Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

KHAI LÝ LỊCH KẾT NẠP ĐẢNG


HƯỚNG DẪN KHAI LÝ LỊCH CỦA NGƯỜI XIN VÀO ĐẢNG
(Theo Hướng dẫn số 05/HD - TCTW ngày 26-2-2002
  về Hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên)

I. Yêu cầu:
Người vào Đảng tự khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong lý lịch; không tẩy xoá, sửa chữa và nhờ người khác viết hộ.
  II. Nội dung khai lý lịch:
1. Họ và tên đang dùng: Viết đúng họ, chữ đệm và tên, ghi như trong giấy chứng minh nhân dân, bằng chữ in hoa. Ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.
2. Nam, nữ: là nam thì gạch chữ “nữ”, là nữ thì gạch chữ “nam”.
3. Họ và tên khai sinh: viết đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.
4. Bí danh: viết các bí danh đã dùng.
5. Ngày, tháng, năm sinh: viết đúng ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh. Nếu không còn giấy khai sinh thì khai theo giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc theo các giấy tờ cần thiết khác chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại điều kiện theo quy định tại điều 29 Bộ luật dân sự.
6. Nơi sinh: Viết rõ thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, quận, thành phố theo tên hiện hành của hệ thống hành chính Nhà nước nơi cấp giấy khai sinh.
7. Quê quán: là nơi sinh sống của ông, bà nội, cha đẻ, trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ). Viết địa chỉ như chỉ tiêu 06 nêu trên.
8. Nơi ở hiện nay: là nơi đăng ký trong sổ hộ khẩu. Viết địa chỉ như chỉ tiêu 06 nêu trên. Nếu bản thân hiện nay đang tạm trú ở đâu thì viết thêm địa chỉ nơi tạm trú.
9. Dân tộc: viết tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường...(nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài).
10. Tôn giáo: trước khi vào Đảng theo tôn giáo nào thì ghi rõ: đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo...ghi cả chức sắc trong tôn giáo (nếu có), không theo đạo nào thì ghi “không”.
11. Nghề nghiệp của bản thân hiện nay: viết rõ: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, nhân viên, thợ thủ công, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp...; nếu sống phụ thuộc gia đình thì ghi là học sinh, sinh viên hoặc chưa có việc làm.
12. Trình độ hiện nay:
- Giáo dục phổ thông: viết rõ đã học xong lớp mấy hệ 10 hay 12 năm, chính quy hay bổ túc văn hoá (ví dụ: 8/10 chính quy; 9/10 bổ túc văn hoá).
- Chuyên môn, nghiệp vụ, học vị, học hàm: đã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật gì thì viết theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, học chính quy hay tại chức. Cụ thể như sau:
+ Chuyên môn, nghiệp vụ: viết theo bằng cấp về chuyên môn nghiệp vụ (ví dụ: Công nhân kỹ thuật hàn bậc 3, Trung cấp Thú y, Cao đẳng Sư phạm, Đại học nông nghiệp...).
+ Học vị: viết rõ học vị theo bằng cấp về chuyên môn kỹ thuật (ví dụ: Tiến sỹ Toán học, Thạc sỹ Triết học, Cử nhân Luật, Kỹ sư cơ khí, Bác sỹ Ngoại khoa...theo đúng văn bằng) nếu có nhiều bằng thì ghi tất cả.
+ Học hàm: là danh hiệu được Nhà nước phong như: Giáo sư, Phó Giáo sư.
- Lý luận chính trị: viết theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân, hệ chính quy hay tại chức. Nếu đã học xong chương trình 2 năm ở trong nước trước đây, ở Liên Xô (cũ) và một số nước xã hội chủ nghĩa khác thì viết là cao cấp. Nếu đã học ở các trường đại học trong nước viết theo quy định của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.
 - Ngoại ngữ: viết theo văn bằng hoặc chứng nhận đã được cấp: Đại học Anh ngữ, Pháp ngữ, Nga ngữ...(nếu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ). Đối với hệ bồi dưỡng ngoại ngữ thì ghi là: Anh, Pháp, Nga...trình độ A, B, C, D.
13. Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đoàn (chi đoàn, đoàn cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).
14. Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất (nếu có): viết rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).
15. Ngày và nơi công nhận chính thức lần thứ nhất (nếu có): Viết như chỉ tiêu 14.
16. Người giới thiệu vào Đảng lần thứ nhất (nếu có): viết rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác từng người lúc giới thiệu mình vào Đảng, nếu ban chấp hành đoàn cơ sở giới thiệu thì viết rõ tên đoàn thanh niên cơ sở và tổ chức đoàn thanh niên cấp trên trực tiếp.
17. Lịch sử bản thân: tóm tắt quá khứ từ thời niên thiếu cho đến ngày tham gia hoạt động xã hội (như ngày vào Đoàn thanh niên, nhập ngũ), ngày thoát ly hoặc ngày vào hoạt động trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.
18. Những công tác, chức vụ đã qua: viết đầy đủ, rõ ràng, liên tục 9theo tháng) từ khi tham gia hoạt động xã hội đến nay, từng thời gian làm việc gì? ở đâu? Giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học, xã hội...(viết cả thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, tái ngũ, bị bắt, bị tù, bị đứt liên lạc hoặc không hoạt động nếu có...)
19. Đặc điểm lịch sử: Viết rõ lý do bị ngừng sinh hoạt đảng (nếu có); có bị bắt, bị tù không (do chính quyền nào, từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu). Có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, đặt trụ sở ở đâu?).
20. Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: viết rõ đã học những lớp lý luận chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ nào, theo chương trình gì; cấp nào mở, tên trường, thời gian học, ở đâu; học chính quy hay tại chức; tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.
21. Đi nước ngoài: viết rõ thời gian từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào, đi nước nào, nội dung đi; do cấp nào cử đi.
22. Khen thưởng: viết rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng (từ bằng khen trở lên), cấp nào quyết định; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo ưu tú...
23. Kỷ luật: viết rõ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật (về kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên). Cấp nào quyết định.
24. Hoàn cảnh gia đình: Viết rõ những người chủ yếu trong gia đình như:
- Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ), cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng), vợ hoặc chồng: Viết rõ: họ và tên, năm sinh, quê quán; chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị của từng người qua các thời kỳ:
+ Về hoàn cảnh kinh tế từng người: Viết rõ thành phần giai cấp trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954 (ở miền Bắc) hoặc trong cải tạo nông, công, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh thành phố phía Nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản...(nếu có sự thay đổi thành phần giai cấp cần nói rõ lý do). Nếu thành phần gia đình chưa được quy định ở các thời điểm nêu trên và hiện nay thì viết như nội dung hướng dẫn ở chỉ tiêu 11 nêu trên. Nguồn thu nhập, mức sống của gia đình hiện nay (viết tại thời điểm kê khai, bao gồm: Tổng thu nhập của hộ gia đình (trong 01 năm): gồm lương, các nguồn thu khác của bản thân và của các thành viên cũng sinh sống chung trong một hộ gia đình về kinh tế. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh (viết rõ ngồn gốc: được cấp, đựoc thuê, tự mua, xây dựng, nhà đất thừa kế...tổng diện tích) của bản thân và của các thành viên khác cũng sinh sống chung trong một hộ gia đình (thành viên nào đã ra ở riêng thì không khai ở đây). Hoạt động kinh tế: Viết rõ kinh tế cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, chủ trang trại...số lao động thuê mướn. Những tài sản có giá trị lớn: Viết những tài sản của bản thân và hộ gia đình có giá trị 50 triệu đồng trở lên.).
+ Về thái độ chính trị của từng người: Viết rõ đã tham gia tổ chức cách mạng, làm công tác gì, giữ chức vụ gì? Tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái nào... của đế quốc hoặc chế độ cũ; hiện nay, những người đó làm gì? ở đâu? Nếu chết thì ghi rõ lý do chết, năm nào? Tại đâu?
-   Anh, chị, em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng); các con: Viết rõ họ tên, năm sinh (tuổi), chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị qua các thời kỳ như trên.
-   Đối với ông, bà, nội ngoại, chú bác cô dì cậu ruột: viết rõ họ tên, tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp và thái độ chính trị qua các thời kỳ của từng người như trên.
25. Tự nhận xét: Viết những ưu, khuyết điểm chính của bản thân về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ quần chúng từ khi phấn đấu và Đảng đến nay; sự tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác đối với bản thân như thế nào?
26. Cam đoan và ký tên: Viết “Tôi cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng và chịu trách nhiệm trước Đảng về những điều đã khai trong lý lịch”; viết rõ ngày, tháng, năm, ký tên, ghi rõ họ tên.
27. Nhận xét của chi uỷ chi bộ: Cần nêu rõ bản lý lịch đã khai đúng sự thật chưa? Không đúng ở điểm nào? Có vi phạm tiêu chuẩn lịch sử chính trị không? Quan điểm, lập trường, chính trị của người vào Đảng, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống và quan hệ quần chúng...của người xin vào Đảng thế nào?
28. Chứng nhận của cấp uỷ cơ sở: Sau khi đã có kết quả thẩm tra, xác minh làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc còn nghi vấn trong nội dung lý lịch của người xin vào Đảng; tập thể cấp uỷ cơ sở xem xét, kết luận thì đồng chí bí thư cấp uỷ viết rõ: “chứng nhận lý lịch của đồng chí...khai tại đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ sở... là đúng sự thực; không (hoặc có) vi phạm lịch sử chính trị của người vào Đảng theo Quy định 75 – QĐ/TW, ngày 25/4/2000 của Bộ Chính trị khoá VIII; có đủ (hoặc không đủ) điều kiện về lịch sử chính trị để xem xét kết nạp đồng chí ...vào Đảng”. Viết rõ ngày, tháng, năm, chức vụ, ký tên, họ và tên đóng dấu của cấp uỷ cơ sở. Trường hợp cấp uỷ cơ sở không có con dấu, thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp xác nhận chữ ký của Bí thư cấp uỷ cơ sở, ghi rõ chức vụ, ký tên, đóng dấu của cấp uỷ.
29. Chứng nhận của cấp uỷ, tổ chức đảng...nơi đến thẩm tra lý lịch người vào Đảng:
- Chứng nhận của Ban Thường vụ hoặc của Ban Chấp hành đảng bộ cơ sở nơi đến thẩm tra:
Viết những nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu, đã được tập thể cấp uỷ thống nhất; đồng chí thay mặt cấp uỷ ký tên, ghi rõ chức vụ, họ tên và đóng dấu của cấp uỷ.
- Chứng nhận của cơ quan tổ chức hoặc của cấp uỷ cấp trên cơ sở (nếu có):
Viết những nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào đảng do cấp uỷ nơi có người xin vào Đảng yêu cầu, đã được tập thể cấp uỷ hoặc Ban Tổ chức thống nhất; đồng chí đại diện cấp uỷ hoặc của Ban Tổ chức ký tên, ghi rõ chức vụ, họ tên và đóng dấu của cấp uỷ hoặc của Ban Tổ chức.           

PHỤ CẤP CƠ QUAN ĐẢNG, ĐOÀN THỂ

         BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG       ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
                      BAN TỔ CHỨC
                                  *                                   Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2011
                     Số: 05-HD/TCTW

HƯỚNG DẪN
thực hiện một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức
cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và tiền lương
của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
---

- Căn cứ Quyết định số 78-QĐ/TW, ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương;
- Căn cứ kết luận tại Thông báo số 13-TB/TW, ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là Thông báo số 13-TB/TW);
- Sau khi trao đổi, thống nhất với Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức và người lao động công tác trong cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và chế độ tiền lương của Hội Cựu chiến binh Việt Nam (quy định tại điểm 1, 3, 4, 5, 6 Thông báo số 13-TB/TW), cụ thể như sau :
I. PHỤ CẤP CÔNG TÁC ĐẢNG, ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
1- Phạm vi và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn này quy định về chế độ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế được giao, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm :
- Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng: văn phòng, tổ chức, dân vận, tuyên giáo, đối ngoại và các đảng uỷ trực thuộc từ Trung ương đến cấp huyện.
- Các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện.
- Các cơ quan Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
b) Đối tượng áp dụng
- Cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm a, khoản 1, Mục I của Hướng dẫn này.
- Cán bộ, công chức và người lao động công tác ở ủy ban kiểm tra các cấp chưa được hưởng và không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm (12 tháng) trở lên trong cơ quan của đảng, đoàn thể chính trị - xã hội đã được xếp lương theo các bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
c) Đối tượng không áp dụng 
- Cán bộ, công chức và người làm chuyên trách công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, lực lượng vũ trang.
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp của Đảng; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.
- Cán bộ, công chức nghỉ chờ đủ tuổi để nghỉ hưu theo Nghị định số 67/2010/NĐ-CP, ngày 15-6-2010 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
- Cán bộ, công chức giữ chức vụ bầu cử, bổ nhiệm có lương chức vụ từ 9,70 trở lên hoặc có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 1,20 trở lên.
- Cán bộ, công chức công tác ở cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp đang hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề, hoặc phụ cấp trách nhiệm nghề và phụ cấp thâm niên nghề.
- Người được xếp lương theo cấp hàm cơ yếu.
2- Mức phụ cấp: Bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
3- Nguyên tắc thực hiện
a) Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
b) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp bao gồm :
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c) Khi thôi công tác (làm việc) ở cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) thì thôi hưởng phụ cấp từ tháng tiếp theo.
II. PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ
1- Cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) được hưởng phụ cấp trách nhiệm như sau :
- Mức 0,5 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ Ban Tổ chức Trung ương và lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương phụ trách công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Mức 0,3 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thuộc phòng bảo vệ chính trị nội bộ ban tổ chức các tỉnh ủy, thành uỷ và lãnh đạo ban tổ chức các tỉnh ủy, thành uỷ phụ trách Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ.
- Mức 0,2 của mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với 01 cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ cấp huyện; riêng các quận, huyện thuộc TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không quá 03 cán bộ, công chức.
2- Phụ cấp trách nhiệm công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; khi thôi làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thì thôi hưởng phụ cấp trách nhiệm từ tháng tiếp theo.
III. PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO
1- Đối với chức danh phó trưởng đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương (trừ chức danh Bí thư Trung ương Đoàn); phó bí thư các tỉnh uỷ, thành uỷ (trừ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh), phó bí thư đảng ủy trực thuộc Trung ương hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,30.
2- Đối với chức danh phó trưởng các ban đảng ở Trung ương đã giữ chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương (trừ TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 1,40.
IV. TIỀN LƯƠNG CỦA CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
1- Cán bộ giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) chuyên trách Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) hằng tháng được hưởng 100% của “mức lương chuẩn” (Bảng 7 ban hành kèm theo Quyết định số 128-QĐ/TW, ngày 14-12-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, mặt trận và các đoàn thể) cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo bằng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp.
2- Cán bộ được bầu tái cử hoặc được tái bổ nhiệm cùng chức vụ từ nhiệm kỳ thứ hai (đủ 60 tháng) được hưởng thêm 5% “mức lương chuẩn” của chức danh đảm nhận.
3- Cán bộ là bộ đội phục viên, xuất ngũ chưa hưởng trợ cấp một lần thì được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Nguồn kinh phí chi trả chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được sử dụng từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 theo quy định. Từ năm 2012 trở đi, nguồn kinh phí chi trả chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
2- Chế độ lương và phụ cấp quy định tại Hướng dẫn này được hưởng từ ngày 01-01-2011.
3- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Hướng dẫn này.
4- Các quy định trước đây trái với Hướng dẫn này đều bãi bỏ.
Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giải quyết.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
(đã ký)
                                                                                             Nguyễn Văn Quynh
 --------------------------------------

Bảng 7
BẢNG MỨC LƯƠNG CHUẨN
Áp dụng đối với các chức vụ lãnh đạo
Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện
(Ban hành kèm theo Quyết định số 128-QĐ/TW, ngày 14-12-2004
 của Ban Bí thư Trung ương Đảng)

Đơn vị tính: 1.000 đồng
STT
Chức danh
Mức lương chuẩn
Mức lương thực hiện 01/10/2004
Ngạch, bậc
Hệ số
   1
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Bậc 2 Chuyên viên cao cấp
6,56
1.902,4
2
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam
Bậc 1 Chuyên viên cao cấp
6,20
1.798,0
3
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Bậc 4 Chuyên viên chính
5,42
1571,8
4
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố còn lại
Bậc 3 Chuyên viên chính
5,08
1.473,2
5
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
Bậc 2 Chuyên viên chính
4,74
1.374,6
6
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố còn lại
Bậc 1 Chuyên viên chính
4,40
1.276,0
7
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đô thị loại III, quận thuộc thành phố Hà Nội, quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Bậc 5
 Chuyên viên
3,66
1.061,4
8
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, thị xã và quận còn lại;
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Đô thị loại III, quận thuộc thành phố Hà Nội, quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Bậc 4
 Chuyên viên
3,33
956,7
9
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, thị xã và quận còn lại
Bậc 3
 Chuyên viên
3,00
870,0
______________
          Ghi chú:
            1- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đang hưởng lương hưu, được hưởng bằng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp  chức vụ lãnh đạo (1,50).
            2- Trưởng ban, Phó trưởng ban và tương đương thuộc cơ quan Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đang hưởng lương hưu được hưởng bằng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp  chức vụ lãnh đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
            3- Trưởng ban, Phó trưởng ban và tương đương thuộc Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội,  Thành phố Hồ Chí Minh đang hưởng lương hưu được hưởng bằng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp  chức vụ lãnh đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
4- Trưởng ban, Phó trưởng ban và tương đương thuộc Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang hưởng lương hưu được hưởng bằng 90% mức lương chuẩn và phụ cấp  chức vụ lãnh đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận, huyện, thị xã còn lại.

-----------------------------------------


Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

BIỂN ĐÔNG VÀ LỢI ÍCH KINH TẾ


Lợi ích kinh tế từ Biển Đông

Để đạt mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta.
Kỳ I: Tiềm năng kinh tế của Biển Đông
Biển Đông Biển Đông nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là vùng biển nằm giữa các nước: Trung Quốc ở phía Bắc, Philippines ở phía Đông, Malaysia, Brunei và Indonesia ở phía Nam, Việt Nam ở phía Tây. Biển Đông có nhiều đảo và bãi đá ngầm, tạo thành 4 quần đảo chính:  quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Trung Sa (Macclesfield) – theo cách gọi của Trung Quốc; quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và quần đảo Trường Sa (Spratly) - theo cách gọi của Việt Nam. Đây là khu vực có sự tranh chấp chủ quyền khá phức tạp giữa các nước: Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa (do Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam năm 1974); Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei tranh chấp chủ quyền một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Điều vô lý và trắng trợn là, từ ngày 7/5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên công khai tuyên bố bản đồ 9 đoạn đứt khúc, còn gọi là “đường lưỡi bò”, vốn được chính quyền Quốc Dân Đảng vẽ ra năm 1947, hòng nuốt 80% diện tích cả Biển Đông.
Căn cứ các bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), nước ta có chủ quyền và trên thực tế, đang tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, vận tải hàng hóa và du lịch, nghiên cứu khoa học trên vùng biển thuộc chủ quyền khoảng trên 1 triệu km2, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Biển Đông có ý nghĩa chiến lược với nhiều nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, là tuyến hàng hải đi qua eo Malacca với trên 60% tổng lượng vận chuyển năng lượng và nguyên liệu bằng đường biển của thế giới. Khối lượng vận tải dầu và khí hóa lỏng đi qua eo Malacca gấp 3 lần qua kênh đào Suez và gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Nhật Bản mỗi năm có hàng trăm triệu tấn hàng hóa nhập và xuất khẩu được vận chuyển qua tuyến hảng hải này (trong đó có 70 - 80% năng lượng và khoáng sản nhập khẩu). Tuyến hàng hải này cũng có tầm quan trọng đối với Hàn Quốc, Đài Loan, ngày càng quan trọng hơn đối với Trung Quốc. Vì vậy, Biển Đông dễ phát sinh điểm nóng và là vấn đề nhạy cảm.
Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Trên vùng biển Việt Nam, hiện đã biết tới 35 loại khoáng sản (nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý…). Trữ lượng dầu khí khu vực Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) được đánh giá rất khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ (USGS 1993 -1994) dự báo, trữ lượng dầu khí khu vực Biển Đông khoảng 28 tỷ thùng dầu và khí (quy dầu); Các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc dự báo trữ lượng khoảng 105 - 231 tỷ thùng. Gần đây, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng, Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ m3 khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc.
Cũng có những đánh giá kém lạc quan hơn. “Quỹ nghiên cứu Biển Đông”cho rằng, đặc điểm địa chất khu vực này làm cho “vùng phía Bắc của Biển Đông do sụt lún trong Kỷ Đệ Tứ quá nhanh, nên không thể hình thành được dầu khí. Khu vực phía Nam lý tưởng hơn, với các nguồn dầu khí chủ yếu nằm trong các khối đá gốc granite với tầng chắn là trầm tích Oligocene và Miocene. Các dạng dầu khí này cũng thuộc dạng rất khó khai thác và nhiều công ty dầu khí đã phải rút lui, nhất là với các lô dầu khí nằm ở phía Bắc của khu vực này”. (BBC - 12/6/2011)
Biển Đông là vùng biển có trữ lượng hải sản lớn. Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, có 11.000 loài sinh vật cư trú trong 20 hệ sinh thái thuộc 6 vùng đa dạng sinh học, với trên 2.000 loài cá, 230 loài tôm…, trữ lượng hải sản  khoảng 5 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm 1,5 - 2 triệu tấn, triển vọng nuôi trồng thủy sản rất khả quan.
Vùng biển Việt Nam có nhiều vịnh nổi tiếng thế giới, như Hạ Long, Văn Phong, Nha Trang. Cam Ranh, 2.779 đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như Phú Quốc có diện tích hơn 542 km2 ( rộng hơn diện tích của Singapore). Đảo Phú Quý, Đảo Côn Sơn được coi là những “hạm đội nổi” giữa biển. Hiện có 90 cảng biển, khoảng 100 địa điểm có thể xây dựng cảng biển, trong đó có cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển, trong đó có 20 bãi biển có cảnh quan đẹp là tiềm năng lớn để phát triển du lịch quốc tế.
Ngoài ra, có thể kể đến những lợi ích kinh tế khác, như phát triển năng lượng gió ở ven biển và trên các đảo, năng lượng từ thủy triều, nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Tháng 2/1992, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Bộ luật Lãnh hải, toàn bộ Biển Đông được coi là thuộc lãnh thổ chủ quyền của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Bộ Luật này xác định các “quyền lịch sử của Trung Quốc” đối với Biển Đông, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông:
- Về lợi ích địa - chiến lược: bảo đảm đường giao thông huyết mạch trên Biển Đông, nắm giữ điểm khống chế khu vực Đông Nam Á;
- Về dầu khí: khai thác dầu khí bảo đảm năng lượng cho sự phát triển của Trung Quốc;
- Về nghề cá: bảo đảm ngư trường lớn cho các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.
Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất phát từ quan điểm về Biển Đông trong Bộ luật này.
Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, thứ ba thế giới về thương mại quốc tế, sau Mỹ và Đức. Hiện 60% hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua tuyến hàng hải này. Hàng năm, Trung Quốc khai thác nhiều triệu tấn hải sản ở Biển Đông, do đó, vùng biển này có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong điều kiện các nước công nghiệp phát triển đã phân chia thị trường thế giới, là nước đi sau, Trung Quốc tận dụng lợi thế từ dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD và tầm ảnh hưởng của mình để thâm nhập các thị trường cũ, khai thác thị trường mới nhằm thỏa mãn nhu cầu năng lượng và nguyên liệu gia tăng nhanh của nước này.
Năm 2009, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất từ Trung Đông. Năm 2010, Trung Quốc sử dụng 439 triệu tấn dầu thô, tăng 13,1% so với năm 2009, lập kỷ lục mới về tốc độ tăng kể từ năm 2005, trong đó, 260 triệu tấn (chiếm tỷ lệ 55%) được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Đông và Bắc Phi. Trong bối cảnh khu vực này đang xảy ra bất ổn về chính trị và triển vọng không mấy sáng sủa, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc Trần Canh cảnh báo: “Những bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc. Nếu bất ổn kéo dài, thì Trung Quốc sẽ hứng chịu nhiều tổn thất”, bởi “nguồn dự trữ chỉ đủ dùng trong mươi mười lăm ngày một khi có cuộc khủng hoảng về nguồn cung xảy ra”.
Do vậy, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông, để giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu. Mạng Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ nước này đầu tư 30 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho các dự án thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông.
Cuối năm 2010, Công ty Dầu lửa ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và BG Group PLC (Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở độ sâu gần 1.400 m, ở phía Nam đảo Hải Nam. CNOOC và Husky Energy Inc (Canada) dự kiến triển khai dự án khai thác vào năm 2013, sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000 m so với mặt biển. Dự án đầu tư của BP, CNOOC và Công ty Thăm dò khai thác dầu lửa nước ngoài của Kuwait trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu, phục vụ các trạm phát điện của Hongkong (mỗi năm, sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt).
Theo báo The Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ngày 13/6/2011, Trung Quốc đã chi hơn 900 triệu USD và mất hơn 3 năm để xây dựng giàn khoan có tên “Dầu khí Hải dương 981”, mà báo Mainichi (Nhật Bản) gọi là “tàu sân bay dầu khí”, được coi là một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất thế giới hiện nay, đã được triển khai từ cuối tháng 5/2011 ở biển Hoa Đông, dưới sự hộ tống của các tàu bảo vệ và tàu lai dắt để thử nghiệm trước khi chuyển đến Biển Đông, chi phí hoạt động cho giàn khoan này có thể lên tới 1 triệu USD/ngày
Kỳ II: Bảy kiến nghị khai thác lợi thế địa - chiến lược
Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2007 đã đề ra chủ trương và định hướng phát triển kinh tế biển, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Trên cơ sở đó, một số văn bản pháp quy như Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đã được ban hành, nhiều đề án, chương trình có liên quan đến kinh tế biển đang được tiến hành từ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đến quản lý và bảo vệ nguồn lợi về biển, hợp tác quốc tế, đã thu được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, như xuất khẩu thủy sản tăng khá nhanh trong 5 năm gần đây; 5 tháng đầu năm 2011 đạt 2,13 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; các tỉnh ven biển với những khu nghỉ dưỡng hiện đại, tour du lịch hấp dẫn với khách quốc tế, cộng đồng dân cư đã có ý thức hơn đối với khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước đã có chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để thực hiện mục tiêu đã đề ra cho năm 2020.
Tại Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam năm 2011, được tổ chức vào ngày 8/6 ở Nha Trang trong khuôn khổ “Tuần lễ biển Việt Nam”, nhiều nhà khoa học cho rằng, để đạt được mục tiêu năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu, cải thiện đời sống dân cư vùng biển và ven biển, bảo đảm an sinh xã hội, thì cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác lợi thế địa - chiến lược của nước ta, gắn với đổi mới thể chế theo hướng tiếp cận thể chế tối ưu, để tạo ra không gian sinh tồn, không gian phát triển lâu dài và bền vững cho dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó kiến nghị:
Thứ nhất, điều chỉnh để bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội của các cảng biển (trung bình cứ 40 - 50 km có 1 cảng), 15 khu kinh tế đã được cấp phép ở các tỉnh ven biển, để tránh “hội chứng khu kinh tế”; những khu kinh tế chưa triển khai, thì nên dừng lại, chưa nên có thêm khu kinh tế mới để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí đất đai. Đánh giá khách quan các khu nghỉ dưỡng ven biển, tránh tình trạng chiếm đất, thu hồi những dự án quá chậm triển khai, bảo đảm lợi ích cộng đồng trong việc sử dụng bờ biển.
Thứ hai, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển hợp lý, giải quyết các xung đột lợi ích. Ví dụ, khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản, phát triển du lịch biển với bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái động thực vật biển. Từ đó, hình thành quy hoạch tổng hợp và thống nhất đối với biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện.
Thứ ba, xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng biển và đảo ở cấp tỉnh, áp dụng hệ tiêu chí đánh giá môi trường biển và hiệu quả kinh tế - xã hội về biển, có tính đến giải pháp ứng phó biến đổi khi hậu và mực nước biển dâng cao, từ đó tăng thêm nguồn lực và phân bố hợp lý nguồn lực cho các vùng kinh tế, từng địa phương, chấm dứt tình trạng khai thác tự phát lãng phí tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển.
Thứ tư, nâng cao hiệu năng quản lý nhà nước về biển theo hướng quản lý tổng hợp vùng bờ biển bằng cơ chế, chính sách liên ngành, vùng kinh tế, quy hoạch không gian theo hướng phát triển bền vững của các vùng chức năng; nhằm đến năm 2020, 28 địa phương ven biển áp dụng phương thức quản lý tổng hợp vùng bờ biển. Thực hiện phân chia ranh giới vùng biển và phân cấp quản lý biển cho chính quyền tỉnh, giao mặt nước biển cho cộng đồng sử dụng, tự quản lý dưới sự hướng dẫn và giảm sát của Nhà nước.
Thứ năm, tiếp cận phương thức quản lý không gian biển trong quản lý biển, đảo thông qua mô hình thực nghiệm và nhân rộng, quản lý tài nguyên và môi trường biển dựa vào cộng đồng; có cơ chế, chính sách và bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư, để họ chủ động tham gia quản lý biển, đảo.
Thứ sáu, coi trọng 3 nhân tố cơ bản trong kinh tế biển: công khai hóa thông tin cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, dân cư về những vấn đề có liên quan đến biển, đảo, chủ quyền quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và quản lý nhà nước theo hướng phát triển bền vững bằng cơ chế, chính sách thích ứng với trình độ phát triển kinh tế biển để khai thác mọi nguồn lực, bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chiến lược kinh tế biển.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế, nhất là với các nước ASEAN, với các nước có lợi ích ở Biển Đông, coi trọng phương châm “cân bằng quyền lực” trong khu vực để xử lý các tranh chấp chủ quyền và các sự kiện gây căng thẳng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và xung đột lợi ích.
Thực hiện thành công Chiến lược Kinh tế biển đến năm 2020, không những góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa nước ta trở thành nước về cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, mà còn nâng cao đáng kể vị thế địa - chiến lược của nước ta trong khu vực: “Trước mặt Thái Bình Dương sóng vỗ/Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng/Chúng ta đứng thẳng hiên ngang/Sáng ngời một ngọn hải đăng hòa bình” - Tố Hữu.
                                 
GS. TSKH Nguyễn Mại