Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

BIỂN ĐÔNG VÀ LỢI ÍCH KINH TẾ


Lợi ích kinh tế từ Biển Đông

Để đạt mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta.
Kỳ I: Tiềm năng kinh tế của Biển Đông
Biển Đông Biển Đông nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là vùng biển nằm giữa các nước: Trung Quốc ở phía Bắc, Philippines ở phía Đông, Malaysia, Brunei và Indonesia ở phía Nam, Việt Nam ở phía Tây. Biển Đông có nhiều đảo và bãi đá ngầm, tạo thành 4 quần đảo chính:  quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Trung Sa (Macclesfield) – theo cách gọi của Trung Quốc; quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và quần đảo Trường Sa (Spratly) - theo cách gọi của Việt Nam. Đây là khu vực có sự tranh chấp chủ quyền khá phức tạp giữa các nước: Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam năm 1974); Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei tranh chấp chủ quyền một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Điều vô lý và trắng trợn là, từ ngày 7/5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên công khai tuyên bố bản đồ 9 đoạn đứt khúc, còn gọi là “đường lưỡi bò”, vốn được chính quyền Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, hòng nuốt 80% diện tích cả Biển Đông.
Căn cứ các bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), nước ta có chủ quyền và trên thực tế, đang tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, vận tải hàng hóa và du lịch, nghiên cứu khoa học trên vùng biển thuộc chủ quyền khoảng trên 1 triệu km2, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Biển Đông có ý nghĩa chiến lược với nhiều nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, là tuyến hàng hải đi qua eo Malacca với trên 60% tổng lượng vận chuyển năng lượng và nguyên liệu bằng đường biển của thế giới. Khối lượng vận tải dầu và khí hóa lỏng đi qua eo Malacca gấp 3 lần qua kênh đào Suez và gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Nhật Bản mỗi năm có hàng trăm triệu tấn hàng hóa nhập và xuất khẩu được vận chuyển qua tuyến hảng hải này (trong đó có 70 - 80% năng lượng và khoáng sản nhập khẩu). Tuyến hàng hải này cũng có tầm quan trọng đối với Hàn Quốc, Đài Loan, ngày càng quan trọng hơn đối với Trung Quốc. Vì vậy, Biển Đông dễ phát sinh điểm nóng và là vấn đề nhạy cảm.
Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Trên vùng biển Việt Nam, hiện đã biết tới 35 loại khoáng sản (nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý…). Trữ lượng dầu khí khu vực Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) được đánh giá rất khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ (USGS 1993 -1994) dự báo, trữ lượng dầu khí khu vực Biển Đông khoảng 28 tỷ thùng dầu và khí (quy dầu); Các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc dự báo trữ lượng khoảng 105 - 231 tỷ thùng. Gần đây, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng, Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ m3 khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc.
Cũng có những đánh giá kém lạc quan hơn. “Quỹ nghiên cứu Biển Đông”cho rằng, đặc điểm địa chất khu vực này làm cho “vùng phía Bắc của Biển Đông do sụt lún trong Kỷ Đệ Tứ quá nhanh, nên không thể hình thành được dầu khí. Khu vực phía Nam lý tưởng hơn, với các nguồn dầu khí chủ yếu nằm trong các khối đá gốc granite với tầng chắn là trầm tích Oligocene và Miocene. Các dạng dầu khí này cũng thuộc dạng rất khó khai thác và nhiều công ty dầu khí đã phải rút lui, nhất là với các lô dầu khí nằm ở phía Bắc của khu vực này”. (BBC - 12/6/2011)
Biển Đông là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn. Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, có 11.000 loài sinh vật cư trú trong 20 hệ sinh thái thuộc 6 vùng đa dạng sinh học, với trên 2.000 loài cá, 230 loài tôm…, trữ lượng hải sản  khoảng 5 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm 1,5 - 2 triệu tấn, triển vọng nuôi trồng thủy sản rất khả quan.
Vùng biển Việt Nam có nhiều vịnh nổi tiếng thế giới, như Hạ Long, Văn Phong, Nha Trang. Cam Ranh, 2.779 đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như Phú Quốc có diện tích hơn 542 km2 ( rộng hơn diện tích của Singapore). Đảo Phú Quý, Đảo Côn Sơn được coi là những “hạm đội nổi” giữa biển. Hiện có 90 cảng biển, khoảng 100 địa điểm có thể xây dựng cảng biển, trong đó có cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển, trong đó có 20 bãi biển có cảnh quan đẹp là tiềm năng lớn để phát triển du lịch quốc tế.
Ngoài ra, có thể kể đến những lợi ích kinh tế khác, như phát triển năng lượng gió ở ven biển và trên các đảo, năng lượng từ thủy triều, nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Tháng 2/1992, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Bộ luật Lãnh hải, toàn bộ Biển Đông được coi là thuộc lãnh thổ chủ quyền của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Bộ Luật này xác định các “quyền lịch sử của Trung Quốc” đối với Biển Đông, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông:
- Về lợi ích địa - chiến lược: bảo đảm đường giao thông huyết mạch trên Biển Đông, nắm giữ điểm khống chế khu vực Đông Nam Á;
- Về dầu khí: khai thác dầu khí bảo đảm năng lượng cho sự phát triển của Trung Quốc;
- Về nghề cá: bảo đảm ngư trường lớn cho các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.
Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất phát từ quan điểm về Biển Đông trong Bộ luật này.
Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, thứ ba thế giới về thương mại quốc tế, sau Mỹ và Đức. Hiện 60% hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua tuyến hàng hải này. Hàng năm, Trung Quốc khai thác nhiều triệu tấn hải sản ở Biển Đông, do đó, vùng biển này có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong điều kiện các nước công nghiệp phát triển đã phân chia thị trường thế giới, là nước đi sau, Trung Quốc tận dụng lợi thế từ dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD và tầm ảnh hưởng của mình để thâm nhập các thị trường cũ, khai thác thị trường mới nhằm thỏa mãn nhu cầu năng lượng và nguyên liệu gia tăng nhanh của nước này.
Năm 2009, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất từ Trung Đông. Năm 2010, Trung Quốc sử dụng 439 triệu tấn dầu thô, tăng 13,1% so với năm 2009, lập kỷ lục mới về tốc độ tăng kể từ năm 2005, trong đó, 260 triệu tấn (chiếm tỷ lệ 55%) được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi. Trong bối cảnh khu vực này đang xảy ra bất ổn về chính trị và triển vọng không mấy sáng sủa, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc Trần Canh cảnh báo: “Những bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. Nếu bất ổn kéo dài, thì Trung Quốc sẽ hứng chịu nhiều tổn thất”, bởi “nguồn dự trữ chỉ đủ dùng trong mươi mười lăm ngày một khi có cuộc khủng hoảng về nguồn cung xảy ra”.
Do vậy, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, để giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu. Mạng Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ nước này đầu tư 30 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho các dự án thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông.
Cuối năm 2010, Công ty Dầu lửa ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và BG Group PLC (Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở độ sâu gần 1.400 m, ở phía Nam đảo Hải Nam. CNOOC và Husky Energy Inc (Canada) dự kiến triển khai dự án khai thác vào năm 2013, sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000 m so với mặt biển. Dự án đầu tư của BP, CNOOC và Công ty Thăm dò khai thác dầu lửa nước ngoài của Kuwait trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu, phục vụ các trạm phát điện của Hongkong (mỗi năm, sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt).
Theo báo The Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 13/6/2011, Trung Quốc đã chi hơn 900 triệu USD và mất hơn 3 năm để xây dựng giàn khoan có tên “Dầu khí Hải dương 981”, mà báo Mainichi (Nhật Bản) gọi là “tàu sân bay dầu khí”, được coi là một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất thế giới hiện nay, đã được triển khai từ cuối tháng 5/2011 ở biển Hoa Đông, dưới sự hộ tống của các tàu bảo vệ và tàu lai dắt để thử nghiệm trước khi chuyển đến Biển Đông, chi phí hoạt động cho giàn khoan này có thể lên tới 1 triệu USD/ngày
Kỳ II: Bảy kiến nghị khai thác lợi thế địa - chiến lược
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2007 đã đề ra chủ trương và định hướng phát triển kinh tế biển, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Trên cơ sở đó, một số văn bản pháp quy như Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được ban hành, nhiều đề án, chương trình có liên quan đến kinh tế biển đang được tiến hành từ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đến quản lý và bảo vệ nguồn lợi về biển, hợp tác quốc tế, đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, như xuất khẩu thủy sản tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây; 5 tháng đầu năm 2011 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh ven biển với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, tour du lịch hấp dẫn với khách quốc tế, cộng đồng dân cư đã có ý thức hơn đối với khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thực hiện mục tiêu đã đề ra cho năm 2020.
Tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam năm 2011, được tổ chức vào ngày 8/6 ở Nha Trang trong khuôn khổ “Tuần lễ biển Việt Nam”, nhiều nhà khoa học cho rằng, để đạt được mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, thì cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta, gắn với đổi mới thể chế theo hướng tiếp cận thể chế tối ưu, để tạo ra không gian sinh tồn, không gian phát triển lâu dài và bền vững cho dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó kiến nghị:
Thứ nhất, điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của các cảng biển (trung bình cứ 40 - 50 km có 1 cảng), 15 khu kinh tế đã được cấp phép ở các tỉnh ven biển, để tránh “hội chứng khu kinh tế”; những khu kinh tế chưa triển khai, thì nên dừng lại, chưa nên có thêm khu kinh tế mới để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí đất đai. Đánh giá khách quan các khu nghỉ dưỡng ven biển, tránh tình trạng chiếm đất, thu hồi những dự án quá chậm triển khai, bảo đảm lợi ích cộng đồng trong việc sử dụng bờ biển.
Thứ hai, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển hợp lý, giải quyết các xung đột lợi ích. Ví dụ, khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản, phát triển du lịch biển với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái động thực vật biển. Từ đó, hình thành quy hoạch tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng biển và đảo ở cấp tỉnh, áp dụng hệ tiêu chí đánh giá môi trường biển và hiệu quả kinh tế - xã hội về biển, có tính đến giải pháp ứng phó biến đổi khi hậu và mực nước biển dâng cao, từ đó tăng thêm nguồn lực và phân bố hợp lý nguồn lực cho các vùng kinh tế, từng địa phương, chấm dứt tình trạng khai thác tự phát lãng phí tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển.
Thứ tư, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về biển theo hướng quản lý tổng hợp vùng bờ biển bằng cơ chế, chính sách liên ngành, vùng kinh tế, quy hoạch không gian theo hướng phát triển bền vững của các vùng chức năng; nhằm đến năm 2020, 28 địa phương ven biển áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Thực hiện phân chia ranh giới vùng biển và phân cấp quản lý biển cho chính quyền tỉnh, giao mặt nước biển cho cộng đồng sử dụng, tự quản lý dưới sự hướng dẫn và giảm sát của Nhà nước.
Thứ năm, tiếp cận phương thức quản lý không gian biển trong quản lý biển, đảo thông qua mô hình thực nghiệm và nhân rộng, quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng; có cơ chế, chính sách và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư, để họ chủ động tham gia quản lý biển, đảo.
Thứ sáu, coi trọng 3 nhân tố cơ bản trong kinh tế biển: công khai hóa thông tin cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, dân cư về những vấn đề có liên quan đến biển, đảo, chủ quyền quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và quản lý nhà nước theo hướng phát triển bền vững bằng cơ chế, chính sách thích ứng với trình độ phát triển kinh tế biển để khai thác mọi nguồn lực, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chiến lược kinh tế biển.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế, nhất là với các nước ASEAN, với các nước có lợi ích ở Biển Đông, coi trọng phương châm “cân bằng quyền lực” trong khu vực để xử lý các tranh chấp chủ quyền và các sự kiện gây căng thẳng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và xung đột lợi ích.
Thực hiện thành công Chiến lược Kinh tế biển đến năm 2020, không những góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa nước ta trở thành nước về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, mà còn nâng cao đáng kể vị thế địa - chiến lược của nước ta trong khu vực: “Trước mặt Thái Bình Dương sóng vỗ/Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng/Chúng ta đứng thẳng hiên ngang/Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình” - Tố Hữu.
                                 
GS. TSKH Nguyễn Mại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét