĩnh
vực đạo đức, Hồ Chí Minh đã có những
đóng góp rất đặc sắc vào tư tưởng đạo đức học mácxít. Những đóng góp đó đã nâng
Người lên vị trí một nhà đạo đức học lỗi lạc, được thế giới thừa nhận.
Do nhiều nguyên nhân, C.Mac, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin
nói nhiều về đạo đức, song chưa có điều kiện bàn nhiều về vai trò của đạo đức
trong đời sống xã hội. Hồ Chí Minh đã phát triển, hoàn thiện tư tưởng, đạo đức
học mácxít về vai trò và sức mạnh của đạo đức, về những chuẩn mực đạo đức cơ
bản và những nguyên tắc xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp với Việt Nam. Nhờ
đó, đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới có giá
trị lý luận và thực tiễn rất quan trọng.
Về mặt lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con
người mới với nội dung sâu sắc và mới mẻ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự
nghiệp giáo dục và đào tạo con người Việt Nam. Trên cơ sở quán triệt quan điểm
giáo dục đạo lý để làm người, coi con người là vốn quý nhất,
chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, con người vửa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta, con người vửa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn của cải
vật chất và văn hóa, ngày càng được quan tâm chăm sóc, phát triển cao về trí
tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, là
động lực của chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội là một chế độ ưu việt nhưng phải hiểu
sự ưu việt trên hai mặt gắn bó với nhau: Một
là, nó là kết quả của những nỗ lực vượt bậc và bền bỉ của toàn dân ta, với
những con người phát triển cả về trí lực và khả năng lao động, về tính tích cực
chính trị - xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng. Hai là, đó là xã hội do những con người mới làm chủ, một xã hội
không phải do con người mà còn vì con người.
Về mặt thực
tiễn, sự phát triển con người đã trở
thành tiêu chí ngày càng quan trọng trong việc xếp hạng các nước trên thế giới.
Năm 1990, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra chỉ dẫn
nhằm đánh giá tiến bộ kinh tế và xã hội của một nước, không chỉ ở tổng sản phẩm
quốc dân như trước đây, mà dựa trên cơ sở của ba chỉ tiêu cơ bản: thu nhập, trình độ giáo dục và tuổi thọ.
Hướng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người Việt Nam
là không ngừng gia tăng tính tự giác, năng động, tự chủ, phát huy sức mạnh bên
trong của mỗi cá nhân, chú trọng xây dựng những mặt thuộc hạ tầng của đời sống xã hội như: giáo dục, y tế, phúc lợi công
cộng, kết hợp với sức mạnh của cả cộng đồng, xây dựng nền tảng tinh thần vững
chắc của chế độ mới.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta nhấn mạnh
việc chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế
độ ta. Trong mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”, Đảng ta phấn đấu làm cho nhân dân có cuộc sống no đủ, có nhà ở tương đối
tốt, có điều kiện thuận lợi về đi lại, học hành, chữa bệnh, có mức hưởng thụ
văn hóa khá; quan hệ xã hội lành mạnh, lối sống văn minh, gia đình hạnh phúc.
Xét đến cùng, đó là tư tưởng phấn đấu cho độc lập, tự
do, hạnh phúc của con người, của dân tộc và nhân loại. Nói cách khác, tất cả vì
con người, do con người.
Hồ Chí Minh thường nói đến “văn minh thắng bạo tàn”.
Văn minh ở đây được hiểu là trình độ phát triển đời sống tinh thần và trình độ
phát triển của khoa học – kỹ thuật. Xã hội văn minh là xã hội có những con
người nhân văn, tức là những con người phát triển cả đức, trí, thể, mỹ; lý
tưởng và tình cảm; nhân ái và khoan dung. Xã hội mới không chấp nhận con người
phát triển một chiều, phiến diện, què quặt. Muốn con người trở thành vừa là
động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng thì phải phát huy vai trò của
giáo dục và đào tạo. Bởi vì, giáo dục bao gồm gia đình – nhà trường – xã hội,
góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. “Trồng
người” là nhằm phát triển toàn diện con người, nâng cao trình độ “người”, hướng
con người tới Chân – Thiện – Mỹ.
Tư tưởng về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới
là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ lâu, tư
tưởng đó đã trở thành một bộ phận của nền văn hóa dân tộc và là ngọn đèn pha
soi đường cho công cuộc xây dựng một nền văn hóa và đạo đức mới ở Việt Nam.
Nghiên cứu và học tập tư tưởng văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như noi theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là vấn đề nhận thức, mà còn
là trách nhiệm chính trị của cả dân tộc, nhằm xây dựng Việt Nam thành một quốc
gia văn minh trong thời kỳ hội nhập.
% Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét