Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

NGHỊ QUYẾT 09-NQ/TW, NGÀY 08/3/2002


Nghị quyết của Bộ Chính trị số 09-NQ/TW: "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới", ngày 08 tháng 01 năm 2002
Đất nước ta trải qua một thời kỳ đấu tranh cách mạng và kháng chiến cứu nước lâu dài. Sau khi hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang nhân dân, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ đã trở về quê hương; một bộ phận chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan Đảng và Nhà nước, các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội...

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng cần tăng cường lãnh đạo công tác vận động cựu chiến binh để tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", phát huy tiềm năng to lớn của cựu chiến binh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

I- Tình hình cựu chiến binh và công tác của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự giúp đỡ của chính quyền và sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã xây dựng được hệ thống tổ chức rộng khắp trong cả nước, hoạt động đạt được nhiều kết quả, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong điều kiện mới, tuyệt đại đa số cựu chiến binh tiếp tục hăng hái tham gia các cuộc vận động, các phong trào cách mạng ở cơ sở, có nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Tỉ lệ cựu chiến binh tham gia trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ sở khá cao. Nhiều cựu chiến binh đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hội đã động viên, hướng dẫn anh chị em cựu chiến binh tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, nhất là góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở. Tổ chức và hoạt động của Hội ngày càng được mở rộng; phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, xoá đói, giảm nghèo thu được nhiều kết quả tốt; Hội tích cực tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương; tích cực đấu tranh chống những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Hội đề xuất được nhiều kiến nghị với cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, góp ý bổ sung, sửa đổi nhiều chính sách liên quan đến cựu chiến binh, người có công với cách mạng; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tham gia bước đầu có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam xứng đáng là một đoàn thể chính trị - xã hội, là chỗ dựa tin cậy của các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội và đội ngũ cựu chiến binh còn một số mặt yếu :

- Chưa thu hút được hầu hết cựu chiến binh vào Hội. Phong trào hoạt động của Hội chưa đồng đều giữa các vùng, các địa phương, nhất là chưa đi sâu vào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vào từng đối tượng cựu chiến binh; còn chậm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Một số cấp uỷ đảng chưa quan tâm đầy đủ, thường xuyên việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh.

- Đời sống vật chất và tinh thần một bộ phận cựu chiến binh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn.

- Khi trở về sinh sống tại địa phương, một số cựu chiến binh ít được thông tin, học tập thường xuyên nên hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước còn hạn chế.

- Một số cựu chiến binh thiếu tu dưỡng rèn luyện, không giữ vững và phát huy truyền thống phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong cuộc sống mới, chưa hăng hái tham gia nhiệm vụ chính trị - xã hội; một số ít còn biểu hiện bảo thủ, trì trệ, hoặc công thần, tiêu cực. Có người còn giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, suy thoái về đạo đức, thậm chí tham gia vào một số vụ gây rối trật tự xã hội.

II- Quan điểm của Đảng về cựu chiến binh.

1- Cựu chiến binh Việt Nam xuất thân từ các tầng lớp xã hội trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà phần lớn là từ các giai cấp lao động, đã chiến đấu, trưởng thành trong các lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng thành lập, tổ chức và lãnh đạo, được rèn luyện qua các cuộc kháng chiến oanh liệt, có những cống hiến rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng cách mạng tuyệt đối trung thành với Đảng; có kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước; phần lớn còn sức lao động. Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cần tạo điều kiện, bồi dưỡng và vận động để cựu chiến binh tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", gương mẫu đóng góp vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

2- Công tác cựu chiến binh là một trong những công tác vận động quần chúng quan trọng của Đảng, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, trong đó Hội Cựu chiến binh là nòng cốt, nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của cựu chiến binh đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3- Đảng, Nhà nước, xã hội động viên cựu chiến binh phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái để giúp nhau cải thiện và nâng cao đời sống; đồng thời, quan tâm chăm lo đến đời sống và các quyền lợi hợp pháp của cựu chiến binh.

4- Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện ý chí và quyền lợi của cựu chiến binh, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Hội.

III- Nhiệm vụ.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu rõ "Đối với cựu chiến binh, phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; giúp nhau cải thiện đời sống; góp phần giáo dục truyền thống và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ". Trong giai đoạn mới của cách mạng, công tác vận động cựu chiến binh cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau :

1- Bồi dưỡng cựu chiến binh tiếp tục rèn luyện phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật... Kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, ngăn ngừa và khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, công thần.

2- Động viên cựu chiến binh tích cực học tập, phát huy tiềm năng, kinh nghiệm của mình cùng các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh.

3- Giúp đỡ thiết thực, cụ thể phong trào cựu chiến binh đoàn kết, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa trong hội viên cựu chiến binh.

4- Động viên cựu chiến binh phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" và bằng sự gương mẫu của mình giáo dục con cháu xây dựng gia đình văn hoá mới, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

5- Tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần vào việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

IV- Tổ chức thực hiện.

1- Hội Cựu chiến binh :

- Tham mưu giúp cấp uỷ đảng và làm nòng cốt tập hợp, đoàn kết, vận động hội viên thực hiện tốt 5 nhiệm vụ nêu trên.

- Các cấp hội cần chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và hình thức tập hợp, sinh hoạt hội viên; coi trọng sinh hoạt tư tưởng văn hoá, dân chủ, gắn bó tình đồng đội; đi sâu vào từng đối tượng, từng thế hệ, từng lứa tuổi cựu chiến binh, các vùng, miền khác nhau, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính.

- Đối với anh chị em hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Hội Cựu chiến binh các cấp phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự địa phương, các ngành chức năng cùng cấp, bằng các hình thức thích hợp, tập hợp, bồi dưỡng, động viên anh chị em phát huy vai trò tích cực và tiềm năng của cựu quân nhân trong các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở.

2- Các cấp uỷ và tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những việc sau :

- Thường xuyên chỉ đạo, phổ biến kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho hội cựu chiến binh, lãnh đạo công tác vận động cựu chiến binh tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về chính trị, tư tưởng, tổ chức và định hướng hoạt động của các cấp hội, nhất là cấp cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp hội góp ý kiến xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nhân dân các cấp xây dựng mối quan hệ và phối hợp hoạt động với Hội Cựu chiến binh trong các nhiệm vụ liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành và thực hiện các chế độ, chính sách cần thiết cho hoạt động của Hội theo chính sách chung của Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội.

- Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp cùng Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các ban, ngành có liên quan giúp Bộ Chính trị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết này và hằng năm báo cáo kết quả với Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Nghị quyết này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ đảng và chi hội cựu chiến binh.
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Tổng Bí thư
Nông Đức Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét