Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

CHỈ THỊ 24-CT/TU ĐẮK LẮK VỀ VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI

TỈNH ỦY ĐẮK LẮK
*
Số 24 - CT/TU
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM


Buôn Ma Thuột, ngày 20 tháng 6 năm 2013


CHỈ THỊ
CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang, lễ hội đối với cán bộ, đảng viên

Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã được nâng lên. Nhìn chung, việc cưới, việc tang, lễ hội đã được thực hiện trang trọng, văn minh, tiết kiệm, giảm bớt các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; những nét đẹp của văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trong tỉnh được giữ gìn, phát huy.
Tuy nhiên, thời gian gần đây việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, văn bản của Trung ương, của tỉnh ở một số cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc. Một số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, người có chức, có quyền trong hệ thống chính trị các cấp chưa thật sự gương mẫu, tổ chức đám cưới phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên. Trong việc tang vẫn còn bày cỗ mời khách, sử dụng nhiều vòng hoa, bức trướng, âm thanh quá quy định, rải nhiều vàng mã và cả tiền thật trên đường đưa tang. Công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, kỷ niệm truyền thống của ngành, địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, còn lãng phí, phô trương hình thức, nội dung đơn điệu, nghèo nàn, chưa phát huy được tính giáo dục.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu của Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; thiếu quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tổ chức triển khai thực hiện; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm; việc xử lý các hành vi vi phạm còn né tránh, nể nang, thiếu kiên quyết; thiếu chế tài xử lý vi phạm; chưa tạo được dư luận mạnh mẽ phê phán những biểu hiện tiêu cực…
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:

1. Về tổ chức việc cưới: Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức các nghi thức hôn lễ văn minh, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh gia đình; không tổ chức tiệc cưới nhiều nơi, nhiều lần; khuyến khích tổ chức lễ cưới tập thể, dùng tiệc ngọt đãi khách hoặc báo hỷ thay cho thiệp mời dự lễ cưới, tiệc cưới; không sử dụng thuốc lá, giảm rượu bia trong tiệc cưới; không được sử dụng tài sản công, công quỹ và ô tô công để phục vụ, đi dự đám cưới, tiệc cưới dưới mọi hình thức; quà mừng cưới phải phù hợp với truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc; âm nhạc trong đám cưới lành mạnh, vui tươi, không ảnh hưởng đến xung quanh. Đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp khi tổ chức cưới cho con hay bản thân, số lượng khách mời dự tiệc không quá 350 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức chung thì khách mời không quá 600 người); khi tổ chức cưới cho con hay bản thân, cán bộ, đảng viên, phải báo cáo với bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về quy mô, hình thức tổ chức, số lượng khách mời,… để được góp ý.

2. Về tổ chức việc tang: Thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về việc tang. Nghi thức trong tang lễ thực hiện trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đảm bảo vệ sinh môi trường và thời gian quy định; không bày cỗ mời khách và uống rượu bia trong tang lễ; không tự ý sử dụng lòng, lề đường để dựng rạp; hạn chế rải vàng mã, không rải tiền thật trên đường đưa tang; khuyến khích dùng vòng hoa chung cho các đoàn phúng viếng; âm thanh trong tang lễ phải phù hợp với quy định, không mở quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng. Đối với cán bộ, đảng viên từ trần thì thực hiện theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17-12-2012 của Chính phủ và Quyết định số 400-QĐ/TU, ngày 4-1-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tổ chức tang lễ và chế độ phúng điếu.

3.Về tổ chức Lễ hội: Tổ chức lễ hội phải thiết thực, tiết kiệm, đúng quy chế, quy định của Nhà nước và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đơn vị chủ quản. Tổ chức các lễ hội dân gian tránh xu hướng mê tín dị đoan, thương mại hóa; chú trọng công tác tuyên truyền phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, tôn vinh công đức các danh nhân; tổ chức lễ hội phải gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, văn  hóa và du lịch, không để tình trạng bói toán, ăn xin, trộm cắp xảy ra tại các đình, đền, chùa, các điểm vui chơi trong thời gian tổ chức lễ hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22-7-2010 của Bộ Chính trị về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; chỉ tổ chức mít tinh ngày lễ, ngày kỷ niệm 5 năm, 10 năm một lần. Nghiêm cấm tổ chức tiệc liên hoan mời khách đông người khi được thăng chức, lên quân hàm, mừng sinh nhật, mừng nhà mới…

4. Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nâng cao nhận thức, nêu cao vai trò, trách nhiệm, đề ra giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tích cực hưởng ứng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chú trọng phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu: Gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa; hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

5. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đọa UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan cụ thể hóa nội dung Chỉ thị này để triển khai thực hiện trong các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Tăng cường sự giám sát của nhân dân, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
6.Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện và vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), các văn bản của Trung ương, của tỉnh và nội dung Chỉ thị này.
7. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vi phạm để áp dụng trong toàn tỉnh. Thời gian hoàn thành trước khi Chỉ thị này có hiệu lực.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Chỉ thị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi và đưa nội dung thực hiện Chỉ thị này vào đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm.
Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2013 và được quán triệt đến cán bộ, đảng viên; tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Cao Đức Khiêm











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét