Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

CÁC CƯƠNG LĨNH CỦA ĐẢNG CSVN

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề 4 Cương lĩnh chính trị. Mỗi Cương lĩnh đáp ứng đòi hỏi một thời kỳ lịch sử nhất định và đều có vai trò trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc ta.
1. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đó là “Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt”. Hai văn kiện này được Hội nghị thành lập Đảng, ngày 3/2/1930 thông qua. Sau đó, Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ Nhất họp tại Hương Cảng kế thừa hình thành “Luận cương chính trị của Đảng” (vào tháng 10/1930).
Thực hiện Cương lĩnh năm 1930 của Đảng nhân dân ta đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra thời đại mới cho dân tộc ta. Những tư tưởng tiên tiến của thời đại, đặc biệt là tư tưởng về độc lập dân tộc và quyền con người đã được thể hiện sâu sắc trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố vào ngày 2/9/1945. Có thể nói: Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam là bản Tuyên ngôn “kép”: Tuyên ngôn về quyền dân tộc tự quyết và Tuyên ngôn về quyền con người của dân tộc Việt Nam.
2. Cương lĩnh thứ hai của Đảng ta (Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam) được đề ra tại Đại hội II, năm 1951. Chính cương này không chỉ đề cập tới các nhiệm vụ quân sự, chống thực dân xâm lược mà còn đề cập tới nhiều nội dung về chế độ xã hội theo tinh thần tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ xã hội và nhà nước của nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Thực hiện Chính cương Đại hội II, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiếp theo đó, thực hiện đường lối của Đại hội III năm 1960 của Đảng, nhân dân ta đã đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh bị đế quốc Mỹ bao vây cấm vận, cùng với những hạn chế về tư duy lý luận, Đảng ta đã phạm phải những sai lầm nhất định về đường lối xây dựng đất nước sau khi miền Nam được giải phóng. Những sai lầm này đã được Đại hội VI công khai không chỉ trong Đảng mà còn đối với cả xã hội. Đảng ta thừa nhận: “Đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế”. 
Đảng ta đã nhấn mạnh: “Chưa nhận thức đủ rằng thời kỳ quá độ lên CNXH là một quá trình lịch sử tương đối dài… do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết… nóng vội, muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN…”, cơ chế “tập trung quan liêu bao cấp” ra đời trong mô hình cũ của CNXH đã hạn chế tính tích cực của người lao động. Tuy nhiên đứng trước cuộc khủng hoảng, sụp đổ của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH theo mô hình mới. Công cuộc đổi mới mở đầu từ Đại hội VI, năm 1986, từng bước giúp Việt Nam từ trụ vững đến dần dần đưa đất nước tiến lên. 
3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, năm 1991.
Công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH được mở đầu từ Đại hội VI. Mô hình này được thể hiện trong Cương lĩnh thứ ba của Đảng thông qua tại Đại hội VII. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, năm 1991. Cương lĩnh này một mặt kiên trì mục tiêu và các nguyên tắc của CNXH, mặt khác chuyển đổi mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ sang mô hình mới của CNXH.
Từ mô hình cũ của CNXH là: với “Chuyên chính vô sản”, “Kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp”, trong đó các thành phần kinh tế tư nhân, cơ chế thị trường bị xóa bỏ… Đảng ta đã đề ra đường lối xây dựng đất nước theo mô hình mới của CNXH. Trong mô hình đó về chính trị, đó là chế độ xã hội do nhân dân lao động làm chủ; về kinh tế, đó là nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”…
4. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011)
Đại hội XI, năm 2011, lại một lần nữa Đảng ta điều chỉnh Cương lĩnh 1991. Đây là Cương lĩnh thứ tư của Đảng ta. Cương lĩnh viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo…”. 
Thích ứng với bối cảnh quốc tế đó, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế theo phương châm: Việt Nam muốn “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Thể chế hóa Cương lĩnh thứ tư của Đảng, Quốc hội ta đã nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài, xây dựng và thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 2013. Văn kiện này lần đầu tiên đã giành một chương (Chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này các nguyên tắc về quyền con người, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa theo các chuẩn mực quốc tế đã được nội luật hóa đầy đủ.

85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên giành lại và giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, bảo vệ vưỡng chắc không gian sinh tồn của dân tộc. Trong điều kiện địa chính trị đặc biệt của đất nước, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, Đảng ta đã không tránh khỏi những hạn chế, sai lầm nhất định song Đảng ta luôn luôn là người đại diện cho lợi ích của dân tộc, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, công bằng văn minh, mở cửa, hội nhập với cộng đồng quốc tế phù hợp với xu thế của thời đại. Đây là một thực tế không thể bác bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét