Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU NGHỊ QUYẾT TW 6 KHÓA XI



ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU
Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012  về Đề án
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu
 công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
 định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
---------

LÝ DO BAN HÀNH KẾT LUẬN
1-Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta với giáo dục và đào tạo, sự nghiệp trồng người (4 lần cải cách giáo dục: 1950, 1956, 1979, 1986)
2- Cách mạng khoa học, công nghệ, sự gia tăng của tri thức mới với bùng nổ thông tin toàn cầu, “thế giới phẳng”... tác động đến giáo dục và đào tạo.
3- Vị trí, vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu.
4- Mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và yêu cầu mới đối với giáo dục , đào tạo.
5- Những thành tựu và hạn chế của giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.
QUÁ TRÌNH THẢO LUẬN VÀ BAN HÀNH KẾT LUẬN
1-Bộ Chính trị trình Trung ương đề án. Hội nghị Trung ương thảo luận ngày 05-10 và sáng 06-10. Có 120 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường.
2- Các ý kiến thảo luận rất phong phú tập trung vào các vấn đề sau:
- Về vấn đề chung, nhiều ý kiến cho rằng Đề án không mới, chưa đi vào thực chất và chưa rõ các giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc. Nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo chưa được rõ. Bộ Chính trị đồng tình và xin tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu.
- Về thực trạng giáo dục và đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng còn tô hồng, Bộ Chính trị đồng tình, xin tiếp thu.
- Về quan điểm chỉ đạo, nhiều ý kiến nhất trí với 5 quan điểm nêu trong đề án, khẳng định các quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII vẫn đúng, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện.
- Về mục tiêu, các ý kiến tán thành các mục tiêu của đề án. Bộ Chính trị giải trình thêm về mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và xin nghiên cứu tiếp việc đổi mới thi tốt nghiệ phổ thông và thi tuyển vào đại học.
- Về các giải pháp, nhiều ý kiến phong phú về 9 nhóm giải pháp với các cách tiếp cận khác nhau. Có những ý kiến cụ thể về tôn vinh nhà giáo, lương,  tuổi nghỉ hưu của giáo viên, xã hội hóa giáo dục, lộ trình miễn học phí, số năm học (hiện là 12 năm), đổi tên gọi của các cấp học, sách giáo khoa, coi giáo dục là một chỉ tiêu đánh giá... Bộ Chính trị có giải trình một số nội dung cụ thể; một số nội dung khác xin được nghiên cứu thêm.
- Về tổ chức, có ý kiến đề nghị tách Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp; thành lập Ủy ban quốc gia về giáo dục. Bộ Chính trị xin được cho nghiên cứu thêm.
3- Bộ Chính trị khẳng định Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nhưng là vấn đề lớn và khó. Trung ương đã thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa đủ rõ.
Bộ Chính trị đề nghị Trung ương ban hành Kết luận về những vấn đề đã rõ và cho nghiên cứu thêm để trình Trung ương xem xét ban hành Nghị quyết  trong thời gian tới.
BỐ CỤC CỦA KẾT LUẬN
I-TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
II- PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
III-TỔ CHỨC THỰC HIỆN
NỘI DUNG
I-TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
1- Thành tựu, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương  2 khóa VIII
- Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu rất có ý nghĩa. Cụ thể là:
+ Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhanh; hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học và sau đại học.
+ Cơ sở trường, lớp từng bước được chuẩn hóa, hiện đại hóa.
+ Chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ.
+ Công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực. Hợp tác quốc tế được mở rộng. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục ngày càng tốt hơn.
+ Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, từng bước được nâng cao về chất lượng.
- Lực lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh, góp phần quan trọng đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo.
2- Hạn chế, khuyết điểm, yếu kém
- Đến nay, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển.
- Nhiều hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt nặng nề hơn. Cụ thể là:
+ Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
+ Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề; nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết, có mặt xa rời thực tế, chạy theo thành tích, chưa chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức và trách nhiệm công dân.
+ Chương trình giáo dục phổ thông còn quá tải đối với học sinh.
+ Giáo dục đại học và giáo dục nghề chưa đáp ưng nhu cầu xã hội, chưa gắn với yêu cầu sử dụng nhân lực; chưa chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
+ Phương pháp dạy và học chậm đổi mới, chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả còn lạc hậu, phương tiện giảng dạy thiếu thốn.
+ Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập, thiếu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo còn nhiều lúng túng.
+ Những hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng, lạm thu, dạy thêm chậm được khắc phục, gây bức xúc xã hội.
+ Công tác quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa được quan tâm. Chất lượng đào tạo của các trường sư phạm còn hạn chế, đào tạo giáo viên chưa gắn với nhu cầu của các địa phương.
+ Đầu tư cho giáo dục còn mang tính bình quân; cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục còn thiếu và lạc hậu. Quỹ đất dành cho phát triển giáo dục còn thiếu. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng.
- Những yếu kém, bất cập kéo dài trong thời gian qua đã làm hạn chế chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ về nhân lực của nước ta, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, gây bức xúc trong xã hội.
3- Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém
 - Tư duy về giáo dục chậm đổi mới, không theo kịp sự phát triển của đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Chính sách giáo dục, đào tạo chưa tạo được động lực, huy động sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội. Không có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong quy hoạch và kế hoạch phát triển của đất nước, các ngành và địa phương.
- Quản lý giáo dục, đào tạo còn nặng về hành chính, chưa phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo, chưa tạo được động lực đổi mới từ bên trong của ngành giáo dục.
- Các chủ trương về đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo chậm được cụ thể hóa và triển khai có hệ thống, đồng bộ. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng chưa nhận thức sâu sắc và thực hiện đầy đủ quan điểm “giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân”, “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư phát triển”.
II- PHƯƠNG HƯỚNG CHỦ YẾU ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1-Quán triệt yêu cầu khách quan của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
- Nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bao gồm:
+ Đổi mới tư duy;
+ Đổi mới mục tiêu đào tạo;
+ Đổi mới hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo;
+ Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học;
+ Đổi mới cơ chế quản lý;
+ Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm…, trong toàn hệ thống (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo nghề).
- Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết vào thời gian thích hợp.
2- Trước mắt các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII;
- Kết luận Trung ương 6 khóa IX;
- Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15-4-2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
3- Những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
Một là, quán triệt đầy đủ và thể hiện bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể quan điểm giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, phải đi trước và được đầu tư trước.
Hai là, triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực.
- Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch phát triển nhân lực của các tỉnh, thành và bộ, ngành để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, làm cho nhân lực trở thành lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nhất là từ các nước có nền khoa học công nghệ và giáo dục hiện đại.
- Triển khai mạnh mẽ quy hoạch nhân lực ngành giáo dục của mỗi địa phương.
Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục triển khai đợt sinh hoạt, hiến kế và xây dựng chương trình hành động, khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu cực trong thi cử.
Bốn là, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước.
- Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập các trường đại học, cao đẳng mới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật.
- Đánh giá và có giải pháp phù hợp để triển khai bảo đảm hiệu quả, khách quan việc xây dựng các đại học trọng điểm, trường đại học và dạy nghề đạt trình độ khu vực và quốc tế.
- Xử lý kiên quyết các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
Năm là, kiểm tra, chấn chỉnh việc đào tạo tại chức, đào tạo liên kết với nước ngoài bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Sáu là, tích cực triển khai các công việc đang làm hiện nay:
- Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học và trung học cơ sở;
- Tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn;
- Tăng cường dạy và học ngoại ngữ, tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân;
- Chuẩn bị đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Bảy là, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng trường học xuống cấp và quá tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa; thực hiện tích cực việc luân chuyển giáo viên để giải quyết chính sách đối với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
III-TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Tiếp tục nghiên cứu đề án
Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để trình Ban Chấp hành Trung ương vào thời gian tới.
2- Triển khai các nhiệm vụ nêu trong Kết luận
Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Kết luận này.
Phụ lục:
Một số định hướng đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay
1-Đổi mới tư duy giáo dục và đào tạo;
2-Đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo;
3-Xây dựng, tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giao dục chất lượng cao;
4-Đổi mới nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục;
5-Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, chất lương, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân;
6-Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và tài chính, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo;
7-Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học;
8-Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo;
9-Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục.


--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét