I. Những tác dụng cơ bản của Thoả ước lao động tập thể trong quan hệ lao động?
Thoả ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, Thoả ước lao động tập thể có những tác dụng rất lớn trong quan hệ lao động:
1. Là công cụ cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp; làm cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động.
2. Tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật.
3. Là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên quan hệ lao động. Trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
4. Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn nâng cao vai trò, vị trí trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.
II. Thoả ước lao động tập thể bao gồm những nội dung gì?
Thoả ước lao động tập thể bao gồm 7 nội dung sau:
1- Việc làm và đảm bảo việc làm
Nội dung này phải cụ thể, rõ ràng về các hình thức và thời hạn sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động cho từng loại công việc, từng chức danh và bậc thợ trong doanh nghiệp. Các nguyên tắc và chế độ cụ thể khi tuyển dụng, thay đổi nơi làm việc, nâng cao tay nghề, đào tạo, ký lại hợp đồng lao động. Những biện pháp bảo đảm việc làm, chế độ cho công nhân khi doanh nghiệp thu hẹp phạm vi sản xuất. Quyền hạn và trách nhiệm của đại diện tập thể lao động trong việc giám sát thực hiện và giải quyết tranh chấp về HĐLĐ.
2- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Cần quy định cụ thể thời giờ làm việc tối đa cho từng bộ phận, chức danh công việc; nguyên tắc huy động và thời gian cho phép làm thêm giờ, tiền lương trả cho người lao động khi làm thêm giờ, phương thức trả, đơn giá trả lương cho thời gian làm thêm.
Một trong những vấn đề quan trọng của nội dung này là chế độ đối với người lao động khi nghỉ phép năm, tiền lương trả cho họ vì công việc mà không nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày được nghỉ.
3- Tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp lương
Thoả thuận mức tiền lương, phụ cấp lương cụ thể cho từng công việc phù hợp với khả năng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là phải thoả thuận mức lương tối thiểu, mức lương trung bình doanh nghiệp trả cho người lao động, phương thức điều chỉnh tiền lương khi giá cả thị trường biến động, nguyên tắc nâng bậc lương, thời gian trả lương, nguyên tắc chi thưởng, mức thưởng.
4- Định mức lao động
Việc xác lập định mức lao động tương ứng với xác định đơn giá tiền lương phải phù hợp với từng loại công việc, từng loại nghề trên cơ sở điều kiện thực tế về tính chất, mức độ phức tạp hay nặng nhọc của công việc và khả năng thực hiện định mức, nguyên tắc thay đổi định mức.
5- An toàn lao động, vệ sinh lao động
Thoả thuận cụ thể về nội quy an toàn, vệ sinh lao động và các quy định về bảo hộ lao động, biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; chế độ đối với người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại; chế độ trang bị phòng hộ cá nhân, bồi dưỡng sức khoẻ và trách nhiệm bồi thường hoặc trợ cấp đối với người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
6- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Thoả thuận quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của giám đốc doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, thu nộp, chi trả các loại bảo hiểm, các chế độ bảo hiểm xã hội mà người lao động được hưởng theo từng loại hợp đồng lao động.
7- Những nội dung thỏa thuận khác: về phúc lợi tập thể; ăn giữa ca; trợ cấp hiếu, hỷ; phương thức giải quyết tranh chấp lao động phát sinh trong quan hệ lao động…
III. Trình tự thương lượng, ký kết thoả ước tập thể?
– Hai bên đưa ra yêu cầu và nội dung cần thương lượng: Những yêu cầu và nội dung đưa ra đòi hỏi phải sát thực tế, khách quan, trên tinh thần hai bên cùng có lợi, tránh đưa ra những yêu cầu và nội dung trái pháp luật, hoặc có tính chất yêu sách đòi hỏi hoặc áp đặt.
– Hai bên tiến hành thương lượng trên cơ sở xem xét các yêu cầu và nội dung của mỗi bên;
– Mỗi bên tổ chức lấy ý kiến phía mình đại diện về dự thảo thoả ước;
– Hai bên hoàn thiện dự thảo và tiến hành ký kết thoả ước khi có trên 50% số người của tập thể lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung của thoả ước.
IV. Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tổ chức thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể được quy định như thế nào ?
Theo quy định tại Điều 45 Bộ Luật Lao động, tổ chức công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể. Theo đó:
– Tổ chức công đoàn (Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời) là đại diện cho người lao động tham gia thương lượng thoả ước tập thể.
– Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc người do Ban chấp hành công đoàn cơ sở uỷ quyền) là người có thẩm quyền đại diện cho tập thể lao động ký thoả ước lao động tập thể.
– Sau ba tháng thực hiện (đối với thoả ước tập thể có hiệu lực dưới một năm) và sau sáu tháng (đối với thoả ước tập thể có hiệu lực từ một năm đến ba năm), Ban chấp hành công đoàn có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước.
Như vậy, với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, tổ chức công đoàn lãnh đạo, tổ chức, vận động, tập hợp người lao động tham gia quá trình thương lượng và là đại diện tập thể lao động trực tiếp thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể. Thông qua việc thương lượng và ký kết thoả ước tập thể, công đoàn thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng bảo vệ người lao động và đoàn viên của mình. Qua đó, tạo sự tin tưởng, gắn bó của người lao động với tổ chức công đoàn.
V. Người sử dụng lao động từ chối thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ. quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động:
– Người sử dụng lao động từ chối thương lượng để ký kết hoặc từ chối thương lượng sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể khi nhận được yêu cầu của đại diện tập thể người lao động, thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - buộc phải tiến hành thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể theo yêu cầu của đại diện tập thể người lao động.
– Sau khi đã ký kết thoả ước lao động tập thể, người sử dụng lao động không đăng ký thoả ước với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000. Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả - buộc phải tiến hành đăng ký thỏa ước lao động tập thể với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh theo quy định của pháp luật
Theo Liên đoàn LĐVN
hay
Trả lờiXóatks chú
chú có thể cho cháu biết các quyết định của PL hiện hành về thỏa ước LĐ tập thể được không, rối quá cháu tìm ko ra
Trả lờiXóa