Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

ĐẠI HÔI ĐẢNG CSVN QUA CÁC THỜI KỲ

12 KỲ ĐẠI HỘI CỦA ĐẢNG
---------------
Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930
(ĐCSVN) - Cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay thực thi các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. 
Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo...Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. 

Trong bối cảnh đó, tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Người từng bước truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lê nin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác; đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản. 
Tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở số nhà 5D, Hàm Long, Hà Nội, gồm có Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Tuân và Dương Hạc Đính. 
Ngày 1-5-1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị dó không được chấp nhận, trở về nước, ngày 17-6-1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long đã tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929 An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9-1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. 
Chỉ trong một thời gian ngắn ở Việt Nam đã có ba tổ chức cộng sản được tuyên bố thành lập. Điều đó phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Song sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng là cần có một Đảng thống nhất lãnh đạo. Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người duy nhất có đủ năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử: thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. 
Từ ngày 3 đến 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu DDCSD); Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm (đại biểu (ANCSĐ). Đại biểu ĐDCSLĐ không đến kịp. Hội nghị nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử như là Đại hội thành lập Đảng. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm cuả sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. 
Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. 
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta./. 

ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT

Thời gian: từ 27 đến 31-3-1935 
Địa điểm: Nhà số 2 Quan Công Lộ, Ma Cao, Trung Quốc 
Số lượng đảng viên trong cả nước: 600 
Số lượng tham dự Đại hội: 13 đại biểu 
Tổng bí thư do Đại hội bầu: đồng chí Lê Hồng Phong 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội gồm 13 đồng chí 
Nhiệm vụ chính: Củng cố hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến nước ngoài.
Từ ngày 27-31 - 3- 1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Ma Cao (Trung quốc). 
Có 13 đại biểu của các đảng bộ trong nước và ngoài nước, kể cả Lào và Thái Lan. Đồng chí Nguyễn ái Quốc làm đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Tháng 7- 1936 đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Thượng hải (Trung Quốc). 
Ngày 29 và 30-3-1938 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập (Tổng bí thư giai đoạn 1936-1938). 
Tháng 5 -1941, Nguyễn ái Quốc chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pắc Bó (Cao Bằng) đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh và Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chọn cờ đỏ sao vàng năm cánh làm Quốc kỳ. 
Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đọc Tuyên ngôn độc lập. 
19-12-1946 cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá I đã họp 6 lần và một số Hội nghị cán bộ toàn quốc để quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và Cách mạng nước ta; trong đó có vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất, phát động tổng khởi nghĩa, tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. 

ĐẠI HỘI LẦN THỨ II

Thời gian: Từ 11 đến 19-2-1951 
Địa điểm: Xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang 
Số lượng đảng viên trong cả nước:766.349 
Số lượng tham dự Đại hội: 158 đại biểu 
Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh 
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Trường Chinh 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại đại hội gồm 29 uỷ viên và Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội gồm 7 uỷ viên. 
Nhiệm vụ chính: Đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. 
Sau 15 năm, 8 tháng kể từ Đại hội Đảng lần thứ nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hoá, Tuyên Quang. 
Có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.000 đảng viên. Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Thái Lan. 
Từ năm1930 đến nay, Đảng Cộng sản Đông Dương là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng của cả ba nước Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia. Đến nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước có những thay đổi khác nhau. Mỗi nước cần và có thể thành lập một chính đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội quyết định tổ chức Đảng Lao Động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai. 
Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết. Bộ Chính trị của Trung ương Đảng gồm có 7 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết. Chủ tịch Đảng là Hồ Chí Minh. Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là Trường Chinh. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương được bầu hợp thức trong một Đại hội đại biểu toàn quốc. 
Sau chiến thắng Điện Biên phủ vĩ đại (7-1954), Hiệp định về lập lại hoà bình ở Đông Dương đã được ký kết tại Hội nghị Giơ ne vơ. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng 
Đến trước Đại hội Đảng lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp 18 lần để quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta; trong đó có vấn đề phát động giảm tô-cải cách ruộng đất, sửa sai cải cách tượng đất, cải tạo XHCN ở miền Bắc, xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù chính, cách mạng ở Miền nam và cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước... 

ĐẠI HỘI LẦN THỨ III

Thời gian: Từ 5 đến 10-9-1960
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đảng viên trong cả nước: 500.000
Số lượng tham dự Đại hội: 525 đại biểu
Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bí thư Thứ nhất được bầu tại Đại hội: Đồng chí Lê Duẩn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 47 uỷ viên.
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 11 uỷ viên
Nhiệm vụ chính: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 12-9-1960.
Có 525 đại biểu chính thức, 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên cả nước. Trong số đó 50% là đảng viên tham gia cách mạng từ khi Đảng còn hoạt động bí mật. Gần 20 đoàn đại biểu quốc tế đến dự Đại hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 47 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức và hai uỷ viên dự khuyết. Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 Hồ Chí Minh qua đời, Người để lại một bản Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân.
Tháng 5 năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối.
Ngày 25-4-1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá VI thành công. Quốc hội long trọng tuyên bố hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt nhà nước và quyết định lấy tên nước là Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã họp 25 lần để quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có vấn đề nhiệm vụ quốc tế của đảng ta bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác Lênin, các kế hoạch 3 năm và 5 năm để xây dựng cơ sở vật chất của CNXH ở miền Bắc, Tổng tiến công và chiến thắng đế quốc Mỹ ở miền Nam. 

ĐẠI HỘI IV

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976. 1008 đại biểu thay mặt hơn 1.550.000 đảng viên trong cả nước dự Đại hội. Trong số đại biểu đó có 214 đại biểu vào Đảng trước Cách mạng tháng Tám 1945, 200 đại biểu đã từng bị đế quốc giam cầm, 39 đại biểu là anh hùng các lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 142 đại biểu là nữ, 98 đại biểu đại diện các dân tộc thiểu số… Đến dự Đại hội còn có 29 đoàn đại biểu các Đảng cộng sản, Đảng công nhân, phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức quốc tế. 
Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước ta bắt đầu một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hoà bình thống nhất độc lập và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình thống nhất đất nước diễn ra hết sức khẩn trương, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.
Về mặt nhà nước, nhân dân cả nước đã tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội đã ra những quyết định lịch sử về quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, xác lập hệ thống bộ máy nhà nước. Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, các Phó Cchủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thông qua danh sách Hội đồng quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và thành lập Uỷ ban của Quốc hội. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên cả hai miền đất nước nhanh chóng tiến hành đại hội hợp nhất và đi vào hoạt động. 
Đại hội nghe Diễn văn khai mạc của đồng chí Tôn Đức Thắng; Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Lê Duẩn trình bày; Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng do đồng chí Lê Đức Thọ trình bày, tham luận của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn… và lời chào mừng các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế. 

ĐẠI HỘI V

Thời gian: từ 27 đến 31-3-1982
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng Đảng viên trong cả nước: 1.727.000
Số lượng tham dự Đại hội: 1.033 đại biểu
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Lê Duẩn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 116 uỷ viên
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 13 uỷ viên
Nhiệm vụ chính: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1982, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1033 đại biểu, thay mặt cho hơn 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Dự Đại hội có 14 đại biểu đã từng tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng; hơn 40% đại biểu đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế; 102 đại biểu hoạt động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; 118 đại biểu đại diện cho 27 tộc ngưòi ở tuyến đầu biên giới phái Bắc và phía Tây Nam; 79 đại biểu là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua; 1/3 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học, 26 tiến sĩ và phó tiến sĩ, 14 giáo sư, phó giáo sư và nhiều đại biểu hoạt động trong các lĩnh vực văn học- nghệ thuật. Đến dự đại hội có 47 đoàn đại biểu quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có 116 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Lê Duẩn.
Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt. Đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ trần ngày 10-7-1986.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá V đã họp 11 lần để quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có vấn đề tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ chế quản lý mới trong phân phối lưu thông, thị trường, giá, lương, tiền. Khẳng định rứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN. Đây là quyết tâm chiến lược lớn của Đảng ta trong giai đoạn này.

ĐẠI HỘI VI

Thời gian: Từ 15 đến 18-12-1986
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội
Số lượng đảng viên trong cả nước: 2.109.613
Số lượng tham dự Đại hội: 1129 đại biểu
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Nguyễn Văn Linh
Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Đại hội: 124 uỷ viên
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 13 uỷ viên
Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới đất nước (khởi xướng đưa đất nước tiến hành công cuộc đổi mới)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp từ ngày 15 đến 18-12-1986, tại Thủ đô Hà Nội.
Dự Đại hội có 1.129 đại biểu, thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong cả nước, trong số đó có 925 đại biểu của 40 tỉnh, thành, đặc khu; 172 đại biểu các đảng bộ trực thuộc Trung ương; 153 đại biểu nữ; 115 đại biểu các dân tộc thiểu số;50 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động; 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất;...Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 124 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và một uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VI là Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã họp 12 lần để bàn và quyết định các vấn đề trọng đại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó chủ yếu là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý kinh tế sang kinh doanh XHCN; đổi mới quản lý Nhà nước, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác quần chúng của Đảng.

ĐẠI HỘI VII
Thời gian: từ 24 đến 27-6-1991 
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội 
Số lượng đảng viên trong cả nước: 2.155.022 
Số lượng tham dự Đại hội: 1.176 đại biểu
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Đỗ Mười
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 146 uỷ viên Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 13 uỷ viên 
Nhiệm vụ chính: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới 
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, họp từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại Hội trường ba Đình, Thủ đô Hà Nội. 
Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có hơn 30 đoàn đại biểu quốc tế tham dự đại hội. 
Đại hội VII là Đại hội của trí tuệ-đổi mới, dân chủ-kỷ cương-đoàn kết; là Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 146 uỷ viên. Bộ Chính trị gồm có 13 uỷ viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khoá VII) bầu bổ sung 4 uỷ viên Bộ Chính trị. 
Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của Đảng đã họp từ ngày 20 đến 25-1-1994, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Hội nghị bầu bổ sung 20 uỷ viên Trung ương để thay thế các đồng chí vì lý do sức khoẻ tự nguyện rút lui và các đồng chí bị kỷ luật. 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã họp 9 lần để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có vấn đề thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH đất nước; cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và các định hướng lớn về công tác tư tưởng và lý luận. 

ĐẠI HỘI VIII
Thời gian: từ 28-6 đến 1-7-1996.
Địa điểm: Thủ đô Hà Nội.
Số lượng Đảng viên trong cả nước: 2.130.000.
Số lượng tham dự Đại hội: 1198 đại biểu.
Tổng Bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Đỗ Mười.
Ban Chấp hành Trung ương: 170 uỷ viên.
Bộ Chính trị: 19 uỷ viên.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khoá VIII, tháng 12-1997) bầu đồng chí Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã họp nội bộ từ ngày 22 đến 26-6-1996 và họp công khai từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tại Hà Nội.
Dự Đại hội có 1.198 đại biểu thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên cùng các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí đại diện lão thành cách mạng, đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng toàn dân. Dự Đại hội còn có gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đại diện các đảng anh em và bầu bạn trên thế giới.
Đại hội VIII đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII gồm có 170 uỷ viên chính thức. Bộ Chính trị gồm 19 uỷ viên. Tổng Bí thư là đồng chí Đỗ Mười. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công được giao nhiệm vụ Cố vấn cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đến tháng 11 năm 1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã họp 8 lần để quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước: Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; về Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh và chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước; về xây dựng và chỉnh đốn đảng. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã chấp nhận đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư; các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được kết thúc nhiệm vụ Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt rút khỏi Bộ Chính trị, và được suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Đại hội đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu, giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu bổ sung bốn uỷ viên Trung ương Đảng vào Bộ Chính trị.

ĐẠI HỘI IX
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 19 đến 22 tháng 4 năm 2001, với sự tham gia của 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng. 
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Nông Đức Mạnh
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 150  uỷ viên
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 15 uỷ viên
Nhiệm vụ chính: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dự Đại hội có 1.168 đại biểu, thay mặt cho hơn 2 triệu đảng viên trong cả nước. Có 34 đoàn đại biểu quốc tế tham dự đại hội.
Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đại hội "Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới”, là Đại hội có ý nghĩa lịch sử trọng đại, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc Việt Nam vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội đánh dấu chặng đường 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 1991-2000, là Đại hội đầu tiên của Đảng trong thế kỷ XXI.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 150 uỷ viên. Bộ Chính trị gồm có 15 uỷ viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã họp 14 lần để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có vấn đề tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2005 và đến 2010; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII về công tác tổ chức cán bộ; Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010; Về đổi mới và nâng cao hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn; Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

ĐẠI HỘI X
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững - họp từ ngày 18-4-2006 đến ngày 25-4-2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Trong đó có 144 đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, 1023 đại biểu được bầu cử từ đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 9 đại biểu của Đảng bộ ngoài nước do Trung ương chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.
Tổng bí thư được bầu tại Đại hội: Đồng chí Nông Đức Mạnh
Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại Đại hội: 160 uỷ viên chính thức, 21 ủy viên dự khuyết.
Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội: 14 uỷ viên.
Nhiệm vụ chính: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Dự Đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho 3,1 triệu đảng viên trong cả nước.
Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững. Đại hội diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 160 uỷ viên chính thức, 21 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm có 14 uỷ viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã họp 15 lần để bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới; Về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí của bộ máy nhà nước; Về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…

ĐẠI HỘI XI
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 đến 19/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 12 đến 19/1/2011, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Tổng số đại biểu tham dự Đại hội XI là 1377 đại biểu, thay mặt cho hơn 3,6 triệu đảng viên trong cả nước, trong đó có: 158 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, 1.188 đại biểu được bầu tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, 11 đại biểu ở Đảng bộ ngoài nước do Bộ Chính trị chỉ định.
Trong 1377 đại biểu có 150 đại biểu là nữ, chiếm 10,89%; 167 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 12,13%; 196 đại biểu là sĩ quan trong lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an), chiếm 14,23%; 13 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, chiếm 0,94% và 3 đại biểu là Anh hùng lao động, chiếm 0,22%; 18 đại biểu là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, chiếm 1,31%, 7 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú, chiếm 0,51%.
Dự Đại hội còn có các đại biểu khách mời: đồng chí Ðỗ Mười và đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Ðức Anh và đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Bí thư Trung ương Ðảng; nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa II, III, IV, V; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cùng các đại biểu nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Diễn văn nhấn mạnh: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua 25 năm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện 20 năm. 5 năm qua (2006 - 2010), toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập, tự chủ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới”.

ĐẠI HỘI XII
1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016. Trong đó, đại hội họp trù bị sáng ngày 20 và khai mạc chính thức vào 8 giờ sáng 21/1, tức 12/12 năm Ất Mùi tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, số 1, đại lộ Thăng Long, Hà Nội - trung tâm hội nghị quốc gia lớn nhất của nước ta hiện nay. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại nhất của Đảng, dân tộc và đất nước ta trong năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được Đại hội bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
2. Trước và trong thời gian diễn ra Đại hội XII, Đảng ta đã nhận được hơn 242 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục trên thế giới. Đây là Đại hội Đảng toàn quốc nhận được điện, thư chúc mừng nhiều nhất so với các kỳ Đại hội truớc, thể hiện tình cảm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đảng, Nhà nuớc và nhân dân ta; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta trên trường quốc tế.
3. Chủ đề của Đại hội XII được xác định là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chủ đề của Đại hội XII thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, quyết tâm phấn đấu của cả nước và toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
4. Về dự Đại hội XII của Đảng có 1.510 đại biểu và tổ chức thành 68 đoàn, trong đó có 197 đại biểu đương nhiên, 1.300 đại biểu bầu cử và 13 đại biểu được chỉ định, tăng 133 đại biểu so với Đại hội XI của Đảng. Đây là Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất trong 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong số các đại biểu về dự Đại hội, có 2 đại biểu trên 70 tuổi và 2 đại biểu dưới 30 tuổi; đại biểu cao tuổi nhất là đồng chí Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (74 tuổi). Đại biểu trẻ tuổi nhất là đồng chí Vàng Thị Lun, Huyện uỷ viên, Bí thư Huyện đoàn Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (27 tuổi); có 194 đại biểu là nữ; 174 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, có 502 đại biểu đã dự 3 Đại hội Đảng toàn quốc trở lên, trong đó có 1 đại biểu nữ tham dự 8 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc là đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khóa XI; ít nhất có 15 gia đình cả bố con hoặc anh em ruột là đại biểu chính thức của Đại hội.
5. Đây là Đại hội mà trình độ học vấn cũng như chất lượng của đại biểu cao nhất qua 12 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong 1.510 đại biểu dự đại hội: có 1.509 đại biểu trình độ đại học và trên đại học, trong đó 55 giáo sư và phó giáo sư, 752 tiến sĩ và thạc sĩ; 1.501 đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân (99,4%); 569 đại biểu đã được nhận huy hiệu 30 năm và 40 năm tuổi Đảng; 10 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 20 đại biểu là Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú; 15 đại biểu là Thầy thuốc nhân dân và Thầy thuốc ưu tú; 1.000 đại biểu đã được Đảng, Nhà nước khen thưởng huân chương các loại.
6. Với phương châm chỉ đạo của đại hội là: “Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới”, Đại hội đã thực sự phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và tạo được sự thống nhất cao với các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội, gồm: Báo cáo Chính trị; Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, tại Đại hội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các văn kiện và sôi nổi thảo luận với 686 lượt đồng chí phát biểu tại đoàn; 34 đồng chí phát biểu tham luận tại Hội trường trong tổng số 54 tham luận của các đại biểu đăng ký, gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội. Trong đó có một số bài tham luận được đại biểu đánh giá cao là bài phát biểu của các đồng chí: Bùi Quang Vinh, Đinh La Thăng, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Thị Hoàng...
7. Để chuẩn bị phương án nhân sự Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đây là Đại hội đầu tiên Đảng ta triển khai thực hiện đề án: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”. Trên cơ sở đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, thận trọng và thực sự phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tạo được sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và của các đại biểu đại hội.
8. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, trí tuệ và đổi mới, Đại hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về công tác nhân sự, việc ứng cử, đề cử ở các Đoàn và trên hội trường. Đại hội thảo luận dân chủ và bỏ phiếu kín đối với những trường hợp xin rút khỏi danh sách bầu cử với sự thống nhất cao trước khi chốt danh sách bầu cử. Đại hội chỉ bầu một lần đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương khoá XII gồm 200 đồng chí với số phiếu tập trung cao (đồng chí trúng cử có số phiếu thấp nhất cũng hơn 62%), trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Đây cũng là nhiệm kỳ Đại hội bầu số lượng ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều nhất từ trước đến nay, tăng 5 đồng chí so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Trong số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII có 52% tái cử; 10% nữ; 8,5% là người dân tộc thiểu số; 21% dưới 50 tuổi và tuổi bình quân chung của Ban Chấp hành Trung ương là 53 tuổi.
9. Ngày 27/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hội trường Trung ương Đảng, số 1, đại lộ Hùng Vương, Hà Nội. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 3 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Điểm mới là lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất (đồng chí Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và tái cử chức Tổng Bí thư của Đảng nhiệm kỳ khoá XII với số phiếu tập trung rất cao (đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa và tham gia Bộ Chính trị 4 khóa). Đồng chí Trần Quốc Vượng được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong số các ủy viên Bộ Chính trị khóa XII có 12 đồng chí mới, 3 đồng chí nữ, 1 đồng chí là người dân tộc thiểu số và 1 đồng chí dưới 50 tuổi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét