Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG TA TỪ ĐẠI HỘI VI ĐẾN ĐẠI HỘI XII


Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta thể hiện quan điểm mới, như cho rằng: cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành thị trường thế giới,… sự lựa chọn duy nhất đúng đắn là “thi đua về kinh tế”; xu thế mở rộng phân công hợp tác giữa các nước, kể cả các nước có chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, là điều kiện quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
          Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, tháng 5/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam là giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế; đồng thời nêu rõ quyết tâm, chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Nghị quyết 13 đánh dấu sự chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại của nước ta trong tình hình mới – là cơ sở hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.
          Đại hội Đảng lần thứ VII (1991 khẳng định mạnh mẽ: “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Như vậy, đường lối đối ngoại của Việt Nam từ Đại hội VI đến Đại hội VII đã có chuyển biến lớn trong nhận thức; chuyển từ đường lối đối ngoại mang đậm tư tưởng ý thức hệ sang đường lối đối ngoại coi trọng lợi ích quốc gia và tư tưởng chính trị thực tế.
          Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), khẳng định quan điểm “Thực hiện  đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”; đồng thời đề ra chủ trương đối ngoại mới như: coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế - chính trị thế giới; tiến tới việc thưc hiện đầu tư ra nước ngoài.
          Như vậy, từ những chuyển biến tư duy đối ngoại của Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội VIII, đã hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Đầu thế kỷ XX, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để nước ta tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Ở trong nước thế và lực đã lớn mạnh hơn nhiều, cơ sở vật chất của nền kinh tế được tăng cường.
Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đề ra chủ trương “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”; thúc đẩy quan hệ đa dạng với các nước phát triển và các tổ chức quốc tế; đẩy mạnh hoạt động ở các diễn đàn đa phương; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, Đảng đề ra chủ trương đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây là lần đầu tiên chủ trương xây dựng quan hệ đối tác được đề ra trong đường lối đối ngoại của Đảng.
          Đại hội Đảng lần thứ X (2006) đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong chủ trương đối ngoại của Đại hội IX: nhấn mạnh yếu tố chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Với phương châm Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) khẳng định: “Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước…vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên”. [4,92] Từ thực tiễn nêu trên, cùng với nhận thức của Đảng về tình hình thế giới trong những thập niên tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn “Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến”. [4, 97] Đó là cơ sở để Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) xác định nhiệm vụ đối ngoại trong 5 năm (2011 – 2015) là: “Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”.[4,322] So với nhiệm vụ đối ngoại được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ X, thì chủ trương đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XI thể hiện bước phát triển mới về tư duy – chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” lên “hội nhập quốc tế” – hội nhập toàn diện, đồng bộ từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng…
Không chỉ dừng lại “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy… tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [3,112] mà phát triển cao hơn Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [4,236]. Đồng thời, Đại hội XI khẳng định rõ hơn cơ sở của sự hợp tác: Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đây là những quan điểm có bước phát triển đồng thời kế thừa đường lối, chủ trương đối ngoại trong suốt quá trình đổi mới.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định phương châm và định hướng lớn của hoạt động đối ngoại là “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[4]. Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an sinh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất. Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh...[5]. Triển khai đồng bộ hoạt động đối ngoại, cả về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước.    
------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét