Tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới
toàn diện, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng
ta thể hiện quan điểm mới, như cho rằng: cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang
diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành thị trường thế giới,… sự lựa chọn duy
nhất đúng đắn là “thi đua về kinh tế”; xu thế mở rộng phân công hợp tác giữa
các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, là điều kiện
quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra
Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình
mới, khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam
là giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế; đồng thời nêu rõ quyết
tâm, chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp
tác trong cùng tồn tại hòa bình. Nghị quyết 13 đánh dấu sự chuyển hướng toàn bộ
chiến lược đối ngoại của nước ta trong tình hình mới – là cơ sở hình
thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa
quan hệ quốc tế của Việt Nam.