Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

QUY ĐỊNH 288-QĐ/TW, 08-02-2010 VỀ TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG DN CÓ DƯỚI 50% VỐN NHÀ NƯỚC

Quy định số 288-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư
về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở
trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,
trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống (gọi chung là công ty)

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khoá X);
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp,
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống như sau:
I- CHỨC NĂNG
Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng và tuyên truyền, vận động các thành viên trong công ty thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; tham gia xây dựng và lãnh đạo công ty phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm lợi ích hợp pháp của công ty, các cổ đông và người lao động, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
 II- NHIỆM VỤ
Điều 2. Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, an ninh, quốc phòng
1- Căn cứ vào điều lệ, các quy chế, quy định của công ty, cấp uỷ thông qua cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên được uỷ quyền quản lý phần vốn của Nhà nước và các đảng viên trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của công ty để nắm tình hình, chủ động tham gia với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) trong việc xây dựng nghị quyết về chiến lược đầu tư, phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty...
2- Cấp uỷ lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện có hiệu quả nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) và các nhiệm vụ được giao theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn của công ty, của Nhà nước; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty, cổ đông và người lao động. Lãnh đạo, vận động các thành viên trong công ty thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giữ gìn trật tự an toàn trong công ty.
3- Phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc)... lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế, quy định của công ty; thực hiện chế độ thông tin và đảm bảo quyền được thông tin của đảng viên; phát huy vai trò làm chủ của người lao động, đoàn kết đảng viên, quần chúng vì mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của công ty; ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục những biểu hiện vi phạm pháp luật làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, công ty, cổ đông và người lao động.
4- Cấp uỷ chủ động đề xuất với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và lãnh đạo đảng viên, người lao động tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng
1- Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng trong công ty hiểu và tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; phát huy truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân; nâng cao giác ngộ giai cấp, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của người lao động; xây dựng tinh thần làm chủ, tình đoàn kết, hợp tác, tương trợ, giúp đỡ giữa các thành viên trong công ty.
2- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong công ty rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong công ty để phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) giải quyết.
Điều 4. Lãnh đạo các đoàn thể chính trị-xã hội
1- Lãnh đạo xây dựng các đoàn thể chính trị-xã hội trong công ty vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của mỗi đoàn thể; tạo điều kiện để người lao động tham gia các đoàn thể quần chúng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
2- Lãnh đạo ban chấp hành công đoàn phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) thực hiện tốt các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), hội nghị người lao động, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty, thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động theo pháp luật.
Điều 5. Về công tác tổ chức, cán bộ
1- Cấp uỷ chủ động tham gia ý kiến với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) về chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy quản lý công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách cán bộ.
2- Cấp uỷ đề xuất, kiến nghị với cấp trên về người đại diện phần vốn của Nhà nước trong công ty; chủ động giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch, tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý của công ty.
3- Xây dựng cấp uỷ và đội ngũ cán bộ đoàn thể có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.
Điều 6. Xây dựng tổ chức đảng
1- Cấp uỷ đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của công ty.
2- Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu; lãnh đạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất nội bộ, thực hiện đúng các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh khắc phục những biểu hiện tiêu cực trái với đạo đức, tư cách của người đảng viên, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
3- Cấp uỷ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên; xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên; thực hiện việc giới thiệu đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với đảng uỷ, chi uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4- Thường xuyên chăm lo công tác tuyên truyền, phát triển đảng viên. Chú trọng phát triển đảng viên trẻ trong công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của công ty, trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
5- Cấp uỷ thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm. Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo của tổ chức đảng, trách nhiệm và vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
6- Xây dựng cấp uỷ có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu cho đảng bộ, chi bộ, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm. Bí thư cấp uỷ nên là thành viên hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) hoặc đủ điều kiện để có thể giới thiệu tham gia vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của công ty.
 III- QUAN HỆ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ VỚI HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN), TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC) VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN
Điều 7. Đối với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc)
1- Đảng bộ, chi bộ, cấp uỷ lãnh đạo tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp để hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao. Hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để đảng bộ, chi bộ thực hiện Quy định này. Cấp uỷ chủ động phối hợp với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) xây dựng và lãnh đạo thực hiện điều lệ công ty, các quy định, quy chế phối hợp, trong đó xác định rõ mối quan hệ công tác, bảo đảm vai trò lãnh đạo chính trị của tổ chức đảng, chức năng tập hợp, vận động, giáo dục quần chúng của các đoàn thể quần chúng, chức năng quản lý của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) và chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh của tổng giám đốc (giám đốc).
2- Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ chủ động trao đổi với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) về việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng; ý kiến của cán bộ, đảng viên, người lao động về việc thực hiện nhiệm vụ và các chính sách, chế độ trong công ty. Hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) trao đổi với cấp uỷ về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty và phương hướng, nhiệm vụ sắp tới để cấp uỷ hoặc đảng bộ, chi bộ thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện. Đảng viên là thành viên hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) phải báo cáo với cấp uỷ về những nội dung trên để cấp uỷ lãnh đạo thực hiện.
3- Cấp uỷ tôn trọng các quyết định của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) theo quy định của pháp luật, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; khi thấy quyết định chưa đúng thì trao đổi với hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc), nếu không thống nhất thì báo cáo lên cấp uỷ cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (quản lý vốn, cấp phép và đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm) để xem xét, giải quyết.
4- Bí thư cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị-xã hội trong công ty; chủ tịch hội đồng quản trị (hội đồng thành viên), tổng giám đốc (giám đốc) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng (nếu là đảng viên) khi để xảy ra các vi phạm chính sách, pháp luật, tham nhũng, lãng phí trong tổ chức hoạt động của công ty; trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động và các tiêu cực khác.
Điều 8. Đối với các đoàn thể chính trị-xã hội
Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ làm việc với các đoàn thể, nắm tình hình hoạt động của từng đoàn thể để có chủ trương biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Điều 9. Đối với các tổ chức có liên quan
Đảng bộ, chi bộ trong công ty chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp uỷ cấp trên trực tiếp (hoặc tổ chức đảng được uỷ quyền) về mọi mặt; xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, với cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi công ty đóng và nơi có đảng viên của công ty cư trú để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2- Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đảng bộ chi bộ cơ sở trong công ty xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy định này thay thế Quy định số 140-QĐ/TW, ngày 16-5-2005 của Ban Bí thư (khoá IX), có hiệu lực kể từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện.

T/M BAN BÍ THƯ

(đã ký)

  Trương Tấn Sang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét