Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

HƯỚNG DẪN ĐẠI HỘI CỰU CHIẾN BINH NHIỆM KỲ 2017-2022

HƯỚNG DẪN
Đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp nhiệm kỳ 2017-2022
-------------------
- Thực hiện Chỉ thị 02-CT/TW ngày 31/3/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Hội CCB các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017 – 2022) và Thông tri số 08 -/TTr/TU ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Thường vụ Thành uỷ về tổ chức Đại hội Cựu chiến binh các cấp thành phố nhiệm kỳ 2017 - 2022.
- Căn cứ vào Điều lệ Hội CCB Việt Nam, Nghị quyết số 07/NQ-CCB ngày 16/12/1915  của Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam về việc tổ chức Đại hội Hội CCB các cấp  nhiệm kỳ 2017-2012.

- Căn cứ hướng dẫn số 108/HD-CCB ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh việt nam hướng dẫn Đại hội Cựu chiến binh các cấp nhiệm kỳ 2017 – 2022.
- Căn cứ vào quy chế làm việc của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh thành phố  nhiệm kỳ 2012 – 2017.
Thường trực Hội Cựu chiến binh Thành phố hướng dẫn việc tổ chức Đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp nhiệm kỳ 2017 – 2022 như sau:
I. NỘI DUNG VÀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI.
1. Nội dung đại hội
Đại hội các cấp Hội (kể cả những tổ chức mới thành lập, chia tách, sáp nhập) đều thực hiện 04 nội dung sau:
- Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2012 – 2017; xác định chủ trương, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 2017 – 2022.
- Thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Hội.
- Bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2017 – 2022.
- Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.
2. Chuẩn bị và thảo luận văn kiện đại hội.
a. Văn kiện đại hội.
Đại hội từ cấp cơ sở đến cấp thành phố có các văn kiện: báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trình đại hội (trong đó có phần kiểm điểm tự phê bình, phê bình của BCH trong nhiệm kỳ) và dự thảo nghị quyết đại hội.
Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:
-  Báo cáo chính trị: Cần bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2012 – 2017 của cấp mình và của cấp trên trực tiếp; sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị cùng cấp để đánh giá đúng thực trạng tình hình và hoạt động của tổ chức Hội 5 năm qua; khẳng định những đóng góp của Hội và hội viên, nêu rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Quán triệt sâu sắc nghị quyết đại hội đảng bộ cùng cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; bám sát tôn chỉ, mục đích và từ thực tiễn hoạt động của Hội để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội trong nhiệm kỳ tới nhằm: tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
-  Tự kiểm điểm của BCH: Cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; quy rõ trách nhiệm của tập thể BCH, Ban Thường vụ và của cá nhân các đồng chí ủy viên (nhất là người đứng đầu) trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội và nhiệm vụ của Hội; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt; tinh thần đoàn kết, vai trò gương mẫu của cá nhân các đồng chí ủy viên.
Nội dung kiểm điểm của BCH cần ngắn gọn, tránh lặp lại nội dung trong báo cáo chính trị của BCH.
-  Dự thảo nghị quyết đại hội chuẩn bị toàn văn (theo mẫu).
b. Thảo luận các văn kiện tại đại hội.
-  Đại hội cấp cơ sở:
Thảo luận báo cáo chính trị của cấp mình; dự thảo báo cáo chính trị của cấp trên trực tiếp và báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội của BCH Trung ương Hội.
Cấp cơ sở tổ chức đại hội đại biểu thì chi hội tổ chức hội nghị thảo luận dự thảo báo cáo chính trị của tổ chức cơ sở Hội và báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội của BCH Trung ương Hội, cử đại biểu dự đại hội cấp cơ sở.
-  Đại hội cấp quận, huyện và tương đương:
Thảo luận báo cáo chính trị của cấp mình; dự thảo báo cáo chính trị của BCH Hội Cựu chiến binh thành phố; báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội BCH Trung ương Hội.
-  Đại hội cấp thành phố:
Thảo luận báo cáo chính trị của cấp mình; dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội của BCH Trung ương Hội.
3. Công tác chuẩn bị nhân sự BCH tổ chức Hội các cấp
a. Tiêu chuẩn ủy viên BCH.
Căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ trong hệ thống chính trị quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII của BCH Trung ương Đảng về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 04-NQ/CCB ngày 11/02/2014 của BCH Trung ương Hội khóa V về công tác cán bộ và xây dựng BCH các cấp vững mạnh. Tiêu chuẩn ủy viên BCH các cấp Hội cụ thể như sau:
-  Là hội viên Hội CCB Việt Nam; có tâm huyết và nhiệt tình công tác Hội; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân.
-  Có phẩm chất đạo đức tốt, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”; gương mẫu, trung thực; kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và CCB theo quy định của pháp luật; có tính nguyên tắc, tính tập thể và dân chủ.
-  Có trình độ hiểu biết về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác vận động quần chúng; có khả năng đoàn kết, tập hợp CCB, CQN; có tác phong quần chúng, sát cơ sở; có tín nhiệm với cấp ủy, chính quyền, nhân dân và Cựu chiến binh, Cựu quân nhân.
-  Có độ tuổi và sức khỏe phù hợp bảo đảm công tác ít nhất được 1 nhiệm kỳ. Trường hợp tái cử phải bảo đảm công tác được từ 24 tháng trở lên. Cụ thể là:
+ Đối với ủy viên BCH cấp cơ sở:
Đồng chí được cơ cấu chức danh chủ tịch hội là cán bộ nghỉ hưu hoặc hưởng trợ cấp BXH hàng tháng tham gia BCH lần đầu từ 60 tuổi trở xuống; tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến tuổi 65 nghỉ công tác Hội. Trường hợp đặc biệt: những nơi thực sự khó khăn về nguồn, tham gia BCH lần đầu được vận dụng từ 62 tuổi trở xuống, hoặc đã có thời gian công tác Hội được 2 nhiệm kỳ nhưng chưa có nguồn thay thế, được cấp ủy và hội viên tín nhiệm, có đủ sức khỏe thì có thể kéo dài trên 2 nhiệm kỳ, nhưng thời gian công tác Hội cả 2 trường hợp vận dụng trên tối đa không quá 70 tuổi.
Đồng chí chủ tịch hội là công chức, viên chức, người lao động hoặc quân nhân phục viên, xuất ngũ tham gia BCH nói chung đủ tuổi công tác được 1 nhiệm kỳ trở lên. Trường hợp đặc biệt (đã có thời gian công tác hội được 2 nhiệm kỳ nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để nghỉ hưu theo luật định) nếu được tổ chức hội tín nhiệm, cấp có thẩm quyền nhất trí thì có thể kéo dài thời gian công tác hội trên 2 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Các ủy viên BCH cấp cơ sở không được cơ cấu chức danh chủ tịch thì không quy định về độ tuổi và nhiệm kỳ công tác hội.
+ Đối với ủy viên BCH cấp quận, huyện.
Các đồng chí được cơ cấu chức danh chủ tịch, phó chủ tịch là cán bộ nghỉ hưu hoặc hưởng chế độ trở cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tham gia BCH lần đầu tuổi từ 65 trở xuống; tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến 70 tuổi hoặc 10 năm công tác hội.
Chủ tịch Hội CCB xã, phường, thị trấn và tương đương đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì được cơ cấu tham gia BCH cấp quận, huyện.
+ Đối với ủy viên BCH cấp thành phố.
Các đồng chí được cơ cấu chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội cấp thành phố; chủ tịch, phó chủ tịch hội cấp quận, huyện là cán bộ nghỉ hưu hoặc hưởng chế độ BHXH hàng tháng tham gia BCH thành phố lần đầu tuổi từ 65 trở xuống; tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến 2 nhiệm kỳ, 70 tuổi hoặc 10 năm công tác hội.
Các đồng chí được cơ cấu trưởng ban cấp thành phố là cán bộ nghỉ hưu hoặc hưởng chế độ trở cấp BHXH hàng tháng tham gia BCH Thành hội lần đầu tuổi từ 60 trở xuống; tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến 65 tuổi nghỉ công tác hội. Ở những nơi có khó khăn về nguồn hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ được vận dụng kéo dài thời gian công tác hội trên 65 tuổi, nhưng không quá 70 hoặc 10 năm công tác ở một cấp hội.
Cán bộ là công chức tham gia BCH thành phố lần đầu còn tuổi công tác được 01 nhiệm kỳ trở lên; tái cử còn tuổi công tác được từ 24 tháng trở lên mới đến tuổi nghỉ hưu theo luật lao động.
-  Chủ tịch, phó chủ tịch các cấp là công chức, viên chức, người lao động đã có thời gian công tác hội được 2 nhiệm kỳ nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì tiếp tục tái cứ cho đến khi đủ 60 tuổi để nghỉ hưu theo quy định của luật lao động.
Đối với các đồng chí tham gia BCH các cấp thuộc khối đại diện không quy định về độ tuổi và nhiệm kỳ công tác hội.
 b. Số lượng, cơ cấu, diện bố trí và quy trình giới thiệu ủy viên BCH các cấp hội.
- Số lượng
+ Cấp cơ sở:
Tổ chức cơ sở có dưới 12 hội viên trở lên bầu chủ tịch, phó chủ tịch kiêm công tác kiểm tra.
Tổ chức cơ sở có từ 12 hội viên trở lên bầu BCH. Số lượng ủy viên BCH từ 3 đến 21 ủy viên.
+ Cấp quận, huyện:
Số lượng ủy viên BCH từ 9 đến 29 ủy viên; những nơi có nhiều tổ chức cơ sở hội, số lượng ủy viên BCH có thể cao hơn do đại hội quyết định, nhưng không quá 35 ủy viên.
+ Cấp thành phố:
Số lượng ủy viên BCH từ 41 đến 45 ủy viên;
-  Cơ cấu và diện bố trí ủy viên BCH:
+ Cơ cấu
Trên cơ sở tiêu chuẩn là chính, BCH cần có cơ cấu hợp lý bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trong lĩnh vực công tác, các hoạt động của hội. Những địa phương có đông hội viên là người dân tộc thiểu số, người theo các tôn giáo, là phụ nữ cần có tỉ lệ cơ cấu phù hợp.
Về cơ bản chủ tịch tổ chức hội cấp dưới tham gia BCH tổ chức hội cấp trên trực tiếp; căn cứ tình hình cụ thể nên có cơ cấu theo khối đại diện: dân tộc thiểu số, tôn giáo, doanh nhân, nhà khoa học, cán bộ nữ ...
Về độ tuổi nên có các độ tuổi phù hợp với từng cấp để có tính kề thừa: dưới 50 tuổi; 51 đến 55 tuổi; 56 đến 60 tuổi; 61 đến 65 tuổi; trên 66 tuổi.
+ Diện bố trí:
Cấp thành phố, quận, huyện thực hiện theo Quy định số 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cấp phường, xã, thị trấn thực hiện theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bội Nội vụ.
-  Quy trình giới thiệu nhân sự ủy viên BCH Hội các cấp.
Trên cơ sở quy trình 5 bước quy hoạch cán bộ chủ trì các cấp trong Nghị quyết số 04-NQ/CCB ngày 11/02/2014 của Ban chấp hành Trung ương Hội CCB khóa V, quy trình giới thiệu nhân sự ủy viên Ban chấp hành các cấp Hội (nhiệm kỳ 2017 – 2022) thực hiện theo 5 bước sau:
Bước 1:Chủ tịch, các phó chủ tịch (thường trực) thảo luận phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành cấp mình về: tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành báo cáo. Tổng hợp báo cáo cấp ủy địa phương cùng cấp và Ban Thường vụ tổ chức Hội cấp trên trực tiếp.
Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến của Ban Chấp hành đương nhiệm cấp mình về nhân sự BCH nhiệm kỳ 2017 – 2022. Phiếu phát hiện ghi rõ: đồng chí nào tiếp tục tái cử và giới thiệu nhân sự mới tham gia BCH. Phiếu phát hiện giới thiệu bỏ vào phong bì dán kín gửi về Ban Thường vụ (nơi không có Ban Thường vụ thì gửi về Thường trực) tổ chức Hội cấp mình.
Bước 3: Ban Thường vụ (Thường trực) nghe tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành đương nhiệm. Dự kiến danh sách nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Trưởng Ban kiểm tra nhiệm kỳ mới.
Tập thể thảo luận thống nhất, sau đó tổ chức lấy ý kiến cán bộ chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch) tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp.
Đối với tổ chức cơ sở khi BCH bàn nhân sự BCH mới nên mời các đồng chí chi hội trưởng không phải là ủy viên BCH tham dự.
Bước 4: Ban Chấp hành nghe báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của cán bộ chủ trì tổ chức Hội cấp dưới về dự kiến nhân sự Ban chấp hành Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ban Kiểm tra và Trưởng Ban Kiểm tra khóa mới. Tập thể thảo luận và lấy biểu quyết bằng phương pháp bỏ phiếu kín. Sau khi kiểm phiếu phải công bố kết quả bỏ phiếu tại hội nghị.
Danh sách nhân sự được giới thiệu tham gia BCH và các chức danh lãnh đạo phải có số phiếu tín nhiệm trên 50% số ủy viên BCH tham gia hội nghị (hội nghị phải có ít nhất 2/3 số ủy viên dự họp). Nếu chưa đù số lượng theo dự kiến thì phát hiện nhân sự mới để lấy phiếu tín nhiệm cho đến khi đủ số lượng.
Nếu có hội viên tự ứng cử để bầu vào BCH các cấp thì tiêu ban nhân sự đại hội hoặc Ban Thường vụ (Thường trực) tổ chức hội nhận đơn, hồ sơ ứng cử. BCH tổ chức Hội xem xét theo quy định.
     Danh sách nhân sự có số dư hay không do BCH chuẩn bị, báo cáo đại hội quyết định.
Bước 5: Đảng đoàn (nơi có Đảng đoàn) nghe Thường trực tổ chức Hội cùng cấp báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử BCH, Ban Thường vụ, chủ tịch, Phó chủ tịch, Ban Kiểm tra, Trưởng Ban Kiểm tra khóa mới; thảo luận thống nhất báo cáo Ban Thường vụ tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và cấp uỷ cùng cấp phê duyệt (chủ yếu là những chức danh do cấp uỷ cùng cấp quản lý).
Trong quá trình chuẩn bị nhân sự BCH các cấp, nếu có nhiều đối tượng như nhau về tiêu chí thì ưu tiên lựa chọn những đồng chí có quân hàm trong quân đội hoặc chức vụ công tác cao hơn.
4. Đại biểu đại hội.
a. Đại biểu dự đại hội bao gồm:ủy viên BCH tổ chức Hội triệu tập đại hội (đại biểu đương nhiên), đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu và đại biểu do tổ chức Hội triệu tập đại hội chỉ định. Những đồng chí nào là ủy viên BCH cấp triệu tập đại hội khi có quyết định nghỉ công tác Hội thì thôi không tham gia BCH và không còn là đại biểu đương nhiên của đại hội.
Trường hợp đến kỳ đại hội các cấp, nếu ủy viên BCH tham gia nhiều cấp hội, mà ở cấp mình đã hết nhiệm kỳ, sau đại hội không còn cơ cấu giữ các chức vụ công tác hội, nhưng cấp trên chưa đại hội thì vẫn là ủy viên BCH tổ chức hội cấp trên cho đến khi đại hội, nên vẫn là đại biểu đương nhiên.
b. Tiêu chuẩn: đại biểu dự đại hội phải là những hội viên tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực để tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề của đại hội.
Căn cứ vào số lượng hội viên, số lượng tổ chức hội trực thuộc và vị trí của từng tổ chức mà phân bổ đại biểu cho phù hợp. Thành phần đại biểu dự đại hội phải đại diện cho các tổ chức hội và các khối đại diện để phát huy trí tuệ của toàn hội.
Đại hội bầu đại biểu chính thức; căn cứ vào tình hình thực tiễn, đại hội có thể bầu từ 1 đến 2 đại biểu dự khuyết do đại hội quyết định.
Công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên do BCH cấp triệu tập đại hội chuẩn bị, theo sự chỉ đạo của BCH tổ chức hội cấp trên trực tiếp.
c. Số lượng đại biểu của đại hội các cấp.
- Đại hội đại biểu cấp thành phố: có số lượng từ 250 – 300 đại biểu.
- Đại hội cấp quận, huyện: có số lượng từ 150 – 200 đại biểu. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng tổ chức, số lượng đại biểu dự đại hội có thể cao hơn hoặc thấp hơn do BCH cấp triệu tập đại hội quyết định, nhưng không qua 300 đại biểu.
- Đại hội cấp cơ sở: Tổ chức cơ sở hội có từ 100 hội viên trở lên, tổ chức đại hội đại biểu; số lượng đại biểu do BCH cấp triệu tập đại hội quyết định, nhưng cao nhất không qua 150 đại biểu. Tổ chức cơ sở hội có dưới 100 hội viên tổ chức đại hội toàn thể hội viên.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng tổ chức và nguyện vọng của hội viên, nếu được tổ chức hội cấp trên và cấp ủy địa phương cùng cấp đồng ý thì tổ chức hội có dưới 100 hội viên cũng có thể tổ chức đại hội đại biểu, tổ chức hội có trên 100 hội viên cũng có thể tổ chức đại hội toàn thể hội viên.
II. QUY TRÌNH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI Ở TỪNG CẤP.
Đại hội từ cấp quận, huyện trở lên có thể tiến hành 2 phiên, phiên trù bị và phiên chính thức.
1.   Phiên trù bị:do BCH cấp triệu tập đại hội đảm nhiệm, thực hiện các nội dung sau:
-  Thông qua quy chế làm việc của đại hội.
-  Bầu đoàn chủ tịch đại hội.
-  Bầu đoàn thư ký đại hội.
-  Bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội.
-  Thông qua chương trình làm việc của đại hội.
-  Đọc báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận các văn kiện của cấp trên ở đại hội cấp dưới trực tiếp; đề xuất nội dung thảo luận ở đại hội cấp mình.
-  Hướng dẫn sinh hoạt của các đại biểu và nội quy của đại hội.
Trong phiên trù bù không tổ chức lễ chào cờ.
2.   Phiên chính thức:
Công tác tổ chức đại hội:
-  Chào cờ, hát quốc ca (có thể dùng nhạc đệm).
-  Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu (nếu đã bầu ở phiên trù bị thì mời đoàn chủ tịch, đoàn thư ký lên làm việc).
Đoàn chủ tịch đại hội:
-  Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; khai mạc đại hội.
-  Báo cáo đại hội về việc phân công nhiệm vụ cho từng người trong đoàn chủ tịch.
-  Điều hành đại hội làm việc theo quy chế và chương trình làm việc đã được đại biểu biểu quyết:
+ Giới thiệu đồng chí thay mặt BCH đọc báo cáo chính trị của cấp mình (trong đó có nội dung tự kiểm điểm của BCH trong nhiệm kỳ).
+ Giới thiệu ban thẩm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, ở đại hội hội viên báo cáo tình hình và tư cách hội viên dự đại hội. Xin ý kiến đại hội về báo cáo của ban thẩm tra tư cách đại biểu.
+ Hướng dẫn và điều hành đại hội thảo luận báo cáo chính trị của cấp mình.
+ Mời đại biểu cấp trên phát biểu (đại biểu tổ chức hội cấp trên và đại biểu cấp giới thiệu thứ tự phát biểu cho phù hợp). Thời điểm cấp trên phát biểu nên bố trí sau khi đại hội thảo luận được một số ý kiến.
+ Làm công tác nhân sự bầu cử ủy viên BCH và nhân sự bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp.
Đoàn chủ tịch báo cáo với đại hội và tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng ủy viên BCH khóa mới do BCH triệu tập đại hội chuẩn bị; tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng đại biểu được tổ chức hội cấp trên phân bổ; dự kiến số lượng đại biểu dự khuyết; hướng dẫn đại hội thảo luận các nội dung trên; biểu quyết số lượng ủy viên BCH khóa mới và số lượng đại biểu dự khuyết.
Đoàn chủ tịch giới thiệu danh sách nhân sự ủy viên BCH và nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên do BCH triệu tập đại hội chuẩn bị. Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử nhân sự bầu cử ủy viên BCH khóa  mới và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
Đoàn chủ tịch tổng hợp kết quả những người ứng cử, được đại hội đề cử để bầu BCH và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên; những người xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Quyết định những trường hợp được rút khỏi danh sách bầu cử. Trường hợp đoàn chủ tịch không thống nhất thì báo cáo đại hội quyết định.
Lấy biểu quyết của đại hội về số lượng và danh sách bầu cử ủy viên BCH và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
Bầu ban (tổ) kiểm phiếu của đại hội.
+ Điều hành đại hội bầu cử ủy viên BCH; công bố kết quả bầu cử.
+ Điều hành đại hội tiếp tục thảo luận, kết luận và biểu quyết thông qua phần thảo luận báo cáo chính trị của cấp mình.
+ Hướng dẫn nội dung thảo luận các văn kiện của cấp trên ở đại hội cấp mình; điều hành đại hội thảo luận.
+ Điều hành đại hội bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp (thời điểm bầu cử đại biểu nên bố trí sau khi đoàn chủ tịch gợi ý xong nội dung cần tập trung thảo luận các văn kiện của cấp trên); công bố kết quả bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên.
+ BCH họp phiên đầu tiên để bầu các chức danh lãnh đạo và cơ quan giúp việc của BCH (thời điểm BCH họp phiên đầu tiên nên bố trí sau khi đại hội kết thúc nội dung bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp).
+ Điều hành đại hội tiếp tục thảo luận; kết luận và lấy biểu quyết về những vấn đề mà đại hội đã thảo luận góp ý vào các văn kiện của cấp trên.
+ Công bố kết quả phiên họp đầu tiên của BCH; BCH và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên ra mắt và hứa hẹn trước đại hội.
+ Giới thiệu đoàn thư ký thông qua dự thảo nghị quyết đại hội.
+ Bế mạc đại hội.
+ Diễn văn bế mạc.
+ Chào cờ, hát quốc ca (do ban tổ chức đại hội thực hiện).
  Trên cơ sở những nội dung hướng dẫn trên, căn cứ vào tình hình thực tiễn, các cấp nghiên cứu để xây dựng chương trình làm việc của đại hội cấp mình cho phù hợp.
III. NGUYÊN TẮC VÀ HÌNH THỨC BẦU CỬ.
1.   Nguyên tắc bầu cử.
-  Việc bầu cử thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử phải được chuẩn y của BCH tổ chức hội cấp trên trực tiếp.
-  Đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể hội viên chỉ có giá trị khi có ít nhất 2/3 số đại biểu hoặc hội viên được triệu tập có mặt dự đại hội và có ít nhất 2/3 số tổ chức hội trực thuộc có đại biểu dự đại hội.
2.   Hình thức bầu cử.
-  Bỏ phiếu kín thực hiện trong các trường hợp sau: bầu BCH, Ban Thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch; bầu ban kiểm tra, trưởng ban, phó trưởng ban kiểm tra; bầu đại biểu dự đại hội cấp trên; lấy ý kiến về các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử.
-  Biểu quyết bằng phương pháp giơ tay (dùng thẻ hội viên để biểu quyết) thực hiện trong các trường hợp sau: bầu các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội, hội nghị (đoàn chủ tịch đại hội, chủ tịch hội nghị, đoàn thư ký, thư ký hội nghị, ban thẩm tra tư cách đại biểu ban kiểm phiếu); thông qua số lượng và danh sách bầu cử; thông qua nghị quyết đại hội, hội nghị; thông qua các vấn đề thảo luận tại đại hội.
3.   Phiếu bầu cử.
-  Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu cử theo thứ tự A, B, C (nơi không có điều kiện in phiếu thì ban kiểm phiếu ghi danh sách bầu cử trên phiếu), đóng dấu của BCH cấp triệu tập đại hội ở góc trái phía trên phiếu bầu.
-  Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả họ và tên của người mà mình không bầu.
-  Phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ:
+ Phiếu hợp lệ là phiếu do ban (tổ) kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng cần bầu; phiếu bầu mà trong danh sách bầu cử chỉ có một người, người bầu cử gạch hoặc không gạch tên người trong danh sách bầu cử.
+ Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban (tổ) kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng quy định; phiếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử có nhiều người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử; phiếu có đánh dấu hoặc dùng nhiều loại mực; phiếu ký tên hoặc viết thêm.
4.   Điều kiện trúng cử.
-  Người trúng cử phải đạt quá một nửa số phiếu tín nhiệm của đại biểu hoặc hội viên có mặt lúc bầu cử.
-  Trường hợp số người đạt số phiếu quả nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì người trúng cử là người có số phiếu tín nhiệm cao hơn (lấy từ cao xuống thấp cho đủ số lượng cần bầu).
-  Trường hợp cuối danh sách bầu cử có nhiều người đạt số phiếu quá bán ngang nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu thì đoàn chủ tịch lập danh sách những người có số phiếu quá bán ngang nhau để đại hội tiến hành bầu lại, người trúng cử là người có số phiếu cao hơn, không cần quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn ngang nhau thì có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.
5.   Quyền ứng cử và đề cử.
a.   Quyền ửng cử.
-  Hội viên có quyền ứng cử vào BCH các cấp, dù là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội. hội viên không phải là đại biểu của đại hội ứng cử vào BCH từ cấp cơ sở trở lên, thì trước đại hội 15 ngày phải gửi đến BCH triệu tập đại hội: đơn xin ứng cử, bản khai tóm tắt lý lịch bản thân có tự nhận xét ưu, khuyết điểm và được BCH tổ chức cơ sở hội xác nhận.
-  Chỉ có đại biểu chính thức của đại hội đại biểu và hội viên của đại hội toàn thể hội viên mới có quyền ứng cử đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  Ủy viên BCH của cấp nào có quyền ứng cử để bầu vào ban thường vụ và ban kiểm tra của cấp đó. Ủy viên ban thường vụ của cấp nào có quyền ứng cử để được bầu làm chủ tịch, phó chủ tịch của cấp đó. Trường hợp không bầu ban thường vụ thì ủy viên BCH có quyền ứng cử để được bầu làm chủ tịch, phó chủ tịch cấp đó.
b.   Quyền đề cử.
-  Đại biểu của đại hội có quyền đề cử hội viên là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội vào BCH tổ chức hội cấp mình.
-  Trường hợp đề cử hội viên không phải là đại biểu đại hội vào BCH tổ chức hội cấp mình, người đề cử phải báo cáo bằng văn bản về lý lịch, tư cách của người được đề cử và phải được sự đồng ý của người đó.
-  Đại biểu của đại hội có quyền đề cử đại biểu của đại hội để bầu làm đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  Hội viên ở đại hội toàn thể hội viên có quyền đề cử hội viên (kể cả người vắng mặt có lý do) để bầu vào BCH và đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  BCH triệu tập đại hội có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự bầu BCH khóa mới và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
6.    Bầu các cơ quan làm việc của đại hội.
a.Bầu đoàn chủ tịch đại hội.
-  Đoàn chủ tịch là cơ quan điều hành công việc của đại hội; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
-  Đoàn chủ tịch do đại hội bầu. BCH triệu tập đại hội giới thiệu số lượng và nhân sự đoàn chủ tịch. Đại hội biểu quyết về số lượng và danh sách nhân sự đoàn chủ tịch.
b.   Bầu đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu.
Bầu đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu do đoàn chủ tịch giới thiệu, đại hội biểu quyết thông qua về số lượng và danh sách nhân sự của từng cơ quan giúp việc đại hội.
7.   Bầu Ban chấp hành và bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
a.   Bầu Ban chấp hành.
-  Đoàn chủ tịch báo cáo với đại hội về phương hướng xây dựng BCH, tiêu chuẩn, số lượng ủy viên và cơ cấu BCH khóa mới. Đại hội thào luận và biểu quyết về số lượng ủy viên BCH.
-  Tiến hành ứng cử và đề cử ủy viên BCH khóa mới.
-  Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử ủy viên BCH. Xem xét việc cho người xin rút khỏi danh sách bầu cử.
-  Lấy biểu quyết về danh sách bầu cử.
-  Bầu ban kiểm phiếu.
-  Ban kiểm phiếu: hướng dẫn thủ tục bỏ phiếu; phát phiếu, thu phiếu, kiểm phiếu; công bố kết quả kiểm phiểu; niêm phong phiếu bầu.
-  Đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội về kết quả bầu cử.
b.   Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  Bầu đại biểu chính thức trước; bầu đại biểu dự khuyết (nếu có) sau.
-  Đoàn chủ tịch báo cáo đại hội về tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng đại biểu do BCH tổ chức hội cấp trên phân bổ.
-  Tiến hành ứng cử, đề cử đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử đại biểu dự đại hội cấp trên. Xem xét việc cho người xin rút khỏi danh sách bầu cử. Lấy biểu quyết về danh sách bầu cử.
Nếu trong ban kiểm phiếu bầu BCH có người ứng cử hoặc được đề cử bầu làm đại biểu dự đại hội cấp trên, đoàn chủ tịch giới thiệu người khác thay thế để đại hội bầu bổ sung nhân sự ban kiểm phiếu. Nếu không có người ứng cử hoặc được đề cử thì tiếp tục sử dụng ban kiểm phiếu bầu BCH để phục vụ cho việc bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên.
-  Tiến hành bầu cử:
+ Danh sách bầu đại biểu chính thức và đại biểu dự khuyết được lập chung một danh sách; bầu đại biểu chính thức trước; bầu đại biểu dự khuyết (nếu có) sau. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu nhiều hơn một nửa so với số đại biểu hoặc hội viên có mặt trước khi bỏ phiếu, thì đại biểu dự khuyết được lấy trong số các đại biểu đó theo kết quả được bầu từ cao xuống thấp. Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.
+ Danh sách bầu cử lần sau có giới thiệu bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần trước hay không do đại hội quyết định.
8.   Bầu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra và trưởng ban kiểm tra trong phiên họp đầu tiên của BCH.
Sau khi BCH mới được bầu, đoàn chủ tịch ủy nhiệm cho một đ/c trong số ủy viên BCH triệu tập đại hội được tái cử làm nhiệm vụ triệu tập phiên họp đầu tiên của BCH để bầu: ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra, trưởng ban kiểm tra.
Đồng chí được đoàn chủ tịch ủy nhiệm điều hành hội nghị BCH bầu chủ tọa hội nghị (sau khi bầu được chủ tọa hội nghị, đ/c ủy viên BCH được ủy quyền hết nhiệm vụ, trở về vị trí ủy viên BCH).
Chủ tọa hội nghị điều hành hội nghị: bầu thư ký hội nghị; thông qua chương trình làm việc của hội nghị.
a.   Bầu ban thường vụ:
-  Số lượng ủy viên ban thường vụ nhiều nhất không quá 1/3 số lượng ủy viên BCH do đại hội bầu. BCH tổ chức cơ sở hội có dưới 9 ủy viên bầu chủ tịch, phó chủ tịch kiêm công tác kiểm tra.
-  Chủ tọa hội nghị báo cáo về tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu ban thường vụ.
-  Hội nghị tiến hành ứng cử, đề cử.
     + Các đ/c ủy viên BCH ứng cử và đề cử bầu ban thường vụ trong số ủy viên BCH.
+ Khi cần thiết hoặc do hội nghị yêu cầu, đ/c chủ tọa hội nghị báo cáo danh sách nhân sự ban thường vụ do BCH khóa trước chuẩn bị.
+ Chủ tọa hội nghị tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử báo cáo hội nghị.
Hội nghị thảo luận và biểu quyết thông qua danh sách bầu cử (những đ/c xin rút khỏi danh sách bầu cử phải được đa số ủy viên BCH đồng ý). Danh sách bầu cử có số dư hay không do BCH quyết định.
-  Bầu tổ kiểm phiếu.
-  Tiến hành bầu cử; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử.
Nếu bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng, có bầu tiếp cho đủ số lượng hay không do hội nghị quyết định.
b.   Bầu chủ tịch, phó chủ tịch.
-  Chủ tọa hội nghị báo cáo về tiêu chuẩn và ý kiến giới thiệu của cấp ủy cùng cấp về nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch để hội nghị xem xét.
-  Những người ứng cử hoặc được đề cử chức danh chủ tịch, phó chủ tịch phải là những người đã trúng cử ủy viên ban thường vụ.
-  Hội nghị tiến hành ứng cử, đề cử.
-  Tiến hành bầu cử; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử (bầu chủ tịch trước, bầu phó chủ tịch sau).
  Các đồng chí trúng cử điều hành ngay công việc của BCH sau khi được bầu.
Trong phiên họp này sau khi bầu chủ tịch, phó chủ tịch, BCH các cấp hội giới thiệu nhân sự tham gia BCH cấp trên trực tiếp.
c.    Bầu ban kiểm tra và trưởng ban kiểm tra.
-  Số lượng ủy viên ban kiểm tra của cấp nào do BCH cấp đó quyết định theo hướng dẫn của ban kiểm tra TW Hội, trong đó có 1/3 là ủy viên BCH. BCH hội cơ sở có từ 9 ủy viên trở lên bầu ban kiểm tra, đ/c phó chủ tịch làm trưởng ban kiểm tra. BCH tổ chức cơ sở hội có dưới 9 ủy viên không bầu ban kiểm tra mà phân công đ/c phó chủ tịch phụ trách công tác kiểm tra.
-  Chủ tọa hội nghị báo cáo tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu ủy viên ban kiểm tra. Hội nghị thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng ủy viên ban kiểm tra.
-  Chủ tọa hội nghị báo cáo danh sách nhân sự ban kiểm tra do BCH triệu tập đại hội chuẩn bị.
-  Hội nghị thảo luận, tiến hành ứng cử, đề cử, biểu quyết thông qua danh sách bầu ủy viên ban kiểm tra và trưởng ban kiểm tra.
-  Tiến hành bầu cử; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử (bầu ủy viên ban kiểm tra trước, bầu trưởng ban kiểm tra sau).
9.   Việc chuẩn y kết quả bầu cử.
a.   Chuẩn y kết quả bầu cử.
-  Sau đại hội, BCH hoàn chỉnh các văn bản đề nghị BCH tổ chức hội cấp trên trực tiếp chuẩn y kết quả bầu cử: BCH, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra và trưởng ban kiểm tra, đồng thời gửi văn bản giới thiệu nhân sự của tổ chức hội cấp mình (đã được cấp ủy địa phương cho ý kiến) tham gia BCH tổ chức hội cấp trên trực tiếp nhiệm kỳ 2017 – 2022.
-  Khi nhận được văn bản của tổ chức hội cấp dưới về việc đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử các chức danh, BCH, ban thường vụ, ban kiểm tra, trưởng ban kiểm tra, tổ chức hội cấp trên trực tiếp xem xét chuẩn y.
b.   Biên bản bầu cử.
-  Biên bản bầu cử lập thành 03 bản có chữ ký của đ/c thay mặt đoàn chủ tịch và trưởng ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu niêm phong phiếu bầu để đoàn chủ tịch giao cho BCH khóa mới lưu trữ.
-  Nội dung biên bản bầu cử.
+ Tổng số đại biểu hoặc tổng số hội viên được triệu tập có mặt dự đại hội.
+ Số đại biểu hoặc số hội viên bị bác tư cách dự đại hội.
+ Số ủy viên BCH cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội.
+ Số đại biểu chính thức vắng mặt không có đại biểu dự khuyết thay thế.
+ Tổng số đại biểu hoặc hội viên có mặt khi bầu cử.
+ Số phiếu phát ra.
+ Số phiếu thu về.
+ Số phiếu hợp lệ.
+ Số phiếu không hợp lệ.
+ Số phiếu bầu đủ số lượng.
+ Số phiếu bầu thiếu so với số lượng cần bầu (trong đó thiếu 1, thiếu 2 ...).
+ Số phiếu được bầu từ cao xuống thấp của từng người trong danh sách bầu cử (tính theo tỉ lệ số đị biểu hoặc hội viên có mặt lúc bầu cử).
+ Danh sách những người trúng cử.
IV. THỜI GIAN TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI.
1. Cấp cơ sở:(phường, xã, thị trấn và tổ chức “487”):
Thời gian đại hội  từ 1 đến 1,5 ngày. Bắt đầu từ tháng 1/2017, hoàn thành vào tháng 4/2017. Đại hội điểm vào đầu tháng 01/2017.
2. Cấp quận, huyện và tổ chức 487 tương đương.
Thời gian đại hội tối đa không quá 2,5 ngày. Bắt đầu từ tháng 4/2017, hoàn thành vào tháng 6/2017. Đại hội điểm vào đầu tháng 4/2017.
3. Cấp Thành phố.
Thời gian đại hội tối đa không quá 3 ngày trong tháng 9 /2017.
Trước khi Đại hội chính thức, các cấp phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố cần có hội nghị trù bị để làm công tác chuẩn bị như: thông qua chương trình Đại hội, bầu cử Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua quy chế làm việc của Đại hội. Thời gian hội nghị trù bị do cấp triệu tập Đại hội quyết định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. BCH Hội Cựu chiến binh các cấpquán triệt Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số  08 -TT/TU ngày  15 tháng 7 năm 2016 về lãnh đạo Đại hội Hội CCB các cấp tiến tới Đại hội Hội CCB Việt Nam và TP.HCM nhiệm kỳ V (2017 – 2022) và hướng dẫn này đến các tổ chức Hội. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội và các tiểu ban: Nội dung (văn kiện), nhân sự, đảm bảo vật chất, ở cấp cơ sở và những quận, huyện, tổ chức Hội “487” tương đương, không có điều kiện thành lập Ban tổ chức Đại hội thì BCH, Ban Thường vụ phân công trực tiếp lãnh đạo và chuẩn bị cho Đại hội.
2.Những tổ chức Hội thành lập mới, chia tách, sáp nhập trong nhiệm kỳ cũng tiến hành Đại hội và làm đủ các nội dung theo hướng dẫn trên. Nhiệm kỳ đầu tiên không nhất thiết là 5 năm để phù hợp với thời gian đại hội của các cấp Hội trong toàn quốc.
3.Trong quá trình chuẩn bị đại hội nhất là vấn đề nhân sự cán bộ chủ chốt (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch) nơi nào có khó khăn thì các đồng chí chủ trì lãnh đạo Hội cấp trên phải trực tiếp làm việc với cấp ủy và tổ chức Hội cấp dưới để tạo sự đồng thuận cao.
- Những đồng chí dự kiến thay thế Chủ tịch, Phó Chủ tịch từ cơ sở đến cấp quận, huyện mới tham gia BCH lần đầu nên báo cáo cấp ủy bổ sung vào làm công tác Hội trước Đại hội từ 3 – 6 tháng để nắm tình hình, tạo thuận lợi cho công tác bầu cử ở Đại hội.
- Đối với các đồng chí hội viên CCB tự ứng cử để bầu vào BCH, trước Đại hội 15 ngày phải gửi đơn, hồ sơ có ý kiến nhận xét và nhất trí của tổ chức cơ sở Hội, tổ chức Hội cấp trên trực tiếp, gửi về Tiểu ban nhân sự Đại hội hoặc Ban Thường vụ  cấp triệu tập Đại hội. Nếu là đảng viên phải được chi ủy nơi đảng viên sinh hoạt và Đảng ủy cơ sở đồng ý.
- Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo hướng dẫn của Ban kiểm tra Trung ương Hội và Thành Hội.
4. Phân công thông qua văn kiện báo cáo và nhân sự Đại hội.
- Ban Thường vụ tổ chức Hội cấp trên trực tiếp thông qua các dự thảo văn kiện và nhân sự BCH mới trước khi báo cáo cấp ủy trực tiếp.
- Đối với các tổ chức Hội “487” trực thuộc Thành hội, Thường trực Thành Hội sẽ trực tiếp thông qua các văn kiện báo cáo Đại hội và nhân sự BCH mới trước khi báo cáo cấp ủy trực tiếp.
5. Tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm.
a. Đại hội cấp cơ sở:
- Cấp cơ sở phường, xã, thị trấn: Mỗi quận, huyện chọn một Hội cơ sở để Đại hội điểm rút kinh nghiệm chung (thời gian hoàn thành Đại hội điểm cấp cơ sở đầu tháng 01 năm 2017).
Các Hội CCB quận, huyện và Hội CCB “487” trên cơ sở có trách nhiệm chọn và chỉ đạo đơn vị Đại hội điểm làm tốt mọi công tác chuẩn bị, báo cáo cho Thành hội kế hoạch tiến hành Đại hội điểm, mời đại diện các đơn vị trong quận, huyện, đơn vị tham dự.
b. Đại hội điểm cấp quận, huyện và tương đương:
BCH Thành Hội chỉ định 5 quận, huyện và Hội “487” trên cơ sở tiến hành đại hội điểm gồm:
- Cụm 1: Hội CCB quận 10.
- Cụm 2: Hội CCB quận 6.
- Cụm 3: Hội CCB quận Bình Tân.
- Cụm 4: Hội CCB huyện Bình Chánh.
- Cụm 5: Hội CCB Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.
Hội CCB quận, huyện, Hội CCB “487” trên cơ sở được chỉ định Đại hội điểm, cần làm tốt mọi công tác chuẩn bị tiến hành Đại hội, báo cáo về Thành hội kế hoạch tổ chức Đại hội; Thời gian thông qua văn kiện, nhân sự Đại hội, gửi thư mời đại diện lãnh đạo các đơn vị trong cụm, Thường trực và cơ quan Thành hội tham dự.
6. Chế độ báo cáo.
Sau đại hội, từng cấp tổng hợp kết quả đại hội báo về với tổ chức hội cấp trên trực tiếp. Nội dung báo cáo gồm: Tổng hợp ý kiến tham gia vào các văn kiện của tổ chức hội cấp trên (dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội của BCH TW Hội); biên bản bầu cử BCH, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ban kiểm tra, trưởng ban kiểm tra và đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp; sơ yếu lý lịch chủ tịch, phó chủ tịch (theo mẫu) và danh sách BCH, ban kiểm tra, đại biểu (cả dự khuyết) dự đại hội cấp trên trực tiếp (theo mẫu).
Riêng cấp quận, huyện ngoài các nội dung báo cáo theo quy định, sau đại hội cấp cơ sở tổng hợp kết quả báo cáo về Thành hội nội dung báo cáo gồm: Tiến độ, thời gian hoàn thành đại hội; các đồng chí dự kiến bầu chức danh chgủ tịch, phó chủ tịch không trúng cử; các tổ chức hội không bầu được chức danh chủ tịch, phó chủ tịch; tổng hợp ý kiến tham gia vào báo cáo bổ sung, sửa đổi điều lệ Hội của BCH Trung ương Hội; tổng hợp chất lượng ban Chấp hành ( theo mẫu).
Hướng dẫn này  được áp dụng đối với Đại hội từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố. Quá trình thực hiện có vướng mắc kịp thời báo cáo về Thường trực Thành hội (qua Ban Tổ chức chính sách) để bổ sung, sửa đổi.
                                               TP.Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 8 năm 2016                                
                                                             CHỦ TỊCH
                                                            Nguyễn Văn Chương
                                                                Đã ký





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét