HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ
MINH
VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM,
PHONG CÁCH GƯƠNG MẪU, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM.
-------------
I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NÊU
CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, PHONG CÁCH GƯƠNG MẪU, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
1. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
về nêu cao tinh thần trách nhiệm
1.1. Sự cần thiết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm
- Trách nhiệm là một quan hệ xã hội; là điều mỗi người phải làm, phải
gánh vác hoặc phải nhận lấy... Mỗi người đều có một vị trí nhất định trong gia
đình, dòng họ, tập thể, tổ chức, địa phương, dân tộc, quốc gia, và rộng nhất là
nhân loại… Trong các mối quan hệ đó, trách nhiệm được hình thành trên cơ sở những
quy định của luật pháp, quy chế, quy ước, công ước… Trách nhiệm còn được hình
thành do dư luận xã hội và bị chi phối bởi dư luận xã hội.
- Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của
con người, từ đó hành động tích cực, tự giác. Những người có nhận thức và hành
động như thế là có tinh thần trách nhiệm cao.
- Hồ Chí Minh đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về
những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Trong đó,
có vấn đề về tinh thần trách nhiệm. Người chỉ rõ:
+Đạo đức công dân là tuân theo pháp luật nhà nước; tuân theo kỷ luật
lao động; giữ gìn trật tự chung… Đó là đóng thuế vì lợi ích chung. Bảo vệ tài sản
công cộng, bảo vệ Tổ quốc. Hăng hái thi đua cần, kiệm xây dựng nước nhà,…
+Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, đối với Nhân
dân bắt từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do Nhân
dân tiến hành”, “Nhân dân là người làm ra lịch sử”… Người khẳng định: Không có Nhân
dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh Nhân dân là vô địch. Trong bầu
trời không gì quý bằng Nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân
cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong… Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô
địch của Nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân,
giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình
hình, đường lối và định phương châm cho đúng.
+Cán bộ, đảng viên, công chức và mọi công dân đều phải có bổn phận đối
với đất nước. Trong xã hội ta, nước là nước của dân; dân là chủ và dân làm chủ,
có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước độc lập thì ai cũng được tự do;
nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Trong chế độ mới, cán bộ, công chức là
người phụ trách trước đồng bào; thực hiện bổn phận trung thành với Tổ quốc, với
Nhân dân, tổ chức, lôi cuốn nhân dân. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công
chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại là “hết lòng hết sức phụng sự Tổ
quốc, phục vụ nhân dân”.
1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm
Tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao:
- Khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to
hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đem cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến
chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám
làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất.
- Phải luôn làm tròn trách nhiệm một cách tự giác, theo lương tâm,
lương tri; làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân. Làm việc cẩu thả, làm cho có
chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, … là vô trách nhiệm.
Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công
tác:
Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều
phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch hồ Chí Minh khẳng định nghề nào
cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại
khái.
Thí dụ, người nấu bếp, luôn luôn lo làm cho cơm lành, canh ngọt, bát
đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công… Như thế là có tinh thần trách nhiệm, hoàn
thành tốt nhiệm vụ.
Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến
thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của chiến sĩ. Đoàn kết nội bộ.
Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc
thì thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm
mọi cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng:
- Đảng và Chính phủ đề ra chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ,
thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc
hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ
ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng; làm
cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ,
rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ.
- Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải
chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng,
hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan
nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh
thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”[1].
Người
bảo: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải
tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. "Phải đưa chính trị vào
giữa dân gian". “Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ
nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên". Cần phải loại bỏ cho bằng
được tình trạng: “… đem hai chữ "mệnh lệnh" làm thành một bức tường
để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với
chính sách của Đảng và Chính phủ”
Trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ
quan, tự tư tự lợi:
- Theo Hồ Chí Minh, quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân
dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của
Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ
quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng…
- Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết
dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, “không sát công việc thực
tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”[2].
Trong công việc thì “Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”[3].
Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Trước mặt dân
chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo
lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết
ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn
nhân dân phụng sự mình”[4]
- Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là
hỏng việc; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có
chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng
phí”[5]
- Nguyên nhân của bệnh quan liêu: do “Xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ
nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương
nhân dân”. Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là “kẻ
thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức
của ta, để làm hỏng công việc của ta”[6],
là “bạn đồng minh của thực dân và
phong kiến.
2. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
về phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm.
Theo Hồ Chí Minh, gương mẫu thì trước hết phải làm gương trong mọi công
việc từ nhỏ đến lớn, được thể hiện thường xuyên, về mọi mặt…
Trước hết, chủ yếu là gương mẫu trong ba mối quan hệ:
Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập
cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản
thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày.
Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật
thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng.
Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi
thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư).
Thứ hai, gương mẫu là nói phải đi đôi với làm. Người
chỉ dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được… Trước hết, mình phải làm gương,… gắng
làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả
về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng
mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm
và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên”. Hồ Chí
Minh cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông, coi trọng thực
hành hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: “Trước mặt quần
chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần
chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân,
mình phải làm mực thước cho người bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới
giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
Thứ ba, để giáo dục bằng phương pháp nêu gương đạt kết
quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục
lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức
cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ có thể
là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường,
thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ
lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác.
Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm
tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm
gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói
hư, tật xấu.
Hồ Chí Minh chỉ ra một triết lý sâu xa là cơm chúng ta ăn, áo chúng ta
mặc đều do mồ hôi, nước mặt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng
cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu
và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết
tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời,
hiệu quả những nhu cầu mà nhân dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ
dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo
nên một phong cách nêu gương của Người- người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt
Nam; người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong
sáng, cuộc sống riêng giản dị; người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho
các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.
Về nói đi đôi với làm và sự cần
thiết phải nói đi đôi với làm:
- Theo Bác Hồ, nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba
nguyên tắc đạo đức cách mạng: Nói thì phải làm, xây đi đôi với chống và tu dưỡng
đạo đức suốt đời. Trong bài giảng “Tư cách một người cách mệnh” Bác viết:
“Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kêu ngạo.
Nói thì phải làm”[7].
- Về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ
sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán
triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ
và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
- Đối với mỗi người để thực hiện được “Nói đi đôi với làm” phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua
chính mình. Có nhận thức đúng nhưng không vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích
cá nhân ích kỷ sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm. Để nói đi đôi với làm, cần
có sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn
hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay đơn giản, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì
cũng không thể làm được.
- Nói đi đôi với làm thể hiện bằng kết quả công việc. Kết quả công việc
là thước đo ý thức trách nhiệm. Với các cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo thì lời
nói đi đôi với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết, vì cán bộ là gốc của
mọi công việc, là tấm gương để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm chính là
biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công
chức trong thực hành đạo đức: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm
bài diễn văn tuyên truyền”[8]
Về quan điểm “nói đi đôi với làm”:
Nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không xuyên
tạc, nói sai:
- Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối
cách mạng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong
từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để thực hiện cho đúng, để tuyên
truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh
vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, với sự nghiệp
cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng xã hội tự do, ấm no, hạnh
phúc cho nhân dân.
- Để nói đúng quan điểm, đường lối của Đảng, cán bộ, đảng viên phải
nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác - Lênin. Hồ Chí Minh coi lý luận như
cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong việc thực tế. Không có
lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Phải kiên quyết chống bệnh chủ quan
“khinh lý luận”. Người thường nhắc một luận điểm cực kỳ quan trọng của Lê-nin:
Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có Đảng nào
có được lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiền
phong.
Không được “nói một đàng làm một nẻo”:
- Theo Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ
mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra
công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần
phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Cán bộ,
đảng viên phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước.
- Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình
tham ô mà bảo người khác liêm khiết thì không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành
những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô, không tiết kiệm, sống hoang
phí, xa hoa,… thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng.
- Để chống việc nói một đàng làm một nẻo còn cần xác định rõ trách nhiệm
của mình. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi giới, mỗi tầng lớp nhân dân đều có những
công việc, nhiệm vụ cụ thể, không chung chung đại khái, dẫn đến nói chung, ai
cũng nói được, nghe thì hay, nhưng không biết thực hiện thế nào. Nói đi đôi với
làm yêu cầu phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những
công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách “tỉnh gửi giấy về
huyện, huyện gửi giấy về xã…”[9].
Không được hứa mà không làm:
- Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây
chính là hành động, là hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện, đưa chủ
trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, từ
việc nhỏ đến việc lớn mang ý nghĩa thiết thực, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng
viên đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”[10];
“Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm
gương cho người khác bắt chước”[11].
- Đối với Đảng ta, Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những
nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị
quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói
suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”[12]
- Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao,
không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ
làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng
nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói
suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh…
phải thật thà nhúng tay vào việc”[13].
II. TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ
MINH VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, PHONG CÁCH GƯƠNG MẪU, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
1. Tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh nêu cao tinh thần trách nhiệm
- Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng
giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Những hoạt động của Người trong thời gian
tìm đường cứu nước (1911-1920) là công việc tự giác, là trách nhiệm của một người
dân đối với Tổ quốc, đối với Nhân dân. Suốt gần mười năm trải qua bao nhiêu
gian khổ tìm tòi, chiêm nghiệm, khám phá…, cuối cùng Người đã tìm thấy, hoàn
thành trách nhiệm đầu tiên do chính mình đặt ra.
- Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh tự xác định trách
nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp trí thức thanh niên yêu nước,
về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đầu năm 1930, Người đã
hoàn thành được một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, đó là sáng lập ra
đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc - Đảng Cộng sản Việt
Nam - để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại nền độc lập của Tổ quốc.
- Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn ở trong nhà tù
Victoria của thực dân Anh ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh không nề gian khổ, đau đớn,
thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình, mà nổi lo lớn nhất của Người là những
công việc mình làm chưa xong, ai sẽ tiếp tục làm thay. Người tâm sự: Đối với
người cách mạng, không gì khổ tâm bằng đã hoạt động được, lại mất liên lạc với
đoàn thể lâu ngày. Điều đó làm cho người cách mạng đêm, ngày cô độc.
- Khi trở lại Mát-scơ-va, Người được cử đi an dưỡng một thời gian để phục
hồi sức khỏe. Tại Xô-chi trên bờ biển Đen, Người đặt kế hoạch tập luyện để phục
hồi sức khỏe, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới. Trong thời gian nhận công tác tại
Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người trăn trở, sốt ruột về
tình trạng “không hoạt động”, coi đó là một tình cảnh đau buồn, vì như “như là
sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”. Người sốt sắng nêu yêu cầu được hoạt động,
mong muốn nhanh chóng được trở về nước cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng.
- Ngay sau khi về nước, đầy khó khăn, gian khổ…, Bác khẩn trương bắt
tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính
quyền. Người kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, coi trách nhiệm cứu
quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần
trách nhiệm. Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết
tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh
tính mệnh cũng không hề”[14].
- Người đã vượt qua 13 tháng bị đọa đày trong hơn 30 nhà giam của chính
quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây. Trong hoàn cảnh lao tù, Người
xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”[15],
“Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”[16].
Việc bị bắt, Người tự nhận là vì “hành động không đủ khôn khéo để đồng bào, đồng
chí phải phiền lòng”[17].
Lời tâm sự của Người đã nói lên ý thức với tinh thần trách nhiệm cao cả:
“ Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh
phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội,
xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi
chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[18]
- Từ sau năm 1945, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, trong
hoàn cảnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc” những năm 1945 – 1946, Người xác định
trách nhiệm quan trọng nhất là cùng với Đảng với dân bảo vệ được nền độc lập
dân tộc mới giành được, để xây dựng đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho
nhân dân.
- Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rõ đó
là nhận sự ủy thác của quốc dân, đồng bào; hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc
giao phó “cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”[19]
nhằm làm cho “nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc,
ai cũng được học hành”[20];
xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và
góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới…
- Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Hồ
Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng,
Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong Thư gửi
đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản
hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng, Người viết “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc
kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa,
nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”[21].
2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh về phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Bác luôn
là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã
đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu
gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ
nhân và đạo đức đời thường. Khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh
càng ra sức tự hoàn thiện, trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn. Người cho rằng:
“Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm
gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi
mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi
lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Những vấn đề cần nắm vững khi học
tập và làm theo phong cách gương mẫu:
Học tập bà làm theo phong cách gương mẫu của Người là một việc làm rất
quan trọng và cần thiết đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Đây là
trách nhiệm, đồng thời cũng là vinh dự của người cán bộ cách mạng. Trong đó, mỗi
cán bộ, đảng viên cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau.
Một là, trong mọi hoạt động lãnh đạo và quản lý, cán
bộ, đảng viên phải luôn luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám
nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của
mình.Đây là một yêu cầu rất quan trọng, thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu đối
với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, người đảng viên không sợ khó,
không sợ khổ mà phải tiên phong trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội,
phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi
mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm, trong đó
chủ yếu trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc.
Hai là, cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, sâu sát
dân, nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Đảng ta là đảng cầm quyền, vì vậy, nhiều cán bộ, đảng viên là những người
lãnh đạo, quản lý. Theo Bác Hồ, đội ngũ cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì
phương pháp lãnh đạo, phong cách quản lý, cách tổ chức, cách đặt kế hoạch phải
phù hợp với quần chúng. “Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm
cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh
đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng, Do đó mà dịnh cách
làm việc, các tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”. “Bao nhiêu
cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần
chúng. Vì vậy, các tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng
thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với
quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà
đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”. Trong
chế độ xã hội mới, “bao nhiêu lợi ích đều về dân”, do vậy, đội ngũ cán bộ phải
luôn sâu sát quần chúng, xuất phát từ quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác
phong, phương pháp làm việc.
Ba là, cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu
trong công tác cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Cán bộ, đảng viên với tư cách là những người lãnh đạo, quản lý, ví như
“cái đầu”, “bộ óc” của quần chúng nhân dân, do vậy, cán bộ, đảng viên phải là
người tiên phong gương mẫu trong mọi hoàn cảnh. Tiên phong, gương mẫu đòi hỏi đội
ngũ cán bộ phải miệng nói, tay làm, thống nhất lời nói với hành động, thực hiện
lý luận gắn với thực tiễn. Đây là những biểu hiện không thể thiếu của tác phong
sâu sát thực tế, là yếu tố tạo nên niềm tin của quần chúng. Cơ sở tạo nên sự bền
vững của mối quan hệ cán bộ-nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải hết sức nghiêm túc thực hiện cần, kiệm,
liêm, chính, chí công, vô tư, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham
nhũng, lãng phí … Bởi lẽ, cần kiệm, liêm, chính là những giá trị, chuẩn mực cốt
lõi nhất của đạo đức cách mạng. Trong thực tế, có thực hiện cần, kiệm, liêm,
chính, người cán bộ cách mạng mới được dân mến, dân tin, dân phục, mới có thể
công tâm, sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Mặt khác, danh dự
và uy tín của người cán bộ cách mạng biểu hiện tập trung nhất trong hiệu quả của
hành động cách mạng. Bởi vậy, lãng phí xa hoa, phô trương hình thức luôn luôn
xa lạ với những người có tác phong sâu sát quần chúng.
Hồ Chí Minh phê phán: Có người cho rằng “Phải ăn mặc bảnh mới giữ được
oai tín, giữ được thể diện. Nói thế hết sức sai. Muốn có oai tín thể diện, thì
phải làm việc cho giỏi. Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy
chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện oai tín lắm ư”. Hiện nay, có không ít cán bộ
ăn chơi hoang phí, xa xỉ, trong khi nhân dân còn nhiều người nghèo khổ, họ
không biết hoặc cố tình quên rằng, hoang phí, lãng phí công sức, tiền của nhân
dân “là một tội ác”. Cũng có không ít cán bộ thể hiện uy tín, thể diện của mình
bằng những trang bị vật chất xa hoa mà ít quan tâm đến hiệu quả công việc, đến
nguyện vọng của quần chúng nhân dân; họ không biết rằng, làm như vậy là họ đã tự
xa dân, tự đánh mất đi niềm tin của quần chúng.
Tấm gương của Bác về “nói đi
đôi với làm”:
- Nói đi đôi với làm là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Theo các nhà nghiên cứu, toàn bộ cuộc đời Hồ Chí Minh thực hành
năm nội dung căn cốt nhất: Thực hành lý luận; thực hành dân chủ; thực hành dân
vận; thực hành đại đoàn kết; thực hành đạo đức cách mạng và đạo đức làm người.
Thực hành nghĩa là nói thống nhất với làm, chú trọng làm, nói ít làm nhiều.
- Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: Nói cái gì phải cho dân tin - nói và làm
cho nhất quán. Với quan niệm đó, trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một
cách nghiêm túc và đầy đủ nói đi đôi với làm. Ở Hồ Chí Minh, lời nói đi đôi với
hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như đều
đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức
Người không nói mà chỉ làm. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo
đức của Hồ Chí Minh, là sự thể hiện tấm gương thực hành đạo đức của bản thân
Người.
- Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là ở
chỗ, nói luôn luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay nhỏ, tự mình phải làm gương
trước. Người quan niệm: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho
người ta bắt chước…”[22];
tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính, mình không chính mà muốn
người khác chính là vô lý. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được
không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người
ta trong sạch, siêng năng được…”[23].
Tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ quan niệm của Người,
từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự nêu gương của Người.
- Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có biết bao câu chuyện cảm
động về việc nêu gương, nói đi đôi với làm:
Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết kiệm
gạo giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: “tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước,
và xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn
ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa….”[24].
Những năm kinh tế khó khăn, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Người đề
nghị nhà bếp là: cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, phải nấu cơm độn
cho Người từng ấy.
Trong nhiều chuyến thăm các địa phương, nhất là các chuyến đi trong
ngày, Hồ Chí Minh mang theo cơm nắm với muối vừng. Người nói: Người ta dọn ra một
bữa cơm sang, có khi Bác chẳng ăn đâu, nhưng rồi để lại cái tiếng: Đấy, Bác Hồ
đến thăm còn làm một bữa cơm sang, còn điều người này, người khác từ giao tế
sang, chuẩn bị cả buổi. Thế là tự Bác bao che cho cái chuyện xôi thịt.
Khi ăn cơm, không bao giờ Người để rơi cơm, Bác bảo một hạt cơm là một
giọt mồ hôi của người nông dân. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: ăn cơm với Cụ
hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ không để rơi một hạt cơm. Bởi vì, Cụ quý và
tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một
con người.
Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng của Toàn quyền Đông Dương trước
đây mà chỉ ở ngôi nhà của người thợ điện; thường đi dép lốp, mặc áo vá vai,
dùng chiếc ô tô cũ, coi đó là “cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Mùa
hè nóng bức, Người dùng chiếc quạt lá cọ, “để dành điện phục vụ cho sản xuất,
dành điện phục vụ sinh hoạt nhân dân”.
Bác làm những việc như thế, để thực hiện điều Người nói: Cơm chúng ta
ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, điều do mồ hôi nước mắt của nhân
dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được
như vậy, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện, cần, kiệm, liêm, chính. Người
nói: Ai chẳng muốn cơm no, ấm áo. Nhưng cuộc sống vật chất hết đời người là hết.
Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau. Người còn nói: Ở đời ai cũng muốn
ăn ngon, mặc đẹp. Điều đó là bình thường. Nhưng ăn ngon mặc đẹp một mình liệu
coi có được không!
Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc đặc trưng văn hóa phương Đông là coi trọng
hành động, triết lý “vô ngôn”, “tri hành hợp nhất”… Từ đó, Người thường giải
thích lý luận bằng thực tiễn, bằng hành động, bằng việc làm, vì thấy làm đúng,
làm phải, mọi người khắc làm theo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Mọi lời
nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể”. Nói là làm, thường là
làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng thể hiện trong hành động.
Phẩm chất nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta về lẽ sống
“thật”, đối lập với giả dối. Người phê phán nghiêm khắc: “Có những người miệng
thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm
vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”[25].
III. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,
TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, PHONG CÁCH
GƯƠNG MẪU, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
1. Sự cần thiết phải học tập và
làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm,
phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm trong giai đoạn hiện nay
- Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh đối với Đảng và nhân dân ta là công việc thường xuyên lâu dài, quan trọng,
bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, tấm gương đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh là những di sản tinh thần vô cùng to lớn để lại cho
chúng ta. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cách mạng, việc học tập và làm theo
Bác có những trọng tâm, trọng điểm, gắng với bối cảnh, điều kiện và yêu cầu đặt
ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011),
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đất nước đang đứng trước những
cơ hội lớn, đồng thời với những thách thức lớn.
Các quá trình lớn mang tính thời đại đang diễn ra hiện nay, như: Sự
phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc
tế và khu vực, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường… đang
đặt ra cho mỗi quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam, nhiều vấn đề cần phải giải
quyết.
Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy
tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng
để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm tới đây là thời kỳ
Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia
các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng
hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ
lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình
hội nhập.
Kinh tế đã từng bước ra khỏi tình trạng suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng,
nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc;
nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, năng suất, chất
lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra
tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước
trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ "diễn biến hoà bình" của thế
lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan
liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân
hoá xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm
lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền
biển, đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội
ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.
Đảng đang tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương
4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để ngăn chặn, đẩy lùi tình
trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán
bộ, đảng viên; củng cố niềm tin của Nhân dân.
Tình hình thế giới và trong nước tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó
khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp
hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân
ta phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn.
Bối cảnh chung đó đang yêu cầu tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống
trong Đảng và xã hội theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập
trung vào chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi
đôi với làm”.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu,
nói đi đôi với làm còn trực tiếp góp phần tạo
chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng
ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục con người Việt
Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của
mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc
hiệu quả. Góp phần, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người
Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức,
trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ
công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc,
lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng
đồng, xã hội và đất nước.
2. Nội dung học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách
gương mẫu, nói đi đôi với làm
2.1. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc và nhân dân
hiện nay là nổ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu cao cả đó. Từ trách nhiệm
chung, mỗi cán bộ công chức phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao. Đặc
biệt chú ý tới những công việc liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của
người dân.
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm là mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định
mình là công bộc của dân. Cần nhận thức sâu sắc rằng, công chức không chỉ là một
chức danh mà là một sứ mệnh. Sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là
thiêng liêng và cao cả. Cán bộ, đảng viên, công chức là những người tiêu biểu,
tiên tiến trong nhân dân, phải nêu gương trước nhân dân.
- Cán bộ, công chức không được lầm lẫn giữa sự ủy quyền của Nhân dân với
quyền lực cá nhân, dẫn tới chạy chức, chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng
quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị… Khi có quyền mà thiếu lương tâm thì không
thể nói tới phụng
sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà sẽ trở nên hủ bại,
biến thành sâu mọt, đục khoét của dân. Trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường,
mỗi cán bộ, đảng viên, công chức càng phải
luôn cảnh giác, đề phòng giặc “trong lòng”, nguy cơ “tự diễn biến”...
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm là quán triệt, thực hiện những lời dạy của Bác trong điều kiện và hoàn
cảnh mới. Nhưng cái lớn nhất, xuyên suốt, không thay đổi là thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Phải biến ý chí, tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp giành độc
lập dân tộc, trong chiến đấu xóa nổi nhục nô lệ, lầm than thành ý chí tinh thần
trách nhiệm trong xây dựng đất nước và xã hội mới, nhằm xóa nỗi nhục nghèo nàn,
lạc hậu.
- Phải cụ thể hóa những lời dạy của Hồ Chí Minh về các chuẩn mực đạo đức
cách mạng đối với từng loại cán bộ, công chức để tổ chức thực hiện thiết thực,
có hiệu quả. Mỗi người phải xác định rõ cách thức và mức độ thể hiện tinh thần
trách nhiệm, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thông qua nhiệm vụ cụ thể,
trong từng hoàn cảnh cụ thể. Khi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức thấm nhuần,
quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ của
Người, chắc chắn có thể vận dụng và thực hành tốt trong cương vị công tác của
mình.
2.2. Thực hiện tốt phong cách gương mẫu, nói đi
đôi với làm
Trách nhiệm gương mẫu:
Theo Qui định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, yêu
cầu cán bộ có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Một trong những nội
dung phải gương mẫu là: tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư,
nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Nêu cao ý thức phục vụ nhân
dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những
lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chủ
động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền. Kiên quyết đấu tranh với những
biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu,
gây phiền hà nhân dân.
Quy định về trách nhiệm nêu gương cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên,
nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo
cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được
góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện, coi đây là một trong những
căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm.
Mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày đều tự xem xét lại mình, xem xét cái gì
đúng, cái gì sai, nguyên nhân vì đâu và suy nghĩ, tìm cách sửa chữa để làm việc
tốt hơn, sống đẹp hơn. Người cán bộ, đảng viên cần khiêm tốn lắng nghe, tiếp
thu ý kiến phê bình của đồng chí, của quần chúng, của cấp dưới từ đó chuyển
thành nhận thức và hành động tự giác. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với việc
rèn luyện phong cách người cán bộ cách mạng. Chính phong cách đó là cơ sở để
cho hoạt động của người cán bộ ngày càng hiệu quả, và là tấm gương đối với quần
chúng nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của họ vào sự lãnh đạo của Đảng đối với
sự nghiệp cách mạng.
Nói đi đôi với làm:
- Hiện nay trong Đảng và xã hội ta, tình trạng “nói không đi đôi với
làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói mà không làm”, “nghĩ một đàng, nói một đàng”,
“nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác” đang diễn ra ở nhiều nơi, ở
không ít người. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng
tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái… đang gây bức xúc trong
xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân.
- Thực hiện “nói đi đôi với làm” là phát huy truyền thống đạo đức quý
báu của dân tộc, là thực hành đạo đức cách mạng. Phải thực hiện từ trên xuống
dưới, từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức bình thường.
Phải kiên quyết xóa bỏ những quy định quản lý lỗi thời buộc mọi người gần như đồng
tình với những việc “hợp pháp” nhưng rất không hợp lý… Phải thực hiện công khai
minh bạch, trước hết là chức trách của mỗi người để có sự kiểm tra, giám sát của
tổ chức, của Nhân dân. Trong giải pháp để thực hiện “nói đi đôi với làm”, rất cần
giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm của mỗi người, chống chủ nghĩa cá
nhân trong chính mỗi người.
- Nói đi đôi với làm là để hướng dẫn nhân dân làm theo, đặc biệt là với
thế hệ trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn hướng dẫn nhân dân,
mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[26].
Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu
và chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ trên cơ sở này, cán bộ, đảng viên mới thu phục
được quần chúng, mới cảm hóa, lôi kéo họ tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn
để xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện nghị quyết của Đảng.
2.3. Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở
thành công việc thường xuyên, quan trọng của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể,
mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, gắn với công tác xây dựng Đảng, chính quyền
nhà nước trong sạch, vững mạnh
Trong thực hành làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, việc nêu cao
tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm phải gắn chặt với
nhau, phải thực hiện đồng thời với cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, hết
lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đặc biệt cần nêu cao trách
nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
- Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp chủ yếu của công tác tư
tưởng, lý luận để xây dựng Đảng. Nội dung nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong
cách gương mẫu, nói đi đôi với làm gắn bó chặt chẽ với các chủ đề của Cuộc vận
động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện chỉ thị số
03-CT/TW của Bộ Chính trị những năm qua. Do vậy, tiếp tục thực hiện “nêu cao
tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với làm phải” trở thành
công việc thường xuyên.
- Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, nói đi đôi với
làm là thực hành đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng theo Hồ Chí Minh không phải
tự dưng mà có. Không phải bất cứ ai sinh ra trong thời đại mới thì sẽ có đạo đức
mới, sinh ra trong phong trào cách mạng thì sẽ có đạo đức cách mạng. Đó là kết
quả của sự khổ công rèn luyện, của một quá trình tu dưỡng công phu, lâu dài. Nếu
không có ý thức và quyết tâm, không có tinh thần bền bỉ phấn đấu thì sự suy
thoái về phẩm chất, sự trượt dốc trong lối sống trước cám dỗ của đồng tiền và
quyền lực, sẽ là một tất yếu không thể tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền
bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng
càng luyện càng trong”[27].
- Với toàn Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta là một đảng cầm quyền.
Về bản chất, đó là đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là đảng của nhân dân
lao động, của dân tộc. Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp và dân tộc. Đảng
quy tụ những người kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm, tận
lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước thực hiện mục
tiêu độc lập và dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, Đảng cầm quyền cũng dễ dẫn đến xa dân, quan liêu, mệnh lệnh.
Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường, đảng viên càng dễ bị tha
hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cán bộ,
công chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý dễ xa vào tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy,
mỗi tổ chức Đảng, mỗi đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải
luôn luôn cảnh giác với chính mình để không sa ngã bởi nhiều cám dỗ. Phải thường xuyên học tập và làm theo
tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh. Phải “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững
lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”[28].
Cần quán triệt sâu sắc chỉ dạy của Người trong Di
Chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và
cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức
cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng
ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật
trung thành của nhân dân”./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.346.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.489.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.489 - 490.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.89
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.490.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.490.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr.260.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, tr.263.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, tr.213.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.430.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.108.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.250, 699.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr. 699.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.198.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.265.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.308.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.505.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.240.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.161.
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, tr.161.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, tr.236.
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.552.
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, tr.59.
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.31.
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, tr.494.
[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5tr.552.
[27] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9 tr.293.
[28] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7 tr.480.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét