III. MỘT SỐ NGHIỆP VỤ TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, CỔ ĐỘNG Ở CƠ SỞ
1. Chuẩn bị đề cương cho nội
dung tuyên truyền, cổ động
- Đề cương tuyên truyền, cổ động là loại văn
bản sử dụng ngôn ngữ viết để phân tích, giải thích, minh họa đường lối, quan
điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm giúp cho cán bộ tuyên
truyền, cổ động có nội dung tư tưởng thống nhất, có những thông tin cần thiết
để tiến hành tuyên truyền, cổ động. Nó giúp cho đối tượng nhận thức đúng đắn,
chính xác các quan điểm của Đảng, định hướng suy nghĩ, hành động theo mục tiêu
đề ra. Có hai dạng đề cương tuyên truyền chủ yếu: Bài luận văn giải thích và
dạng hỏi – đáp.
- Các bước xây dựng đề cương tuyên truyền, cổ động:
+ Xác định rõ mục đích, yêu
cầu đạt được về mặt nhận thức và tạo chuyển biến về tư tưởng, hành động phù hợp
với đối tượng và nhiệm vụ chính trị. Với mỗi loại đề cương cần xác định rõ phục
vụ cho đối tượng cụ thể.
+ Thu thập thông tin từ các
nguồn: các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và
Nhà nước; những bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học; sách báo,
băng ghi âm, những tài liệu tuyên truyền của cấp trên về vấn đề đó. Chú ý những
thông tin chính thống, thông tin có tính thời sự. Ngoài ra, cần sưu tầm các
thông tin về các quan điểm khác nhau và cách lập luận khác nhau.
+ Phân tích, xử lý thông
tin, chọn lọc những thông tin càn thiết, quan trọng, có giá trị, sắp xếp tư
liệu theo trình tự nội dung của đề cương.
+ Xác định dạng và bố cục đề
cương tuyên truyền, cổ động. Chú ý từng dạng đề cương có yêu cầu, có logic, có
đặc điểm riêng. Xác định dạng đề cương tùy theo nội dung và nhiệm vụ tuyên
truyền, cổ động đối tượng. Xây dựng dàn ý chi tiết, chú trọng luận đề, luận
điểm, luận chứng, luận cứ của đề cương. Số liệu nêu trong đề cương phải tiêu
biểu, làm luận chứng để chứng minh cho luận đề. Xác định rõ vấn đề trọng tâm
của đề cương, cấu trúc của đề cương phải hợp lý, chặt chẽ.
+ Xác định ngôn ngữ thể
hiện, ngôn ngữ phải phổ thông, trong sáng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ và quá
trình nhận thức của đối tượng.
+ Chọn phong cách thể hiện
làm sao đạt được hiệu quả tuyên truyền, cổ động. Tùy theo từng chủ đề, đối
tượng và điều kiện ở cơ sở mà sử dụng phong cách thể hiện phù hợp. Có thể sử
dụng phong cách cởi mở thân thiện, hoặc nghiêm trang, lịch sử v.v… Có thể dùng
phương pháp diễn giảng, quy nạp, hoặc kết hợp cả hai v.v…
Đề cương tuyên truyền cần có
sự tham gia của các ban, ngành và được cấp ủy có thẩm quyền duyệt và được dùng
cho nhiều người tuyên truyền.
Chuẩn bị đề cương tuyên
truyền, cổ động có vai trò rất quan trọng, nó là một yếu tố quyết định đến hiệu
quả của công tác này. Vì vậy, phải chuẩn bị đề cương tuyên truyền, cổ động công
phu, nghiêm túc.
2. Xây dựng lực lượng, chuẩn
bị phương tiện, phương thức cho công tác tuyên truyền, cổ động ở cơ sở
- Lực lượng tuyên truyền, cổ động ở cơ sở có
vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu quả công tác. Lực lượng tuyên
truyền, cổ động ở cơ sở rất đông đảo, bao gồm: Cấp ủy viên, báo cáo viên của cơ
sở, báo cáo viên của các ngành, đoàn thể, tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên,
trưởng thôn, trưởng xóm… Lực lượng tuyên truyền, cổ động phải là những người
nhiệt tình, có năng lực, say mê nghề nghiệp…
- Phương tiện tuyên truyền
có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, cổ động ở cơ sở. Trước hết,
phải sử dụng có hiệu quả các phương tiện hiện có, như sách, báo, tài liệu tuyên
truyền, các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, hệ
thống giáo dục quốc dân…
- Thời gian tổ chức buổi
tuyên truyền và hoạt động cổ động phải phù hợp với hoàn cảnh học tập, công tác
của đối tượng, để cổ động tham gia, tránh thời điểm như ca kíp, lúc mùa vụ v.v…
Thời điểm tuyên truyền cũng cần căn cứ vào nhu cầu thông tin của đối tượng. Khi
đối tượng đang khao khát, có nhu cầu được thông tin, muốn biết những vấn đề đó
thì hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.
Chọn vị trí đi lại thuận
lợi, nơi tập trung đông người, có điều kiện ánh sáng, không ồn ào, thuận lợi
cho tiếp nhận thông tin của đối tượng.
Ở xã, phường không nên tuyên
truyền thời gian quá dài. Việc tuyên truyền không đúng lúc cũng sẽ làm giảm
hiệu quả hoạt động tuyên truyền, cổ động.
3. Một số thao tác nghiệp vụ
của người cán bộ tuyên truyền miệng
Tuyên truyền miệng là hoạt động tuyên truyền
chủ yếu và có hiệu quả nhất ở cơ sở. Hiệu quả tuyên truyền miệng phụ thuộc trực
tiếp vào trình độ nghiệp vụ, nghệ thuật tuyên truyền miệng của báo cáo viên. Để
nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền miệng, cần chú ý một số vấn đề
nghiệp vụ sau đây:
a. Tìm hiểu tâm lý và đặc
điểm đối tượng
Đối tượng tuyên truyền miệng ở cơ sở rất đa
dạng, có đặc điểm tâm lý, nghề nghiệp và điều kiện sống khác nhau và có nhu
cầu, sự quan tâm đến các vấn đề khác nhau. Vì vậy, am hiểu đặc điểm và tâm lý
đối tượng là yêu cầu đầu tiên để tiến hành có hiệu quả công tác tuyên truyền
miệng.
Muốn nắm được tâm lý, đặc
điểm đối tượng ở cơ sở cần nghiên cứu, tìm hiểu trước, thông qua thông báo,
trao đổi của các cơ quan, tổ chức. Nắm tâm lý, đặc điểm đối tượng qua nắm bắt
tư tưởng và dư luận xã hội, trao đổi với đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể ở
cơ sở. Qua việc quan sát trực tiếp phong trào quần chúng ở cơ sở, điều tra bằng
phiếu hỏi, quan sát trong các buổi báo cáo để thấy được thái độ, phản ứng của
người nghe. Khi nắm được thái độ, đặc điểm của đối tượng phải lựa chọn nội
dung, phương pháp tuyên truyền cho phù hợp để đạt hiệu quả cao.
b. Lựa chọn nội dung và chất
lượng thông tin
Nhu cầu nhận thức của con người rất phong
phú, đa dạng. Chỉ khi đáp ứng được nhu cầu, thỏa mãn những mong đợi, khát khao
của họ thì nội dung thông tin mới được họ tiếp thu tích cực, tự giác. Vì vậy,
lựa chọn nội dung tuyên truyền cần chú ý đến những yêu cầu thông tin của đối
tượng.
Khi trình bày các vấn đề, sự
kiện, báo cáo viên cần phân tích, khai thác các khía cạnh của bản chất sự kiện,
tổng hợp, khái quát định hướng suy nghĩ và hành động, thỏa mãn nhu cầu nhận
thức, trí tuệ và tình cảm của người nghe, để từ đó mà đạt được mục đích của
tuyên truyền.
Chất lượng thông tin phụ
thuộc vào mức độ “sâu” và mức độ “mới” của nó. Những thông tin được phân tích
trên cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc, chỉ rõ bản chất, quy luật, dự báo xu
hướng phát triển sẽ giải đáp trúng những vướng mắc của người nghe. Đó là những
thôn tin có giá trị soi sáng về tư tưởng, hướng dẫn dư luận và hướng dẫn hành
động.
Giá trị thông tin mới rất
quan trọng, nên cần chú ý cập nhật thông tin và khai thác để tuyên truyền. Tuy
nhiên, với các thông tin cũ, sự phân tích sâu sắc, nhận xét, bình luận tinh tế,
dự báo có cơ sở khoa học, liên hệ thực tiễn gần gũi, sống động, phương pháp
trình bày hấp dẫn, lôi cuốn… cũng có thể được coi là mới với người nghe. Vì
vậy, đổi mới cách trình bày phù hợp với đối tượng là yêu cầu quan trọng của
tuyên truyền miệng.
c. Chuẩn bị đề cương bài nói
Hoạt động tuyên truyền miệng bao gồm xây dựng
nội dung và trình bày bài nói. Sự chuẩn bị chu đáo bài nói, đáp ứng được yêu
cầu tuyên truyền và yêu cầu của người nghe sẽ góp phần lớn vào thành công của
buổi nói chuyện. Đề cương tuyên truyền có thể là đề cương khái quát hoặc đề
cương chi tiết, thậm chí là một bài viết hoàn chỉnh, thường có những phần sau:
- Phần mở đầu, có tính chất giới thiệu vấn
đề và làm quen, có tác dụng tạo ra sự thân mật, gần gũi giữa người nói và người
nghe. Mở đầu cần định hướng sự theo dõi, chú ý của người nghe vào nội dung
tuyên truyền, giới thiệu những phần chính sẽ trình bày, thời gian sẽ kết thúc
và phương thức tiến hành để người nghe chủ động theo dõi.
Mở đầu cần ngắn gọn, súc
tích, tránh dài dòng, có thể mở đầu trực tiếp, bắc cầu, tương phản, dẫn câu của
lãnh tụ, danh nhân v.v…
- Phần nội dung, đây là phần quan trọng nhất
của bài nói. Chuẩn bị từng vấn đề, từng sự kiện, theo lôgic, tầm quan trọng
hoặc tiến trình lịch sử, có nguồn gốc, nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp; những
nét diễn biến chính, xu hướng vận động, ý kiến đánh giá bình luận; thái độ và
biện pháp xử lý. Kết thúc mỗi vấn đề cần tóm tắt, chốt lại những ý chính. Cấu
trúc của bài nói phải đảm bảo tính lôgic chặt chẽ, hợp lý.
Với từng vấn đề, cần phải
dùng các luận điểm, luận cứ, luận chứng, các ví dụ xác đáng, tiêu biểu, rõ ràng
để giải thích và chứng minh. Giữa các phần có chuyển ý để cho người nghe thấy
liền mạch trong suy nghĩ. Dẫn chứng các câu nói phải trung thực, có xuất xứ.
Tùy theo từng loại bài nói mà ta chú ý đến các nội dung lý luận, tính thực
tiễn, phù hợp với đối tượng.
- Phần kết luận có giá trị khái quát những
điều đã trình bày, nhấn mạnh điểm chính, khêu gợi suy nghĩ và cổ vũ hành động,
định hướng tư tưởng để người nghe nâng cao niềm tin và xác định rõ trách nhiệm
của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
d. Sử dụng ngôn ngữ và phong
cách trong buổi nói chuyện
Ngôn ngữ là công cụ chủ yếu của người tuyên
truyền miệng. Ngôn ngữ còn là biểu hiện của nhân cách, đạo đức, năng lực trí
tuệ, khí chất và thể lực của người nói. Cùng với lời nói, các biểu hiện của nét
mặt, nụ cười, ánh mắt, cử chỉ… cũng có tác dụng quan trọng, tạo nên thành công
của buổi nói chuyện. Nói chuyện tin vui, nói chuyện buồn, thông báo việc quan
trọng… phải có thái độ khác nhau. Thông qua những biểu hiện của người nói,
người nghe hiểu được thái độ, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, sự xót xa, sự mỉa
mai phê phán, thái độ kiên quyết ủng hộ, tình yêu thương, niềm tin vào lẽ phải
của người nói. Những biểu hiện ngoài lời nói của tuyên truyền miệng được hình
thành ổn định, trở thành phong cách riêng của mỗi người. Biểu cảm và phong cách
cùng với lời nói làm cho nội dung tuyên truyền càng trở nên hấp dẫn hơn. Điều
chủ yếu của việc thể hiện phong cách, biểu cảm là phải chân thực, không giả
tạo, không mang tính biểu cảm, để khỏi gây ức chế cho người nghe.
e. Chủ động xử lý các tình
huống trong lúc nói chuyện
Với tinh thần hướng về cơ sở, tăng cường đối
thoại, người nói nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trao đổi với người nghe. Dù
câu hỏi ở dạng nào cũng cần chủ động, trao đổi chân tình, không lãng tránh hoặc
tỏ ra lúng túng, gây phản ứng với người nghe.
Khi tiến hành buổi nói chuyện,
người nói là “vai chính”, vì vậy, cần phải chủ động xử lý các tình huống có thể
xảy ra:
- Lựa chọn cách mở đầu và
các bước tiếp theo một cách hợp lý, nhằm cuốn hút người nghe theo chủ đề, làm
tăng sự hưng phấn, sự chú ý của người nghe.
- Lựa chọn phương thức tiến
hành phù hợp với đối tượng và vấn đề cần trình bày.
- Chú ý quan sát và phát
hiện các quá trình tâm lý diễn ra ở người nghe khi trình bày để điều chỉnh nội
dung, cách nói, nhịp điệu và thời gian cho phù hợp. Thậm chí phải kích thích
người nghe, tạo ra nhu cầu mới cho họ, dẫn dắt họ theo định hướng của mình, hứa
hẹn đáp ứng nhu cầu mới trong dịp khác. Biết nghỉ giải lao, biết dừng câu
chuyện, biết kết thúc bài nói đúng lúc. Không kết thúc sớm quá, và tốt nhất là
không quá giờ, không kết thúc đột ngột mà có sự chuẩn bị trước về nội dung và
ngữ điệu để kết thúc đúng lúc, kết thúc có hậu bằng sự hứa hẹn gặp lại, cảm ơn
sự chú ý.
4. Cách viết một bản tin
phục vụ đài truyền thanh ở cơ sở
a. Tổ chức hoạt động truyền
thanh ở xã, phường, thị trấn
Hoạt động truyền thanh, xã, phường, thị trấn
có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ
trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, nghị quyết
của cấp ủy, chính quyền địa phương về các lĩnh vực của đời sống ở cơ sở.
Truyền thanh ở xã, phường,
thị trấn có chức năng như một tờ báo (báo nói), là cơ quan ngôn luận của cấp
ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn, là tiếng nói của nhân dân ở cơ sở, hoạt
động dưới sự chỉ đạo của đảng ủy, Ủy ban nhân dân. Ban Tuyên giáo cơ sở tham
mưu và trực tiếp giúp cấp ủy cơ sở chỉ đạo về nội dung tư tưởng chính trị của
các hoạt động truyền thanh.
Hoạt động truyền thanh xã,
phường, thị trấn cần phải có chương trình phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng
yêu cầu của nhân dân và nhiệm vụ tuyên truyền trong những thời điểm khác nhau.
Nội dung chương trình cần tập trung vào các vấn đề:
- Tóm tắt những chủ trương,
chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mới ban hành, nhất là những chủ
trương, chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân
địa phương, đơn vị.
- Truyền đạt các chủ trương,
nghị quyết, quyết định mới của đảng ủy và chính quyền địa phương. Thông báo nội
dung sinh hoạt của các tổ chức đảng, đoàn thể ở địa phương và tình hình những
sự kiện, vấn đề thời sự đang diễn ra tại địa phương, đơn vị.
- Kịp thời biểu dương những
gương người tốt, việc tốt, phê bình nhắc nhở những hiện tượng tiêu cực mới nảy
sinh trên địa bàn; cổ động các phong trào thi đua, các cuộc vận động đang diễn
ra tại địa phương, đơn vị.
- Phổ biến khoa học, kỹ
thuật, những kiến thức cần thiết đối với các hoạt động kinh tế - xã hội đang
diễn ra, những tri thức và kinh nghiệm bổ ích đối với đời sống của nhân dân địa
phương, đơn vị.
- Các tiết mục văn nghệ do
người địa phương thực hiện.
Liều lượng của các nội dung
nói trên được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình của địa phương trong
từng thời gian.
Các tin, bài của buổi phát
thanh cần ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, sát với thực tế địa phương và phải
được duyệt trước khi phát. Cán bộ đài truyền thanh phải được bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ cần thiết, có trình độ lý luận chính trị nhất định, có thể thay
nhau đảm nhiệm việc duyệt tin, bài khi có người đi vắng.
Chỉ đạo truyền thanh xã,
phường, thị trấn cần khắc phục khuynh hướng buông lỏng, khoán trắng cho một số
cán bộ thông tin, văn hóa, làm cho hiệu quả tuyên truyền qua đài truyền thanh
không cao. Cần cảnh giác các lực lượng xấu lợi dụng đài truyền thanh để tuyên
truyền, kích động quần chúng dưới các chiêu bài chống quan liêu, tham nhũng…
b. Cách viết một bản tin
- Bản tin, được hiểu và tin về những sự kiện
quan trọng có tính thời sự và có ảnh hưởng đến mọi người. Đó là sự kiện vừa xảy
ra, có thật trong cuộc sống. Nó đáp ứng yêu cầu thông tin và tạo nên sự hứng
thú cho người đọc, người nghe, bởi tính chân thực, nhiều hình, nhiều vẻ, có
tính thời sự và góp phần nâng cao nhận thức, hình thành tình cảm, thái độ cho
người nghe.
- Khi viết tin cho đài
truyền thanh, phát thanh ở cơ sở phải tuân theo một số nguyên tắc sau:
+ Câu đầu tiên của tin không
dài quá, trả lời được các câu hỏi sau: Cái gì? Ai? Ở đâu? Thời gian nào? Tại
sao? Như thế nào?.
+ Bắt đầu vào bản tin phải
nêu được sự việc đáng lưu ý nhất, có thể là chi tiết quan trọng nhất của sự
kiện chứa đựng chủ đề tư tưởng; cũng có thể vào đầu phải giản dị, cụ thể, làm
nổi bật sự kiện.
+ Tin cần được viết theo thứ
tự: chủ yếu, quan trọng (nghĩa là cái nền, cái cốt lõi) lên đầu. Dựa trên những
nguyên tắc cơ bản này, người viết luôn phải khách quan, không suy diễn sự kiện,
không liên tưởng theo ý chủ quan của riêng mình. Người viết tin đưa ra nguồn
tin tư liệu phải có độ chính xác cao, không bịa đặt. Mô thức kết cấu của tin có
thể là: mô thức hình xoáy ốc, mô thức kết cấu nhân - quả.
- Viết tin cần phải đảm bảo
những yêu cầu sau:
+ Đầu đề tin thường biểu đạt cô đọng nội
dung, thể hiện bản chất chính trị và tạo ra sự chú ý, quan tâm của công chúng
đối với tin. Tùy theo từng loại tin mà trình bày đầu đề cho phù hợp. Có một số
dạng đầu đề đầu đề là nội dung của sự kiện hoặc là phán đoán về nội dung quan
trọng về sự kiện. Đầu đề thể hiện tín đặc trưng của sự kiện, tạo ấn tượng mạnh
trong tâm lý người đọc. Đầu đề trích dẫn: đưa nguyên văn một câu nói hoặc một ý
quan trọng của một nguồn tin có trách nhiệm về sự kiện đó. Đầu đề số liệu: đưa
những con số với tư cách là chi tiết thông tin quan trọng nhất đáng chú ý nhất
về sự kiện.
+ Mở đầu của tin là phần đặc biệt quan trọng,
giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt. Vì vậy, mở đầu phải sinh động, hấp dẫn, có nhiều
cách để mở đầu:
Mở đầu trực tiếp: là thông tin trực tiếp về
sự kiện. Đây là kiểu mở đầu phổ biến nhất, nhanh, kịp thời.
Mở đầu sự kiện: là điều đưa thông tin về
các điều kiện trong đó xảy ra sự kiện.
Mở đầu giai thoại: Đưa những chi tiết thông
tin có kịch tính, nhằm tác động mạnh vào tâm lý của người đọc, tạo ra sự chú ý
ngay từ đầu cho người nghe.
+ Phần thân tin:
Thân tin chứa đựng nội dung thông tin chủ yếu
của tin, thỏa mãn các câu hỏi về quy mô, tính chất, diễn biến của sự kiện, các
yếu tố tác động đến sự kiện và quan hệ của sự kiện đó đến các vấn đề, sự kiện
khác. Các chi biết ở thân tin được liên kết với nhau trong một lôgic nhất định,
tùy theo các mô thức kết cấu của tin.
+ Phần Kết luận của tin thường có xu hướng
vận động, ý nghĩa xã hội của sự kiện.
Nói tóm lại, viết tin là một
hoạt động sáng tạo, tùy theo sự gợi hướng của sự kiện và yêu cầu tuyên truyền,
cổ động ở cơ sở mà người viết tin lựa chọn viết cho phù hợp.
+ Ngôn ngữ của tin:
Ngôn ngữ là một trong những
phương tiện cơ bản để ghi nhận, truyền đạt sự vật mới xảy ra, đang xảy ra hoặc
sắp xảy ra. Do quy định của những chức năng cơ bản của tin nên ngôn ngữ cũng
mang tính đặc thù: ngôn ngữ sự kiện. Các từ và các đơn vị mệnh đề, câu, đều tập
trung để phán đoán trực tiếp về sự kiện. Trong tin ít sử dụng các mỹ từ, tính
từ, hoặc các kiểu câu phức hợp có kết cấu nhiều tầng.
Ngôn ngữ tin thường có đặc
điểm là trực tiếp, cụ thể, xác thực, cô đúc, ngắn gọn, súc tích; rõ ràng, khúc
triết, sinh động, thường dùng câu ngắn; luôn đổi mới và nhiều hình, nhiều vẻ.
Văn phong phải quảng đại quần chúng, sát hợp với trình độ nhận thức của công chúng.
Tránh dùng từ mượn của nước ngoài khi ngôn ngữ quốc gia đã có. %
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét