Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TRONG QUY ĐỊNH 29-QĐ/TW, 25/7/2006 VỀ ĐIỀU LỆ ĐẢNG

Một số điểm mới trong Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng
13:20
27/09/2016
-------------------------------------
Ngày 25-7-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng, trong đó, kế thừa những nội dung cơ bản của quy định trong nhiệm kỳ trước (Quy định số 45-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn thiếu, chưa cụ thể, chưa rõ, những nội dung đã được chứng minh, tổng kết qua thực tiễn là phù hợp, cụ thể:
1. Về bố cục và kết cấu của quy định: Bố cục và kết cấu của Quy định 29 được sắp xếp khoa học và gọn hơn, đảm bảo tính hệ thống theo chương, điều trong Điều lệ Đảng và thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Nội dung của quy định mới có 35 điểm, giảm 26 điểm so với quy định của nhiệm kỳ trước; một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng không quy định mà được quy định cụ thể trong Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng.
2. Về tuổi đời và trình độ học vấn của người vào Đảng được quy định tại Điểm 1:
 “Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng)”. Quy định nhiệm kỳ trước không quy định tuổi tối đa mà chỉ quy định từ đủ 18 tuổi là tổ chức đảng xem xét, kết nạp. Việc kết nạp vào Đảng đối với những người trên 60 tuổi vẫn phải do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định như trước đây.
Bổ sung cụ thể về học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở “vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, mà trước đây chỉ quy định chung là người vào Đảng đang sinh sống “ở vùng cao, vùng sâu” nhằm xác định cụ thể đối tượng vào Đảng ở vùng dân tộc thiểu số.
3. Về quyền của đảng viên tại Điểm 2: Bổ sung thêm quyền của đảng viên được thông báo ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi làm việc và nơi cư trú khi giới thiệu ứng cử và được trình bày ý kiến với tổ chức đảng khi xem xét, quyết định công tác (theo quy định nhiệm kỳ trước, đảng viên được trình bày ý kiến khi xem xét thi hành kỷ luật đối với mình).
4. Về đối tượng không xem xét kết nạp lại tại Điểm 3: Bỏ đối tượng “vi phạm lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định của Bộ Chính trị”.
5. Về thời gian công nhận đảng viên chính thức tại Điểm 4: Được quy định cụ thể “...; trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày chi bộ có nghị quyết đề nghị công nhận đảng viên chính thức, thì cấp ủy có thẩm quyền phải xem xét, quyết định; trường hợp đặc biệt có thể gia hạn tối đa 30 ngày làm việc”.
6. Việc quản lý hồ sơ đảng viên tại Điểm 6: Bổ sung cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quản lý “hồ sơ đảng viên và danh sách đảng viên đối với đảng viên đi lao động, học tập tự túc ở nước ngoài”, nhằm phân biệt rõ việc quản lý hồ sơ đảng viên của đảng ủy ngoài nước và các tổ chức đảng ở trong nước có đảng viên đi lao động, học tập tự túc ở nước ngoài.
Việc chuyển sinh hoạt đảng chính thức: Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Quy định như vậy sẽ tránh được tình trạng một số đảng viên khi đã có quyết định nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng vẫn sinh hoạt đảng tại cơ quan, đơn vị, không chuyển sinh hoạt về đơn vị mới hoặc địa phương. Bổ sung trường hợp đảng viên đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc đang xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì chưa chuyển sinh hoạt đảng chính thức.
 Chuyển sinh hoạt đảng khi tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, bị giải thể: Quy định rõ sau khi cấp ủy có thẩm quyền quyết định kỷ luật giải tán hoặc giải thể một chi bộ, đảng bộ thì trong thời hạn 30 ngày làm việc, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó thu hồi hồ sơ, con dấu và làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên.
 7. Việc xóa tên đảng viên tại Điểm 8: Bổ sung thêm trường hợp “đảng viên không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Chính trị” thì chi bộ xem xét, đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên. Đảng viên bị xóa tên có quyền khiếu nại với cấp ủy cấp trên cho đến Ban Bí thư Trung ương Đảng (quy định trước đây là có quyền khiếu nại đến Ban Chấp hành Trung ương).
 8. Về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình tại Điểm 9: Quy định rõ hơn về đối tượng thực hiện việc kiểm điểm đánh giá thực hiện nghị quyết đại hội như ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy viên các cấp, ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng. Quy định cụ thể nội dung kiểm điểm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 9. Về nhiệm vụ của đoàn chủ tịch đại hội tại Điểm 11: Bổ sung thêm nhiệm vụ của đoàn chủ tịch đại hội “chuẩn bị ý kiến giải trình các vấn đề đại biểu còn có ý kiến khác nhau”.
Về nhiệm vụ của ban kiểm phiếu đại hội Đảng: Quy định của nhiệm kỳ trước, khi hoàn thành xong việc kiểm phiếu, lập biên bản kiểm phiếu thì ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử; Quy định mới bổ sung ban kiểm phiếu phải báo cáo với đoàn chủ tịch trước khi công bố kết quả bầu cử.
10. Tại Điểm 15 quy định điểm mới so với quy định trước đây: Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa mới do đồng chí Tổng bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc, chủ trì cho đến khi bầu xong đoàn chủ tịch hội nghị. Quy định bổ sung “đồng chí phó bí thư đảng ủy quân sự cấp tỉnh, cấp huyện được ký các văn bản với chức danh phó bí thư ngay sau khi được bầu”, vì thực tế đồng chí bí thư đảng ủy quân sự là bí thư cấp ủy địa phương chưa được bầu để tham gia đảng ủy quân sự theo quy định.
11. Về báo cáo kết quả đại hội tại Điểm 16: Quy định mới yêu cầu trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bế mạc đại hội, cấp ủy khóa mới phải báo cáo lên cấp ủy cấp trên trực tiếp kết quả và biên bản bầu cử trong đại hội và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bầu cử của cấp ủy cấp dưới, nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y kết quả bầu cử theo quy định.
Ngoài những nội dung bổ sung, đổi mới nêu trên, quy định mới bổ sung việc lập ban nội chính ở cấp tỉnh đến Trung ương; nơi có yêu cầu lập ban kinh tế tỉnh ủy, thành ủy giao Bộ Chính trị xem xét, quyết định; quy định về Tổng cục Chính trị trong Công an nhân dân; việc lập chi bộ cơ sở, lập tổ chức cơ sở đảng trong một số trường hợp cụ thể...; chỉnh sửa, lược bỏ hoặc bổ sung một số từ, cụm từ cho phù hợp với thực tế hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét